07-08-2014
Đại sứ
Mỹ David Shear, khi trả lời phỏng vấn trực tuyến tại VnExpress, cho
biết Mỹ đang cân nhắc về việc bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, đồng
thời cũng khẳng định các nước Việt, Trung, Mỹ xây dựng quan hệ tốt với
nhau thì mới có hòa bình, ổn định.
- Thưa ngài Đại sứ, trước hết, cho phép tôi và nhân dân Việt Nam
cám ơn ngài về những đóng góp to lớn của ngài trong mối quan hệ hai nước
thời gian qua. Tôi xin phép được hỏi ngài là Mỹ và Việt Nam có thể nâng
tầm quan hệ song phương từ đối tác toàn diện lên đối tác chiến lược
không và nếu có thì khi nào? Xin cảm ơn ngài! (tran ngoc dong, 30 tuổi)
Xin cảm ơn bạn. Chúng tôi luôn sẵn sàng để nâng cấp mối quan hệ với
Việt Nam. Tôi nghĩ là chúng ta đã có một mối quan hệ đối tác vững mạnh
được thiết lập khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sang thăm Mỹ vào tháng 7
năm ngoái.
Chúng tôi rất mong được tiếp tục làm việc với chính phủ Việt Nam để
nâng cấp quan hệ. Chúng tôi sẽ kiên nhẫn và mong muốn tiếp tục phát
triển mối quan hệ này trong thời gian tới.
Đại sứ Mỹ David Shear trả lời phỏng vấn các câu hỏi của độc giả tại tòa soạn VnExpress chiều nay. |
An ninh quốc phòng
- Thưa Ngài David Shear, mục đích của việc Mỹ bán hoặc chuyển giao vũ khí sát thương cho Việt Nam là gì?
Nếu Việt Nam vẫn kiên quyết giữ đường lối không đứng về nước lớn
nào với Nga, Trung Quốc hoặc với Mỹ để chống lại một nước lớn khác thì
chính sách của Mỹ với Việt Nam sẽ như thế nào? (Nguyễn Hữu)
Mỹ luôn mong muốn Việt Nam là nước vững mạnh, thịnh vượng và độc lập.
Vì thế, bất kỳ điều gì đóng góp vào mục tiêu đó chúng tôi đều ủng hộ.
Hiện nay đang có lệnh cấm của Mỹ về bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.
Tuy nhiên, mới đây các nghị sĩ đưa ra ý kiến ủng hộ bán vũ khí cho Việt
Nam. Chúng tôi sẽ cân nhắc và sẽ duy trì liên lạc với Việt Nam về vấn
đề này.
- Ngài Đại sứ đánh giá như thế nào về những hành động của Việt Nam
trước các hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông trong thời gần đây. Xin
cảm ơn Ngài. (Lâm Tùng, 44 tuổi)
Mỹ mong muốn xung đột lãnh thổ trên Biển Đông được giải quyết bằng biện
pháp ngoại giao, hòa bình và tuân thủ luật pháp quốc tế. Chúng tôi ủng
hộ những nỗ lực hòa bình giải quyết tranh chấp trong đó có đưa ra tòa
trọng tài quốc tế hoặc đàm phán giữa các bên liên quan. Chúng tôi mong
muốn các bên không thực hiện hành động gây hấn, từ đó tiến tới Bộ quy
tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) dựa trên cơ sở DOC (2002).
- Nếu như Trung Quốc có những hành động quân sự trên Biển Đông
với các nước láng giềng có cùng tuyên bố chủ quyền, thì Mỹ sẽ có các
biện pháp cụ thể như thế nào? (Phan Hữu Dũng, 36 tuổi, Đà Nẵng)
Đây là một câu hỏi giả định và rất khó để trả lời. Chúng tôi hết sức
quan ngại việc sử dụng vũ lực trên Biển Đông. Chúng tôi mong muốn các
tranh chấp ở đây sẽ được giải quyết một cách hòa bình bằng các biện pháp
ngoại giao, tuân thủ theo luật pháp quốc tế và công ước của Liên Hợp
Quốc.
- Mỹ luôn tuyên bố có lợi ích tại Biển Đông, vậy nước Mỹ cần làm gì
để đảm bảo tự do hàng hải và tự do hàng không tại Biển Đông, khi Trung
Quốc đang tự mình đặt ra các quy định cho vùng biển quốc tế này và có
tin đồn sắp tới định lập vùng nhận dạng phòng không ADIZ tại vùng không
phận quốc tế này. (Vuong Son Thanh, 32 tuổi, Hà Nội)
Ngoại trưởng Mỹ Clinton tháng 7/2010 khi thăm Hà Nội đã tuyên bố duy
trì tự do hàng hải ở Biển Đông là lợi ích có tính chiến lược của Mỹ.
Chúng tôi làm việc chặt chẽ các nước để xử lý và giải quyết các tranh
chấp lãnh thổ thông qua ngoại giao và các phương pháp hòa bình. Chúng
tôi có đối tác ở Hội nghị thượng đỉnh Đông Á, Diễn đàn khu vực ARF ...
Chúng tôi luôn thảo luận với các nước và tăng cường hợp tác đa phương,
song phương trong khu vực để tránh vấn đề không mong muốn.
Một trong những điều thể hiện sự quan tâm mạnh của Mỹ ở khu vực này là
tần suất ngày càng tăng các chuyến thăm của Mỹ với Việt Nam và các nước
khác trong khu vực.
Ông Obama từng có chuyến thăm thành công Malaysia, Philippines trong
năm ngoái. Tháng 12 năm ngoái Ngoại trưởng John Kerry đến thăm Việt Nam.
Và quốc hội Mỹ cũng quan tâm đến Việt Nam. Năm ngoái có 6 chuyến thăm
của thượng nghị sĩ và 10 chuyến thăm của hạ nghị sĩ đến Việt Nam. Tối
nay tôi cũng đón thượng nghị sĩ McCain và thượng nghị sĩ Whitehouse.
- Thưa ngài, tôi được biết thượng nghị sĩ John McCain sắp đến Việt
Nam. Ông có thể cho biết thông tin về chuyến đi và kế hoạch của ông ấy
tại Việt Nam? (Anh Ngọc, 25 tuổi, Cầu Giấy, HN)
Ông McCain sẽ ở Việt Nam trong vài ngày. Trong khuôn khổ chuyến thăm,
ông sẽ gặp những lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam. Tôi có thể nói rằng
ông McCain là một người ủng hộ mối quan hệ Việt - Mỹ và tôi rất cảm ơn
sự ủng hộ này.
Trong chuyến thăm này, ông McCain còn đi cùng một thượng nghị sĩ khác
là Whitehouse. Các nghị sĩ muốn thăm Việt Nam định kỳ để cập nhật tình
hình và từ đó đưa ra những quyết định tốt hơn trong mối quan hệ với Việt
Nam.
- Ngài đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của Việt Nam xét về
góc độ vị trí chiến lược trong khu vực Đông Nam Á cũng như châu Á? Việc
Trung Quốc đưa yêu sách đường lưỡi bò và từng bước thực hiện mưu đồ độc
chiếm Biển Đông ảnh hưởng như thế nào đến lợi ích của Mỹ ở khu vực này? (Trần Ngọc Tình, 35 tuổi)
Như tôi đã nói, ba nước Mỹ, Việt Nam và Trung Quốc có xây dựng quan hệ tốt với nhau thì mới có hòa bình, ổn định ở khu vực.
Chúng tôi muốn nhìn thấy Việt Nam, Trung Quốc và các bên liên quan giải quyết tranh chấp trên Biển Đông một cách hòa bình.
Chúng tôi muốn các bên làm rõ tuyên bố chủ quyền của họ phù hợp với luật pháp quốc tế.
- Ngài dự đoán như thế nào về bước đi tiếp theo của Trung Quốc sau
sự kiện hạ đặt giàn khoan ở gần quần đảo Hoàng Sa? Cảm ơn ngài. (Thanh Mai, 41 tuổi)
Chúng tôi hy vọng các bên có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông làm mọi
điều có thể để giảm căng thẳng, làm rõ tuyên bố chủ quyền trên cơ sở
luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển
(UNCLOS), nỗ lực giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, cũng như thông
qua các biện pháp ngoại giao.
- Khi ông trở thành Trợ lý bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách khu
vực châu Á - Thái Bình Dương, ông sẽ làm gì để ổn định hoà bình cho khu
vực này và hỗ trợ Việt Nam khi Trung Quốc khiêu khích Việt Nam ở Biển
Đông như vừa qua? (Trần Hữu Thanh, 42 tuổi, 143 Hưng Đạo Vương, Biên Hoà, Đồng Nai)
Trung Quốc và Mỹ có quan hệ hợp tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực,
trong đó có quốc phòng. Một trong những việc tôi sẽ làm để giảm căng
thẳng bằng cách cải thiện quan hệ quốc phòng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Mỹ mong muốn thực hiện quan hệ đối tác toàn diện, trong đó
có quốc phòng, với Việt Nam. Quan hệ giữa Mỹ với Việt Nam cũng rất quan
trọng. Do đó, tôi mong sẽ được quay trở lại Việt Nam trên cương vị mới
là Trợ lý bộ trưởng Quốc phòng.
- Thưa ngài, lợi ích kinh tế của Mỹ ở Trung Quốc nhiều hơn là ở
Việt Nam và một số nước Đông Nam Á khác. Điều đó có cản trở gì việc Mỹ
hỗ trợ các nước này duy trì tự do hàng hải ở Biển Đông hay không? Cảm ơn
ngài. (Hồng Hạnh, 28 tuổi, Hà Nội)
Tôi không nghĩ như vậy.
Chúng ta có những mối quan hệ kinh tế chặt chẽ ở khu vực Thái Bình
Dương, có lợi cho chúng ta và đều phục vụ lợi ích chung. Tôi hy vọng
rằng quan hệ kinh tế càng mạnh mẽ giữa các nước sẽ giúp làm giảm căng
thẳng.
Visa
- Tôi được biết Mỹ ngoài các diện định cư có yếu tố bảo
lãnh, hiện tại Mỹ có khuyến khích nhập cư theo chương trình đầu tư, ví
dụ chương trình EB5 thông qua các dự án có sẵn tại Mỹ. Vậy những dự án
này có phải do chính phủ đứng ra thực hiện hay không và chúng tôi có
được đảm bảo an toàn tài chính hay không? Chương trình này có thời hạn
không? (Mộng Uyên, 37 tuổi, Q.12, TPHCM)
Chúng tôi cấp nhiều loại visa nhập cư, trong đó có visa cho các nhà đầu
tư. Mỹ là địa điểm tốt cho mọi người, trong đó có người Việt Nam đầu
tư. Chúng tôi hoan nghênh các hoạt động đầu tư của Việt Nam, hy vọng
người Việt Nam coi Mỹ là nơi an toàn để làm ăn và sinh sống.
* Xem thêm: Nhiều người Việt quan tâm đầu tư định cư tại Mỹ
- Vợ chồng tôi rất muốn du lịch và thăm người thân ở Mỹ nhưng có vẻ
như xin được visa thăm thân là rất khó. Ông nghĩ thế nào về vấn đề này?
Tôi hy vọng là nước Mỹ sẽ nới lỏng điều kiện cấp visa cho công dân Việt
Nam để những người như chúng tôi có cơ hội được đến Mỹ thăm người thân
cũng như du lịch. Xin chân thành cám ơn Đại sứ. (Phạm Đình Quyết, 42 tuổi, 66 Hàng Mã, Hoàn Kiếm, Hà Nội.)
Các tiêu chuẩn mà chúng tôi căn cứ để cấp visa dựa trên luật pháp nước
Mỹ, vì thế rất khó để nới lỏng. Chúng tôi khuyến khích bất kỳ ai đến Mỹ
một thời gian ngắn, bạn có thể nộp visa tại Đại sứ quán ở Hà Nội hoặc
Lãnh sự quán ở Hồ Chí Minh. Nếu muốn tìm hiểu và nộp hồ sơ bạn có thể
ghé qua trang web của Đại sứ quán ở Hà Nội hoặc Lãnh sự quán ở Hồ Chí
Minh.
Chúng tôi hoan nghênh tất cả những người nộp visa, đặc biệt xin visa du
học. Hiện có hơn 16.000 du học sinh Việt Nam ở Mỹ, và với bất cứ cấp
học nào hay khả năng tài chính nào bạn cũng có thể tìm được trường đại
học hay cao đẳng phù hợp. Chúng tôi có sự đa dạng trong lĩnh vực giáo
dục đại học, sau đại học. Chúng tôi có thể nói Mỹ có chất lượng giáo dục
tốt nhất. Chúng tôi hoan nghênh các bạn Việt Nam đến Mỹ học tập.
- Tôi được biết trong tháng 7 đại sứ quán Mỹ phải tạm ngưng việc
cung cấp visa do lỗi hệ thống. Tình trạng này đã được khắc phục chưa? Em
gái tôi sẽ về Việt Nam nghỉ đông vào Noel và phải xin visa lại, vậy
ngài vui lòng cho biết nếu hệ thống chưa được khắc phục thì em tôi cần
phải nộp hồ sơ trong thời gian là bao lâu để được cấp visa? (Hoàng Thị Tâm, 28 tuổi, 495 Kim Mã, Hà Nội)
Chúng tôi hiểu tầm quan trọng của việc cấp visa ở Việt Nam. Vì vậy Đại
sứ quán ở Hà Nội và Tổng lãnh sự quán ở TPHCM đang làm việc rất tích cực
để đảm bảo việc cấp xét visa được thực hiện hiệu quả và nhanh chóng
nhất.
Đúng là đã có một vấn đề kỹ thuật. Nhưng tuần trước chúng tôi nhận được
thông báo từ Washington rằng vấn đề đã được giải quyết và việc cấp visa
đã diễn ra bình thường. Tôi xin nhấn mạnh đây là vấn đề toàn cầu chứ
không chỉ ở Việt Nam. Vì vậy, em gái bạn có thể yên tâm đến Đại sứ quán ở
Hà Nội hoặc Tổng lãnh sự quán ở TPHCM để xin visa.
- Tôi có thể nhờ Ngài tìm người cha đẻ người Mỹ của cháu tôi trước
là quân nhân tại căn cứ Ái Tử Quảng Trị được không? Quan hệ Việt Mỹ bây
giờ rất tốt đẹp. Nhưng tôi không đủ điều kiện để tìm vì nhiều lý do
trong đó có lý do gia đình. Mong Ngài xem đây là một cử chỉ nhân đạo.
Mong chương trình tạo điều kiện giúp đỡ. Số điện thoại của tôi:
0914042001. (Trương Văn Điền, 51 tuổi, 134 Hàm Nghi- Đông Hà - Quảng Trị)
Bạn sống tại Quảng Trị tức là thuộc khu vực chịu trách nhiệm bởi Tổng
lãnh sự quán Mỹ ở thành phố Hồ Chí Minh. Tôi khuyên bạn nên liên lạc với
Tổng lãnh sự quán để tìm hiểu xem có giúp gì được cho trường hợp của
bạn không. Bạn có thể liên lạc thông qua trang web của Tổng lãnh sự quán
và tôi cũng sẽ báo trước cho họ là có khả năng bạn sẽ liên lạc với họ.
Chính trị
Đại sứ Mỹ David Shear lắng nghe câu hỏi trong buổi phỏng vấn trực tuyến. | |
Vì sao Tổng thống Obama vẫn chưa thăm Việt Nam, trong khi hai nước nói rằng quan hệ đã phát triển rất tốt đẹp?
Mỹ có thể trở thành thân thiết với Việt Nam như đối với Nhật Bản mà không quan tâm đến chế độ chính trị không? (Phan Nhật Nam, 31 tuổi, 576/76/29 Đoàn Văn Bơ P14 Q4 TP.HCM)
Tổng thống Obama cũng mong muốn thăm Việt Nam. Khi Chủ tịch nước Trương
Tấn Sang gặp tổng thống Mỹ tại phòng Bầu dục ở Nhà Trắng hồi tháng 7
năm ngoái, ông Obama nói muốn tới thăm Việt Nam trước khi kết thúc nhiệm
kỳ. Chúng tôi cũng rất mong chuyến thăm này diễn ra.
Việt Nam, Nhật Bản và Mỹ đều có lợi ích chung trong khu vực. Chúng tôi
hy vọng tăng cường quan hệ với Nhật Bản, tăng cường quan hệ với Việt Nam
và cả ba nước sẽ làm việc cùng nhau để cải thiện an ninh, hòa bình khu
vực.
- Để phát triển hợp tác Việt Nam và Mỹ, theo Ngài Đại sứ hai nước
cần đạt được những đồng thuận và nhượng bộ gì để giải quyết một số vấn
đề hạn chế còn tồn tại giữa hai quốc gia? Trân trọng cảm ơn Ngài Đại sứ
và Quý báo! (Nguyen Truong An, 37 tuổi, Dai Ang, Thanh Tri, Ha Noi)
Xin cảm ơn.
Tôi không nghĩ đây là vấn đề bên nào cần nhượng bộ. Mỹ và Việt Nam có
những mối quan tâm và lợi ích chung. Điều quan trọng là hai bên cần làm
việc, có những kế hoạch và phương pháp để cùng đạt được mục đích. Một
trong những cách đó là đẩy mạnh trao đổi cấp cao, chẳng hạn chúng tôi
muốn thấy ông Tổng bí thư đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng sang thăm Mỹ
năm tới, và muốn thấy Tổng thống Obama sang thăm Việt Nam trước khi ông
kết thúc nhiệm kỳ. Như vậy có nhiều cách để đạt được lợi ích chung và
lợi ích riêng của mỗi nước.
- Tôi thật sự rất vui khi ngài có buổi đối thoại trực tuyến như thế
này, điều này chứng tỏ quan hệ Việt Nam & Mỹ có những bước tiến tốt
đẹp, hợp với sự mong mỏi của lòng dân. Tôi tin tưởng vào các vị lãnh
đạo của chúng tôi trong chiến lược này.
Tôi và con trai 10 tuổi rất yêu quí và thần tượng gia đình nhà cựu
tổng thống Bill Clinton và cựu ngoại trưởng Hillary Clinton vì phẩm giá
và việc làm của họ Nickname của tôi là Hillary và con trai tôi là Bill. Chúng
tôi rất mong muốn được gặp họ trò chuyện trực tiếp một lần trong đời.
Xin ngài có thể giúp chúng tôi chuyển tải thông điệp này không ạ? Cám ơn
ngài đại sứ! (LV, 40 tuổi)
Chắc chắn là tôi sẽ giúp bạn.
Cựu tổng thống Clinton đã đến Việt Nam nhiều lần, lần gần đây nhất là
cách đây 3 tuần. Tôi đã gặp ông ấy và thấy ông vẫn có mối quan tâm rất
lớn đến quan hệ với Việt Nam.
Bà Clinton cũng đã thăm Việt Nam nhiều lần cùng chồng hay trên tư cách
là ngoại trưởng. Bà cũng rất quan tâm đến quan hệ với Việt Nam.
Kinh tế
- Ông đánh giá thế nào về tình hình đầu tư giữa Mỹ và Việt Nam
những năm qua? Thời gian tới, ông dự báo thế nào về xu hướng đầu tư của
Mỹ vào Việt Nam và ngược lại? (Hùng Nguyễn, 30 tuổi)
Tôi đã khuyến khích đầu tư hai chiều giữa Mỹ và Việt Nam kể từ khi tôi
tới Việt Nam làm đại sứ. Mỹ rất quan tâm tới thị trường Việt Nam trên cả
khía cạnh xuất khẩu vào Việt Nam và đầu tư sản xuất ở Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam đã làm tốt trong việc ổn định kinh kế vĩ mô, có
nhiều triển vọng tốt về tăng trưởng, lạm phát thấp, ổn định tỷ giá. Nhà
đầu tư Mỹ rất lưu ý về những điều này và mối quan tâm đầu tư từ Mỹ vào
Việt Nam đang tăng lên.
- Việt Nam và Mỹ đã bình thường hóa quan hệ ngoại giao kể từ năm
1995. Như vậy 19 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao đã trôi qua, tuy
nhiên quan hệ thương mại giữa Mỹ và Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Vậy
theo ông đâu là những rào cản chính trong quan hệ thương mại giữa 2
nước? (Nguyễn Hoàng Huy, 25 tuổi, 23M, Cư Xá Phú Lâm D, P.10, Q.6)
Mỹ và Việt Nam hiện nay là đối tác trong hiệp định đàm phán xuyên Thái
Bình Dương (TPP) để mở rộng tự do thương mại. Trong đàm phán này còn có
10 đối tác như Canada, Nhật Bản, Singapore và nhiều nước khác.
Hiệp định này sẽ giúp làm giảm rào cản thương mại và đầu tư, hiện các
nước gần đạt được thỏa thuận cuối cùng, và hy vọng sớm đạt được thỏa
thuận cuối cùng. Khi hiệp định này đi vào hiệu lực sẽ làm tăng mối quan
hệ hai chiều mạnh mẽ.
Chúng tôi tin rằng hiệp định TPP thu hút nhiều hoạt động đầu tư từ Mỹ và các đối tác khác trong khuôn khổ của hiệp định.
Cảm nhận của Đại sứ về Việt Nam
Ông Shear vui vẻ khi nói về chuyện thưởng thức sầu riêng. |
- Ngài Đại Sứ đánh giá thế nào về môi trường sống ở Việt Nam. Ngài
có cảm thấy thích sống ở đây không? Nếu không thì theo ngài Việt Nam nên
cải thiện những gì? Ngài trả lời thật lòng nhé.
Xin cảm ơn ngài. (Phạm Ngọc Thương, 30 tuổi)
Xin cảm ơn ngài. (Phạm Ngọc Thương, 30 tuổi)
Tôi rất thích sống ở Việt Nam trong ba năm qua và hy vọng sẽ quay trở
lại để khám phá những nơi chúng tôi chưa đến được. Người Việt Nam rất
thân thiện và nồng ấm, thức ăn ngon, cảnh đẹp, vậy thì các bạn còn mong
gì nữa?
Về những điều không dễ chịu, chúng tôi thấy trong chuyến thăm của Ngoại
trưởng John Kerry hồi tháng 12 năm ngoái, vấn đề môi trường và biến đổi
khí hậu rất đáng quan tâm. Chúng tôi đang làm việc với Việt Nam để giải
quyết các vấn đề môi trường, từ đó giúp Việt Nam thích nghi với biến
đổi khí hậu, cải thiện chất lượng không khí và nước.
Một trong những điều tôi rất tự hào là hồi tháng 4, tôi đã tham gia và
giúp hai nước thiết lập Liên minh về vịnh Hạ Long. Liên minh vịnh Hạ
Long là một dự án đối tác công tư trong đó có sự tham gia của Cơ quan
Phát triển Quốc tế Mỹ USAID, chính phủ Việt Nam, chính quyền Quảng Ninh
và các đối tác tư nhân trong và ngoài nước. Các bên sẽ làm việc để đảm
bảo tính bền vững của vịnh Hạ Long, một nơi có cảnh quan tuyệt vời và là
di sản của Liên Hợp Quốc.
Trong thời gian làm đại sứ, tôi đã đến thăm được hơn 30 tỉnh, thành ở
Việt Nam. Còn nhiều nơi tôi chưa có dịp đến thăm. Nếu có cơ hội quay
lại, tôi sẽ đến thăm một số tỉnh phía bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng, một số
tỉnh thành ở Tây Nguyên như Buôn Ma Thuột, Plây Ku, Kon Tum, một số
tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long như Kiên Giang, Tây Ninh, và Phú Quốc.
- Xin chào ngài Đại sứ.
Trong ba năm công tác tại Việt Nam, ngài có thể vui lòng kể 3 điều: hài lòng nhất, nuối tiếc nhất và điều muốn quên nhất?
Chúc Ngài một ngày tốt lành và thành công trên cương vị mới. (Tâm Phan, 24 tuổi)
Trong ba năm công tác tại Việt Nam, ngài có thể vui lòng kể 3 điều: hài lòng nhất, nuối tiếc nhất và điều muốn quên nhất?
Chúc Ngài một ngày tốt lành và thành công trên cương vị mới. (Tâm Phan, 24 tuổi)
Câu hỏi của bạn rất hay. Có nhiều thứ tôi rất hài lòng và xin trả lời về điều đó trước.
Trong những điều tôi hài lòng nhất có việc thiết lập quan hệ đối tác
toàn diện khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến thăm Mỹ. Trong khuôn khổ
quan hệ đối tác toàn diện, chúng ta đã được nhiều bước phát triển,
trong đó có việc ký hiệp định hạt nhân dân sự, giúp Việt Nam xây dựng
nhà máy điện hạt nhân.
Điều thứ hai làm tôi rất hài lòng là việc khởi động một dự án để giúp
tẩy độc chất da cam trong đất ở Đà Nẵng chính thức bắt đầu vào tháng 4.
Hiện công việc đang diễn ra rất thành công và hy vọng sẽ kết thúc tốt
đẹp vào năm 2016.
Một dự án thứ ba cũng rất thành công là mở rộng chương trình đào tạo
kinh tế Fulbright ở TP.HCM. Chúng tôi hy vọng sẽ thành lập được đại học
Fulbright trong thời gian sớm.
Điều tôi tiếc nuối nhất đó là tôi chưa bao giờ thích nghi được việc ăn quả sầu riêng.
Câu hỏi điều gì tôi muốn quên nhất, rất khó. Tôi xin để lại và trả lời các bạn sau nhé.
- Tôi nhớ khi trình Quốc thư ngài ca ngợi vốn tiếng Anh của Chủ
tịch nước Trương Tấn Sang và ngài hứa sẽ cố gắng học tiếng Việt để khi
kết thúc nhiệm kỳ sẽ nói chuyện bằng tiếng Việt với Chủ tịch nước Trương
Tấn Sang. Vậy xin ngài cho biết kết quả đến nay ra sao? (Hồ Quốc Hùng, 45 tuổi, Hà nội)
Tôi đã không thực hiện được thử thách này. Tôi đã cố gắng nhưng vì ngày
càng già nên không thể nhớ được nhiều thứ. Vì thế, tôi không giữ được
lời hứa với Chủ tịch Sang. Chủ tịch Sang là một thầy giáo rất nghiêm
khắc. Tiếng Anh của Chủ tịch Sang tốt hơn tiếng Việt của tôi.
- 20 năm là cả một quãng đường lịch sử lớn lao. Là người đóng góp vào kết quả đó, ngài có điều gì muốn chia sẻ? (nguyen minh anh, 303l7LANG HA)
Tôi mong đợi đến dịp kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ vào năm
tới, tôi sẽ theo dõi sự kiện này chặt chẽ. Tôi cũng hy vọng bản thân có
thể tham gia vào sự kiện đó. Quan hệ hai nước đang phát triển mạnh mẽ
trên nhiều lĩnh vực trong 20 năm qua, và chúng ta sẽ có nhiều cơ hội để
thúc đẩy mối quan hệ này trong khuôn khổ hợp tác toàn diện.
Tôi hy vọng được tiếp tục đóng góp cho việc thúc đẩy mối quan hệ hai nước. Tôi
thấy may mắn, hạnh phúc khi được giao nhiệm vụ ở đây và xin cảm ơn sự
nồng ấm và hợp tác của các bạn dành cho chúng tôi. Tôi mong sẽ có dịp
trở lại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét