Thứ Bảy, 30 tháng 8, 2014

NÓI CHÚT VỀ "MỘNG MỊ DÂN CHỦ"

Theo VNTB
Tác giả: Liên Sơn

Câu chuyện Bùi Hằng tạm thời khép lại với mức án 3 năm tù. Nhưng thông qua đó, cũng cho thấy nhiều điều cần bàn trong giới đấu tranh dân chủ thông qua căn bệnh mộng mị (mộng mị dân chủ).

Sự tôn sùng thái quá cá nhân

Không ít cá nhân trong lẫn ngoài nước khi tham gia vào tiến trình chống độc quyền/ lạm quyền của chế độ ở Việt Nam thường hay mắc bệnh phong danh hiệu/ thần thánh hóa cá nhân: Bùi Thị Minh Hằng (Bùi Hằng) là biểu tượng dân chủ; Phương Uyên là anh thư thời đại; Đỗ Thị Minh Hạnh cánh chim báo bão; Cù Huy Hà Vũ biểu tượng đấu tranh dân chủ…

Cố nhiên, các danh xưng đẹp đẽ/ kiêu hãnh này thể hiện lòng yêu mến hay thậm chí là sự kỳ vọng lớn lao. Nhưng liệu nó có cần thiết trong giai đoạn này? Khi mà chúng ta chưa cần lắm một trò chơi mang tên phân cấp bằng danh xưng..

Chính “danh xưng sùng bái” thái quá đó dẫn tới hiện tượng, đưa vị trí của một số người bất đồng chính kiến đi quá xa, và lên quá cao so với vị trí mà những người ấy đang đứng. Trong khi đó, hiểu sai lệch hoặc đánh giá thấp chính quyền hiện tại. Đưa tới những nhận định phi thực tế. Ví như, bài “Phiên toà xử Bùi Thị Minh Hằng sẽ là phiên toà đắt giá nhất” của tác giả Đỗ Thành Công có nhận định “Phiên toà xử Chị Bùi Thị Minh Hằng sẽ là phiên toà đắt giá nhất đối với đảng CSVN. Nếu kém xử trí, đảng CSVN có thể sẽ bị mất đi hàng trăm triệu mỹ kim tiền viện trợ, giúp đỡ về mua vũ khí, thiết bị quân sự. Đồng thời, các bước chiến lựợc sắp tới của Việt Nam, nhằm dựa Mỹ để cân bằng với Trung Cộng, cũng sẽ bị kéo lùi.”

Đó là điển hình cho sự ngây thơ đến hoang tưởng của không ít những ai đang quan tâm đến dân chủ Việt Nam. Một Bùi Hằng với “phiên toà đắt giá nhất đối với đảng CSVN”, vậy thì phiên tòa dành cho Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần, Trần Huỳnh Duy Thức… sẽ là phiên tòa gì đối với chính quyền? Lúc đó chính quyền lại mất bao nhiêu “triệu mỹ kim, thiết bị, vũ khí quân sự viện trợ”? Và từ bao giờ một cá nhân lại có thể kéo lùi “chiến lược” của nước CHXHCN Việt Nam?Thế nên, thay vì đặt vào kỳ vọng quá lớn vào một cá nhân và tìm cách khoác lên họ chiếc áo cỡ và mĩ miều như: vai trò tiên phong, lãnh tụ, lãnh đạo, trụ cột, anh hùng, liệt nữ… thì chỉ hãy dành cho họ - những người bất đồng chính kiến một danh xưng duy nhất và đồng nhất: Người bất đồng chính kiến.
Bởi sự thần thánh hóa cá nhân qua danh xưng là sự u mê không hơn không kém. Và chắc hẳn những nhà bất đồng chính kiến họ cũng không cần điều đó.

Chính quyền (Cộng sản) đang sợ hãi?

Những nhà người quan tâm đến dân chủ ở Việt Nam, thậm chí là những người bất đồng chính kiến hay nói về sự sợ hãi của chính quyền? Và chúng ta thường hay nghĩ họ bắt ai đó vào tù vì họ (chính quyền) đang sợ hãi tiếng nói của họ?
Hội ngộ Dân chủ Bắc Trung Nam sau sự kiện "phiên tòa Bùi Hằng". Ảnh: Nguyễn Lân Thắng.

Ngay vụ án xử Bùi Hằng vừa qua, trên facebook lan tràn tin đồn Bùi Hằng tha bổng vì Việt Nam cần TPP, vì “vũ khí Mĩ”… Khi phiên tòa diễn ra trùng thời điểm ông Lê Hồng Anh đi Trung Quốc, một số người lại nghĩ rằng đó là chuyến đi “đổi chác” với "món quà” mang tên Bùi Hằng???

Điều này, dẫn đến ý nghĩ “Chính quyền thua toàn diện” như của tác giả Nguyễn Thiện Nhân, trong đó tác giả đề cập đến việc “Bùi Thị Minh Hằng là một biểu tượng cho sức mạnh đấu tranh của phụ nữ ở tầng lớp bình dân.” Tôi thực sự không hiểu tầng lớp bình dân gồm những ai, và bao nhiêu người coi chị Bùi Hằng là biểu tượng? Trong khi đó, ngay cả những người “lề trái” cũng có những đánh giá khác nhau về chị!

Thậm chí, tôi không thể tin được lại có ý nghĩ rằng, việc có công an (thực ra phần nhiều là dân phòng, dân quân tự vệ) chặn dòng người vào tòa là thể hiện sự “bế tắc trước sức mạnh đấu tranh đang dâng trào của những người đòi dân chủ”, thay vì suy nghĩ đơn thuần là sự chủ động ngăn chặn những biến cố nơi pháp đình của chính quyền mà thôi.

Trong khi đó, thẳng thắn mà nói, chính quyền với bộ máy cai trị tập trung lớn (lực lượng lẫn phương tiện) như hiện nay không tồn tại nỗi sợ hãi đối với bất kỳ một cá nhân nào đó trong thời điểm này cả. Họ đủ khôn và tiềm lực để bóp chết một ai đó (nếu họ muốn).

Một Bùi Hằng chưa phải là cái gì đó để nhà nước Việt Nam phải sợ hãi. Kể cả những người bị cầm tù trước đó và sau này như Lê Quốc Quân, Nguyễn Tiến Trung, Uyên-Kha, Nguyễn Văn Đài, Lê Công Định….

Vấn đề việc bỏ tù hay không bỏ tù phụ thuộc vào mức độ hành vi của một chủ thể/nhóm người đó có chạm mốc vàng của chế độ hay chưa? Mà điều này, thì còn rất là lâu mới đạt đến được.

Việc kêu gọi thả các tù nhân lương tâm từ bên ngoài chưa bao giờ đưa chính quyền Việt Nam vào thế bị động vì sợ hãi cả. Mà ngược lại, những cá nhân mà chính quyền nhắm đến và đưa vào tù được xem xét như là sự cảnh cáo cho việc vượt ra các khuôn phép đề ra của chính quyền hiện thời và là vật tin cho các cuộc đổi chác bên ngoài. Tất nhiên, việc thả người không hẳn là bị gây áp lực mà chính quyền thừa hiểu giá trị và biết định giá được những người sau khi được ra khỏi tù sẽ làm được gì và ở tại đâu. Các bước lùi trong “nhân quyền” của họ nếu có (kể cả khi cho ông Kim Ngọc khoán 10) cũng chỉ là đảm bảo ưu tiên lớn nhất, quan trọng nhất – giữ chặt chế độ mà thôi.

Thế nên, một Cù Huy Hà Vũ ở nước ngoài “chữa bệnh” cũng không khác gì một Lê Thị Công Nhân ở trong nước - “Thời hạn quản chế của tôi đã kết thúc từ hơn một năm nay, nhưng cuộc sống vẫn không hề thay đổi mà còn bị bóp nghẹt hơn”

Do đó, sự sợ hãi của chính quyền không nằm ở các cá nhân hay các tổ chức hiện nay mà nó chỉ thực sự hiện hữu khi và chỉ khi hình thành các lực lượng đối lập vững mạnh, đủ khả năng đối trọng với Đảng cầm quyền.

Mà lực lượng đối lập đó chỉ hình thành khi tình trạng niềm tin tập trung (thông qua các tổ chức đối lập) của người dân đã đạt mức 5% dân số. Đó là lý do vì sao ông chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định: Chúng ta không sợ bất cứ thế lực nào, chỉ sợ nhân dân mất niềm tin.

Vì vậy, một sự “quan ngại sâu sắc” từ đại sứ quán Mĩ ở Hà Nội, một “thông điệp” từ EU về một người bất đồng chính kiến nào đó trong nước cùng lắm là được chính quyền trả lại bằng một bài viết trên báo Nhân Dân hoặc Quân Đội Nhân Dân mà thôi.

Cũng phải nhắc lại rằng, chính quyền hiện nay từng mất 15 năm để đi từ con số 0 trở thành Đảng phái chính trị lớn, mất 30 năm để thực hiện lý tưởng của mình. Gần 40 năm tiến hành xây dựng chế độ. Họ biết mọi mánh khóe, mọi thủ đoạn, mọi cách thức để định nghĩa hai chữ “sợ hãi”. Lịch sử chọn họ chứ không chọn chính phủ Trần Trọng Kim, chính phủ Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu chắc chắn không phải là sự ngẫu nhiên.

Do đó, ý nghĩ chính quyền đang sợ hãi vì một cá nhân, nhóm người hoặc tổ chức nhóm hội nào đó trong thời điểm hiện nay là một sự ảo tưởng – không thực tế và cần phải vứt bỏ.

Cách mạng 2.0 và vấn đề tổ chức

Sự trợ giúp của các mạng xã hội giúp chúng ta chuyển tải nhanh thông điệp, kết nối dễ dàng giữa mọi người. Nhưng vô tình, lại đem tới cho những người bất đồng chính kiến sự kiêu ngạo không đáng có. Cho đến tận bây giờ, không ít người vẫn không ngừng tin tưởng vào cuộc cách mạng 2.0 (cuộc cách mạng – mạng xã hội).

Họ tưởng họ có trong tay một vũ khí để đánh phá chế độ, khiến chế độ lùi bước. Nhưng thực ra, mạng xã hội vẫn chỉ là phương tiện truyền tải không hơn không kém. Nếu nâng lên thành các blog chính trị thì nó trở thành một vũ khí tuyên truyền ở một mặt trận riêng biệt chứ không phải là khởi nguồn hay là nơi diễn ra cuộc cách mạng 2.0!

Chính tổ chức mới chính là thứ định ra cái gọi là “Cách mạng 2.0”. Nhưng tổ chức phải là sự vận động không ngừng trong môi trường thực tiễn đời sống. Hiện nay, ở Việt Nam có 20 tổ chức xã hội dân sự độc lập và có thể tăng lên trong thời gian sắp tới. Nhưng vấn đề là, các tổ chức đó hiện nay như thế nào?

Nói thẳng là dù các tổ chức ra đời (rất nhiều) nhưng rất yếu.Và thực sự chưa thu hút được người dân tham gia. Trong khi đó, các hoạt động phần nhiều mang tính lẻ tẻ thông qua các kiến nghị, thư ngỏ, bài viết và hầu như theo mùa vụ, sự kiện. Chưa kể tính chế tài thành viên gần như rất kém. Thành ra, tổ chức ra đời nhiều nhưng hầu hết đều thiếu tổ chức là vì vậy.

Tính bán chuyên của các tổ chức thậm chí chưa đạt đến. Ví như trong phiên tòa Bùi Hằng diễn ra ở Đồng Tháp, dù có đại diện của một số tổ chức xã hội dân sự nhưng phần nhiều cũng chỉ là sự tụ họp – hóng tin và ăn uống. Kể cả khi bị bắt vào đồn với những tấm ảnh tag qua mạng xã hội cũng cho thấy một vấn đề không nhỏ của các tổ chức hội đoàn độc lập. Đó là tính thiếu liên kết, thiếu kế hoạch, thiếu phương pháp, cách thức, nội dung đấu tranh trong một số thời điểm nhất định (vô tổ chức trong tổ chức). Nó khiến cho việc thành lập nhiều Hội đoàn Độc lập không cân xứng với sự kỳ vọng của những ai quan tâm đến quá trình đấu tranh tại Việt Nam. Tính chuyên nghiệp, hơi hướng thụ động diễn ra ở hầu khắp các tổ chức. Một điển hình là lấy tin trực tiếp tại hiện trường của gần 20 Hội đoàn chỉ thông qua việc chuyển tiếp tin của danlambao, ngay cả Hội nhà báo Độc lập dù có trên 3 thành viên tham dự, nhưng không có một tin nào là một điều cần phải xem lại.

Bức tranh tổ chức “mạnh ai nấy làm”, rời rạc ấy tiếp diễn ngay cả sau khi phiên tòa kết thúc thông qua các tuyên cáo về vụ án/mức án.

Tất nhiên, chính quyền hoàn toàn không sợ những cách thức đấu tranh kiểu này. Họ càng mừng hơn, vì nếu các Hội đoàn “làm ăn manh mún” như thế ở các sự kiện tiếp theo, với cái cách đấu tranh kiểu bừa bãi, mạnh đâu hô đó, tới đâu dàn trận tới đó, mạnh ai người nấy làm, thì tự giác các tổ chức ấy sẽ chìm và họ (chế độ) với các khuôn hình phạt trong bộ luật Hình sự dày cộm đủ để khép tội chính quy dài dài đối với từng người bất đồng chính kiến mà họ thích.

Vì thế nên, viễn cảnh về việc chính quyền sợ hãi khi có một tổ chức đối lập (trọng lượng) có khả năng phát động cuộc cách mạng 2.0 còn rất xa. Thời gian là bao lâu phụ thuộc vào đường lối các tổ chức xã hội dân sự đề ra có trở nên gần gũi với cuộc sống để thu hút nhiều người dân tham gia thực sự hay không? Hoạt động tuyên truyền để tiếp cận người dân có cao không? Quá trình đấu tranh có mang tính tự giác hay không? Ngoài những hình thức đấu tranh bằng thư ngỏ, kiến nghị, bài viết trên mạng…, còn lối đấu tranh nào nữa không? Những người đang đấu tranh cho nền dân chủ trong nước có bớt hoang tưởng (mộng mị dân chủ) hay không?

Nếu những điều trên vẫn chưa có câu trả lời thì câu chuyện mộng tưởng dân chủ kiểu như “cô Quỳnh Anh, con gái bà Bùi Hằng cho hay: “Tôi vừa gặp Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Đồng Tháp. Họ hy vọng sẽ có một phiên tòa tốt” vẫn sẽ còn tiếp diễn dài dài.

2 nhận xét:

  1. Tôi công nhận TG bài này có lý nhưng trước khi muốn làm "được gì" để tác động trực tiếp vào chính quyền, cũng cần lắm những con người biết dấn thân thực sự và những người này cũng phải được tôn vinh vì hành động dấn thân đó để làm gương. Như chính TG cũng phải công nhận là họ, những người được ngợi ca cũng chẳng cần tới điều đó, vì họ đấu tranh vì công lý và lẽ phải vói trái tim nhiệt huyết đầy yêu thương, không vụ lợi, không háo danh. Chỉ những kẻ 'Cách mạng giả hiệu" để nhằm kiếm chỗ đứng hay lợi lộc mới ghen tỵ với những người được ngợi ca và chỉ muốn đánh đồng tất cả như nhau là "bất đồng chính kiến". Người bất đồng chính kiến có nhiều dạng lắm: Loại bất đồng mà hèn ko dám bày tỏ, loại bất đồng nhưng chỉ dám đóng vai tò mò đứng xa nhìn, loại bạo hơn chút thì viết còm trên mạng dấu tên (như tôi) hay quay trộm những cảnh tồi tệ XH đưa lên mạng để tố cáo, loại bất đồng cảm thấy không chịu được, nhưng nỗi sợ "đụng chạm", nên chỉ ngồi "phê phán" ngoài quán xá hay xó nhà, bạo hơn chút nữa thì ký vào các đơn thư, khiếu nại. Mạnh dạn hơn nữa là dám tham gia vào các cuộc biểu tình, tuần hành hay công khai chống lại những bất công đời thường và tham gia công khai vào các Hội XHDS. Những người có lý tưởng thực sự mới là những người dám viết bài, lấy tin, đứng ra thành lập công khai các Hội đoàn để phản đối, đưa tin, tuyên truyền, đi sâu thức tỉnh quần chúng nhân dân. Ai cũng biết, chính quyền càng sử dụng côn đồ hành hung những người dám lên tiếng bao nhiêu, đàn áp, chỉ trích cấm đoán những PTXHDS bao nhiêu, xét xử vô lối những vụ án như của nhà bất đồng chính kiến Cù Huy Hà Vũ, Điếu Cầy, Tạ Phong Tần, Lê Quốc Quân, Phương Uyên, Bùi thị Minh Hằng.... bao nhiêu thì càng tạo thêm phẫn nộ trong lòng dân chúng bấy nhiêu. Cứ mỗi ngày, mỗi vụ việc lại đẩy thêm ít nhất vài người dân dám mạnh dạn lên tiếng chống lại bất công. ĐCSVN cũng cần tới 15 năm như TG viết để xây dựng tổ chức, thì những người Dân chủ cũng cần có thời gian để củng cố, đặt nền móng cho lực lượng. Đừng coi thường những gì XHDS đã làm được. Tuyên truyền, đưa những thông tin trung thực về tội ác xấu xa của lãnh đạo và XH mà ĐCS trị vì cho thấy một nhà nước bất tài, thối nát và độc ác, tàn nhẫn, dối trá chính là thức tỉnh dân chúng. Hành động phản đối, để kích nhà cầm quyền bắt bớ, hành hung, xử sự sai trái..... chính là bằng chứng rõ ràng mà dân dễ nhìn thấy, và cảm nhận.

    Trả lờiXóa
  2. Dù có thể hiện nay họ còn sợ sức mạnh của chính quyền, nhưng trong lòng đã ủ sẵn mối căm thù vì những gì tồi bại đang hiển hiện từng ngày quanh họ, mà người tỉnh này, ko biết được chuyện xảy ra ở tỉnh kia. Chính nhờ sự tuyên truyền của các nhóm XHDS (học kế sách của CS) người dân sẽ thâu nạp lượng hiểu biết cần thiết để thức tỉnh và .....một ngày nào đó, có cơ hội nó sẽ bùng phát thành cơn sóng thàn, nhấn chìm tất cả những bất công mà họng súng và lưỡi lê của chính quyền chỉ càng tăng thêm lòng căm thù và lôi kéo thêm nhiều triệu người tham gia mà thôi.
    Cái gì cũng phải có sự bắt đầu, từ thô sơ, nhỏ lẻ, mới dần thành chính qui và mạnh mẽ. Chính quyền rất biết điều đó, nên ra sức ngăn cản hoạt động của các Hội đoàn DS, mà họ có thể "bóp chết bất cứ lúc nào" như bạn nói. Đúng, họ có thể "bóp chết" nhưng chính sự ra tay "bóp chết" đó của chính quyền sẽ là mồi lửa đặt dưới đống củi có thể nó sẽ thiêu cháy tất cả. Thiệt hại đầu tiên sẽ chính là các dinh thự, cơ ngơi, tài sản của các quan chức, chứ không phải của những người nông dân, công nhân vốn đã quá nghèo khổ lại còn bị hành hung, đày đọa, coi thường nhân phẩm trong xã hội này. Chính quyền có thể "bóp chết" mọi phong trào đang nhen nhúm của dân bằng CA, quân đội khi chưa có máu đổ, nhưng khi cố tình ra tay tàn độc truy sát những nhà bất đồng chính kiến, thì chưa chắc quân đội, những đứa con từ dân, của dân và chẳng có mấy quyền lợi lại dám xả súng vào những người mà mình cần bảo vệ. Chỉ có CA vì quyền và lợi kiếm được qua mọi trò hành dân, trực tiếp với dân mới muốn bảo vệ chế độ thối nát mà thôi. Nhưng nếu CA xả súng vào dân hay thủ tiêu dân để bùng phát uất ức, chắc chắn quân đội, những người có súng và biết nhận thức, cũng sẽ không đến nỗi mù quáng làm ngơ mặc cho chúng giết dân mình. Hãy biết trân trọng những người dám xả thân tiên phong cho sự công bằng, tự do, dân chủ của VN trong tương lai bạn ạ. Phải kiên nhẫn từng bước, bởi chẳng có sự vội vã nào dẫn tới thành công bền vững!

    Trả lờiXóa