Chủ Nhật, 17 tháng 8, 2014

THOÁT VĂN HÓA TRUNG QUỐC DỄ HAY KHÓ?

15-8-2014

image-600.jpg
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến tham dự một cuộc họp của thanh niên Việt Nam và Trung Quốc tổ chức tại Hà Nội hôm 22/12/2011.

Khi nói về văn hóa không những chỉ có yếu tố tích cực mà còn những tiêu cực, do hoàn cảnh lịch sử khiến cả một dân tộc trong nhiều thế kỷ phải theo đuổi một cách mù quáng đôi khi miễn cưỡng, do tập đoàn cầm quyền hay chế độ phong kiến muốn áp đặt cho dễ dàng trong việc cai trị.
Lệ thuộc văn hóa Trung Quốc đến từ đâu?

Văn hóa Trung Quốc thâm nhập vào Việt Nam đã hơn 1.000 năm, tại sao giờ này mới nảy sinh ý định thoát ra khỏi nó và hoàn cảnh Việt Nam hiện nay liệu có khác gì với Nhật Bản và Hàn Quốc hay không?
Ngoài nguyên nhân văn hóa, hệ thống chính trị của Trung Quốc đã làm cho Việt Nam không thể độc lập tự chủ, ít nhất trong các quyết sách chính trị mà lý tưởng cộng sản là kim chỉ nam cho mọi đường lối. Nguyên nhân ấy ăn sâu vào từng con người trong nội bộ đảng cộng sản Việt Nam khiến mọi nỗ lực thoát Trung gần như tuyệt vọng trong một giai đoạn kéo dài gần một thế kỷ.
Nhà văn Hoàng Hưng, một trong những người tổ chức buổi tọa đàm có tên “Thoát Trung về văn hóa” vừa diễn ra tại Hà Nội cho biết quan điểm của ông:
Nguyên nhân của mọi nguyên nhân chính người lãnh đạo đã đưa ra lý tưởng sống, lý tưởng cộng sản chủ nghĩa hay xã hội chủ nghĩa, chủ nghĩa Mác Lê nin gì đó để truyền bá trong xã hội này và đến nay vẫn cứ kiên trì tuyền bá nó. Họ đưa vào điều lệ đảng, đưa vào hiến pháp các thứ.
Trong xã hội thì ai cũng biết rằng bản thân người lãnh đạo Việt Nam cũng như Trung Quốc đều đang tìm cách để thoát dần dần ra khỏi nó. Thí dụ như về kinh tế thì rõ ràng họ đã thoát ra và chấp nhận kinh tế thị trường chứ không còn chấp nhận cái đuôi Xã hội chủ nghĩa, cái cách mà nhà nước nắm quyền chi phối. Nếu mà nói đúng thì nó phải là một nền chuyên chính vô sản của công nhân, của nông dân. Thế nhưng ai cũng biết công nhân và nông dân hiện nay là tầng lớp khổ nhất trong xã hội. Đất đai không được ai bảo vệ, nghèo khổ bị đàn áp. Cái được gọi là chủ nghĩa Mác Lênin thực chất chỉ là cái vỏ đễ giữ lại nội dung chuyên chính độc tài toàn trị của một giới đặc quyền nắm quyền cai trị. Cái giả dối lớn nhất là giả dối về lý tưởng rao truyền trên xã hội. Những điều giả dối như vậy thì làm sao xã hội không giả dối theo trên tất cả mọi lãnh vực?
Khổng giáo và ý thức nữ quyền
Nhà báo Lê Phú Khải nhìn nguyên nhân ở một góc độ khác: sự lệ thuộc Khổng Mạnh một cách mù quáng đã khiến xã hội Việt Nam rơi vào quỹ đạo mà vua quan phong kiến thiết lập ra cho dễ bề thao túng quyền con người, đặc biệt là ở người phụ nữ:
Khổng giáo nó ngấm vào mạch máu, nó ngấm vào từng con người và người ta xem đó là chân lý. Chẳng hạn người ta nói người phụ nữ chồng chết thì phải theo con. Tại sao phải theo con mà không lấy chồng khác? Nhưng người phụ nữ Việt Nam lại xem đó là chân lý, là lẽ phải. Trinh tiết, tiết tháo, thủy chung với chồng. Những chân lý mà người ta tiếp thu giống như người khát nước mà lại uống thuốc độc để giải khát. Cái nguy hiểm của văn hóa Khổng Mạnh tức là anh khát nước mà lại uống thuốc độc để giải khát. Điều này nó ngấm vào tiềm thức của xã hội Việt Nam và rất khó cho phép con cãi lại cha. Cha có thể sai chứ? Cấp trên có thể sai chứ? Thứ văn hóa bầy đàn mà chúng ta không thể thoát ra vẫn đi theo con đường toàn trị. Cho nên cái gốc của nó là như thế.
Giáo sư Ngô Đức Thọ, người nghiên cứu văn hóa Trung Quốc trong hàng chục năm trời cho biết kinh nghiệm của ông về nguyên nhân chính khiến Việt Nam lệ thuộc vào văn hóa Trung Quốc là do nhà cầm quyền cố ý tránh né sự thật lịch sử Việt Nam bị nô lệ hàng ngàn năm từ cái gọi là giao lưu văn hóa hai nước:
Ba cuộc chiến tranh dẫn đến thời kỳ Bắc thuộc thì mọi người Việt Nam học lịch sử đều thuộc cả, ta gọi là ba lần Bắc thuộc. Chính xác phải là 13 thế kỷ hơn 1.300 năm. Như vậy nó là một trang sử rất u tối của chúng ta. Nói đến 1.000 năm Bắc thuộc thì mọi người nói rất nhiều mà sử sách thì viết không biết được bao nhiêu phần trăm? Lướt qua một cách thoải mái.
Thực ra trong một nghìn năm đó lịch sử Việt Nam đau thương vô cùng mà lớp trẻ bây giờ không rõ. Trong sách Quốc văn Giáo khoa thư của chính phủ Trần Trọng Kim thời trước khi chúng tôi còn đi học thì người ta vẽ một vài tấm tranh trong thời kỳ đó rất tang thương. Những ngôi mộ thời Đường như thế nào, cảnh hoang tàn của quân Nam Chiếu ở trên Vân Nam nó tàn sát như thế nào. Thế hệ bây giờ thì không có nữa, rõ ràng là rất thiếu. Cứ nghiên cứu trên quan niệm là giao lưu văn hóa giữa Việt Nam với Trung Quốc nên mới có chuyện người Việt học chữ Hán…
Rất nhiều lĩnh vực của xã hội đen tối dưới thời Bắc thuộc, tội ác của những thái thú đối với người dân Việt Nam thế nào trong suốt hơn 1.000 năm Bắc thuộc đấy tàn sát bao nhiêu vụ? bóc lột thu thuế má vượt sản như thế nào, bắt quân dịch các đợt như thế nào …nhưng lịch sử chính thức của nước ta bây giờ hỏi số liệu đó thì hoàn toàn không có, không một trang nào viết cả, đó là một thiếu sót rất lớn.
Nô bộc chính trị
Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai khẳng định tính chất nô bộc chính trị của lãnh tụ đã biến Việt Nam thành một nước lệ thuộc nặng nề vào Trung Quốc. Sự coi thường văn hóa nước nhà đã gây ra hậu quả ngày nay:
Có một thời gian dài mình đã gửi cái hồn phách cho Tàu còn cụ Hồ thì nói là gửi hồn sang Mạc Tư Khoa thì đều không đúng. Vấn đề là phải gửi gấm cái hồn dân tộc vào văn hóa của mình vào lòng người, vào văn hóa. Đấy là những cái mà chúng tôi muốn nói đến. Hai nữa văn hóa nó phải bồi đắp cho một sức sống mới của một dân tộc cho nên vấn đề quốc văn quốc sử phải xem xét lại. Vấn đề quốc sử chẳng hạn: hiện nay có một điều là giới sử học, chính trị thì đã đành rồi, nhưng giới sử học ngay vấn đề lịch sử ¼ thế kỷ của Việt Nam Cộng Hòa chả ai nghiên cứu cả mặc dù nó là một thực thể lịch sử, nó có cái hay, cái dở, cái đúng cái sai nhưng trong ¼ thế kỷ ấy không có nghiên cứu, tức là một khoảng trống của một nửa nước.
Và bây giờ rõ ràng về mặt chính trị người ta muốn thừa kế nó thì phải thừa nhận tính chính thống trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của mình nhưng các mặt khác thì mình có thừa kế không và làm sao bỏ nó đi được?
Thói quen theo đuôi hữu nghị
Từ Úc châu, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn cho biết những quan sát của ông về thói bắt chước một cách mù quáng của lãnh đạo Việt Nam đã khiến đất nước này biến thành một phiên bản của Bắc Kinh từ ngôn ngữ hành chánh cho tới sinh hoạt khoa học và thậm chí trong cả lãnh vực quốc phòng, ông nói:
Những motif về tham nhũng, phong trào các quan lớn có bồ nhí … tất cả đều xuất phát từ bên Tàu, Việt Nam chỉ rập khuôn theo Tàu mà thôi. Nếu xem lại các tàu kiểm ngư của Việt Nam mình thì sẽ thấy nó có màu trắng có vẽ mấy cái gạch xéo xéo xanh đỏ trên sườn tàu. Nếu nhìn những cái gạch đó của tàu cảnh sát biển Việt Nam và cảnh sát biển Trung Quốc thì giống y chang nhau! Hóa ra trước đó có mấy ông cảnh sát biển của Tàu nó qua giao lưu với Việt Nam và 4 tuần sau thì xảy ra xung đột.
Trong khoa học, khi qua thăm Trung Quốc trong mấy năm gần đây mình thấy Việt Nam quan tâm tới vấn đề như phòng thí nghiệm trọng điểm hay các chương trình có những con số như 322 này nọ… khi mình qua Tàu mình thấy cũng y như vậy. Nó cũng có chương trình trọng điểm, những chương trình khoa học 917 …như vậy thì mình học nó quá nhiều, mình bắt chước nó quá nhiều! Mình bắt chước cả thói xấu như chợ luận án, thuê người viết luận văn, quan chức phải có bằng Ph.D, mua bán bằng cấp, mua bán chức danh giáo sư nữa … tất cả điều đó tôi qua Tàu và thấy hết, nhưng nó xảy ra trước mình!
Nguyên nhân dẫn đến sự lệ thuộc chính trị kéo theo sự bất động của cả nước trước sự xâm lấn văn hóa của phương Bắc ngày càng trầm trọng. Nỗ lực thoát ra khỏi những hệ lụy ấy đang là đầu đề của các buổi thảo luận căng thẳng đầy khó khăn.
Câu hỏi đặt ra trước mắt:
Thoát Trung, phải thoát điều gì?
Nhà văn Hoàng Hưng cho biết những suy nghĩ của ông trước câu hỏi hóc búa này:
Khi ta bàn thoát Trung về Văn hóa là phải thoát cái gì. Tôi nghĩ rằng có một nét văn hóa tồi tệ vì giới cầm quyền Maoist của Trung Quốc đã xây dựng trên xã hội của họ và truyền sang xã hội Việt Nam do quan hệ được gọi là môi răng. Một nền văn hóa mà tôi đặt là “văn hóa giả dối”. Bây giờ nó đã thành một cái nạn rất là tệ hại, nghiêm trọng đối với toàn bộ đời sống tinh thần của tất cả các tầng lớp trong xã hội từ quan cho đến dân. Về lâu dài tôi cho nó là một tội ác. Nó phá hoại nền tảng tinh thần của Việt Nam rất là nguy hiểm. Tôi cho đó là một trong những tội ác lớn nhất của chủ nghĩa Stalin và chủ nghĩa Mao và nó gây hại cho dân tộc Việt Nam.
Văn hóa quỳ lạy
Nền “văn hóa giả dối” ấy theo nhà báo Lê Phú Khải cần phải nâng lên một tầng nấc khác, đó là “văn hóa quỳ lạy” do Khổng Mạnh cấy vào xã hội Trung Hoa từ hàng ngàn năm về trước. Sự quỳ lạy mà cộng đồng ngấm ngầm chấp nhận và thực hiện như một ước mơ đã tạo ra hàng trăm thế hệ hư đốn mà không nhận ra sự nô dịch của mình. Văn hóa quỳ lạy ấy đã tràn sang Việt Nam và nở rộ như nấm dưới mưa trong thời đại cộng sản:
Văn hóa nào thì nó chọn cái chính trị đó. Văn hóa Khổng Mạnh là văn hóa quỳ lạy tức là anh chí thú đi học để làm quan, để quỳ lạy trước nhà vua, để được hậu thưởng bổng lộc và chỉ có vua là đúng còn tất cả bàng dân đều là số không. Chỉ có anh ta đúng thôi. Ý vua là ý trời! Trong khi đúng vào cái thời kỳ đó thì ở phương Tây Aristos nói rằng có tranh luận, có đi tìm chân lý thì mới có chân lý.
Thoát Trung là thoát khỏi văn hóa Khổng Mạnh của Trung Quốc, ảnh hưởng giới trí thức Việt Nam. Căn bản nhất là phải thoát khỏi cái văn hóa chỉ có trên đúng còn dưới thì sai. Chỉ có vâng lời không có đối thoại. Tôi cho cái đó là quan trọng nhất.
Chủ nghĩa cộng sản
Giáo Sư Ngô Đức Thọ trong khi công tác tại Viện Hán Nôm ngoài kinh nghiệm về lịch sử giữa hai nước, ông phân tích sự lệ thuộc một cách mù quáng của lãnh đạo cao nhất Việt Nam đã bất cứ giá nào để đạt được mục đích ngay cả phải hy sinh con người trong những phong trào đấu tố diệt chủng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắm mắt theo lời Stalin để cải cách ruộng đất và từ đó đất nước thấm đẫm oan khiên. Lịch sử này nếu không thoát ra hôm nay liệu Việt Nam còn có cơ hội nào khác nữa?
-Về mặt tư tưởng ta phải thoát Trung. Thoát Trung là gì? Đó là thoát tư tưởng đấu tranh giai cấp, tư tưởng Mao Trạch Đông, những tư tưởng này rất ảnh hưởng đến Việt Nam. Chúng ta đã biết những tư tưởng này là cách mạng chuyên chính của Mao được các cán bộ tầm cỡ của ta mang về từ Diên An. Kể cả Đề cương Văn hóa của đồng chí Trường Chinh viết năm 1943 cũng đậm màu sắc Trung Quốc trong đó văn học đại chúng không khác gì các đề cương văn hóa của Trung Quốc ở Diên An cả. Cuộc nói chuyện của Mao Trạch Đông tại Diên An  gần như được mô phỏng trong đề cương Văn hóa Việt Nam, tôi ví dụ như vậy.
Cái tư tưởng này là gì thì mọi người đều biết rồi. Tư tưởng của anh Tàu rất tai hại. Theo tôi nghiên cứu tài liệu thì trước đây chỉ có mỗi Tàu nhưng sau này đọc lại thì thấy cũng ảnh hưởng quốc tế cộng sản từ Nga. Vấn đề “Cải cách ruộng đất” không hẳn của Tàu, chính Stalin chỉ thị cho Chủ tịch Hồ Chí Minh về Việt Nam cải cách ruộng đất còn nếu không làm cải cách thì không công nhận đảng Cộng sản Việt Nam, cho nên đảng cộng sản ra đời phải thực hiện cuộc cải cách ruộng đất này. Những người lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam tưởng rằng thời gian rồi nó sẽ qua, lấy thời gian làm vũ khí nhưng vũ khí thời gian không nghĩa gì cả bởi vì tai nạn này, kiếp nạn này là rất lớn.
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh sự lệ thuộc về văn hóa từ mỗi cá nhân do tác động từ các việc làm của hệ thống chính trị. Cá nhân phải tự thân ý thức sự lệ thuộc văn hóa Trung Quốc của mình có hại cho quốc gia dân tộc như thế nào mới may ra cải đổi khuôn mặt văn hóa Tàu trong lòng từng người như hiện nay:
Muốn hay không muốn thì văn hóa của Việt Nam chịu ảnh hưởng của Tàu rất lâu. Một ngàn năm bị đô hộ, sống chung với họ thì rất là khó để mình gột rửa nét văn hóa của họ đặc biệt dưới sự cai trị khắc nghiệt như thế này thì nó lại càng khó hơn. Cả Việt Nam mình hiện nay nó như một phiên bản của Trung Quốc, rập khuôn Tàu trên tất cả mọi lãnh vực từ chính trị cho đến tổ chức xã hội, kinh tế, khoa học và khá là ngạc nhiên vì tôi mới phát hiện nhiều cái rập khuôn về khoa học nữa. Thậm chí có những cái tên nhiều khi mình không để ý. Những cái tên mình đang dùng hiện nay cũng là bắt chước, xuất phát từ Tàu.
Nếu muốn thoát Trung Quốc thì không phải chỉ thoát về hệ thống chính trị hay các thiết chế và tổ chức xã hội mà còn phải thoát từ trong tư tưởng của mỗi người, thậm chí thoát những cái bắt chước từ Trung Quốc. Tôi nghĩ nó không phải bắt đầu từ chính quyền mà bắt đầu từ mỗi cá nhân. Mỗi cá nhân cần phải gột rửa những ý tưởng, những cách hành xử mà lâu nay mình tưởng là của truyền thống văn hóa Việt Nam nhưng là của Tàu.
Nhà văn Thùy Linh, người luôn có mặt trong các cuộc biều tình chống Trung Quốc cho biết quan sát của bà về vấn đề này mà theo nhà văn chính Khổng giáo là nguyên nhân sâu xa nhất nhưng được nhà cầm quyền hiện nay muốn nó tồn tại để dễ dàng thao túng:
Đời sống văn hóa Việt Nam sau năm 1945 đến giờ gần như đã bị chính trị hóa cho nên không còn đời sống văn hóa thật sự nguyên bản. Ngay cả tín ngưỡng dân gian cũng đã bị chính trị hóa. Đầu tiên người ta dẹp bỏ và cho đấy là mê tín dị đoan nhưng sau khi mở cửa thì tất cả những tín ngưỡng dân gian đều bị biến màu. Không có cái gì trong đời sống văn hóa mà không bị ảnh hưởng trong đời sống chính trị. Chính trị Việt Nam và Trung Quốc thời gian gần đây, cận hiện đại, hai nước có sự giao thoa ảnh hưởng rất sâu sắc, nhưng lui về trước nữa thì đạo Khổng ảnh hưởng rất lớn đến đời sống xã hội Việt Nam.
Chính Khổng giáo làm méo mó nhân cách, méo mó tất cả đời sống tự nhiên của con người và Việt Nam bị ảnh hưởng trong cái vòng ảnh hưởng đó. Sau khi chủ nghĩa cộng sản nắm quyền thì đạo Khổng rất có lợi cho sự tồn tại của họ. Mới đầu thì họ chống ở một chừng mực nào đó nhưng thật ra họ bị ảnh hưởng của Khổng giáo mà chính họ không biết bởi vì nó ăn vào trong máu. Hiện tại Khổng giáo đang làm cho chính quyền hưởng lợi chính vì vậy việc thoát Trung tại Việt Nam hết sức cam go.
Câu hỏi đặt ra, nếu sự lệ thuộc văn hóa Trung Quốc sẽ làm đất nước trì trệ, lạc hậu và không có cơ hội phát triển như các nước lân cận liệu chính quyển có đủ can đảm từ bỏ con đường xã hội chủ nghĩa nay đã mịt mùng cộng với sự mê đắm vào Khổng giáo làm mê muội trí thức hầu củng cố quyền lực của mình hay không?
Nhật hay Hàn, bài học nào cho Việt Nam?
Nếu cho rằng thoát Trung là một ý tưởng hoàn toàn không thể thực hiện được người lạc quan có ngay một motif để chứng minh ngược lại, đó là sự thành công của hai nước lân cận với Trung Hoa là Nhật Bản và Hàn Quốc. Họ không những đã thoát được vòng kểm tỏa của văn hóa Khổng Mạnh mà còn vượt ra khỏi hủ lậu của cả Châu Á nữa là đằng khác.
Nhật Bản có lẽ là nước sâu sát với Trung Quốc hơn ai hết nhưng sau thế chiến thứ II nước này ý thức được muốn đứng lên bằng đôi chân của mình phải chịu đau đớn rời bỏ hai thanh nạng mà Trung Quốc ép vào tay trong suốt hàng ngàn năm qua chủ thuyết Khổng Mạnh mà nói theo nhà báo Lê Phú Khải là văn hóa quỳ lạy.
Tinh thần Samurai không cho phép người Nhật quỳ lạy dù bất cứ trước thần tượng nào để đổi lấy miếng đỉnh chung như triết lý Khổng Mạnh của người Trung Quốc. Thiêng Hoàng của Nhật được thần dân kính trọng và tôn sùng như thần thánh vì là hiện thân của con cháu Thái Dương Thần Nữ trong phạm trù tín ngưỡng và sự tôn sùng ấy vẫn được gìn giữ cho tới ngày nay.
Ngược lại, Nhật Hoàng luôn tỏ ra là một minh quân hết lòng chăm lo cho dân chúng đã khiến niềm tin của người dân thêm được củng cố. Khổng Mạnh không chiếm giữ được văn hóa Nhật Bản mặc dù chủ nghĩa này được du nhập rất sớm vào xứ sở Phù tang.
Việc du nhập văn hóa văn minh phương Tây và chủ trương các trường quốc học Kokugaku là nỗ lực thành công thoát ra khỏi quỹ đạo văn hóa Trung Quốc vào cuối thế kỷ 17 đã mang Nhật đến gần hơn niềm mơ ước tự lực tự cường.
Nam Bắc Triều và Hà Nội- Sài Gòn
Hàn Quốc gần với tình trạng Việt Nam hơn nhưng họ vượt qua được cũng từ ý chí muốn đất nước thoát ra nghèo đói và nhục nhã.
Thoát Trung nảy sinh trong lòng người dân Hàn Quốc phát sinh từ sự phân ranh Nam Bắc mà phía bên kia là Trung Quốc, một thế lực lớn lao công khai ủng hộ, giúp đỡ cho Bình Nhưỡng chống lại Seoul. Hoàn cảnh lịch sử này ngược lại với Việt Nam khiến người dân và chính phủ Hàn Quốc ý thức rõ rằng, thoát nền văn hóa Trung Quốc là tiền đề cho việc bảo vệ chủ quyền đất nước.
Lý do thứ hai làm cho thoát Trung thành một sự hiển nhiên là sự vận động dân chủ của Hàn Quốc đã tới mức cao nhất có thể. Một đất nước có dân chủ thật sự sẽ không thể chịu nổi bản chất độc tài đảng trị mà thể chế cộng sản theo đuổi. Không ai bỏ căn nhà tiện nghi của mình để chấp nhận vào hang động trú thân nhằm tìm cho ra chủ nghĩa xã hội là gì như Việt Nam đang lần mò trên con đường vạn dặm.
Nhà văn Thùy Linh tự hỏi không biết Việt Nam rồi đây sẽ làm gì và bằng cách nào có thể theo chân hai nước đồng văn đồng chủng với Trung Quốc này:
Nhật hay Hàn quốc họ cũng bị ảnh hưởng của Khổng giáo nhưng tại sao họ thoát được? Họ phải xây dựng một nền văn hóa thoát được Khổng giáo, họ xây dựng được một bản sắc rất độc đáo vậy thì tại sao chúng ta không làm được điều đó? Gần đây chúng ta mới đặt ra việc thoát Trung, chặng đường ấy tôi nghĩ rất dài nhưng chúng ta phải làm. Việt Nam bị ảnh hưởng Trung Quốc gần như một số phận khiến chúng ta phải ở cạnh một đất nước như thế nhưng không có nghĩa là chúng ta không thể thoát nỗi sự ảnh hưởng của gã khổng lồ đó. Muốn phát triển phải có con đường đi riêng giống như Hàn Quốc hay Nhật.
Hãy giải phóng chính mình
Nhà báo Lê Phú Khải cổ vũ cho một tư duy độc lập trước khi có được một thái độ độc lập đối với sự cai trị nếu muốn thoát Trung như Nhật và Hàn Quốc đã làm:
Như Nhật Bản, Hàn Quốc chẳng hạn họ còn muốn thoát Á nữa. Nó đã dân chủ, văn minh rồi tại sao vẫn muốn thoát Á? Bởi vì nó muốn thoát hẳn cái văn hóa Khổng Tử, cái văn hóa không có tranh luận, văn hóa bầy đàn mà họ muốn phải giải phóng cá nhân. Giải phóng cá nhân rất quan trọng. Mỗi một con người đều là một tiềm năng nếu giải phóng được thì giống như phản ứng hạt nhân còn không có nó thì không có sức mạnh của cả dân tộc. Con số 1 đứng trước 6 con số 0 thì thành hàng triệu nhưng nếu mất con số 1 rồi thì 6 số không kia cũng vô nghĩa. Nhưng nếu con số 0 ấy là số 1 thì nó không cần ai chăn dắt cả.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai khẳng định một chính sách đứng đắn của nhà nước tạm gọi là “quốc chính” phải được đặt ra nếu muốn thoát Trung. Tấm gương của Hàn Quốc rất rõ trong trường hợp này, ông cho biết:
“Quốc chính” là một nền chính trị để nó cầm nhịp cho bước phát triển mới tiến bộ nhân văn…thế nhưng hiện nay nền quốc chính của ta có nhiều điều rất lạc hậu. Một đội ngũ công chức đáng lẽ là lực lượng cầm nhịp cho sự phát triển xã hội thì tham nhũng là chính, hành dân là chính, làm sao mà đưa dân tộc phát triển được, đấy là các vấn đề phải đặt ra. Khi nói văn hóa mà quên đi vấn đề làm sao đưa giá trị văn hóa để cho nền chính trị của đất nước nó tử tế hơn lên, làm thăng hoa giá trị con người. Nhân văn, nhân ái, tình thương, dân chủ, tôn trọng con người….những vấn đề ấy văn hóa phải đóng góp và sửa đổi sớm những lệch lạc của cái được gọi là nền quốc chính, tức là nền chính trị của đất nước.
Những ý kiến tư duy cũng như trăn trở cho một tương lai đất nước vẫn đang được nhiều người, nhiều giới hưởng ứng, đồng tình. Tuy nhiên nếu mọi cố gắng thoát văn hóa Trung Quốc này không được nhà nước quan tâm kể như 3 phần 4 câu chuyện sẽ không có hồi kết thúc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét