Thứ Hai, 22 tháng 9, 2014

QUANH QUẨN... TRƯỚC CỬA THIỀN (2)

Hạ Đình Nguyên
06/3/2012

Lời bình của một người đọc: Đọc phần này, (chúng) tôi thấy có nhiều điều lý thú hơn phần 1, đặc biệt là câu "Tiếng cổ Ấn Độ chuyển sang Latinh có liên quan với từ trên, là MANTRA, gồm 2 từ MAN và TRA. MAN là suy nghĩ, suy tư, tư tưởng, TRA là giải phóng, giải thoát... Tóm lại, “thiền” = mantra, là nhằm giải phóng con người ra khỏi sự suy nghĩ, tức là sự “toàn trị” của lý trí". Tôi đã nhiều lần sử dụng tư liệu này trong một số entry (tự do) của tôi, xin cám ơn tác giả.... Nói chung, theo tôi, "ý thức được là mình đang làm gì" đã là quý hóa lắm rồi! 
---------


2. Thiền và "tư duy lại tương lai"

Thiền là gì? Có nhiều định nghĩa loằn ngoằn và khó nhớ.

Ngôn ngữ là phương tiện truyền tải tư duy và văn hóa của con người. Trải qua thời gian và không gian, ngôn ngữ phát triển và xa dần ý nghĩa ban đầu để thích ứng với tập quán của mỗi địa phương và nền văn hóa khác nhau. Một trong những phương pháp nghiên cứu lịch sử là truy nguyên nguồn gốc ngôn ngữ. Nguồn gốc của từ ngữ có thể cho ta một hiểu biết lý thú. Thiền là từ Hán Việt. Người Nhật có óc tự chủ cao nên sáng tạo ra từ riêng của mình, gọi cái ta gọi là thiền, là Zen. Tiếng Anh, Pháp là Meditation, có nghĩa là tư duy/trầm tư, vì Âu Mỹ không có từ riêng để chỉ điều mà phương Đông gọi là thiền.

Tuy nhiên, Meditation có nguồn gốc Latinh bắt nguồn từ chữ Mederi, bắt đầu từ chữ M. Theo sách Practical Meditation (1), Mederi có nghĩa là khôi phục, tức trở lại với chính mình. Tiếng cổ Ấn Độ chuyển sang Latinh có liên quan với từ trên, là MANTRA, gồm 2 từ MAN và TRA. MAN là suy nghĩ, suy tư, tư tưởng. TRA là giải phóng, giải thoát - Mantra là giải phóng sự suy nghĩ, giải phóng (con người đích thật) ra khỏi sự cai trị của lý trí/trí năng để tâm thức được tự do, được sáng suốt, để trở về với “Tự ngã” ban đầu. Triết học phương Đông gọi là “bản lai diện mục”.

Tóm lại, “thiền” = mantra, là nhằm giải phóng con người ra khỏi sự suy nghĩ, tức là sự “toàn trị” của lý trí, bằng phương pháp mà đạo Phật gọi là Thiền quán. Dùng trí năng soi rọi vào chính sự vận hành của trí năng, lột vỏ nó từng lớp một, làm cho nó triệt tiêu, mới đạt đến sự hiểu biết sâu tận bên trong, cái cốt lõi cuối cùng đó, gọi là Tuệ/Tuệ giác.

Phương pháp “ngồi ngay ngắn” và “trầm tư” với một từ dùng rất đặc biệt và độc đáo là “Quán”, là tự nhìn thấy rõ các vận hành diễn ra trong đầu mình, như “xem phim”. Ở trình độ Tuệ giác nầy thì không thể diễn đạt bằng lời. Chỉ gọi chung là Thiền, gồm các cấp bậc từ sơ thiền đến nhị thiền, đến tam, tứ, ngũ , lục, thất, bát thiền... Ôi giời, chua lắm! - Đạt đến trạng thái “nhất tâm” thì Tuệ xuất hiện. Tuệ cũng đồng nghĩa với Huệ - Trí huệ.

Ý nghĩa thứ 2 của Mantra, đối với người Ấn, còn được hiểu là “tụng niệm”, tức “tụng” các câu chú hay câu kinh liên tục. Để thực hiện việc giải phóng sự vây bọc của lý trí, không cho các ý niệm của lý trí khởi lên che lấp cái cốt lõi thật sự bên trong, bằng cách đọc to lên lời kinh, đẩy lùi và lấn át sự xuất hiện của các ý niệm, làm cho tâm không bị phân tán theo các tạp niệm, không còn nghĩ đâu khác, tâm hòa làm một với lời tụng, cũng gọi là “nhất tâm”, từ đó Tuệ xuất hiện. Ý nghĩa của Mantra, giải phóng khỏi lý trí, nay mang ý nghĩa của phương tiện: tụng niệm.

MANTRA từ đây đã tẻ ra làm hai hướng: Thiền Quán và Tụng Niệm, trên thực tế, ta thấy có cả sự hòa trộn: Có Thiền và có Tụng. Hiểu ý nghĩa thiền theo Mantra là đã đi sâu vào Tôn giáo.

Trước hết ta đề cập đến loại thiền phổ thông đang phát triển rộng rãi trong xã hội, với nhiều hình thức tổ chức, đang thu hút giới trẻ và nhiều thành phần khác, chưa bước tới ngưỡng cửa Tôn giáo. Thiền Phổ thông thường được đi kèm với tập luyện Yoga. Có nhiều môn phái Yoga, chỉ có môn phái Raja Yoga (Raja: Vua) là không quan tâm tới việc luyện tập body (thân thể). Thiền phổ thông, đang ứng dụng vào đời thường, nhằm vào mục tiêu bình an và duy trì sức khỏe tâm trí và thể xác.

Thiền phổ thông trong cuộc “Đại tiệc hoành tráng”

Thế kỷ 21 đã trân trọng mời nhân loại dự vào một buổi đại tiệc hoành tráng, có tính bắt buộc, vì người dự tiệc khó có thể từ chối.

Nhân loại được khai sinh từ nhiều triệu năm, và từ những thế kỷ vừa qua đến nay đã có những bước tiến bộ kỳ vĩ về nhiều phương diện, cho phép loài người hôm nay có thể hưởng một đại tiệc linh đình chưa từng có, vô cùng phong phú, không thiếu bất cứ thứ gì! Mọi thứ tiện nghi vật chất và tiện nghi tinh thần đã cung cấp cho cuộc sống con người ngày càng cao, càng đầy đủ, sáng tạo thêm nhiều niềm vui, cách hưởng thụ, các khả năng can thiệp, và tân trang lại nhiều sản phẩm của tạo hóa: Khoa học - kỹ thuật, văn hóa - nghệ thuật, địa lý - thiên văn - vũ trụ và cả tư tưởng - triết học - tôn giáo... phong phú đến nổi có một bộ phận nhân loại phải hoang mang, hốt hoảng tự hỏi: với sự say mê đuổi theo cuộc tiến hóa vô tận, thế thì “hạnh phúc của con người là gì?” và vội vàng kêu gào bộ máy văn minh phải “Tư Duy Lại Tương Lai” (2).

Bởi trên bàn tiệc quá ngổn ngang và hỗn độn các thứ. Bên cạnh, bên trong các món ngon vật lạ của vật chất và tinh thần, xen lẫn vào đó là sự tàn phá, hủy diệt khủng khiếp, mà không thể loại trừ hay phân biệt: Sự tàn phá thiên nhiên, quả đất, bầu trời, khí quyển, với vũ khí hạt nhân, nguyên tử, hóa học, thực phẩm độc hại, các loại tai họa bất ngờ... Về mặt tinh thần, con người với trí óc tinh vi, giảo hoạt, cạnh tranh lẫn nhau ngày càng căng thẳng, triệt để, dã man..., nhằm giành giật sự sống, không gian sống và cả khí trời, trong từng cá thể, tập thể, từng quốc gia, và toàn nhân loại, tạo nên một não trạng sợ hãi, lo âu, đối phó, bất an thường trực, cùng với kho vũ khí hạt nhân đầy ắp trái đất đang đe dọa chờ nổ.

Thời gian sống như bị rút ngắn lại, tất bật, vội vã, nín thở..., sự bình an càng trở nên quý hiếm.

Người ta tự hỏi, khả năng của hạnh phúc có thể là gì? Có thể có hay không có? Hạnh phúc và bất hạnh, tiến bộ và tai họa gắn nhau như hình với bóng. Buổi đại tiệc quá hoành tráng và cũng quá hãi hùng cho nhân loại! Logique của lich sử như con đường một chiều, như nước chảy về xuôi, chỉ đi tới mà không thể quay lui, tương lai có thể “tư duy lại” được hay không? Người già, người trẻ, cả những nhà thông thái, hay kẻ dốt nát tối tăm, đều quờ quạng, loay hoay như nhau, nhúc nhích theo cách tạm thời thích ứng, an trú (theo nghĩa cụ thể) trong một góc nào đó, trộm nghĩ về một sự hiện diện mập mờ và thiếu nghĩa lý của mình. Câu nói cực kỳ thông thái của Shakespeare, ghi dấu ấn cho một thời đại: “To be or not to be?”, Tồn tại hay không tồn tại?, tưởng như đã vượt qua một vấn nạn, nhường chỗ cho một thời kỳ mới của câu hỏi mới, về một khẳng định mới: “How to be?”, vấn đề là, tồn tại như thế nào? Thế nào là tồn tại? Nhưng không, loài người chưa bước qua được bước đi căn cơ của nó. Thời đại này vẫn lại là, và còn là một câu hỏi song trùng của cả hai mệnh đề trên: “To be or not to be” đồng hành cùng “How to be”. 

Trên bàn tiệc tưng bừng hoành tráng, lao vào một cuộc cuồng phong rượu thịt, hay chọn gắp món bình an? Đâu đó bởi não trạng nầy, mà già trẻ lảng vảng trước ngõ Thiền môn, như giới trẻ phương Tây lang thang du lịch bụi? hay như một số người đi “nhìn nhìn, ngó ngó” các đền đài cũ, đổ nát, gọi là du lịch tâm linh, chiêm bái thắng tích. Quay nhìn lại, hóa ra chẳng qua chuyện của kinh doanh? Nhưng dù sao, cũng phúc thay cho ai tin rằng, mình sẽ về được Nước Chúa, hoặc sẽ bay được lên cõi Niết Bàn!, hay về với Thánh Ala cũng là một hướng!

Chúng ta đang tồn tại, hay đang không tồn tại, và lại nữa, như thế nào là tồn tại? Một câu hỏi, xem chừng là lẩn thẩn, đang lơ lửng giữa trời xanh! Thiền sẽ giúp gì đây? Cứ phóng chân bước đại vào xem sao, bỏ qua đi những lời của ba Thiên nữ bảo ta tự làm gì cho vui!

Thôi thì, hãy thử gắp món Thiền xem như là món bình an - Thiền ở mức phổ thông, biết đâu sẽ giúp cho ta có cách sống tốt hơn, có thể đem lại sự bình an ở ba phương diện: Cảm giác bình an - Hành động bình an - Tư tưởng bình an (3).

Cảm giác bình an.

Trước hết, bình an là một cảm giác, một sự kiện, nó xảy ra trong khoảnh khắc và kết thúc sau đó. Nó không để lại di chứng hay hậu quả nào, không giống trạng thái bình an theo cách “chán chường” sau khi thỏa mãn một dục vọng. Nó hoàn toàn lành mạnh và để lại ảnh hưởng tốt.

Đó là một trạng thái không bị sự tác động từ bên ngoài vào, không bị dục vọng từ bên trong thúc đẩy, không bị chi phối bởi sự thống trị của lý trí với các toan tính của vọng tưởng không ngừng nghỉ. Đó là giây phút ngắn ngủi được giải phóng khỏi lý trí. Nhưng dù sao, sự bình an cũng chỉ diễn ra tạm thời, không bền vững. Nó bị lý trí và dục vọng tái xâm lăng ngay sau đó. Cường quyền của lý trí, cùng dục vọng có sẵn, chúng thuyết minh và hướng dẫn cho ta tiếp tục lao vào cuộc đấu tranh sinh tồn cùng với các dục vọng. Hòa bình là tạm thời, bình an là hiếm hoi, nhưng đó là lúc tạm dừng chân vô cùng cần thiết, nó giúp ta tỉnh táo đi tiếp cuộc hành trình... Nếu thực hành Thiền nhiều hơn, thì khoảnh khắc bình an nầy sẽ xuất hiện nhiều hơn và kéo dài hơn.

Hành động bình an.

Nếu sự kiện bình an được thực hiện/hiện diện kéo dài, thì ý thức sẽ luôn quan sát ta, nhìn ngắm, cảnh tỉnh ta, ngay khi ta đang hành động, đang cảm xúc, nó hiểu ta đang diễn ra như thế nào, ta đang hành động và biết mình đang hành động.

Với sự tự quan sát thường trực đó, các nhà sư thường nói: Đi, biết là ta đi. Ăn, biết là ta ăn. Nói, biết là ta nói. Nghĩ, biết là ta nghĩ... Nếu ta đang đi xe gắn máy trên đường phố nhộn nhịp, thì cần biết là ta đang đi xe gắn máy trên đường phố nhịp nhịp, chớ nghĩ lan man về chuyện trắc trở tình duyên mới xảy ra. Một quan chức đang thực hiện hành vi tham nhũng, thì phải biết rằng mình đang thực hiện hành vi tham nhũng, đừng nghĩ rằng ta đang hành dộng vì tổ quốc, vì chủ nghĩa nào đó! Ấy gọi là hành động bình an, với ý thức thường trực quan sát hành vi của chính mình.

Tư tưởng bình an.

Ý thức quan sát vào hành động, cảm xúc, diễn tiến tư tưởng đang diễn ra trong ta, ý thức đó theo dõi nguồn gốc phát sinh, diễn tiến của các sự kiện, trạng thái, cho đến lúc nó kết thúc, hiểu rõ tiến trình và không can thiệp. Thí dụ, về trạng thái giận dữ. Ta ý thức được cơn giận dữ trong ta đang xảy ra, quan sát nó, theo dõi sự diễn biến của nó và hiểu nó, từ nguyên nhân phát khởi cho đến lúc nó tự tiêu tan, mà không cần phải can thiệp hay ngăn chận. Chỉ cần “ý thức” về nó. Vì nó không thể tồn tại mãi. Về trạng thái ham muốn cũng y như thế. Thuật ngữ “quán” hay “quán chiếu” là nhận thấy/nhận biết rõ cái đang diễn ra, đủ quy trình, từ khi phát sinh, chuyển hóa, đến lúc tự nó kết thúc, đúng y như thật. Sự kiện cảm giác đó, dù tốt hay xấu không thể tồn tại lâu, nó phải chấm dứt sau khi đã phát sinh. Đó là tiến trình tư duy về sự “vô thường” của mọi hiện tượng. Tư tưởng bình an là tư duy theo nhận thức về chân lý “vô thường”. Tư tưởng bình an luôn luôn nằm trong ý thức, giúp ta xuyên suốt cuộc hành trình, tránh rơi vào cạm bẫy của bức xúc. Nếu trạng thái bình an là một sự kiện, thì tư tưởng bình an là một cách sống, giúp ta giữ trạng thái bình an được kéo dài.

Thiền có bản chất không phải để nói, để cãi, mà để thực hành.

Để thực hành thiền, trở ngại đầu tiên là ý thức về sự bắt đầu, nhiều lần bắt đầu, lại bắt đầu liên tục. Đó là kiên trì thực hành: Chọn một nơi và ngồi xuống! 
...
--------
(1) Practical Meditation - Brahma Kumaris, World Spiritual University
(2) Tư duy lại Tương Lai, sách dịch - báo Saigontimes xuất bản.
(3) Dựa theo triết lý môn phái Raja Yoga.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét