Thứ Hai, 25 tháng 8, 2014

ĐẶNG TIỂU BÌNH VỚI VIỆT NAM


Đặng Tiểu Bình có ảnh hưởng lớn đến quan hệ Việt - Trung

Một cựu Đại sứ Việt Nam ở Trung Quốc nói lãnh tụ Trung Quốc Đặng Tiểu Bình có công với Trung Quốc nhưng “giảo hoạt” với Việt Nam.


Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh là Đại sứ Việt Nam ở Bắc Kinh từ 1974 đến 1987, chứng kiến thăng trầm trong quan hệ Việt – Trung.
Ngày hôm nay ông là một trong những tiếng nói phê phán trong nội bộ Đảng Cộng sản, kêu gọi cải cách thể chế và cáo buộc Đảng quá lệ thuộc Trung Quốc.
Cuối tháng 7, Tướng Vĩnh là một trong 61 nhân vật có tiếng gửi thư ngỏ cho Ban Chấp hành Trung ương, thúc giục kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế vì tranh chấp Biển Đông.
Nói chuyện với BBC nhân dịp Trung Quốc kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đặng Tiểu Bình, Tướng Vĩnh nói ông Đặng “là người giỏi” với Trung Quốc.
“Ông ta từ bỏ con đường xã hội chủ nghĩa, rẽ đi con đường tư bản nên Trung Quốc phát triển rất nhanh.”


'Giảo hoạt'
Nhưng Tướng Vĩnh nói cố lãnh tụ Trung Quốc là con người “thực dụng, giảo hoạt”.
“Ông ta trang bị cho diệt chủng Pol Pot đánh chúng tôi, thì Việt Nam phải đánh trả tiến vào Phnom Penh. Ông ấy lại đánh chúng tôi để cứu Pol Pot, bảo là trừng phạt chúng tôi.”
Cách nhìn của Tướng Vĩnh về Đặng Tiểu Bình khá phổ biến tại Việt Nam hiện nay. Mặc dù nhiều người trong nước đánh giá cao cải tổ kinh tế của ông Đặng từ thập niên 1970, người Việt không thể tha thứ cho lãnh tụ Trung Quốc vì cuộc chiến biên giới đẫm máu năm 1979.
Đối với thế hệ đảng viên kỳ cựu như Tướng Vĩnh, quan hệ Việt – Trung là sự tổng hòa phức tạp của ý thức hệ và lợi ích dân tộc.
Sinh năm 1916, ông gia nhập Đảng Cộng sản năm 1937, tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp.
Trong giai đoạn non trẻ của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự ủng hộ của Trung Quốc mang tính cốt lõi. Quan hệ của hai đảng cũng thân thiết, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, quan hệ hai nước “vừa là đồng chí, vừa là anh em.” Trong cuộc chiến Đông Dương lần hai khi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đánh Mỹ và chế độ Việt Nam Cộng Hòa, Trung Quốc, tiếp tục cùng Liên Xô, cung cấp viện trợ kinh tế và quân sự cho nỗ lực thống nhất của Hà Nội.
Tướng Vĩnh vẫn còn nhớ ông Đặng Tiểu Bình, khi đó là Phó Thủ tướng, dẫn đoàn đại biểu Trung Quốc đến Sứ quán Việt Nam, nơi Tướng Vĩnh là đại sứ, sau chiến thắng của miền Bắc năm 1975.
“Sang ngày hôm sau, họ tổ chức cuộc mít tinh ở Quảng trường Thiên An Môn để chúc mừng thắng lợi của Việt Nam. Tôi cũng phải có bài đáp từ cảm ơn Trung Quốc.”
“Vừa mừng nhau như thế, ba năm sau lại tiến quân vô cớ đánh chúng tôi, tàn phá triệt để mấy tỉnh biên giới.”
Căng thẳng Việt – Trung còn tiếp tục trong thập niên 1980, khi Tướng Vĩnh làm đại sứ tại Bắc Kinh.

"Chúng tôi làm gì, họ cũng phá.
Cứ thỉnh thoảng lại triệu tập lên bộ ngoại giao
phản đối cái gọi là ‘truy bức’ Hoa kiều." 
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh

“Chúng tôi làm gì, họ cũng phá. Cứ thỉnh thoảng lại triệu tập lên bộ ngoại giao phản đối cái gọi là ‘truy bức’ Hoa kiều.”
“Chúng tôi đi đâu, họ theo dõi đấy. Nhiều khi cản trở, Đại sứ đi ngoài đường, họ chặn lại bảo lái xe đi sai.”
“Hay nếu chúng tôi chiếu phim nhân ngày kỷ niệm Hồ Chủ tịch, chúng tôi mời các đại sứ đến sứ quán xem phim. Ví dụ tôi hẹn 7h chiều, họ lại mời mọi người cùng giờ đến xem triển lãm khác để phá.”
Mặc dù Tướng Vĩnh còn làm đại sứ đến năm 1987, hội đàm cấp cao song phương chỉ nối lại vào năm 1989. Việc bình thường hóa quan hệ được loan báo tháng 11 năm 1991.

Nghi ngờ

Quan hệ hai nước kể từ đó đã phát triển nhanh chóng – hiện Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.
Tuy vậy, các vấn đề lịch sử, như cuộc chiến 1979 và tranh chấp trên biển, khiến quan hệ hai nước không thể “bình thường”.
Phần nào đó, Đặng Tiểu Bình là biểu tượng cho quan hệ phức tạp giữa hai quốc gia.
Người Việt có thể đánh giá cao, thậm chí ngưỡng mộ tầm nhìn của ông Đặng đã giúp mở cửa Trung Quốc và có tác động đến cải tổ tại Việt Nam.
Nhưng nhiều người Việt cũng cảm thấy đã bị Đặng Tiểu Bình phản bội, và hôm nay, cũng như mấy chục năm trước, họ không thể tin tưởng Trung Quốc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét