19-8-2014
(GDVN) - Đối với Mỹ, bán vũ khí tiên tiến cho Việt Nam sẽ tăng cường khả năng kiềm chế Trung Quốc, tìm được bãi thả neo tiện cho can dự Biển Đông.
Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Martin Dempsey vừa có chuyến thăm 4 ngày tới Việt Nam |
Tờ "Thời báo Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 18 tháng 8 đăng bài viết nhan đề "Mỹ sẽ bán vũ khí trang bị sát thương cho Việt Nam, có thể nửa bán nửa tặng cho Việt Nam".
Theo bài viết, là đối thủ chiến trường từng "một mất một còn", nhưng Mỹ và Việt Nam gần đây lại nhanh chóng xích lại gần nhau.
Theo hãng AP Mỹ, từ ngày 13 đến ngày 16 tháng 8, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Đại tướng Martin Dempsey đến thăm Việt Nam, đây là lần đầu tiên Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ thăm Việt Nam sau khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc.
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam cho biết, hai nước sẽ cùng tăng cường hợp tác quân sự, tập trung vào an ninh hàng hải, huấn luyện và khắc phục hậu quả còn lại của Chiến tranh Việt Nam.
Trong khi đó, Mỹ trước đó cho biết, nhanh nhất vào tháng 9, Mỹ sẽ dỡ bỏ một phần lệnh cấm xuất khẩu vũ khí sát thương cho Việt Nam.
Dư luận bên ngoài suy đoán, để kiềm chế Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, Mỹ quyết tâm đi xa hơn trên con đường vũ trang cho Việt Nam.
Nhưng, cũng có chuyên gia cho rằng, không cần thiết nghĩ quá tốt về hợp tác quân sự Mỹ-Việt.
Lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam từng bước được nới lỏng
Theo bài báo, trong hợp tác quân sự Việt-Mỹ, điều gây chú ý nhất là Mỹ phải chăng sẽ dỡ bỏ một phần lệnh cấm xuất khẩu vũ khí sát thương cho Việt Nam.
Trên thực tế, lệnh cán bán vũ khí cho Việt Nam của Mỹ đã trải qua một quá trình từ thắt chặt đến nới lỏng.
Lệnh cấm vũ khí đối với Việt Nam của Mỹ bắt đầu từ khi chính quyền Việt Nam Cộng hòa sụp đổ vào năm 1975, khi đó lực lượng vũ trang của miền bắc Việt Nam đã thu được rất nhiều vũ khí do Mỹ để lại cho Việt Nam Cộng hòa, Mỹ luôn "canh cánh trong lòng" đối với vấn đề này.
Năm 1984, Washington chính thức tiến hành cấm vũ khí đối với Việt Nam, nhưng vào lúc đó, sự trừng phạt này chỉ có ý nghĩa tượng trưng, bởi vì Việt Nam đứng trong mặt trận của Liên Xô, hoàn toàn không trông chờ vào bất cứ sự giúp đỡ nào của Mỹ.
Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ chào đón Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Đại tướng Martin Dempsey |
Sau khi Việt Nam đã gia nhập ASEAN và thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ vào năm 1995, Mỹ dỡ bỏ trừng phạt kinh tế đối với Việt Nam, nhưng vẫn giữ lại quy định cấm có liên quan đến quốc phòng.
Mỹ trước sau ngăn cản Singapore, Czech xuất khẩu xe bọc thép M113 và radar chống tàng hình Vera-E cho Việt Nam.
Tuy nhiên, những năm gần đây, thái độ của Mỹ đối với lệnh cấm này đã "mềm" đi. Năm 2005, 3 tàu chiến Việt Nam đã lắp đặt radar do chi nhánh của Công ty Northrop Grumman (NOC) Mỹ tại Anh chế tạo, Bộ Quốc phòng Việt Nam lần đầu tiên mua được một xe bọc thép kiểu mới từ một công ty của bang Virginia Mỹ.
Năm 2007, chính sách cấm bán vũ khí cho Việt Nam của Mỹ đã có sự thay đổi rõ rệt, chính quyền Bush sửa điều lệ thương mại vũ khí quốc tế, cho phép bán vũ khí phi sát thương cho Việt Nam tùy thuộc vào tình hình, nhưng tất cả vũ khí sát thương vẫn bị hạn chế.
Lần này, Mỹ nếu “dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam” sẽ tiếp tục nới lỏng xuất khẩu vũ khí cho Việt Nam.
Truyền thông Mỹ cho rằng, Việt Nam có khả năng nhất tìm mua radar bờ biển, tên lửa đất đối không và máy bay tuần tra trên biển, ngoài ra còn cần linh kiện cho trang bị quân sự Mỹ mà Việt Nam thu được trong chiến tranh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét