Vào những ngày này 69 năm về trước, khác nào một phản ứng dây chuyền, mệnh lệnh khởi nghĩa như được phát ra từ trái tim yêu nước, nơi lưu chuyển trong huyết quản giòng máu quật khởi Việt Nam, cả nước ào lên, chớp lấy thời cơ, giành lấy chính quyền. “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dây đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”[Hồ Chí Minh] . Thế rồi, "người lên như nước vỡ bờ" để làm nên một trang mới của lịch sử : "Nước Việt Nam từ máu lửa. Rũ bùn đứng dậy sáng lòa! [Nguyễn Đình Thi]
Liệu có phải sự "sáng lòa" này là thứ ánh sáng mà Victor Hugo viết trong "Những người khốn khổ", kiệt tác của nhân loại : " Ánh sáng, Ánh sáng! Biết đâu đấy, những khối u minh dày đặc ấy lại không trở thành trong suốt. Những cuộc cách mạng chẳng phải là những cuộc thay hình đổi dạng là gì?... : "Hãy làm cho tư tưởng dậy lên như gió lốc. Cái khối quần chúng kia có thể trở nên phi thường, tuyệt vời. Ta hãy biết khai thác các đám cháy mênh mông những nguyên lý, những đạo đức đôi khi tóe lửa, chói lòa, rung động trong những giờ phút nào đó"...
Lịch sử là một sự vận động trong thế tương quan giữa nhiều lực nhằm tìm ra một hợp lực, vạch ra con đường đi của nó. Cái hợp lực tạo ra sức mạnh của một dân tộc, viết nên những trang hào hùng của lịch sử dân tộc, chính là nhân dân : những người theo mệnh lệnh của trái tim đã có mặt đúng lúc, đúng thời điểm cần có họ. Chỉ ra được thời điểm ấy chính là người đem lại ánh sáng tỉnh thức như V. Hugo chỉ ra!
Ánh sáng tỉnh thức ấy đến từ bộ phận tinh hoa của dân tộc. Nói đến bộ phận tinh hoa của dân tộc chính là nói đến sự kết tinh sức mạnh của khối quần chúng nhân dân vĩ đại vào trong họ. Sức mạnh ấy làm nên lịch sử. Tại sao? Vì "ngay cả những tư tưởng thiên tài của những vĩ nhân, liệu chúng ta có chắc chắc rằng những tư tưởng ấy có chuyên nhất là công trình của riêng họ không? Hẳn nhiên bao giờ chúng cũng được sáng tạo bởi những con người đơn độc; nhưng hàng nghìn hạt bụi mới tạo thành phù sa và chính từ phù sa ấy, những tư tưởng mới nẩy mầm. Phải chăng chính tâm hồn của những đám đông đã hun đúc nên chúng. Chắc chắn đám đông bao giờ cũng vô thức, nhưng chính cái vô thức ấy có lẽ là một trong những bí ẩn của sức mạnh đám đông" [Gustave Le Bon] Và rồi cái "bí ẩn của sức mạnh đám đông" ấy sẽ bùng phát mạnh mẽ khi được đánh thức bởi những tư tưởng khai sáng.
Nhưng, tư tưởng khai sáng ấy đến từ đâu nếu không phải từ những bộ óc con người? Đương nhiên, không phải ở bất cứ bộ óc người nào. Cũng không phải từ trò chơi súc sắc của thượng đế hay của các thế lực siêu nhiên nào đó. Vì rằng "tạo hóa hào phóng vung ra vô số sản vật, nhưng chỉ hy hữu mới sản sinh ra vài hạt giống tốt". Và đây chính là "một phần rất nhỏ bé của lý tính tỏa rạng [ Albert Einstein].
Phải chăng vì thế mà ở bất cứ thời đoạn lịch sử nào, với bất cứ thể chế chính trị nào, bộ phận tinh hoa của dân tộc luôn giữ một vai trò không gì có thể thay thế được của một nước, một dân tộc. Có nó thì có tất cả, thiếu nó, thì cái còn lại chẳng còn gì là đáng giá. Cách mạng tháng Tám năm 1945 là minh chứng sống động của điều ấy. Cứ nhìn vào thành phần của Chính phủ Cách mạng lâm thời và sau đó là Chính phủ Kháng chiến do Hồ Chí Minh đứng đầu là hiểu rõ được điều đó. Đây chính là hình ảnh thu nhỏ của khối đại đoàn kết toàn dân mà bộ phận trí thức ưu tú, những "hiền tài", bộ phận tinh hoa tiêu biểu cho trí tuệ của dân tộc mà các cụ ta gọi là "nguyên khí quốc gia", được quy tụ bởi một tầm nhìn vượt lên phía trước.
Mà vượt lên được là nhờ vào một bản lĩnh văn hóa được tích lũy bởi những trải nghiệm khắc nghiệt nhưng hết sức phong phú để tiếp nhận vào mình ánh sáng văn minh, thành tựu của cả loài người trong hành trình tìm đường cứu nước, không chỉ dừng lại ở Paris, "kinh đô ánh sáng", còn ở London, ở New York và nhiều vùng khác trên thế giới ở đầu thế kỷ XX.
Đừng quên rằng văn hóa là một cấu trúc có bề sâu. Cuộc sống xã hội được phản chiếu ở bề mặt, dưới bề mặt đó văn hóa được trầm tích lại, tiềm ẩn và vô thức. Sự định hình bản lĩnh văn hóa của từng người thường theo quy luật thẩm thấu chứ không phải là "mì ăn liền". Không phải cứ giật được một mảnh bằng, một học vị là thành người có bản lĩnh văn hóa. Và không phải không có căn cứ khi người ta nói đến "gen" di truyền, "gen trội", đến truyền thống gia đình. Dòng dõi khoa bảng của họ Hồ ở Quỳnh Đôi, một vùng "địa linh nhân kiệt" nhờ "khí tốt của sông núi, nên sinh ra nhiều bậc danh hiền" như Phan Huy Chú viết trong "Lịch triều hiến chương loại chí", Nguyễn Tất Thành vốn nổi tiếng thông minh hiếu học từ buổi thiếu thời, khi bôn ba tìm đường qua nhiều quốc gia, sớm tiếp xúc với những thành tựu văn minh của thế giới, đã tự trang bị cho mình một vốn học vấn đủ để có được "một tầm nhìn vượt lên phía trước" như đã nói. Không có được tầm nhìn trên căn bản một bản lĩnh văn hóa như vậy thì làm sao lèo lái được con thuyền đất nước vượt qua bao bão táp, sóng gió, thác ghềnh!
Phải với tầm nhìn ấy mới có những dòng mở đầu của Tuyên ngôn Độc lập 2.9.1945 khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bằng những lời bất hủ trong"Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ "và "Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền" của Cách mạng Pháp 1791". Những lời trích dẫn ấy chính là những dòng ánh sáng kết tinh trí tuệ của cả loài người chứ không chỉ của riêng một quốc gia, dân tộc nào. Liệu có phải nhắc lại là trước khi đặt chân trên mảnh đất quê hương năm 1941, Nguyễn Ái Quốc đã từng nhiều năm ở Nga, đã từng có mặt ở Diên An và hoạt động tại nhiều nơi ở Trung Quốc, tại sao khi viết Tuyên ngôn Độc lập lại mở đầu với những trích dẫn trên? Phải nhắc lại đây lời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói về sự kiện mang tầm vóc lịch sử này "Như lời Bác nói lại sau này, đó là những giờ phút sảng khoái nhất của Người" [Võ Nguyên Giáp."Tổng tập Hồi ký".NXBQ ĐND,Hà nội 2006, tr.153].
"Tuyên ngôn Độc lập " là gì, nếu không phải là ý chí, là bản lĩnh của cả dân tộc biểu tỏ một cách mạnh mẽ và tường minh trước toàn thế giới. Hiểu như vậy mới thấm thía được chiều sâu và sức nặng của những trích dẫn ấy. Với tầm nhìn đó, tác giả của Tuyên ngôn Độc lập đã gắn kết những giá trị dân tộc mà ông cha ta bao đời vun đắp với những giá trị nhân loại, đỉnh cao của trí tuệ loài người, đưa nhân dân mình vào quỹ đạo phát triển của thế giới văn minh trong thời đai mới. Với Hồ Chí Minh, quyết tâm giành độc lập là không gì lay chuyển nổi. Song độc lập phải gắn liền với dân chủ và tự do. Điều này ghi rõ trong biểu trưng của tên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa là Độc lập-Tự do-Hạnh phúc. Ngay sau ngày Độc lập, Hồ Chí Minh đã khẳng định :"Độc lập mà dân dân không được hưởng tự do, hạnh phúc thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì"!
Tư tưởng này xuyên suốt trong toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh, từ lúc tìm đường cứu nước cho đến lúc từ biệt thế giới này. Những dòng vắn tắt trên đây về lời mở đầu Tuyên ngôn Độc lập nói lên điều đó. Sẽ càng sáng tỏ hơn khi nghĩ kỹ về "Điều mong muốn cuối cùng" trong "Di chúc" : “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là : Toàn Đảng toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Trong “điều mong muốn cuối cùng”, Hồ Chí Minh không nhắc đến “xã hội chủ nghĩa”.
Tại sao?
Phải chăng bằng sự từng trải và chiêm nghiệm của một người trọn cuộc đời dành hết cho việc tìm đường cứu nước, với trí tuệ và tâm huyết, bản lĩnh và kinh nghiệm của một nhà cách mạng chuyên nghiệp, một nhà văn hoá uyên bác, đã từng chèo lái con thuyền cách mạng qua biết bao thác ghềnh, đến được cận kề với mục tiêu, vào lúc tĩnh tâm nhất để có thể đạt tới sự minh triết, Hồ Chí Minh đã hiểu rõ rằng dân tộc mình, nhân dân mình đang cần cái gì nhất. Nói đến điều đó thì tất cả mọi người Việt Nam, dù bất cứ đang ở đâu, đang làm gì cũng đều có thể hiểu được, đều có thể chấp nhận, đều có thể nhất trí, là tạo ra được cái nền tảng vững chắc nhất của sự đồng thuận xã hội mà đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam, nhân dân Việt Nam đang cần để hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, tiến tới “xây dựng lại đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.
Nên hiểu rằng, theo lời Vũ Kỳ trong “Bác Hồ viết Di chúc”, Hồ Chí Minh trải qua bốn năm suy ngẫm để chỉ viết có một nghìn chữ ! Sau bốn năm xem lại lần cuối cũng chỉ sửa có ba từ ! Ở đây không là chuyện kiệm chữ, kiệm lời. Ở đây là sự dồn nén cô đọng của ý tưởng và tình cảm. Tư tưởng tình cảm như đã được “chưng cất” để chỉ giữ lấy cái tinh tuý nhất, sáng tỏ nhất. Vì thế, đọc kỹ nội dung “điều mong muốn cuối cùng” của Hồ Chí Minh, chúng ta biết được rằng : Với thời gian , chân lý bỗng vụt sáng lên từ trong những câu chữ vốn rất dung dị, thô mộc hết sức quen thuộc trong đời sống hàng ngày, khiến người ta đôi khi cứ ngỡ như không còn gì để mà suy ngẫm nữa. Đừng quên rằng, ngay từ năm 1924, Nguyễn Ái Quốc đã nhìn ra được "Chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước" vì thế mà khẳng định được rắng : "Giờ đây, người ta sẽ không hể làm gì được cho người An Nam nếu không dựa trên cái động lực vĩ đại và du nhất của đời sống của họ".
Có những vì sao đã tắt từ rất lâu, song ánh sáng của chúng giờ đây mới đến được với trái đất. Ở đây chưa phải là thời gian để ánh sáng của những ngôi sao đã tắt trên bầu trời đến được với chúng ta, mà là thời gian đủ để kiểm nghiệm độ chính xác và sự tường minh của một tư tưởng - trải qua những biến động dồn dập cả t rong nước và trên thế giới không ai có thể hình dung nổi - vẫn chứng minh được sức bền, độ “chín” của tư tưởng ấy. Vì đó là chân lý. Mà chân lý thì luôn luôn đơn giản, song hiểu được chân lý, đến được với chân lý thì thường lại cực kỳ gian truân. Mà gian truân nhất là phải phân biệt cho được chân lý với cái na ná như chân lý khiến đôi khi người ta ngộ nhận một cách chân thành và đầy sự sùng kính! Nguy hại của sự“na ná”ấy thật khó lường!
Chính vì vậy, hơn lúc nào hết, trong buổi nhiễu nhương của những giá trị bị đảo lộn khi sự giả trá lên ngôi, khi sự lừa bịp được dùng làm thuốc an thần như một "quốc sách" này, thì sự phục hưng và chiếu rọi "ánh sáng tỉnh thức" để làm sáng tỏ cái chân lý đang bị cố tình bưng bít và phủ lấp là một đòi hỏi bức xúc của cả dân tộc.
Cần phải công khai nói rõ cái nghịch lý đang tồn tại : cố tình quên đi "những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc", cố tình bẻ queo "những lẽ phải không ai chối cãi được" về "nhân quyền và dân quyền" để quyết duy trì một chế độ toàn trị phản dân chủ, phản nhân dân nhưng vẫn tuyên bố là nhằm bảo vệ và xây dựng thành công Chủ nghĩa Xã hội! Vậy đó là CNXH gì?
Có phải là cái CNXH mà chính người đang ngồi trên cái ghế cao nhất của quyền lực đã bối rối tuyên bố trước bàn dân thiên hạ là không biết đến cuối thế kỷ XXI có định hình nổi không? Cho dù vậy thì ông ta vẫn kiên quyết áp đặt cái "Cương lĩnh" được hình thành bằng sự dao động và bối rối đó lên trên Hiến pháp! Tệ hại hơn nữa, để duy trì cái ghế quyền lực đã lung lay rệu rã đó, một bộ phận những người cầm quyền đã nấp dưới chiêu bài "cùng chung ý thức hệ XHCN " với Trung Quốc để thỏa hiệp với kẻ xâm lược đã hiện nguyên hình. Vừa duy trì một chế độ toàn trị phản dân chủ, phản bội lại Tuyên ngôn Độc lập, phản bội lại tư tưởng Hồ Chí Minh, vừa thỏa hiệp vì hèn nhát và bối rối trước kẻ thù đang diểu võ giương oai, xúc phạm đến lòng tự tôn dân tộc, xúc phạm đến khí phách và anh linh của Hồ Chí Minh, thì mỉa mai thay, lại ra sức kêu gọi học tập và làm theo tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh. Lời kêu gọi càng thống thiết mùi mẫn hơn nhân 45 năm thực hiện Di chúc! Đã đến lúc phải đọc to lên lời cảnh báo của Hồ Chí Minh "Than ôi! Khẩu hiệu cách mạng của Đảng mà hóa ra lá bùa của thầy cúng"! [Hồ Chí Minh Toàn tập. Tập 5. NXBCTQG. Hà Nội 1995, tr305.]
Chỉ những ai biết đau nỗi đau của người dân đang bị trăm nghìn nỗi lo về cuộc sống còn quá khó khăn, đang bị dồn ép, cướp giật, đàn áp buộc phải đứng lên đấu tranh cho "quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc" mà Hồ Chí Minh đã nêu lên trong Tuyên Ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, và trong "Điều mong muốn cuối cùng" trong Di chúc, thì mới có quyền được nói là đang hướng về tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh.
Mà thật ra, chỉ cần trình bày một cách trung thực những tư tưởng được thể hiện trong Tuyên ngôn Độc lập và "Điều mong muốn cuối cùng" trong Di chúc của Hồ Chí Minh cũng đủ để quy tụ được sự đồng thuận xã hội, tạo nên động lực mạnh mẽ cho sự nghiệp xâ dựng và bảo vệ tổ quốc khi mà vận mệnh đất nước đang giục giã những trái tim yêu nước. Bởi lẽ, từ đó, ánh sáng của chân lý tỏa sáng đủ để xua tan những lừa mị, bịp bợm. Đó chính là cái ánh sáng khiến chonhững khối u minh dày đặc trở thành trong suốt. ... "Hãy làm cho tư tưởng dậy lên như gió lốc. Cái khối quần chúng kia có thể trở nên phi thường, tuyệt vời". Vì vậy, "hãy biết khai thác các đám cháy mênh mông những nguyên lý, những đạo đức đôi khi tóe lửa, chói lòa, rung động trong những giờ phút nào đó" như lời của đại văn hào Pháp đã dẫn ra ở trên.
24 - 8 - 2014.
NHỮNG DÒNG GHI VÀO
SỔ TANG VÕ THỊ THẮNG
Tinh thần Võ thị Thắng sống mãi
Vì , bản lĩnh và "Nụ cười Võ thị Thắng" cần được phát huy mạnh mẽ trong cuộc chiến đấu chống lại những thế lực đen tối đang làm hoen ố, hủy hoại và phản bội lý tưởng của Võ thị Thắng và thế hệ cách mạng đi heo ngọn cờ giải phóng dân tộc, giải phóng con người. Đang cần hơn bao giờ hết một bản lĩnh và một nụ cười Võ thị Thắng trong cuộc đấu tranh chống Trung Quốc xâm lược, chống thế lực cam tâm núp bóng kẻ thù để giữ cái ghế quyền lực.
Chúng tôi noi gương tinh thần đấu tranh của Chị.
Tương Lai và các bạn đến tiễn đưa chị.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét