29-9-2014
Dường như chính quyền Trung Quốc đang kiểm duyệt các chia sẻ trên mạng xã hội về cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hong Kong.
Trang web đăng tải lại các đoạn post về Hong Kong hay vụ biểu tình đã bị xóa trên Weibo |
Mạng Instagram bắt đầu bị chặn ở Trung Quốc, trong khi các tin đăng ủng hộ người biểu tình bị gỡ bỏ khỏi mạng Weibo.
Trong khi đó, các chiến dịch đang được lên kế hoạch ở trên toàn cầu nhằm ủng hộ phong trào ủng hộ dân chủ Hong Kong.
Biểu tình ở Hong Kong nhằm ủng hộ cải cách bầu cử đã leo thang trong cuối tuần qua. Hàng ngàn người vẫn ở lại trên đường phố.
Nhiều người dùng Instagram ở Trung Quốc bắt đầu không truy cập vào dịch vụ mạng xã hội này vào sáng thứ Ba và đã báo cáo trên mạng xã hội.
Một người dùng Weibo viết: “Sáng nay tỉnh dậy. Instagram bị cấm rồi. Tôi hỏi bạn bè. Điều tương tự cũng xảy ra với họ. Liệu Trung Quốc còn có thể dị tới mức nào? Vì sao cấm cả Instagram nữa khi đã cấm Facebook và Twitter rồi? Chế độ này khiến tôi không còn gì để nói.”
Một phát ngôn viên của Instagram nói với BBC: “Chúng tôi biết có những báo cáo như vậy và đang tìm hiểu.”
Trên Weibo, những đoạn post dùng một số từ ngữ nhất định nhắc tới biểu tình hay Hong Kong nói chung thường là bị xóa hoặc theo dõi chặt chẽ.
Trang mạng Free Weibo, theo dõi các nội dung bị kiểm duyệt và đăng tải lại hàng trăm đoạn post nhắc tới Hong Kong và phong trào Chiếm Trung tâm đã bị xóa.
Chỉ có các đoạn đăng tin chính thống và chỉ trích cuộc biểu tình có vẻ còn được giữ lại trên Weibo.
Số post trên Weibo không còn truy cập được đã tăng tới năm lần chỉ tính trong vòng thứ Sáu 26/09 tới Chủ nhật 29/09, theo South China Morning Post.
Sinh viên tụ tập ở Đài Bắc để bày tỏ ủng hộ Hong Kong |
Nhưng những bình luận còn sót lại từ các đoạn post trên Weibo vẫn hiện rõ và cho thấy các ý kiến đa dạng khác nhau, từ nghi ngờ tới ủng hộ.
“Làm sao họ có thể nghĩ rằng họ có thể đẩy lùi điều quan trọng nhất nhờ vào biểu tình? Họ quá ngây thơ,” một người viết.
“Họ không phản đối sự lãnh đạo của chính quyền trung ương. Họ chỉ không muốn chính quyền trung ương can thiệp vào chuyện chính trị của riêng họ,” một người khác nói.
Một số cơ quan truyền thông Trung Quốc đã chỉ trích cuộc biểu tình, gọi đây là “hội họp trái pháp luật”. Nhưng họ cũng tìm cách hạ thấp quy mô của sự kiện, với nhiều tờ báo còn hạn chế đăng ảnh và chi tiết cuộc biểu tình.
Thông tin từ Hong Kong cũng không được đưa trên các trang tin chính như Tân Hoa Xã và Nhân dân Nhật báo, mà thay vào đó tin tức tập trung vào dịp kỷ niệm 65 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sắp tới vào thứ Tư 01/10.
Hoàn Cầu Thời báo cho đăng bài bình luận ám chỉ lực lượng quân đội có thể sẽ được dùng để dập tắt biểu tình, và sau đó bài này có lẽ đã bị gỡ xuống khỏi trang web của báo.
Ủng hộ lan rộng
Các mẩu tin nhắn bày tỏ ủng hộ biểu tình được dán trên mặt tiền tòa nhà Hong Kong ở Sydney |
Biểu tình Hong Kong đã châm ngòi cho sự ủng hộ rộng khắp ở các nơi khác, đặc biệt là Đài Loan.
Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu tỏ ra ủng hộ cuộc biểu tình, và nói: “Chúng tôi hoàn toàn hiểu và ủng hộ người dân Hong Kong đối với kêu gọi bầu cử theo hình thức phổ thông đầu phiếu.
“Chúng tôi thúc giục chính quyền Trung Quốc lắng nghe tiếng nói của người dân Hong Kong và dùng các biện pháp thận trọng và hòa bình để giải quyết những vấn đề này.”
Hơn 100 thanh niên Đài Loan và Hong Kong đã thực hiện biểu tình ở Đài Bắc nhằm ủng hộ phong trào dân chủ và chỉ trích chính quyền Trung Quốc.
Ở Sydney, mặt tiền của tòa nhà Hong Kong House được dán đầy các thông điệp ủng hộ. Một số người cũng xuất hiện và mang khẩu hiệu kêu gọi “dân chủ thực sự” ở Hong Kong.
Hàng trăm người cũng ký thỉnh nguyện thư ủng hộ người Hong Kong, theo hãng tin AFP.
Một trang Facebook được lập và đăng tải chi tiết các chiến dịch được thực hiện trong tuần này trên khắp thế giới nhằm hỗ trợ biểu tình.
Trong đó gồm các cuộc hội họp ở New Zealand, Hoa Kỳ, Pháp, Canada, Singapore và Malaysia. Riêng ở Anh, các cuộc này đã được lên kế hoạch ở London, Edinburgh và Manchester.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét