LỜI NÓI LEO - Hạ Đình Nguyên
Sài Gòn, 29-08-2014
Sau khi đọc hết bài của
Từ Huy, tôi cảm thấy mình không được phép “nói leo” nữa, như một người bước
chân vào chỗ đứng đắn, không dám văng ra lời nói tục, dù cái nguyên nhân của nó
là ở đâu kia.
Tôi án chừng Từ Huy cỡ tuổi nhiều nhất là
40, là TS Văn chương Pháp. Chừng ấy thôi đã là vốn quý của xã hội. Đó là bằng
thật, vì ở Pháp không có bằng giả như ở xứ ta. Cô đã từng đi dạy ở Đại học, và
viết. Cô đã viết một cách nghiêm túc với những tư duy chân thật, tâm huyết với
sự kiềm chế nổi phẫn nộ của mình, lần nầy, cô viết tiếp đề tài “cầu hiền và
vấn đề sử dụng năng lực trí tuệ”.
Một đề tài rất cũ từ 40 năm nay, nhưng vẫn mới, oái ăm thay nó càng ngày càng
mới thêm ra và lan rộng, đến nổi các thế hệ nối tiếp nhau, từng trải qua, và đã
từng ê chề, gần như không muốn nhắc tới nữa. Chán nản, bỏ cuộc đã hẳn là cái
tội, nhưng kiên trì thì lại phí sức, có khi xuôi đò dọc cho đến tuổi già. Nhiều
khi tiếp xúc với các vị TS già mà thấy tội nghiệp, cả đời day dứt với chuyện chung. Những
người trí thức ở cái tuổi trung tâm của năng lượng, muốn dồn sức mình để đóng
góp cho cái chung, cho Tổ quốc, cho dân tộc, cho sự tiến bộ xã hội, nếu không
được, thì họ biết làm gì? Học để làm gì? Chỉ để kiếm tiền nuôi cái thân vật lý
nhỏ nhoi của mình thôi ư? Chẳng cần. Thời kỳ nầy ở Việt Nam, để làm giàu
dễ nhất, nhanh nhất là con đường “phấn đấu” vào Đảng, vào bộ máy công quyền,
càng lên cao thì cái gì cũng có. Nói số đông là như thế - có thể là không
chính xác, thậm chí gây phẫn nộ - nhưng là con số “không nhỏ”, (như cách dùng
từ của ông TBT NPT). Việc học là rất thứ yếu - là số không, nếu học để làm
người - cái học được đặt ra không phải để đào tạo tài năng hay trí tuệ, thì làm
gì phải o bế tài năng trí tuệ, mà vấn đề là tấm bằng. Tấm bằng là một yếu tố
phụ, nhưng cần có, để hợp thức hóa cho một cuộc vận hành đen trong bóng tối. Ai
cũng biết việc mua bán bằng cấp, mua bán chức tước, hối lộ, tham nhũng để vào
các vị trí nầy khác diễn ra rần rần, vang lừng như ve kêu. Cái chuyện tài năng,
năng lực, trí tuệ… thật là xa lạ, có khi còn nguy hiểm nữa!
Từ Huy đã viết bằng tư duy nghiêm túc,
trong sáng và đau khổ. Cô quy tội cái cộng đồng chung là vô trách nhiệm, thụ
động, cá thể, rời rạc không ra tay nghĩa hiệp, để bảo vệ, để nâng đỡ, để nuôi
dưỡng những mầm tốt bị khổ ách, bị tai ương, mặc cho cái xấu lên ngôi. Theo
tôi, cái cộng đồng chung đó không có. Và không thể có, trong cái “siêu việt”
của một thứ thể chế toàn trị. Vì thế, “toàn trị” mới gây được “dấu ấn” độc đáo,
nhức nhối trong lịch sử nhân loại.
“Chúng ta đứng nhìn người khác bị hủy
hoại”, Từ Huy viết.
Đúng vậy, đứng nhìn người khác, người
khác, rồi người khác nữa, bị hủy hoại, và lần lược có chúng ta trong ấy. “Chúng
ta” bị tha hóa là hiển nhiên, thậm chí là đương nhiên, nên đã không còn là
chúng ta nguyên nghĩa. Từ sự “sợ hãi’ đã chuyển sang “thỏa hiệp”, nhưng không
chỉ trong môi trường khoa học hay học thuật, thi cử, mà Từ Huy đã trực tiếp
biết, mà thỏa hiệp có cả trong tòa án, trong bệnh viện, trong nghĩa trang,
trong bến xe, bến đò, trong trại cai nghiện ma túy, trong đầu tư kinh doanh,
trong cơ quan công quyền… Ở đâu cũng có đảng làm chủ nhân ông. Ở đại học thì có
Mác có Lê canh cửa. “Chúng ta” là những cá thể bị chia cắt thành từng
phần tử riêng biệt. Trong mọi cơ cấu xã hội đều có chủ nhân gây sợ hãi, có kết quả sợ
hãi, có giải pháp thỏa hiệp cho sợ hãi, để
cùng nhau đồng tiến lên “tha hóa”, mới đưa đất nước đến như ngày nay. Một đất
nước, duy nhất là Việt Nam, bị lãnh đạo nước ngoài - Dương Khiết Trì - qua tận
thủ đô mắng nhiếc cho cả thần, cả dân trong nước nghe, mà vẫn cúi đầu chịu
nhục. Chưa hết, lại cử sứ thần - Lê Hồng Anh - sang Bắc Kinh cầu hòa, xin
lỗi và than thở là “rất buồn”!, không buồn vì cái giàn khoan, mà buồn vì biểu
tình, tức giận đập phá, rồi xin xỏ bồi thường về cái lỗi mà chính họ gây ra! Đó
là thỏa hiệp của sự tha hóa “hoành tráng” tiếp theo sau 24 năm về cái Thành Đô
đại nhục.
Tôi tạm thời đồng ý với từ Huy :
“Chừng nào còn tồn tại Hội đồng Lý luận
Trung ương, và chừng nào cái Hội đồng này còn là nơi tập hợp của những đại diện
tiêu biểu cho sự hạn hẹp cả về kiến thức lẫn về nhận thức và đạo đức nghề
nghiệp như Phan Trọng Thưởng, chừng đó còn chưa thể có môi trường cho tự do học
thuật và tự do sáng tạo, chừng đó vòng kim cô vẫn tiếp tục siết chặt”.
Tạm thời đồng ý, vì cái hội đồng ấy, theo
tôi chỉ là “hữu danh vô thực”, nó không làm được gì, nên sắm ra dư luận viện -
nghe nói con số là 900 - để thế mạng, giữ vai trò lý luận hồ đồ, gọi những ai
bất đồng chính kiến đều là “thế lực thù địch”. Vả lại, chẳng thể có trên đời
một thứ tổ chức quái đản là Lý luận Trung ương, Lý luận Địa phương… Lý luận là
đặc tính của bộ não con người, là một phẩm chất và hạnh phúc của cuộc sống, chỉ
căn cứ trên đúng và sai, hay và dở, tính của nó là bình đẳng. Sao lại có cái
“hội đồng lý luận trung ương? 90 triệu người nghe quá quen tai, rồi thành như
không nghe. Lý luận mà kè kè quyền lực, núp bóng cấp bậc, có lẽ nên gọi là “hội
đồng tha hóa lý luận Trung Ương” thì đúng hơn.
Tôi lại rất đồng ý với đoạn sau:
“Cần
phải nhìn thấy lỗi của đảng. Nhưng đổ (?) lỗi cho đảng không phải là cách giải
quyết vấn đề. Và không thể nào giải quyết vấn đề nếu chỉ ngồi yên nhìn đảng
phạm hết lỗi này đến lỗi khác, mà (chúng ta) không làm gì cả. Nếu như đảng nhất
quyết chỉ nhận phần lãnh đạo toàn diện, triệt để, vĩnh viễn, nhưng lại nhất
quyết không chịu nhận trách nhiệm trước các vấn nạn của xã hội và sự yếu kém
của đất nước ;nếu đảng không chịu nhận trách nhiệm, thì mỗi một công dân
phải nhận lấy cả cái phần trách nhiệm mà đảng đã từ chối.”
Cuối cùng thì phải như vậy! Dù cái “cuối
cùng” nầy thật là đáng tiếc. Đáng tiếc vì kẻ nhận trách nhiệm đã “tha hóa” lu
bù, mà “chúng ta” cũng đã lỡ tha hóa. Nhưng hồi phục và tha hóa cũng có chu kỳ.
Như nước triều dâng lên, rồi rút xuống, chỉ là nhanh hay chậm thôi, nó cũng tùy
theo mức tha hóa của đôi bên.
Tôi bỗng nhớ lời của Vaclav Havel. Ông nói
trung tâm quyền lực tự đồng hóa với trung tâm chân lý, lại đồng hóa tiếp chân
lý với cái ghế ngồi. Ngồi cái ghế càng cao thì chân lý càng to. Ông Vaclav
Havel nói tiếp: “Hơn thế nữa,
hệ thống đó đã xơ cứng về mặt chính trị đến mức hầu như không cho phép sự bất
phục tùng hiện diện trong những cơ cấu hợp pháp của nó”. Tính kiên định
tương đồng với độ xơ cứng như vụ án bà Bùi Thị Minh Hằng vừa qua cũng thể hiện
rõ.
Ở nước Pháp, có hình
tượng văn học nào giống như Chí Phèo của Việt Nam ta chăng? Hãy cứ hình dung, giả
như Chí Phèo triệt hạ được Bá Kiến, anh ta lên nắm vai chủ tịch Ủy ban của làng
Vũ Đại, thì anh ta sẽ làm gì với cái “Làng Vũ Đại Ngày ấy”? Có thể hằng ngày
anh hô khẩu hiệu, hoặc rất nhiều khẩu hiệu, như “công nghiệp hóa, hiện đại hóa”
chẳng hạn, nhưng anh ta không hiểu và cũng không cần hiểu. Anh ta cho người
lùng sục dân làng xem ai có tiền nhiều ít, tìm cách lấy sao cho đúng quy định,
rồi la cà rượu thịt, tán tỉnh và… hô khẩu hiệu.
Hồn nhiên như chân lý sẵn
có trong người’.
Nếu chẳng may, có thằng
chủ tịch Ủy ban khác nào đó lớn hơn, sang hiếp đáp, thì dùng phép cầu hòa, xin
lỗi và nói “rất buồn”, rồi thỏa hiệp với nó cái gì ấy, là cũng xong!
Ở “làng Vũ Đại ngày nay”
chẳng cần gì đến cầu hiền và sử dụng năng lực trí tuệ, chỉ cầu hòa là đủ.
Nếu tác giả Từ Huy có
buồn, thì cùng buồn với nhân dân về cái “rất buồn” của đặc sứ Lê Hồng Anh trước thiên triều vậy./.
---------------------------------
Cầu hiền và sử dụng năng lực trí tuệ (phần 3)
Nguyễn Thị Từ Huy
Bài trước đề cập đến trách nhiệm của hệ thống quản lý, bộ máy lãnh đạo và cơ chế chính trị trong việc hủy hoại nguồn năng lực trí tuệ, khiến cho đất nước không thể nào phát triển được trong một thời đại mà chất xám là yếu tố chính làm nên sức mạnh của các cá nhân và các quốc gia.
Bài này nói đến trách nhiệm của cộng đồng chung, tức là của mỗi cá nhân đối với việc năng lực trí tuệ bị kìm hãm và mất mát.
Nguồn lực chất xám hiện nay bị lãng phí theo nhiều cách. Tôi tạm phân loại như sau:
Chảy máu chất xám ra nước ngoài : những người có năng lực buộc phải ra đi, tìm công việc ở nước ngoài, một số lưu vong (vì ở lại cũng sẽ hoặc ngồi tù hoặc bị vô hiệu hóa, trường hợp của các trí thức miền Nam từng làm việc dưới chính quyền Sài Gòn trước 75, trường hợp của các trí thức miền Bắc đấu tranh cho tự do tư tưởng, như Dương Thu Hương, Phạm Thị Hoài, hoặc muốn được sống và làm việc trong môi trường tự do, như họa sĩ Nguyễn Đai Giang..., chỉ xin kể một vài trường hợp làm ví dụ), một số chủ động ra đi để tìm cách bảo vệ và phát triển năng lực của họ (trong số này phải kể đến rất nhiều lưu học sinh học xong không về nước, có một số trở về nhưng rồi lại phải tìm cách ra đi, do không muốn năng lực của mình bị chết mòn vì miếng cơm manh áo).
Chảy máu chất xám khu vực: những người có năng lực rời khu vực nhà nước chuyển sang làm việc cho các tổ chức tư nhân hoặc công ty nước ngoài đóng ở Việt Nam.
Chảy máu chất xám tại chỗ : những người có năng lực làm việc trong khu vực nhà nước hoặc tư nhân không thể phát triển được các năng lực của mình, trái lại những năng lực đó cùn mòn, mất mát dần cùng với thời gian. Theo tôi, thất thoát năng lực trí tuệ theo hình thức này là vô cùng lớn và góp phần quan trọng dẫn đến mọi tình trạng trì trệ hiện nay. Sự xói mòn trí tuệ thường nhật, ngày này qua ngày khác. Đây là sự lãng phí kinh khủng nhất, đau đớn nhất, và tủi nhục nhất.
Ngoài ra còn có thể kể đến một số trường hợp bị ngồi tù, và sau khi ra tù bị vô hiệu hóa, hoặc bị vô hiệu hóa bằng cách cô lập, theo dõi, không cho làm việc, tài năng bị hủy diệt một cách đau xót. Những ví dụ mà giờ đây không ai có thể phủ nhận được: Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường… gần đây có Phạm Minh Hoàng.
Và sự trù dập, trừng phạt đối với họ đã tạo ra một làn sóng sợ hãi lan ra cả toàn bộ xã hội, đặt tất cả mọi người vào tình trạng sợ hãi, cái tình trạng khiến cho các khả năng của trí tuệ không thể nào phát triển được, khiến cho người ta chỉ còn nghĩ, nói và viết những gì «được phép», «an toàn». Đây là cách thức hủy hoại năng lực trí tuệ ghê gớm nhất và «hiệu quả» nhất. Trong cái khung «được phép» và «an toàn» đó, mọi khả năng phát minh và sáng tạo đều có thể tiêu biến hết.
Phần lớn các bài viết về vấn đề này tập trung các lý giải vào trách nhiệm quản lý của nhà nước, của cơ chế, của các chính sách cụ thể (những lý do này được phép xuất hiện trên báo chính thống), hoặc tập trung vào nguyên nhân cốt lõi nằm ở tính độc tài của hệ thống chính trị độc đảng (lý do này chủ yếu xuất hiện trên truyền thông lề dân). Các lý giải ấy, từ phương diện quản lý và lãnh đạo, theo tôi, đều rất đúng, và đã đề cập phần nào ở bài trước, nên không lặp lại ở đây nữa. Nếu có thể nói thêm điều gì thì đó là: thực tế quản lý hiện nay cho thấy, cơ chế đảng trị không chỉ gây ra hiện tượng chảy máu chất xám trên toàn cục, mà ngay cả một số người bộc lộ ra là có tư tưởng dân chủ thì khi đứng ở cương vị quản lý một đơn vị họ cũng không thu hút được những người có năng lực, hơn thế, họ cũng làm chảy máu chất xám như thường. Một vài người có khả năng trong công việc dù rất muốn hợp tác, kể cả chấp nhận thiệt thòi, nhưng cũng không thể hợp tác được với họ. Và lý do vẫn là bởi cách điều hành mang tính «cộng sản» (tức là thiếu dân chủ, và thiếu năng lực quản lý) của họ mà họ không tự nhận thấy.
Trong bài này, tôi bổ sung thêm, hoặc đúng hơn là nói rõ thêm (vì cũng có một số người đã đề cập đến khía cạnh này hay khía cạnh kia của vấn đề) về một nguyên nhân khác. Nguyên nhân đó là: cộng đồng chung đã không ủng hộ và không bảo vệ (hoặc không bảo vệ nổi) những người có năng lực.
Đối với môi trường làm khoa học như các trường đại học hay viện nghiên cứu, phần lớn những người có năng lực ra đi (và thường là ra nước ngoài, hoặc ra làm việc ở khu vực tư nhân và thường là trường hợp này phải bỏ chuyên môn) là bởi họ không thể làm chuyên môn với chế độ lương hiện tại. Với mức đãi ngộ như hiện nay họ không thể sống được, chứ đừng nói làm nghiên cứu hay sáng chế. Và để làm chuyên môn đòi hỏi họ phải tập trung thời gian và công sức, họ sẽ không có thời gian để làm thêm những công việc khác để kiếm thêm thu nhập. Muốn phát triển chuyên môn, chẳng có cách nào khác là phải ra nước ngoài.
Một nguyên nhân quan trọng khiến những người có năng lực ra đi: họ ra đi để bảo vệ nhân phẩm của họ. Bởi họ không muốn thỏa hiệp với môi trường chung, cái môi trường không ủng hộ họ, nếu họ muốn giữ nhân cách. Nếu họ thỏa hiệp với môi trường (mà người ta có thể dùng một thứ ngôn từ mỹ miều để đòi hỏi họ: «nhập gia tùy tục»), nghĩa là họ sẽ phải bằng lòng để cho nhân cách của mình tha hóa, để cho nhân phẩm của mình bị xúc phạm bởi chính mình. Nhẽ ra phải cùng nhau đòi tăng lương cho xứng đáng với công việc và phẩm giá của mình, thì tất cả đều chấp nhận mức lương phi lí, mức lương chết đói, đồng thời lại chấp nhận làm những việc khiến cho đạo đức suy đồi, năng lực chuyên môn giảm sút, để có thể sống sót (hay thậm chí làm giàu), và lấy cái «tinh thần» «nhập gia tùy tục» buộc tất cả mọi người cùng phải tha hóa, và như thế thì sẽ tạo nên cả một tập thể tha hóa. Nhiều tập thể tha hóa cộng lại sẽ tạo thành cả một xã hội tha hóa. Những người có một chút tự trọng, một chút ý thức về giá trị và nhân phẩm của bản thân, sẽ không chịu đựng nổi điều đó. Nói cách khác, họ ra đi vì muốn được làm người.
Tôi chỉ lấy một ví dụ rất nhỏ, một ví dụ giữa hàng ngàn vạn ví dụ trong công việc hàng ngày của một giảng viên đại học. Còn những ví dụ trầm trọng hơn, độc giả có thể tìm thấy dễ dàng trên báo chí và truyền thông các loại. Bạn tham gia vào một hội đồng chấm luận văn thạc sĩ, bạn đánh giá rằng luận văn đó rất kém, không đáp ứng trình độ thạc sĩ, và bạn thấy độ lượng lắm thì có thể cho 4 điểm, và bạn dự định sẽ cho luận văn đó 4 điểm. Nhưng bạn sẽ làm thế nào khi người hướng dẫn luận văn nhất định cho rằng đó là một luận văn khá, và cho 8 điểm, và đồng thời cả hội đồng cũng nhất trí cho luận văn đó vào loại khá, tức là trên 6 điểm, và nhất là khi chủ tịch hội đồng lại là một giáo sư được cho là có uy tín về chuyên môn cũng đồng ý như vậy? Đó là chưa kể đến trường hợp ông giáo sư đó còn là thầy của bạn, và các thành viên hội đồng cũng là thầy cô của bạn. Chỉ có hai khả năng: bạn giữ nguyên điểm 4 và làm mất lòng tất cả hội đồng, hoặc bạn thỏa hiệp với hội đồng, cho luận văn đó đạt chuẩn. Nhưng dù sao, một mình bạn cho điểm 4 thì luận văn vẫn được thông qua vì hội đồng sẽ lấy điểm trung bình cộng. Và bạn chẳng có cách nào khác là phải chấp nhận cái kết quả được đa số tán thành ấy. Kết quả ấy cũng đồng nghĩa với việc một bằng dởm sẽ được cấp hợp pháp. Và bạn sẽ chẳng làm được gì hết, trừ phi bạn đưa việc đó lên báo. Nhưng nếu bạn đưa việc đó ra công luận thì bạn sẽ không thể nào làm việc tiếp với tập thể đó được nữa. Người ta sẽ lập tức quy cho bạn cái tội «nói xấu tập thể». Bạn sẽ bị cô lập bởi chính cộng đồng trong đó bạn làm việc. Từ ví dụ này ta thấy rõ cộng đồng đang ủng hộ cái gì, và tẩy chay cái gì. Làm sao xã hội có thể có được nhiều bằng dởm đến thế nếu các hội đồng khoa học tại các trường đại học không đồng ý thông qua các luận văn kém chất lượng? Làm sao có bằng tiến sĩ 200 triệu nếu các hội đồng khoa học không chấp nhận điều đó? Có các tiến sĩ dởm, các bằng cấp dởm là do có sự ủng hộ của tất cả mọi người ở tất cả các cấp trong hệ thống.
Một người có ý thức về nhân phẩm, trọng sự trung thực không thể nào tồn tại trong môi trường đó mà có thể tự cảm thấy yên ổn được. Và thế là người đó sẽ ra đi. Nhiều người mà tôi đã tiếp xúc ở trong trường hợp tương tự.
Còn nhiều người thì không thể chấp nhận nổi ngay từ ngưỡng cửa vào cơ quan, nếu họ phải xin xỏ, chạy chọt, bị đặt vào một tình thế: trả nhiều trăm triệu đồng để thu về mỗi tháng từ ba đến bốn triệu đồng. Cái mà họ không chấp nhận được không chỉ là tình trạng phi lý đó, mà còn là họ không muốn «bán» mình, không muốn tự chà đạp lên nhân phẩm của họ.
Đấy là một ví dụ về những trường hợp phổ biến. Còn có những trường hợp ít phổ biến hơn, nhưng người nào đã lâm vào sẽ cảm nhận rất rõ.
Nếu bạn là nạn nhân của một vụ «thanh trừng» hoặc «đàn áp» với đủ mọi bằng chứng rõ ràng, thì cộng đồng nơi bạn làm việc, hoặc cộng đồng chung, vẫn có thể cho rằng đấy chỉ đơn giản là một «tai nạn nghề nghiệp» hoặc là bạn sai (với đường lối hiện hành) thì bạn phải chịu lấy, một mình. Và cộng đồng vẫn có thể ăn ngon ngủ yên, không cần thấy rằng mình cũng phải có chút ít trách nhiệm với đồng nghiệp. Một ví dụ điển hình là Nhã Thuyên (tôi sẽ còn trở lại với vụ việc này, bởi có thể nhìn thấy rất nhiều điều từ câu chuyện của Nhã Thuyên). Chẳng phải toàn bộ cộng đồng trí thức Việt Nam cho đến hiện nay vẫn không thể nào bảo vệ nổi Nhã Thuyên hay sao? Đã có một vài phản ứng như thư ngỏ phản đối hiệu trưởng ĐHSPHN, nhưng ông hiệu trưởng này cho đến nay không chịu trả lời, không chịu có bất kỳ hành động sửa sai nào. Bộ Giáo dục cũng không hề có một can thiệp nào trước sự vi phạm luật giáo dục trầm trọng đến như thế. Tóm lại Nhã Thuyên cho đến nay vẫn phải chịu bất công.
Những khả năng mà Nhã Thuyên từng có (thể hiện trên bản luận văn thạc sĩ) liệu có mất đi hay không? Điều đó một phần phụ thuộc vào lựa chọn và vào ý chí của Nhã Thuyên, và phần quan trọng, phụ thuộc vào việc cộng đồng có làm gì để bảo vệ những năng lực đó hay không. Mở ngoặc để nói rằng, Bakhtin, người đã khiến cho châu Âu và thế giới nể trọng vì những đóng góp cho lý thuyết về thi pháp học, đã bị đi đày ở Xi-bê-ri vì bị kết tội chống nhà nước Xô-viết, nhưng sau đó, từ những năm 50 của thế kỷ trước, ông đã được đứng trên bục giảng đại học của nước Nga, thậm chí còn giữ chức vụ trưởng khoa. Ít ra người Nga đã bảo vệ những tài năng của họ, sau những sai lầm mang tính hệ thống mà không một chế độ cộng sản nào tránh được.
Hơn một nửa thế kỷ sau, Phạm Minh Hoàng, một trường hợp tương tự Bakhtin, không còn có cơ hội ở đại học Việt Nam. Tương tự, đối với Nhã Thuyên giờ đây mọi cánh cửa đại học ở Việt Nam dường như đã đóng lại. Điều mà cộng đồng chuyên môn có thể làm là đấu tranh cho Nhã Thuyên có được một vị trí trong đại học, bằng cách đó mà bảo vệ các năng lực của Nhã Thuyên. Ít ra thì cũng phải có những trường sẵn sàng nhận Nhã Thuyên vào làm việc. Tuy nhiên điều đó đã không xảy ra trong thực tế. Và những người làm chuyên môn trong giới đại học phải chịu trách nhiệm về chuyện này. Chính chúng ta, chứ không phải ai khác, đã góp phần làm hủy hoại năng lực trí tuệ của đồng nghiệp của chúng ta. Chúng ta đứng nhìn người khác bị hủy hoại, đứng nhìn người khác chịu bất công mà không nghĩ rằng phải làm điều gì đó cho họ, cũng tức là cho chính chúng ta
Cộng đồng chung đã và đang hủy hoại năng lực trí tuệ theo những cách như vậy. Mỗi người đang hủy hoại năng lực của chính mình và của người khác theo những cách thức như vậy.
Hoặc trường hợp khác, giả dụ bạn vì một lý tưởng tiến bộ mà đi ngược lại với cách vận hành trì trệ của cộng đồng, đi ngược lại với các «chuẩn» mà cộng đồng đang tuân theo, có những hành động nhằm bảo vệ công lý và lẽ phải theo quan niệm của bạn, và nếu chẳng may vì thế mà bạn bị rơi vào tình trạng khó khăn (bị chính quyền sách nhiễu hoặc cô lập, chẳng hạn) thì rất có thể bạn sẽ thấy xung quanh bạn đột nhiên nhiều người, bạn bè hay đồng nghiệp, rơi vào tình trạng bận bịu, họ sẽ chẳng có thời gian dành cho bạn nữa. Và dù bạn có một vài khả năng nhất định, bạn được đào tạo bài bản và thậm chí đã có một số thành quả khẳng định năng lực của bạn trong công việc, thì đột nhiên bạn sẽ thấy người ta đối xử với bạn như một người rất kém cỏi, người ta sẽ đẩy bạn xuống hàng những người mới ra trường và kém năng lực, và người ta sẽ đoan chắc với bạn rằng bạn sẽ không thể nào vượt qua được kỳ kiểm tra tối thiểu nhất mà một người mới ra trường cũng có thể vượt qua. Trong số những «người ta» ấy có cả những người đã tỏ ra cùng lý tưởng với bạn. Vì sao vậy? Vì người ta cần có lý do để cho rằng bạn bị đối xử như vậy là hợp lý, người ta cần có lý do để cùng với chính quyền cô lập bạn, mà lại vẫn không phải là về phe chính quyền. Không ai nhận bạn làm việc là vì bạn kém cỏi, hoặc vì bạn có nhiều nhược điểm (hay gây gổ với đồng nghiệp, chẳng hạn) chứ chẳng phải vì cộng đồng không ủng hộ bạn, chứ chẳng phải vì mọi người sợ gì đâu. Thật tuyệt để có thể ăn ngon ngủ yên khi người khác phải chịu bất công một mình, phải vậy không
Toàn bộ cộng đồng trí thức (nếu ở Việt Nam có một cộng đồng như vậy, tôi vẫn phải tự hỏi mình rằng ở Việt Nam có một cộng đồng trí thức không, hay cũng chỉ có những phe nhóm giữa những người làm chuyên môn, giống như các phe nhóm giữa những người làm chính trị, mà thôi?) phải chịu trách nhiệm về tình trạng lãng phí nghiêm trọng về nguồn năng lực chất xám hiện nay, cũng như về mọi vấn đề khác trong xã hội. Bởi tình trạng hiện nay được tạo ra và được duy trì là nhờ chính sự thỏa hiệp của tất cả mọi người, nhờ việc họ chấp nhận tất cả mà không phản ứng, nhờ việc họ tự nguyện làm một bộ phận giúp cho toàn bộ cỗ máy vận hành với sức mạnh hủy hoại của nó, tự nguyện chấp nhận bị hủy hoại bởi chính cái cỗ máy do mình góp phần tạo ra.
Ý thức được điều đó cũng có nghĩa là mỗi cá nhân phải nhận lấy trách nhiệm của mình.
Nếu mỗi người không thấy được trách nhiệm của mình, tức là 90 triệu người này đều không chịu nhận lấy phần trách nhiệm của mình, thì việc một nhóm nhỏ vài chục người có thể khuynh loát toàn bộ xã hội là điều chẳng có gì khó hiểu.
Nói riêng trong lĩnh vực khoa học, và hẹp hơn là trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, những người viết, nghiên cứu cũng như sáng tác, ở thời điểm này, phải hiểu rằng chừng nào còn sự lãnh đạo độc tài của một chính đảng duy nhất (cho dù tên gọi của nó là gì, đảng lao động hay đảng cộng sản…), chừng nào còn tồn tại Hội đồng Lý luận Trung ương, và chừng nào cái Hội đồng này còn là nơi tập hợp của những đại diện tiêu biểu cho sự hạn hẹp cả về kiến thức lẫn về nhận thức và đạo đức nghề nghiệp như Phan Trọng Thưởng, chừng đó còn chưa thể có môi trường cho tự do học thuật và tự do sáng tạo, chừng đó vòng kim cô vẫn tiếp tục siết chặt.
Tuy nhiên, có chịu để cho đầu mình chui vào vòng kim cô đó hay không, có cam chịu đánh mất tự do nghiên cứu và tự do sáng tác của mình hay không, điều đó chỉ tùy thuộc vào từng cá nhân, và mỗi cá nhân phải chịu trách nhiệm, phải tự lựa chọn. Dĩ nhiên, mỗi sự lựa chọn đều có cái giá phải trả. Nhưng không ai có thể đổ tội cho Hội đồng Lý luận Trung ương hay ông Phan Trọng Thưởng hay một ông X, Y, Z nào đó trong việc tự mình tước đoạt tự do của mình
Trường hợp tác phẩm «Đèn cù» mới đây của Trần Đĩnh là một ví dụ cho thấy rằng tự do nghĩ và viết của mỗi người là do chính mỗi người định đoạt. Trần Đĩnh đã tự quyết định ông ấy viết gì, viết như thế nào, trong thời gian bao lâu, lúc nào thì công bố, và công bố ở đâu. Dĩ nhiên, trong việc đó Hội đồng lý luận Trung ương và chế độ kiểm duyệt ở Việt Nam không có giá trị một xu đối với ông ấy. Chừng nào mỗi nhà văn, mỗi viên chức, mỗi giáo chức hành động được như Trần Đĩnh, chừng đó Hội đồng Lý luận Trung ương sẽ tự khắc chui vào cái thùng rác lịch sử của nó, không còn giá trị một xu đối với bất kỳ ai.
Những ai còn than phiền và đổ lỗi cho đảng, cho bộ máy đàn áp tư tưởng, cho chế độ kiểm duyệt, những người đó thực sự đã tự hủy diệt chính mình, tự chối bỏ chính mình trong tư cách là một giá trị riêng biệt, tự phủ nhận khả năng tự quyết định của mình, tự từ chối tồn tại với tư cách là một cá nhân độc lập và tự chủ. Nhờ sự tự phủ nhận đó mà bộ máy đàn áp và cơ chế độc tài sẽ tiếp tục tồn tại. Những người đó chỉ còn là một thành phần cấu tạo của đám đông. Nhìn chung xã hội Việt Nam hiện nay, nếu dựa vào định nghĩa của Hannah Arendt mà xét, thì vẫn còn là một xã hội đám đông được cấu thành từ những phân tử trơ ì mất khả năng phản ứng, chứ không phải là một cộng đồng được cấu thành từ những cá nhân có tự do quyết định và tự do hành động, có trách nhiệm đối với người khác và đối với xã hội.
Trở lại với vụ Nhã Thuyên, nếu cả giới đại học và nghiên cứu mà chịu để cho ông Thưởng và vài tay bồi bút không có trình độ chuyên môn khuynh loát đến như vậy, thì phải thấy rằng chúng ta đang yêu nô lệ đến mức như thế nào. Nếu không phải là trong tình trạng yêu sự nô lệ thì cũng là đang trong một tình trạng quá sợ hãi, hoặc quá vô cảm.
Aung San Suu Kyi nói: «Nhà tù đích thực duy nhất, đó chính là nỗi sợ. Và tự do đích thực duy nhất, đó là tự giải phóng khỏi nỗi sợ». («La seule véritable prison, c'est la peur. Et la seule vraie liberté, c'est de se libérer de la peur». Trích trong cuốn Aung San Suu Kyi – un portrait en mots et en images)
Cần phải nhìn thấy lỗi của đảng. Nhưng đổ lỗi cho đảng không phải là cách giải quyết vấn đề. Và không thể nào giải quyết vấn đề nếu chỉ ngồi yên nhìn đảng phạm hết lỗi này đến lỗi khác, mà không làm gì cả. Nếu như đảng nhất quyết chỉ nhận phần lãnh đạo toàn diện, triệt để, vĩnh viễn, nhưng lại nhất quyết không chịu nhận trách nhiệm trước các vấn nạn của xã hội và sự yếu kém của đất nước; nếu đảng không chịu nhận trách nhiệm, thì mỗi một công dân phải nhận lấy cả cái phần trách nhiệm mà đảng đã từ chối. Mỗi một cá nhân phải nhận lấy phần trách nhiệm của mình, trước hết là ở vị trí công việc của mình, sau nữa là đối với môi trường sống của mình, môi trường hẹp và môi trường rộng, tức là đối với đất nước của mình. Nếu không như vậy thì chỉ có mất mát mà thôi: mất đạo đức, mất văn hóa, mất giáo dục, mất nhân phẩm… tức là mất con người, và sau cùng là mất nước.
Việc phái đoàn lãnh đạo cao cấp Việt Nam vừa sang «thần phục» Trung Quốc, việc hơn 10 ngàn lao động nước ngoài trong đó chủ yếu là người Tàu vừa được «tuyển dụng» ở Hà Tĩnh, cho thấy, đúng như nhận xét của André Menras, rằng Trung Quốc đang «đánh dấu lãnh thổ của mình ngay trong lòng Việt Nam!». Nó cũng cho thấy sự lựa chọn của lãnh đạo đương nhiệm ở Việt Nam: đất nước được sử dụng làm công cụ để phục vụ cho lợi ích cá nhân của những người lãnh đạo và để duy trì quyền lực của đảng cầm quyền. Cùng với giàn khoan 981, những sự kiện hậu giàn khoan đã bộc lộ đầy đủ các triệu chứng của một dân tộc đang bước vào con đường nô lệ.
Giờ đây đã là lúc cấp bách, Việt Nam cần phải có những người dám nhận trách nhiệm lớn đối với đất nước, cái trách nhiệm mà đảng đã và đang từ chối.
Giống như người nông dân Nguyễn Huệ xưa kia đã đứng lên nhận lấy cái trách nhiệm mà các vua triều Lê mạt đã từ chối.
---------
*Tác giả gửi trực tiếp cho SGĐT.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét