Thứ Ba, 26 tháng 8, 2014

MỸ PHẢN ĐỐI ÁN TÙ Ở ĐỒNG THÁP

26-8-2014

Hoa Kỳ nói “đáng báo động” khi tòa án Việt Nam “sử dụng các điều luật về trật tự công cộng để bỏ tù những người chỉ trích chính phủ”.

Bà Bùi Minh Hằng trong một lần biểu tình chống Trung Quốc

Phiên tòa sơ thẩm của tòa án ở tỉnh Đồng Tháp kết án ba năm tù giam với bà Bùi Thị Minh Hằng.

Báo Đồng Tháp nói họ “gây rối trật tự công cộng”, bị truy tố theo Điều 245, Bộ Luật hình sự.Ông Nguyễn Văn Minh bị kết án 2,5 năm tù giam và bà Nguyễn Thị Thúy Quỳnh 2 năm tù giam.

Tuyên bố của Sứ quán Mỹ ở Hà Nội nói họ “quan ngại sâu sắc”.
“Việc các cơ quan chức năng Việt Nam sử dụng các điều luật về trật tự công cộng để bỏ tù những người chỉ trích chính phủ vì họ bày tỏ quan điểm chính trị một các ôn hoà là điều đáng báo động.”
Sứ quán Mỹ nói: “Việc kết án này dường như không phù hợp với quyền tự do ngôn luận và những nghĩa vụ của Việt Nam theo Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị cũng như các cam kết thể hiện trong Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế.”
Tuyên bố viết tiếp: “Chúng tôi kêu gọi chính phủ hãy thả vô điều kiện ba cá nhân này, cũng như các tù nhân lương tâm khác, và cho phép mọi người Việt Nam bày tỏ quan điểm chính trị của họ.”
Trong khi đó, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), trụ sở ở Mỹ, cho rằng đây là các cáo buộc “hình sự nhưng có nguyên do chính trị”.
“Chính quyền Việt Nam giờ đây đã dùng tới cả lỗi giao thông ngụy tạo để truy tố hình sự các nhà hoạt động,”ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách Châu Á của HRW tuyên bố.

'Bắt giữ, đánh đập'

Cùng ngày 26/8 khi diễn ra phiên xử, các trang mạng xã hội đưa thông tin rằng nhiều người ủng hộ các bị cáo đã bị tạm giữ, hay đánh đập.
Trang mạng Dân Làm Báo nói một người, Nguyễn Ngọc Lụa, bị công an "đánh đổ máu, hiện đã ngất xỉu và phải đưa đi cấp cứu".
Trong khi đó, trang Dòng Chúa Cứu thế nói "từ ngày 23/8, nhiều nhà hoạt động xã hội từ Bắc chí Nam đã bị công an, an ninh mật vụ theo dõi, cấm cửa, cấm đường đi đến Đồng Tháp".
Bà Bùi Thị Minh Hằng cùng ông Nguyễn Văn Minh và bà Nguyễn Thị Thuý Quỳnh bị bắt vào ngày 11/2/2014 khi đang trên đường thăm gia đình vợ chồng cựu tù nhân chính trị Nguyễn Bắc Truyển.
Hồi tháng Hai, anh Trần Bùi Trung, con trai bà Hằng, nói với BBC bà bị bắt sáng ngày 11/2 khi đang đường đi tới nhà ông Nguyễn Bắc Truyển, một tù nhân lương tâm vừa được trả tự do hồi đầu năm, tại huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp.
"Lúc đi cùng với mẹ tôi còn có 20 người khác ... trên đường đi thì bị một lực lượng lớn công an huyện Lấp Vò chặn lại và dùng dùi cui đánh đập cả đoàn, cướp giật tài sản, máy móc rồi dẫn cả đoàn về giam tại công an huyện Lấp Vò," anh Trung nói.
Anh Trung hiện đang có mặt ở Hoa Kỳ để vận động trả tự do cho bà Hằng.

'Ngăn cản dự phiên tòa'

Trả lời BBC ngày 26/8, blogger Nguyễn Tường Thụy, một trong những người đến tham dự phiên tòa, nói lực lượng an ninh đã "phong tỏa hai đầu đường dẫn vào tòa".
"Chúng tôi chỉ có thể đứng bên ngoài", ông nói.
"Sau đó họ đuổi chúng tôi nhưng không được nên mang xe đến bắt chúng tôi đưa đi".
Ông Thụy cho biết ông cùng với hơn 20 người khác đã bị bắt đưa đến đồn công an Mỹ Phú, thành phố Cao Lãnh, Đồng Tháp và nói một số người đã bị đưa đi nơi khác.
Nhiều blogger khác cũng phản ánh trên trang cá nhân rằng bị ngăn cản đến tham dự phiên tòa.
Theo thông tin từ blogger JB Nguyễn Hữu Vinh, tổng số người đến dự phiên tòa bị bắt đưa đi là hơn 50 người.

'Cáo buộc ngụy tạo'

Trong thông cáo ngày 25/6, một ngày trước phiên xử, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) đã kêu gọi trả tự do ngay vô điều kiện cho bà Hằng và các nhà hoạt động khác.
"Chính phủ Việt Nam đang dùng những cáo buộc ngụy tạo về việc gây cản trở giao thông để truy tố các nhà hoạt động," thông cáo dẫn lời ông Phil Robertson, Phó giám đốc châu Á của HRW, nói.
"Nhà cầm quyền Việt Nam nên nhận ra rằng vụ việc lần này không đáng nhận sự chỉ trích từ quốc tế và cần hủy những cáo buộc này ngay lập tức."
"Chính quyền càng cố gắng buộc Bùi Thị Minh Hằng phải im lặng bao nhiêu, tiếng nói của bà trong cuộc đấu tranh cho các quyền cơ bản và các quyền tự do ngày càng trở nên lớn hơn."
"Chính quyền nên bắt đầu lắng nghe ý kiến từ bà và các nhà hoạt động khác thay vì giam giữ họ sau song sắt."

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét