Thứ Ba, 19 tháng 8, 2014

NHÀ GIÀU TRUNG QUỐC DI CƯ ÀO ẠT

SGĐT: Theo “thông cáo chung” của TBT Nguyễn Phú Trọng và Hồ Cẩm Đào, thì Trung Quốc là đối tác “chiến lược và toàn diện” của Việt Nam. Ngoài việc ta đưa cán bộ bộ sang học tập, Trung Quốc còn nhiệt tình đưa cán bộ sang ta để giáo dục tại chỗ và hợp tác các thứ... Việt Nam là luôn đi sau và học tập Trung 
Quốc nên cái gì cũng giống nhau. Những cái gì tệ hại ở đó có, ta đều có. 
Nhưng nguyên nhân của mọi nguyên nhân là gì, khi người Trung Quốc nay ồ ạt rời bỏ đất nước ra đi? 
Những lý do nhẹ nhàng có vẻ hiền lành và chính đáng được nêu trong bài viết sau:
- Tránh ô nhiễm không khí
- Tránh thực phẩm độc hại
- Tránh nền giáo dục nhồi nhét, thi cử nặng nề và hình thức
- Không đủ niềm tin về sự ổn định kinh tế
- Thiếu cảm giác an toàn về chính trị
Thành phần tập trung vào giới giàu và quan chức. 
Thật ra, người Trung Quốc luôn tìm cách trốn khỏi nước mình đã từ lâu, từ thuở không khí chưa ô nhiễm, thực phẩm chưa độc hại.. Đúng hơn, từ thuở Mao lên nắm quyền toàn lục địa. Nay đi ồ ạt là nhờ vào xu thế của thời kỳ “không thể cưỡng” lại được.
Người Việt Nam muốn hiểu được mình, thấy được mình là mình, thì hãy nhìn vào Trung Quốc, tránh xa người “anh Cả” nầy thôi. 
Nếu thế, phải xét lại cái “chiến lược và toàn diện”. 

TT - Giới nhà giàu Trung Quốc đang di cư ồ ạt ra nước ngoài bất chấp nền kinh tế phát triển mạnh và chủ nghĩa dân tộc đang lên ngôi.


Ô nhiễm là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người Trung Quốc di cư - Ảnh: SCMP
Ô nhiễm là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người Trung Quốc di cư - Ảnh: SCMP
Theo khảo sát năm 2014 của hãng nghiên cứu thị trường Thượng Hải Hurun Report và Visas Consulting Group, 64% nhà giàu Trung Quốc (có tài sản trị giá từ 1,6 triệu USD) đang di cư ra nước ngoài hoặc có kế hoạch làm như vậy. Điểm đến phổ biến nhất là Mỹ (52%), Canada (21%), Úc (9%) và châu Âu (7%).
Làn sóng di cư ồ ạt này bắt đầu từ vài năm qua. Một số nhà quan sát nhận định đây là hiện tượng gây ngạc nhiên bởi nền kinh tế Trung Quốc đang phát triển mạnh và ổn định. Chủ nghĩa dân tộc cũng đang sôi sục tại quốc gia này. 
Vì không khí và thực phẩm sạch
Được thở thoải mái không khí trong lành là một nhu cầu tối thiểu
Một cư dân Bắc Kinh
Hồi tháng 11-2011, Nhân Dân Nhật Báo đã đăng bài viết kêu gọi chính quyền Bắc Kinh siết chặt các quy định để chặn làn sóng di cư ra nước ngoài.
Bài báo với tựa đề “Chúng ta cần khiến giới nhà giàu khó di cư” gây sốt trên các trang mạng xã hội Trung Quốc với đề xuất nhà giàu ra nước ngoài sống phải đóng “thuế di cư”. Trên trang Sina Weibo, nhiều cư dân mạng Trung Quốc bình luận khi có tiền, giới nhà giàu không còn yêu nước và là “những kẻ phản quốc thời bình”.
Tại sao người có tiền ở Trung Quốc không sống yên ổn trong nước mà lại đi Mỹ hay Canada? Khảo sát của Hurun Report và Visas Consulting cho biết phần lớn quyết định di cư vì không chịu nổi bầu không khí ô nhiễm ở Trung Quốc và rất lo ngại với hàng loạt xìcăngđan thực phẩm độc hại.
Nhiều bậc phụ huynh còn muốn con cái mình được hưởng một môi trường giáo dục hiệu quả hơn thay vì chế độ kiểm tra, thi cử nặng nề, mang tính chất nhồi nhét kiến thức của Trung Quốc.
Thống kê cho thấy trong năm 2013, Chính phủ Mỹ cấp 6.895 thị thực cho công dân Trung Quốc theo chương trình EB-5, nghĩa là người nước ngoài được định cư lâu dài ở Mỹ nếu đầu tư tối thiểu 500.000 USD.
Nhà giàu Trung Quốc đặc biệt ưa chuộng các thành phố Los Angeles, San Francisco và New York (Mỹ), tiếp theo là Vancouver (Canada). Điều đáng chú ý là 2/3 số người trả lời phỏng vấn Hurun Report tiết lộ họ sẽ xem xét bỏ quốc tịch Trung Quốc.
Báo Wall Street Journal dẫn lời cô Tôn, một cư dân Bắc Kinh 34 tuổi, tiết lộ con gái 6 tuổi của cô bị hen suyễn nên việc tiếp tục sống ở thủ đô Trung Quốc đầy khói bụi là một hiểm họa chết người. “Được thở thoải mái không khí trong lành là một nhu cầu tối thiểu” - cô Tôn nhấn mạnh.
Cô cũng cho biết con gái cô có khiếu nghệ thuật và cô muốn con được phát triển một cách tự nhiên thay vì phải gồng mình học trong nhà trường Trung Quốc đặt nặng thi cử và thành tích.
Cảm giác an toàn
Doanh nhân Rupert Hoogewerf, người sáng lập Hurun Report, nhận định việc giới nhà giàu và có thế lực tìm cách “rút êm” khỏi Trung Quốc còn cho thấy họ không có đủ niềm tin vào tương lai kinh tế của đất nước. Tỉ phú địa ốc nổi tiếng Nhâm Chí Cường cho rằng nguyên nhân lớn nhất của làn sóng di cư khỏi Trung Quốc là cảm giác thiếu an toàn.
“Đó là sự an toàn trong cuộc sống đối với tài sản, thực phẩm, không khí, giáo dục và quyền lợi - tỉ phú Nhâm Chí Cường khẳng định - Việc thiếu cảm giác an toàn là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới sự bất ổn xã hội. Chỉ khi đem lại cho công dân cảm giác an toàn thì Trung Quốc mới có thể thiết lập một xã hội ổn định”. Việc tăng trưởng của Trung Quốc bắt đầu giảm, giá địa ốc sụt khiến cảm giác thiếu an toàn càng gia tăng.
Theo Wall Street Journal, hiện Văn phòng vấn đề Hoa kiều Quốc vụ viện Trung Quốc đang giám sát chặt chẽ làn sóng di cư và tổ chức các chiến dịch tuyên truyền để đảm bảo những người ra đi không lãng quên đất nước. 
Mới đây, chuyên gia về Trung Quốc John Fitzgerald thuộc Đại học Swinburne (Úc) cảnh báo: “Người Úc gốc Trung Quốc đang bị giám sát, tổ chức theo chỉ đạo của Bắc Kinh ở mức chưa từng thấy”. Tại Mỹ, hồi tháng 6 hàng loạt thành viên Hiệp hội Giáo sư đại học Mỹ (AAUP) kêu gọi các trường đại học ngừng hợp tác với những Viện Khổng Tử mà Trung Quốc dựng lên ở nước ngoài để truyền bá các quan điểm chính thống của Bắc Kinh.
Quan tham bỏ trốn
Ra nước ngoài định cư còn là cách để giới nhà giàu và quan chức Trung Quốc tẩu tán tài sản kiếm được từ tham nhũng. Theo Reuters, các luật sư và chuyên gia tư vấn Úc nhận định chiến dịch chống tham nhũng của Bắc Kinh đang khiến nguồn tiền từ Trung Quốc đổ vào địa ốc Úc tăng vọt. Tính trên thị trường địa ốc toàn cầu, trong thời gian qua khách hàng Trung Quốc đã mua nhà đất trị giá 22 tỉ USD. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc ước tính từ giữa thập niên 1990 đến nay, các quan chức tham nhũng đã bòn rút khoảng 123 tỉ USD.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét