Hạ Đình Nguyên
18/9/2014
18/9/2014
Ngồi cô đơn trong góc vườn nhà, cạnh dòng sông, tôi
nhìn mặt trời chiều đỏ ối như một khối lửa khổng lồ chụp xuống cuối sông, cây
cảnh phía dưới bắt đầu mờ dần, con sông hẹp lại, nham nhở những mảng lục bình
trôi lờ đờ, khi con nước xuống gần mức đáy, càng lộ ra cái xấu xí trần trụi của
hai bên bờ với những mảng bùn xám xịt, lố nhố những gốc dừa nước đen sì. Không
gian trở nên nặng nề tương phản với khối lửa đè ở bên trên. Bỗng dưng xuất hiện
trong tôi cái tựa đề “Một thời để yêu, một thời để chết”, tác phẩm của Erich Maria Remarque mà
tôi đã đọc từ 40-50 năm trước.
Không còn nhớ rõ nội dung là gì, chỉ còn mỗi cái tựa
đọng lại trong trí. Nhưng không hề chi, chỉ riêng cái tựa ấy đã quá đủ cho tâm
trí tôi một cuộc lãng du, đúng ra là một hành trình hồi tưởng, từ một quá khứ
mơ hồ rồi dẫn về một không gian hôm nay. Cái “hôm nay” trải dài từ âm vang của
“Cách mạng Mùa Thu” 1945 đến “Đại thắng Mùa Xuân” 1975, và đến… cái gì đó khá
bừa bộn của 2014, và tiếp đến nữa, là gì? Tôi chưa mường tượng được! Một thời
để “yêu”, có đúng thật không? Và một thời để chết?
Cả không gian gọi là Việt Nam và suốt thời gian ấy,
đến cái hiện tại hôm nay, vẫn đang nằm gọn trong quy trình chưa chấm dứt cả hai
vế của một quy trình, vì cái tiến trình “chết” còn hứa hẹn bỏ ngỏ.
Một thời để yêu “chủ nghĩa anh hùng Cách Mạng” - Vô
sản Quốc tế. Và một thời để chết, bởi chính nó sao?
Cái “thời để yêu” lại bao gồm mọi cách chết chóc, thê
lương, thảm khốc. Một “thời để chết” thì lại có một cách sống - Nói thế nào
nhỉ? Một cách sống để trả nợ cho cái yêu của một thời?, để cuối cùng tiến đến
một cái chết trong cơn co giật hoành tráng chăng?
Cái chết của “thời để yêu” là đau đớn cho từng con người, nhưng để lại cơn mơ mộng làm nên một sự “thăng hoa” tập thể, một thứ “phồn hoa giả tạo” của tư duy phủ lên định mệnh, mà Phạm Thị Hoài thì gọi bằng một từ ngữ bén ngót mà không hề thấy nhẫn tâm: “cơn lên đồng tập thể”, lời sao chua cay như dao đâm vào lòng lớp lớp các thế hệ, làm tôi nhớ câu chuyện của ai đó nói về con chim bồ nông. Vì hoàn cảnh bão táp hay rét mướt thế nào mà con chim bồ nông mẹ đã không tìm được mồi cho đàn con, nó đã tự mổ vào bụng mình, lôi dần bộ lòng ra cho con ăn. Nó cất lên những tiếng kêu thê lương vì đau đớn, nhưng trong tận cùng tiếng kêu ẩn chứa một niềm hoan lạc của đức hy sinh, vì tương lai của sự sống. Ở Việt Nam hôm nay, có một người mẹ tìm đến cái chết để mong được tiền phúng điếu cho đứa con tiếp tục cuộc sống, và chua hơn nữa, để con có điều kiện không bỏ dở việc “học hành”. Một chuyện điên rồ?, một chuyện lãng mạn?, một chuyện thương tâm? Không biết, nó nói lên cái gì đó cao hơn thế!
Đó là chuyện có thật, được đăng trên truyền thông cách đây mấy tháng. Mà có biết bao nhiêu chuyện “nhường sự sống” tương tự, đã xảy ra trong suốt cuộc chiến tranh, cũng như trong các cuộc vượt biển điển hình, hoành tráng mà bi thương, chỉ riêng người Việt Nam mới làm nên kỳ tích không nên có ấy - chưa một dân tộc nào có thể so sánh về sự kiện nầy - Nếu nói đó là một cuộc chạy “anh hùng”, một cuộc chạy “sợ hãi”, và gì gì nữa cao hơn thế? Tôi không biết. Tôi tin là chuyện về chim bồ nông là có thật.
Một thời để yêu là những cách chết và sự buồn thảm,
ngoài những khoảnh khắc thăng hoa của những ‘cơn lên đồng’ nhưng đáng trân
trọng.
Tôi mượn 2 bức tượng nghệ thuật, tên là “Tiếc Thương”
để minh họa theo ý “phi giới tuyến”.
Hình 1: Nguyên tác của nhà điêu khắc Nguyễn Thanh Thu
“Tiếc
thương” được đặt tại cổng vào Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa
Cái yêu của một thời để chết, lại khác với cái sống của một thời để yêu. Vì yêu
bậy nên cái sống đã trở thành những cách chết. Và trong cái thời để chết thì
người ta mới bừng tỉnh để biết yêu cái sống! Nhưng đã muộn rồi chăng, vì biết
yêu nhưng trong cái bối cảnh để chết? Nếu nói về đời người, ấy là thời già nua.
Nếu nói về xã hội thì đó là chu kỳ đi xuống. Nhưng bản năng thiêng liêng của
con người là không muốn chết, nên cái sống đã trở thành “yêu cuồng sống vội”,
lại trở thành những cách chết mới, không giống cách chết của “thời để yêu”.
Cái chết của “thời để chết” thì sống trong nỗi khô
khốc của tinh thần, phủ định giá trị làm người, trước khi tiến đến cái chết
trần trụi, không còn sự che đỡ của nhân văn, cái chết của một con thú thuần
túy, không một giấc mơ. Con thú “thô thiển giả tạo” không tên của một thứ trào
lưu mù quáng bạo lực, bạo hành, dối trá, tham lam ngự trị, hoành hành trước khi
kết thúc bằng cái chết hình thức của thân xác.
“Một thời để yêu” ý
thức hệ bằng cơ bắp, bạo lực
và sinh mạng với chất kích thích để thăng hoa. “Một thời để chết” bởi
sự hoành hành của cái độc tố nội sinh từ chất kích thich ấy, một thứ năng
lượng mù quáng vẫn đang tiếp tục vận hành.
Hình 2: Do tác động của một lực kéo làm đổ xuống, và
chính bức hình đổ nầy mới là một tuyệt tác vô giá, vượt khỏi mọi ý định con
người, hình như lẽ sống của con người đã bị đảo ngược.
Tôi tìm đọc lại sách.
Trong bối cảnh điêu tàn của văn hóa phương Tây từ sau
Đệ nhị thế chiến, Remarque viết: “Không nên bao giờ cứu vớt những giấc mộng”
theo cách nuối tiếc để phục hồi, tái lập.
Người Cộng sản Việt Nam nào còn muốn cứu vớt giấc mộng đã qua? Nếu còn có
một ai, thì nên hiểu đó đích thị là kẻ mang bệnh tâm thần mãn tính xã hội chủ
nghĩa.
Remarque lại cho ta một niềm an ủi hữu lý: “Giấc
mộng đó đi qua, nhưng giấc mộng khác sẽ đến và sống lại”. Cái “giấc mộng khác”, không phải là giấc mộng
ấy lặp lại lần khác, mang cùng bản chất, mà là giấc mộng mang một bản chất khác.
Lấy gì để xây dựng, và nuôi dưỡng giấc mộng khác? Remarque nói
rằng, đó là niềm tin. Một dân tộc tồn tại và phát triển là bởi niềm tin - niềm
tin không bao giờ mất, dù Việt Nam bây giờ đang tạm thời bị phủ mây đen.
Nguyên văn mấy dòng trong lời mở đầu của
tác phẩm, thật là thú vị:
“- Không nên bao giờ cứu vớt những
giấc mộng.
- Nên chứ, nếu không cứu vớt những
giấc mộng thì cứu vớt gì bây giờ?
- Cứu vớt Niềm tin. Còn những giấc
mộng thì tự chúng sẽ hồi sinh lại.
Giấc mộng này đi qua, nhưng giấc mộng
khác sẽ đến và sống lại. Chỉ có Niềm tin là đáng nuôi dưỡng khi bóng tối vây
phủ trên giấc mộng loài người”.
HĐN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét