Hạ Đình Nguyên
06/3/2012
Lời bình của một người đọc: Mấy chục năm... tìm hiểu, (chúng) tôi vẫn không hiểu được 'thiền là gì?', phần lớn là vì sách viết phức tạp quá. Một chiều hôm nọ, đọc tài liệu này, chúng tôi mới vỡ lẽ (nhưng không nói dài dòng ở đây). Tóm lại, con người cần phải có những khoảnh khắc nhìn lại chính mình, để biết là ta có đi 'quá đà không?' trong cái thế giới đầy nhiễu loạn này, âu đó cũng là một thực tại không kém phần quan trọng trong con đường dẫn đến 'tự do' vậy!
1. Khúc dạo đầu nhàn rỗi
Ngày nay, Thiền, hay Thiền Định, đang trở thành một hình thái sinh hoạt rất phổ biến đối với nhiều tầng lớp dân cư, thuộc nhiều lứa tuổi, không chỉ ở lứa tuổi người già, người trung niên, mà đặc biệt phát triển nhiều ở giới trẻ. Ở phương Tây càng phát triển mạnh mẽ hơn cả phương Đông, vốn là quê hương của Thiền.
Thiền ngày nay được tổ chức dưới nhiều hình thức khác nhau và ứng dụng vào nhiều mục đích khác nhau, không như truyền thống lâu đời, vốn là phương thức riêng biệt của người tu hành theo đạo Phật, nay nó đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa tự phát và tự giác của các tổ chức xã hội ở nhiều quốc gia tiên tiến. Trên toàn thế giới, chỉ có một quốc gia duy nhất, đủ nhẫn tâm truy bức và đàn áp đẫm máu hằng trăm triệu người tu thiền theo môn Pháp Luân Công. Nước đó có tên là Trung Quốc.
Dù các hình thức thực hiện Thiền tuy khác nhau, nhưng chỉ là do cấp độ cao thấp, chứ không ra khỏi kho tàng trải nghiệm phong phú của đạo Phật, qua nhiều ngàn năm tích lũy và liên tục phát triển. Về mục đích chỉ có khác nhau ở nhu cầu cục bộ, từng phần, ngắn hạn hay dài hạn. Cái chung nhất đều hướng về Chân Thiện, hướng về Tâm linh, hoặc một loại triết lý gần như Tôn giáo. Ở mức độ nào đó, Thiền cũng xem là Tu. Trước khi đi vào nội dung đề tài, chúng ta đi thử một vòng “phản biện” để tìm chút thư giãn.
Tuổi “teen” thời đại ngày nay rất ham vui, nên đùa cợt thế nầy:
“Tự trói, gọi là đi Tu,
Bị trói, gọi là đi Tù mọt gông!”
Nhìn từ hình thức bên ngoài, thấy người đi tu, ngồi thiền, tự hạn chế mình đủ thứ: kiêng ăn, kiêng chơi, bế kín “lục đạo” (sáu ngõ xấu xâm nhập vào: nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân, ý), không khác gì mình tự trói mình như một người tù, mà còn nghiệt ngã hơn cả người tù thật sự. Nhưng không chỉ lứa tuổi “teen” ngày nay mới nói thế. Có câu chuyện thâm thúy hơn, được ghi trong sách Phật hẳn hoi, nói lên một tình thế vô cùng mâu thuẫn, gay cấn chọn lựa, giữa sự sống đời thường và sự ngồi thiền. Tôi diễn lại sau đây:
Đức Cồ Đàm ngồi thiền ở cội cây
Bồ đề và thành Phật. Ngài đã sẵn có 32 tướng tốt, nay đạt đạo, hào quang chiếu sáng rực rỡ, càng thêm đẹp, thêm bội phần uy nghiêm. Lúc ấy, có 3 Thiên nữ chú ý, thích lắm, bèn sà xuống trêu chọc. Đức Phật ngồi yên, không hề xao động. Ba cô bàn nhau: cánh đàn ông họ thích nhiều kiểu, nhiều cách lắm, đủ thứ, ngắn, dài, đen, trắng... Ba cô bèn biến hóa, mỗi cô thành 500 cô, tổng cộng là 1500 người đẹp, đủ kích cỡ, màu sắc, dáng nét, uốn lượng nhảy múa chung quanh, kể cả có lúc xúc chạm tay chân nữa... Đức Phật vẫn ngồi yên uy nghiêm. Một hồi lâu, có tiếng quở trách vang lên (có thể từ một trợ lý của Phật!): “Các ngươi có biết Đức Cô Đàm đã trở thành bậc Chánh Đẳng Chánh Giác rồi sao, mà còn dám đến quấy phá?”. Ba cô nghe nói, chán nản, thu hồn lại và bỏ đi. Trước khi rời khỏi, quăng lại một câu: "Tự làm cái gì cho vui đi, chứ ngồi ngay ngắn để làm gì!” và biến mất (1).
Ngày nay, hẳn cũng có không ít người nghĩ thế. Từ khi đức Phật ra đời đến nay đã nhiều nghìn năm, Pháp và Tăng cũng nhiều, nhưng người theo Phật vẫn ít hơn số lượng người theo lời ba Thiên nữ, bày đủ các loại trò để vui chơi, mở toan cả lục đạo, khai thác cho tối đa thỏa mãn. Nhưng càng vui chơi, thì đồng thời, cũng mang thêm nhiều đau khổ, bệnh tật, oái oăm càng lớn, cuộc sống con người, đời sống xã hội và đồng loại, càng trở nên căng thẳng, hỗn loạn, nhưng chừng như, họ nhứt quyết không chịu ngồi ngay ngắn, bế lục đạo! Cuộc giằng co bất tận giữa hai xu thế “tự tìm cái gì cho vui” với “ngồi ngay ngắn” vẫn tiếp tục diễn ra trong xã hội, trong nội tâm mỗi con người, và trong mỗi người chúng ta đang ngồi đây.
Thật sự, mọi người muốn gì? Cũng như nhiều tập thể khác, như các đảng phái hay phe nhóm, thật sự, họ muốn gì? Cuộc cân đong, đo đếm, được mất, hơn thua... của thế gian là tiếp diễn triền miên, bất tận, với bản chất hỗn độn của sự đấu tranh tìm kiếm, vật lộn giữa hạnh phúc và đau khổ, giữa bình an và bất an, trong từng cộng đồng, trong nội tâm từng con người, ở mọi lứa tuổi.
Chúng ta đang nằm ngồi đi đứng đâu đó với tâm trạng nào, và mong muốn gì? Chúng ta muốn tìm hiểu Thiền, chỉ để tìm hiểu một phương pháp thư giãn, nhằm giải tỏa ức chế, hay tìm cách củng cố sức khỏe để kéo dài tuổi thọ, hoặc tránh nỗi cô đơn nhàm chán hằng ngày, hay toan tính theo cách Thúy Kiều: "Tuổi nầy, gởi với cỏ cây cũng vừa”? và chắc cũng không có ai nôn nóng muốn gởi thân vào cửa thiền đến mức phải “đạp cửa vào tu”!
Thiền, dù mục tiêu nào thì cũng không mâu thuẫn nhau, đều tốt cả, đạt đến đâu hay đến đấy. Đi đâu mà vội mà vàng, mà vấp phải đá...! Nhưng dù ở mức độ nào, thiền cũng có vấn đề phát sinh, có dây nhợ kéo theo tất yếu, trong mọi lựa chọn.
Chọn mục tiêu gần, cục bộ, thì quyết tâm không cao, dễ nản lòng, sinh ra dở dở ương ương, tư tưởng không thông. Tu thiền để giữ sức khỏe ư? để sống lâu?, sống lâu để làm gì? lại để thiền, để giữ sức khỏe, lại để sống lâu... Có vẻ xà quần, vô lý. Thôi, hãy rũ áo đứng dậy mà đi chơi cho được việc. Các cách giải trí cũng đều hữu ích, có thể giúp giải tỏa ức chế, rượu chè cũng đâu phải là chuyện không hay lắm! ăn uống hợp lý và thể dục đều, cũng tốt cho sức khỏe, hoặc một chọn lựa khác: Cứ mở toan lục đạo cho hả hê, rồi kết thúc ở cái phút huy hoàng cũng là một cách sống. Hà tất phải kiêng khem, khệnh khạng “nói thiền, ngồi thiền”! Từ Sư đến Quan, đến Thứ dân, khi về già đều khó tránh khỏi tình trạng “hoại” thê thảm và tử, nghĩ mà thấy nao lòng! Nói như thế là sinh ra tiêu cực.
Nhưng nói nghiêm túc và tích cực thì không phải thế!
Thiền, ở mọi cấp độ, đều đem lại sự hữu ích. Ở mức khởi đầu chớ gọi là thiền, chỉ đáng gọi là tĩnh tâm, giờ phút yên lặng đó, cho ta sự bình tĩnh, nhận thức lại tình hình và sự kiện, giúp tránh được các sai lầm, nóng nảy, dù là ở giới trẻ, hay người già. Nếu người trẻ khởi sự sớm cuộc hành trình nội tâm cho đến tuổi già, ắt là hạnh phúc ở đời sẽ đạt được nhiều hơn, phiền toái sẽ ít hơn chăng? Đối với người lớn tuổi, đến với thiền, có nhiều nhu cầu và từ nhiều tâm trạng khác nhau, nhưng xin đừng vội vã. Ở người già, có điều gì đó sâu hơn, ở tận bên trong, chìm khuất, ẩn hiện, lay động và làm cho bất an. Sự bất an trỗi dậy càng mạnh mẽ khi “sự đời đã tắt lửa lòng”, không còn niềm vui để lấp khoảng trống mà ánh chiều đang mang tới, họ trực nhận ra một sự tồn-tại-hoang-mang cần xử lý, đặc biệt trong giai đoạn mà vật chất bắt đầu rủ nhau tan rã, sinh ra nhiều bệnh tật và lo lắng. Sau một đoạn đường đời dài, đầy biến động, vất vã đấu tranh, nhặt nhạnh, nay nhìn lại, các ham muốn đã lắng đọng nhiều, bỗng thấy cô đơn và trước mặt là bóng tối. Có người nương tựa vào con cháu để khuây khỏa, cũng chỉ tàm tạm thôi.
Nhưng thế còn may. Bởi nhiều gia đình, con cháu thành đạt, lại bay nhảy ở trời xa, lụm cụm hai mái đầu bạc, chẳng dìu nhau được lỡ khi té ngã. Nhìn qua các mái chùa thì vẫn rêu phong với những vị chân tu bình thản, áo cà sa, kinh kệ, chuông mõ, có vẻ là bình an... Sự thật không biết thế nào, nhưng hình ảnh sự tu hành dường như hiện lên một chút khêu gợi tò mò, một sự thách đố câm lặng, một thứ đối lập không lên tiếng, có sức thu hút tựa như hứa hẹn một lời giải đáp. Thế là người ta tìm đến với thiền. Nhưng tuyệt nhiên, thiền sẽ không có một lời giải đáp ngắn gọn, rành rẽ, theo cách tiết kiệm được nhiều nhất công sức, cho những ai nôn nóng, quen ưa thích cái cụ thể và đòi có ngay. Không ai có thể bê đến cho ta một ”cục thiền” có sẵn. Cũng không có giá trị nào “ngang giá” về vị trí xã hội, hay về tri thức nghề nghiệp tương đương để trao đổi với giá của Thiền, vì thiền không có giá. Nó không nằm chung trong hệ quy chiếu về giá trị tương đương (ví dụ: Chủ tịch Phường thì tương đương Đại đức, Quan đầu ngành cấp Tỉnh, Thành hay Tổng giám đốc công ty, thì tương đương Thượng tọa, Cấp TW thì... Hòa thượng, v..v...).
Đi vào thiền là tự nguyện đi vào độc đạo, không có so sánh và không có điểm dừng, đi qua mỗi chặng đường, thì gặp trở ngại mới, nó đòi hỏi phải vượt qua liên tục những chướng ngại, vượt qua nấc nầy lại phải vượt qua nấc tới, không thể dừng lại ở đâu được, như không thể ăn mà không nuốt, uống mà không cho nước vào, như người leo núi, không thể dừng lại, mà phải tiếp tục vận hành ở tư thế chênh vênh, lắc lẻo giữa lưng chừng vách núi. Chung nhất, thì Thiền sẽ dẫn dắt người ta khởi sự đi vào một cuộc hành trình nội tâm, khám phá một loại tri thức bên trong con người (không phải là cơ thể học) và dần đến một thứ triết lý Tâm linh, hay một tôn giáo nào đó. Vì thế, những người theo chủ nghĩa “duy vật” thì không dễ tiếp cận với thiền, càng không thể tu hành, nếu họ có việc cúng quảy, đốt nhang khói và vàng mã thì chỉ bộc lộ thêm sự thiếu đứng đắn. Triết lý duy vật ngày nay ít được nói tới, ngay cả trong khoa học cũng không tìm ra phương pháp thích hợp, nếu đứng một mình.
Khoa học thực nghiệm đã đạt tới một giới hạn nhất định trước cái vô cùng lớn, vô cùng nhỏ, không còn khả năng về đơn vị đo lường, đành phải tạm dùng tư duy triết học thay thế (ý nầy là của nhà khoa học Trịnh Xuân Thuận). Văn hóa của thời đại ngày nay, đã vượt qua rất xa thời kỳ của chữ “duy”, dù là duy vật, duy linh, duy tâm, duy ý chí... Chữ “duy” gần như chỉ dành riêng cho những người yêu thích sự cực đoan. Văn hóa đã nâng lên một mức về sự bao dung và tính thực tế: Văn hóa tôn trọng sự khác biệt. Đó là thái độ sống của nhân loại ngày nay, nó không chỉ làm giảm bớt sự xung đột, tạo thêm sự hòa hợp, tôn trọng cách sống, mà còn để cùng nhau khám phá, nâng cao tư duy chung về ý nghĩa cuộc sống, ý nghĩa của sự tồn tại. Thái độ khẳng định gần như trở thành thái độ phủ định, vì khẳng định điều nầy tức đồng thời phủ định những cái khác với khẳng định mà có thể ta chưa biết đến.
Lại có người bảo, giống kiểu đổi chác: hãy xác định cho tôi biết rằng, chắc chắn có một cõi Niết Bàn an lạc, thì tôi sẽ quyết đi theo! Không ai trả lời, vì không ai chịu trách nhiệm về cuộc đời anh cả! Muốn thì tự mà tìm. Chỉ có ông Phật là người xác quyết điều nầy hùng hồn nhất, cùng với những gì ông để lại, nhưng liệu rằng chúng ta có đủ niềm tin!
Vua Trần Nhân Tông - được người đời tôn vinh là Phật Hoàng của VN - đã xác tín: Tu là để thành Phật. Kiên định mục tiêu, không ấm ớ nửa vời, tinh tấn mỗi ngày, đâu thể tu lai rai, lang thang mà đòi thành Phật, mà hỏi Niết bàn ở đâu!
Vì thế, người học trò vô danh nầy đã từng quanh quẩn trước cổng Chùa nhiều năm, chớ dám bước chân vào! Chỉ đứng ở ngoài răng ri, lấp ló và mong cảm nhận được đôi điều lợi lạc.
Triết lý đạo Phật hấp dẫn gấp nhiều lần như xem chiếc kính vạn hoa, bởi soi đâu cũng thấy mình mà không phải mình, thấy méo mó với các hình thù dị dạng. Nó có cả 10 phương để tiếp cận, mỗi phương lại có hằng ngàn cánh cửa, qua được bất cứ cửa nào cũng đều dẫn đến đại đạo Niết bàn.
Mà mở được cửa, phải có chìa khóa. Chìa khóa đó là cái Tâm, mà cái Tâm thì ở đâu trong cơ thể, hay trí óc?, và cách nào để có nó? Phật Giáo cho rằng cái tâm là chủ của thân, cái thân là dụng của tâm, đạo do tâm học mà có, đức do tâm chứa mà có, công do tâm tu mà có, phước họa đều do tâm tạo ra. Vai trò của cái tâm kỳ vỹ và lớn vậy thay! Dù khó lãnh hội thật, nhưng đời sống thực tế đã tỏ ra không thể thiếu chữ tâm. Kẻ nào bị mắng là vô tâm, thì cảm thấy khó chịu. Thế thì cái tâm cũng có vai trò, và vì thế cũng có bị lợi dụng. (còn tiếp)
---------
(1) Sách Lịch sử Phật Thích Ca (Lá Bối xuất bản, của 3 tác giả Thích Trí Quang, Thich Minh Châu, Thích Thanh Từ).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét