Thứ Ba, 12 tháng 8, 2014

THƯ GỞI NHỮNG NGƯỜI BẠN

Hồ Ngọc Nhuận 10-8-2014

(SGĐT) - Tháng 8 có nhiều kỷ niệm với một người. Tác giả thư này, anh Hồ Ngọc Nhuận, một người ngoài đảng CSVN, dù tuổi đã cao, sức yếu nhưng tình nghĩa sâu nặng với bạn bè đã một thời cùng dấn thân, anh viết THƯ GỞI BẠN nhắc lại chuyện anh Lê Hiếu Đằng, nhưng không chỉ là riêng anh Đằng, mà nói đến một thế hệ của hơn 50 năm biết nhau trên một con đường cùng dấn thân mà chưa đến đích. Như ai đó đã nói : “Đời là một trải nghiệm chứ không là một thành tựu”. Ai quan niệm là thành tựu thì nó sẽ biến mất. Trong thư, anh Nhuận đã nói đến cái “giá” phải trả, và không khỏi ray rứt về “Thành Đô”. Có người nói, đừng nhắc lại “Thành Đô”. It’s so sad ! Nhưng “Thành Đô” không phải là chuyện của quá khứ, nó ở thì hiện tại, và lại đang trùm bóng lên tương lai, đang đè nặng lên tất cả - Tất cả !
SGĐT mời đọc bài sau đây, tựa bài do SGĐT tự đặt. 

                            
Các  bạn quý mến,

Thoáng cái mà đã là tháng 8. Môt tháng vốn có nhiều kỷ niệm đối với chúng ta và với tôi. Đặc biệt tháng 8 năm 2013 vừa qua , với lời kêu gọi thống thiết dấn thân cứu nguy đất nước của anh Lê Hiếu Đằng, khi nằm trên giường bệnh, trước khi vĩnh biệt chúng ta. Và với bài  “Phá xiềng” của tôi, hưởng ứng lời kêu gọi của anh Đằng, đề ngày 15-8-2013.

Vì quen có  nhau với anh  Đằng từ gần 40 chục năm qua, đặc biệt trong Mặt Trận Tổ Quốc, anh Đằng ở trong đảng, tôi ở ngoài, lúc vui cũng như lúc buồn, mà buồn thì nhiều hơn, cùng đấu tranh chung chống lại bất công áp bức, nhất là  hồi năm 1987, khi cả  tháng trời tôi phải vào ra công an, vì bị vu tội  nằm trong kế hoạch hậu chiến của Mỹ, theo báo cáo trong hồ sơ của Ban Bí Thư /TƯ đảng, và  vu tội liên kết với “tập đoàn phản động Hoàng Cơ Minh” ,  tôi luôn được anh Đằng thường xuyên lui tới ủng hộ tinh thần, nên khi anh ra đi, tôi có cảm giác như bị hụt hẩng.

Rồi tôi nhớ đến  quý anh , những đảng viên khá gần gủi với  anh Đằng, mà tôi biết, từng ít nhiều có quan hệ hợp tác đấu tranh trên nhiều mặt với nhau, trong nhiều thời kỳ khác nhau, đặc biệt ở Sài Gòn.

Tôi định nhân kỷ niệm  tháng 8 đáng nhớ nầy, sẽ có vài lời tâm sự với  quý anh.Nhưng chưa kịp viết  thì được  đọc “Thư ngỏ của 61 đảng viên”, trong đó có quý anh.Nhân đó  tôi xin có thư nầy đến quý anh. Và qua quý anh , đến  quý anh chị còn lại trong “Thư ngỏ”, mà tôi từng biết tiếng và quý trọng.

Còn nhớ cách đây vài tháng , nhân được anh Huỳnh Kim Báu  và mấy bạn  ân cần hỏi thăm sức khỏe, tôi đã thố lộ đôi điều với anh Báu và anh Hạ  Đình Nguyên, rằng chúng ta phải trả giá. Và hai anh cũng tán đồng.

Giá gì ?

Giá cuộc đời chúng ta mà dân tộc, mà đất nước đã cho, mà không ai là toàn vẹn. Giá những gì chúng ta đã làm, không chỉ là có đúng. Cuộc đời chúng ta đã phải có nhiều lựa chọn, dù đúng dù sai. Nhưng trong cái thế kỷ mà chúng ta đã sanh ra, trên cái đất nước mà chúng ta đã sanh ra,cuộc đời cũng đã mặc ý dành sẳn cho ta những lựa chọn không hoàn toàn tùy thuộc vào chúng ta : trong từng miền, trong từng vùng, trong từng làng, trong từng dòng họ, trong từng gia đình. Và trong từng thời điểm, hoàn cảnh.Người cùng dòng họ, cùng gia đình, cuối cùng có thể ngồi chung trên một bàn thờ, chứng kiến chung một đám giỗ, nhưng có thể không nằm chung trong một chiến hào khi ngã xuống , là chuyện thường. Hay ít nhất là trong họ nội, họ ngoại nhà tôi, và trong rất nhiều nhà khác.

Giá của bổn phận làm người Việt Nam trong thời quốc biến. Giá của tự do và độc lập của Tổ Quốc. Giá của chủ quyền quốc gia có kẻ đã và đang manh tâm đem hiến cho người ngoài. Giá máu xương của bao anh hùng liệt sĩ và nhân dân đã đổ ra để xây dựng và bảo vệ đất nước.

Cái giá của ngần thứ đó là cao hơn mạng sống của mỗi chúng ta, của tất cả chúng ta gấp nhiều lần.

Có trả giá là có đấu tranh.

Và đấu tranh với các tổ chức đảng thuộc loại sừng sỏ, quỷ quyệt nhất như các đảng toàn trị cầm quyền đó đây, thì không thể không có tổ chức. Các đảng cộng sản cầm quyền sở dĩ mạnh , và gây nhiều tai họa, là nhờ có tổ chức tinh ma nhất. Chớ không phải do cái gì khác, cả cái ý thức hệ. Vì chính cái ý thực hệ cộng sản thì đó đây, và cả ở đây,   từ lâu, người ta đã phá nó ra, như phá một món đồ cổ không ai còn màng đến,  mà đổi lấy  nhiều thứ khác đáng  giá hơn gấp bội phần cho  từng cá nhân, gia đinh, dòng họ, và cả tập đoàn thống trị của họ.

Đấu tranh chớ không yêu cầu , kêu gọi. Hay không yêu cầu kêu gọi nữa. Vì đảng cầm quyền đã thành gổ đá từ lâu.

Và vì  Tổ quốc đang lâm nguy” , như quý bạn đã viết.

Nhưng Tổ quốc đang lâm nguy chớ đảng cộng sản không lâm nguy. Mọi người đểu biết : tôn chỉ  của đảng từ lâu là “còn đảng còn mình”. Để “giữ đảng giữ mình”, dù phải mất hết thì đảng, chí ít là tập đoàn lãnh đạo đảng, vẫn sẵn sàng.

Tổng bì thư Nguyễn văn Linh , khi tại vị, đã từng chủ trương và rêu rao trên các báo đảng “Những việc cần làm ngay”. Để đi đến việc cần làm ngay cuối cùng là hội nghị Thành Đô năm 1990 .Mà hội nghị Thành Đô là gì ? Nếu không là kết ước  thề nguyền để đảng cộng sản Việt Nam  mãi mãi trường tồn trong vòng tay của đảng cộng sản Trung Quốc  anh em, dù phải mất nước ? Y như lời phán của Giang Trach Dân sau Hội Nghị : “ Sau kiếp nạn anh em còn đó, Trông nhau cười thù  oán sạch không.”

Và từ đó đến nay, trong suốt một phần tư thế kỷ, người dân Việt Nam đã phải hằng ngày uất nghẹn  chứng kiến những gì ? Ở biên giới hai nước ? Ở Cao nguyên? Trên cả nước và ở Biển Đông ? Ai đang làm chủ , ai đang thao túng  đất  nước nầy ? Ai đang đẩy dần , và ngày càng nhanh, càng sâu,  đất nước nầy vào vòng lệ thuộc Trung Quốc  ? Mà lần nầy sẽ phải tính bằng mấy trăm năm, khi mà “cái biểu tượng đáng sợ”, dù đã biến mất từ  hơn 20 năm nay ở Nga và nhiều nơi khác trên thế giới, cả trên các thẻ đảng viên của đảng cộng sản Pháp, vẫn  đang được hai đảng Trung Quốc và Việt Nam cấm chặt trên đầu dân tộc ? Khi mà lá cờ Trung Quốc , với thêm một ngôi sao thứ 6 tượng trưng cho dân tộc Việt, đã từng nghiễm nhiên phất phới trên nền trời Hà Nội và trong tay các học sinh thủ đô nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam trong một buổi quốc lễ long trọng đón tiếp người đứng đầu đảng và Nhà Nước Trung Quốc? Khi mà các sách giáo khoa từ lớp nhỏ tới lớp lớn, không biết từ đời thuở nào, đều có nguồn gốc soạn thảo, ấn hành hay tài trợ từ Trung Quốc ? Khi mà hầu hết các công trường , nhà máy, tập đoàn, cả  bãi biển phố xá trên cả nước đều do các lực lượng Trung Quốc đù loại chiếm lĩnh ?Khi mà không thiếu làng mạc Việt Nam đang biến dần thành thôn ổ của Trung Quốc ? Không kể hàng hàng lớp lớp người Trung Quốc  không ngớt kéo sang định cư lập nghiệp  ở Campuchia và Lào, bao vây Việt Nam? Không kể bộ máy lãnh đạo cầm quyền ở hai nước nầy đã bị Trung Quốc lũng đoạn,vô hiệu hóa từ lâu để khống chế Việt Nam ?

Tình thế hiểm nghèo là của đất nước, không là hiểm nghèo của  đảng cộng sản cầm quyền .Vì không ai khác hơn là chính đảng cộng sản cầm quyền và độc quyền đã  âm mưu  đưa đất nước đến tình thế đó.

Vậy thì  làm sao ĐCSVN  có thể “tự giác và chủ động thay đổi Cương lĩnh, từ bỏ đường lối sai lầm về xây dựng chủ nghĩa xã hội, chuyển hẳn sang đường lối dân tộc và dân chủ, trọng tâm là chuyển đổi thể chế chính trị từ toàn trị sang dân chủ một cách kiên quyết nhưng ôn hòa” ?

Làm sao “Lãnh đạo đảng và nhà nước thống nhất nhận định về mưu đồ và hành động của thế lực bành trướng Trung Quốc đối với nước ta, từ bỏ những nhận thức mơ hồ, ảo tưởng; và có đối sách trước mắt và lâu dài bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ trong mọi tình huống, thoát khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc” khi mà tất cả những thứ đó đều nằm trong ý đồ mật ước của hai đảng cộng sảnViệt Nam và Trung Quốc ?

Vì vậy, tôi hoàn toàn đồng ý với quý anh : “Trách nhiệm của các đảng viên yêu nước là phải cùng toàn dân nắm lấy thời cơ này”. Trong đó có quý anh. Trong đó có quý  bạn trong “thư ngỏ 61”. Và còn nhiều bạn nữa đã và sẽ ra khỏi đảng.

Các bạn sẽ  là  những người đi  đầu. Không nhường cho ai khác.

Càng không thể trông chờ ở đảng cầm quyền, từ nhiều chục năm nay  đã thâu tóm “hết mọi lợi quyền vô trong tay mình”, mà trên hết là mọi quyền tự do dân chủ của nhân dân, lại còn hứa đẩy mạnh xây dựng chủ nghĩa xã hội từ nay đến hết thế kỷ, qua lời tuyên bố của Tổng bí thư đảng.

“Nắm lấy thời cơ , vượt qua thách thức, mở ra một thời kỳ mới” chính là dứt khoát đáp lại  lời kêu gọi của anh Lê Hiếu Đằng, trước lúc lâm chung,đứng ra thành lập một Tổ chức chánh trị, một Đảng tự do dân chủ, một Phong trào toàn dân cứu nước, có tổ chức chặt chẻ, có chủ trương đường lối cương lĩnh hẳn hòi, công khai  đấu tranh chánh trị không bạo động với đảng cầm quyền.Biến kỳ vọng của đa số đảng viên yêu nước, của toàn thể đồng bào thành hiện thực.

Tổ quốc lâm nguy”. Trước cái nguy  tột cùng là mối  nguy mất nước , không có con đường nào khác là xông thẳng vào mối nguy để tìm lối thoát. Không có bạo lực đàn áp nào sau cùng không khiếp phục trước lẽ phải, trước ỳ chí của nhân dân.

Lịch sử sẽ không quên quý anh, và 61 quý bạn trong Thư ngỏ.

Xin đừng  “Bỏ lỡ cơ hội này”
Thân ái ./.

SàiGòn-Thành phố Hồ chí Minh, ngày 10-8-2014.
Hồ Ngọc Nhuận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét