Thứ Tư, 13 tháng 8, 2014

ASEAN VÀ THAM VỌNG CỦA TRUNG QUỐC TRÊN BIỂN ĐÔNG


Biên tập viên RFA, Bangkok
11-08-2014
Đề nghị của phía Mỹ là phải ngưng tất cả mọi hoạt động, mọi leo thang trên Biển Đông.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry tại Hội nghị Ngoại trưởng khối 10 nước ASEAN lần
thứ 47-AMM47. Đề nghị của phía Mỹ là phải ngưng tất cả mọi hoạt động, mọi leo thang 
trên Biển Đông.

Các diễn tiến giữa khối ASEAN và các nước đối tác tại một loạt những cuộc gặp gỡ ở 
thủ độ Naypyitaw, Miến Điện trong ba ngày 8, 9 và 10 tháng 8 vừa qua có ý nghĩa gì đối 
với tình hình trong khu vực nói chung và Việt Nam nói riêng.

Gia Minh hỏi chuyện tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, cựu đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, về một 
số nhận định liên quan. Trước hết ông có đánh giá những mặt mà ông cho là thuận qua 
các hội nghị vừa rồi:

Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng: Điều thuận mà tôi cho là quan trọng nhất đó là các ngoại 
trưởng ASEAN và các đối tác kêu gọi phải kiềm chế trên Biển Đông mà lời kêu gọi phải 
kiềm chế trên Biển Đông nhằm gửi đến Trung Quốc, mặc dù ông Vương Nghị nói rằng 
Biển Đông vẫn bình yên. Nhưng nếu nhìn Biển Đông trong hai tháng qua thì không 
ai có thể tin rằng Biển Đông bình yên được. Cho nên tôi cho rằng điều mà các ngoại 
trưởng ASEAN nói khác ông Vương Nghị là điều thuận chỉ rõ tình hình. Điểm nhỏ trong 
điều thuận này là ASEAN gắn Biển Đông với hòa bình, ổn định và an ninh hàng hải 
trong khu vực cũng quan trọng vì điều này muốn gửi đến cho Trung Quốc thông điệp rõ 
ràng không những không ai tin rằng Biển Đông trong hai tháng qua là yên ổn như Trung 
Quốc nói, mà từ nay nếu Trung Quốc tiếp tục gây hấn trên Biển Đông, Trung Quốc sẽ 
vi phạm vào hòa bình, ổn định và an ninh hàng hải; tức Trung Quốc không chỉ gây hấn 
với Việt Nam mà gây hấn với toàn khu vực. Thông điệp đó rất rõ và qua thông điệp đó 
cũng thấy rằng nhờ giàn khoan mà ASEAN đoàn kết hơn. Phải nói là hiếm hoi ASEAN 
mới đưa ra được một tuyên bố như thế nếu như chúng ta nhớ lại năm 2012 ASEAN 
không ra được tuyên bố chung vì vấn đề Biển Đông bị gạt ra khỏi chương trình nghị sự.

"Thông điệp rõ ràng không những không ai tin rằng Biển Đông trong hai tháng qua là 
yên ổn như TQ nói, mà từ nay nếu TQ tiếp tục gây hấn trên Biển Đông, Trung Quốc sẽ 
vi phạm vào hòa bình, ổn định và an ninh hàng hải; tức TQ không chỉ gây hấn với Việt 
Nam mà gây hấn với toàn khu vực" Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng

Điểm thứ hai có thể gọi là thuận là các ngoại trưởng ASEAN cũng như các ngoại 
trưởng đối tác đề nghị giải pháp sắp tới đây cho Biển Đông vẫn phải dựa vào 
UNCLOS- Công ước về Luật Biển năm 1982. Đó cũng là căn cứ mà bản thân ông 
Vương Nghị cũng phải cam kết là là rồi đây Trung Quốc sẽ hiệp thương để đi đến CoC 
vào cuối năm.

Thứ ba là cả trong và ngoài hội nghị, bên trong hội nghị quan hệ Việt- Mỹ có chuyển 
biến rất tích cực. Về nội dung thì trong tuyên bố nói hết rồi, tôi chỉ muốn bình luận một 
động tác về cái bắt tay của hai ông ngoại trưởng Việt Nam và Mỹ thôi. Chúng ta thấy 
đây là cái bắt tay rất hiếm hoi trong ngoại giao, có thể nói là một cái bắt tay trong ngoại 
giao không thông thường. Ông Kerry với ông Minh bắt tay một kiểu rất lạ: ông Minh vẫn 
ngồi (mắt chớp chớp) giơ tay phải, còn ông Kerry giơ tay trái, không phải bắt mà hai 
tay nhập vào nhau như hai tuổi teen gặp nhau ngoài đường.

Gia Minh: Hẳn cũng có những điều không thuận, đó là những điểm nào?

Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng: Đương nhiên cuộc đời không có gì là một mặt cả. Bên 
cạnh những mặt thuận như thế thì cũng thấy có một vài những chuyển động trái chiều. 
Điển hình nhất theo tôi, thông cáo chung bên cạnh việc bày tỏ lo ngại chưa từng thấy 
của ASEAN và của đối tác đối với hành động leo thang của Trung Quốc ở Biển Đông, 
đó là bước tiến và bên cạnh bước tiến đó có bước lùi là AMM 47 không thảo luận đề 
xuất của phía Mỹ.

Đề nghị của phía Mỹ là phải ngưng tất cả mọi hoạt động, mọi leo thang trên Biển Đông. 
Thế nhưng đề nghị này không được AMM thảo luận. Bước lùi này còn thể hiện đậm 
trong tuyên bố của ông tổng thư ký ASEAN. Phải nói tuyên bố của ông tổng thư ký 
ASEAN gây sốc ở hai điểm. Điểm thứ nhất, ông tổng thư ký nói vấn đề ở đây (tức thảo 
luận đưa ra vấn đề, biện pháp) không phải vấn đề của ASEAN. Vì tổ chức này theo ông 
tổng thư ký nói đã có những cam kết với Trung Quốc trước, và trong các hoạt động từ 
năm 2002 ( thời điểm ký DoC). Theo tôi nếu Trung Quốc cam kết những điều đã ký thì 
làm gì có vụ giàn khoan; nhưng ông tổng thư ký nói có cam kết như thế nên không bàn.

"Đề nghị của phía Mỹ là phải ngưng tất cả mọi hoạt động, mọi leo thang trên Biển Đông. 
Thế nhưng đề nghị này không được AMM thảo luận...Phải nói tuyên bố của ông tổng 
thư ký ASEAN gây sốc ở hai điểm. Điểm thứ nhất, ông tổng thư ký nói vấn đề ở đây 
không phải vấn đề của ASEAN" Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng

Điểm sốc thứ hai trong tuyên bố của ông tổng thư ký là các tuyên bố chủ quyền tại Biển 
Đông chỉ có thể được giải quyết giữa các bên có liên quan. Điều này gây sốc vì vô hình 
chung nó đẻ ra hai hệ lụy rất lớn. Hệ lụy thứ nhất là phụ họa với quan điểm lâu nay của 
Trung Quốc, hổ trợ cách tiếp cận song phương của Trung Quốc. Trung Quốc chỉ muốn 
bẻ ASEAN thành từng chiếc trong một bó đũa để dùng slợi thế song phương để ép. 
Thứ hai ông vô hiệu hóa cách tiếp cận đa phương, khi mà rồi đây ASEAN ngồi bàn với 
Trung Quốc, đó là tiếp cận đa phương. Nếu chỉ có các nước có tranh chấp không thôi 
thì vấn đề khác đi. Vả lại tương lai liên quan đến cả Biển Đông Nam Á, chứ không chỉ 
có Biển Đông, cả những đi lại, tự do hàng hải trên Biển Đông và an ninh, an toàn hàng 
hải chứ không chỉ có vấn đề các đảo.

Điểm lùi của tổng thư ký càng nghiêm trọng trong bối cảnh khi Mỹ đề nghị phải kiềm 
chế mà Trung Quốc gạt đi và Trung Quốc có thể làm bất cứ cái gì trên Biển Đông mà 
Trung Quốc muốn.

Điểm thứ ba tôi cho là một điểm tiêu cực chứ không hẳn là điểm lùi tức quan hệ Trung-
Mỹ vẫn căng thẳng. Chúng ta biết trong cuộc gặp AEF cấp cao vào tháng 11 có thể có 
cuộc gặp cấp cao ông Tập, ông Obama, nhưng chủ động của Mỹ ở AES và đặc biệt ở 
ARF thì thể hiện sự can dự sâu hơn của Mỹ vào những vụ lộn xộn trong khu vực. Trung 
Quốc đơn phương leo thang trong vấn đề xác định chủ quyền, còn Mỹ thì đề nghị ‘đóng 
băng’ và ngưng leo thang.

Đó là những điều mà tôi cho là trái chiều với những điểm thuận khi nhìn về lợi ích của 
Việt Nam.

Gia Minh: Tại Naypyitaw, Trung Quốc nói vẫn kiên quyết chủ quyền và bảo vệ các 
quyền lợi, nhưng lại chờ đợi ý kiến để ký kết CoC, qua cách nói như thế thì họ sẽ có 
điều chỉnh như thế nào trên các biển mà họ gây ra căng thẳng lâu nay?

Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng: Tôi cho rằng lập trường của Trung Quốc là hai mặt. Hai 
mặt nhưng phản ánh một bản chất hung hãn và lập trường cố hữu của Trung Quốc, và 
chưa có dấu hiệu gì thay đổi trong lập trường của Trung Quốc đối với Việt nam cũng 
như đối với ASEAN, cũng như đối với vấn đề lớn hơn là hòa bình, an ninh khu vực.

Lập trường của Trung Quốc như thế nào thì mọi người rõ rồi; nhưng ở đây ta chú ý là 
khi Trung Quốc tuyên bố sẽ hiệp thương để tiến đến CoC cuối năm nay; ta thấy Trung 
Quốc chỉ nói hiệp thương thôi chứ không phải đàm phán vì giữa hiệp thương và đàm 
phán còn có khoảng cách.

Mặt khác Trung Quốc nói hiệp thương nhưng đồng thời cũng tuyên bố có thể làm bất 
cứ điều gì trên Biển Đông nếu Trung Quốc muốn. Trên thực tế, tôi thấy Trung Quốc họ 
hành động đúng theo hướng đó thật.

Gia Minh: Cám ơn Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng về những nhận định mà ông vừa đưa ra.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét