Theo Boxitvn.net
27-9-2014
GS Tương Lai
27-9-2014
GS Tương Lai
Phát biểu tại Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ 8
Kính thưa các cụ,
Thưa ông Chủ tịch Mặt trận, thưa quý vị
Đến hẹn lại lên, tôi xin được phát biểu hai vấn đề, nhưng tuy hai mà một. Và có lẽ đây là lần cuối có mặt ở diễn đàn Mặt trận, tôi xin phép nói dài một chút, đương nhiên cũng chỉ trên 15 phút chút ít.
1. Vấn đề quan trọng nhất cần tập trung phản biện và giám sát là gì?
Văn kiện của Mặt trận ghi là giám sát và phản biện, tôi đảo ngược lại để nhấn mạnh rằng thế là cuối cùng cái gì cần đến rồi cũng phải đến. Chỉ có điều “hơi bị lâu”. Và người gánh chịu hệ lụy đó là dân, là người dân trong sự lạc hậu của đất nước nghìn năm văn hiến này!
Giáo sư Lưu Văn Đạt luôn nhắc tôi anh đừng nôn nóng, vì những tham luận, phát biểu của tôi tại diễn đàn Mặt trận, các Hội thảo do các Hội đồng Tư vấn chủ trì, mà riêng cụ Đạt làm chủ tọa thì đã có ba cuộc trong suốt nhiệm kỳ qua, và ngay cả trong nhiệm kỳ trươc nữa, đều quyết liệt nói đến sứ mệnh phản biện của Mặt trận. Quyêt liêt đến độ tôi nói rõ phải thực thi chức năng phản biện nếu Mặt trận không cam chịu làm một thứ cây kiểng vô duyên được nuôi trồng bằng tiền thuế của dân. Và rồi những tham luận hay gọi là “báo cáo khoa học” ấy đều được lưu trong ngăn kéo, chắc là ngăn kéo của ông Tổng Thư ký Vũ Trọng Kim.
Cụ Đạt dạy chí phải: trên chưa cho! “Trên” là “trên” nào đây?
Tôi đành tự an ủi trong niềm ưu tư “Xanh kia thăm thẳm từng trên. Vì ai gây dựng cho nên nỗi này”. “Nên nỗi này” không chỉ là lời của tác giả Chinh phụ ngâm! Một kẻ hậu sinh sống trong thế kỷ XXI này là anh Bảy Nhị, nguyên Chủ tịch An Giang có bài viết ngày 21.6.2012 với cái tít rớm lệ “Nước non mình đến nỗi này sao!”. Tôi đọc mà những muốn khóc theo, cố thử hình dung tâm trạng của ông bạn tôi,vốn quen lội ruộng hơn ngồi trước bàn cầm bút này, liệu có như tâm trạng nàng Kiều “một cung gió thảm mưa sầu, bốn dây rỏ máu năm đầu ngón tay” khi viết những dòng này không? Trong nỗi niềm ấy, trước diễn đàn này tôi kiến nghị: nội dung, phương thức phản biện và giám sát của Mặt Trận cần tập trung vào cái chuyện lớn đó, làm rõ nguyên nhân cơ bản ở tầm vĩ mô, cũng như những chủ trương, đường lối, giải pháp của từng thời đoạn để chỉ rõ “nước non mình” vì sao mà “đến nỗi này”.
“Nỗi” làm sao? “Nỗi này” là cái nỗi gì?
Xin không vòng vo ẩn dụ nữa: “Cách đây bốn, năm mươi năm, Việt Nam và Hàn Quốc có trình độ phát triển tương đương. Sau mấy mươi năm, tôi rà lại tư liệu thì thấy Hàn Quốc hiện có khoảng 90.000 người sống tại Việt Nam và Việt Nam cũng có 90.000 người sống ở Hàn Quốc. Chỉ khác nhau ở chỗ hầu hết người Hàn Quốc tại Việt Nam làm ông chủ, làm quản lý, còn người Việt Nam ở Hàn Quốc thì chủ yếu làm ôsin. Nghe mà xót lòng”. Đây là nỗi “xót lòng” của ông Vũ Ngọc Hoàng, Phó ban thường trực đã nói trong Hội nghị toàn quốc hướng dẫn tổ chức kỷ niệm 45 năm thực hiện di chúc do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức. (Tuổi trẻ. 21.8.2014). * Xem phụ lục
Nỗi “xót lòng” đó càng như bị xát muối thêm bởi mấy con số do ILO (Tổ chức Lao động quốc tế) công bố về năng suất lao động của Việt Nam năm 2013 thuộc nhóm thấp nhất Châu Á-Thái Bình Dương: thấp hơn Singapore 15 lần, Nhật 11 lần, Hàn Quốc 10 lần, bằng 1/5 Malasia và 2/5 Thái Lan! Ấy thế mà bài học của một thời phải thuộc nằm lòng cái nguyên lý cơ bản về năng suất lao động là cái quyết định làm cho chủ nghĩa xã hội hơn chủ nghĩa tư bản. Thua chủ nghĩa tư bản về năng suất lao động nhưng Việt Nam ta lại hơn đứt họ về sự chơi sang của giới quý tộc mới. Thì đây: báo Tuổi Trẻ đăng một bài viết về cửa hàng Hermes ở Hà Nội nhập về mười bộ túi xách thời trang mới nhất. Mỗi bộ gồm bốn chiếc mang bốn màu khác nhau. Giá của một bộ bốn chiếc túi này là 1.400.000 USD (tương đương 29 tỷ đồng Việt Nam), và người ta chỉ bán bộ chứ không bán lẻ! “Loáng một cái là hết sạch. Nhiều người còn trách móc tay quản lý cửa hàng là sao không để dành cho mình”. Hỏi ai trách? Trả lời “Các quý phu nhân và các quý tiểu thư”. Xin biết cho rằng Hiệp hội Hàng xa xỉ thế giới đã xếp Hermes đứng đầu bảng trong danh mục các nhãn hiệu xa xỉ và ông Patrick Thomas, chủ tịch tập đoàn này khẳng định: “Hermes tại Việt Nam vẫn tăng trưởng đều từ 20-30% trong những năm qua”!
Có nghĩa là những người tiêu thụ hàng xa xỉ bậc nhất thế giới ở Việt Nam sẽ tăng trưởng đều đều, điều này tỷ lệ thuận với tham nhũng khi mà đất nước đã sập bẫy thu nhập trung bình với những chỉ báo rất rõ như: tăng trưởng GDP của Việt Nam chậm lại, năng suất lao động kém, chuyển dịch cơ cấu chỉ mang tính hình thức, trì trệ trong các bảng xếp hạng toàn cầu và đã gặp các vấn đề nảy sinh do tăng trưởng như ô nhiễm, tham nhũng, bong bóng bất động sản, chênh lệch giàu nghèo…
Đương nhiên, phản biện tuyệt đối không chỉ moi móc cái xấu, cái dở mà phải biết chắt chiu từng điểm sáng, những khởi sắc có sức sưởi ấm lòng người như chuyện con đường Nội Bài-Lào Cai vừa thông xe cách đây 4 hôm mở ra một viễn ảnh sáng sủa cho cả một vùng Tây Bắc giàu tiềm năng chẳng hạn. Phải chắt chiu, vì chúng rất quý và hiếm giữa những mảng tối tràn lan.
Nhưng chắt chiu từng điểm sáng không mâu thuẫn với trung thực và mạnh dạn phơi bày những mảng tối khi mà những mảng tối ấy lại quá dày, nó báo hiệu nguy cơ mât còn. Thì chẳng phải là chính ông Chủ tịch nước đã nói trong bài viết nhân 2.9 khi trích dẫn câu của người xưa về những nguy cơ làm mất nước: “Một, trẻ không kính già; hai, trò không trọng thầy; ba, binh kiêu tướng thoái; bốn, tham nhũng tràn lan; năm, sỹ phu ngoảnh mặt”, cả 5 yếu tố ấy xem ra đã hội đủ mà không ai là không thấy đó sao? (Trong nguyên bản,ông Chủ tịch Nước viết câu này là của Lê Quý Đôn, nhưng tôi tra cứu mãi không tìm ra xuất xứ, hỏi một số học giả quen biết thì chưa ai chỉ cho tôi cứ liệu xác đáng, nên tôi tạm gọi là lời người xưa, mong các bậc cao minh chỉ giáo)
Vậy thì, nội dung cơ bản nhất của sự giám sát và phản biện mà Mặt trận đảm nhiệm phải hướng vào là gì nếu không phải là thực tế nóng bỏng đó, “vì ai gây dựng cho nên nỗi này”? Theo tôi, đây nên là một điểm đột phá của công tác Mặt trận.
Thật ra, nói cho rốt ráo thì cái gọi là “đột phá” này vốn là chức năng đích thực, là sứ mệnh của Mặt trận tổ quốc Việt Nam ngay khi thành lập. Xin nhớ lại tham luận của luật sư Nguyễn Mạnh Tường tại cuộc họp Mặt trận Tổ quốc ở Hà Nội ngày 30.10.1956. Nhà trí thức lớn ấy đã chỉ ra một cách toàn diện những khuyết tật của thể chế sẽ kéo lùi đất nước nếu không sớm khắc phục. Và lời tiên đoán của ông đã được chứng minh. Chỉ có điều đau xót là, sau phản biện tâm huyết ấy vị học giả đáng kính đã bị “rút phép thông công” như lời ông viết sau này. Vì thế, nói đột phá cũng là nói hãy trở về với đúng chức năng đích thực của Mặt trận khi cái xiềng phản dân chủ đã tháo gỡ được vài cái mắt xích do thời cuộc đưa đẩy. (Mời xem phần phụ lục 1 và 2 ở cuối trang).
2. Trước mắt, cần tập trung giám sát và phản biện đường lối, chính sách đối nội và đối ngoại nhằm đối phó với bọn xâm lược đã tự phơi bày bộ mặt nham hiểm và độc ác của chúng.
Cũng chỉ mới cách đây không lâu, ai chạm đến cái gọi là “điểm nhạy cảm” này thì hãy coi chừng! Khi người ta dám ngang nhiên đục bỏ bia kỷ niệm những liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến tranh biên giới, kiêng kỵ nhắc đến cuộc chiến với tội ác của 60 vạn quân xâm lược gây ra đối với quân dân ta trên các tỉnh biên giới mà Đặng Tiểu Bình hỗn xược tuyên bố là “để dạy cho Việt Nam một bài học”, không dám gọi đích danh tàu của kẻ cướp còn tệ hại hơn bọn cướp biển vì chúng dám xâm phạm vùng biển của ta, đánh đập cướp bóc ngư dân ta mà phải gọi là “tàu lạ” thì rõ ràng là đã có một cái gì khuất tất ẩn dấu trong cuộc gặp ở Thành Đô mà cho đến nay, những trao đổi và ký kết gì đó vẫn còn u u minh minh, thì đây chính là một câu hỏi lớn chưa lời đáp.
Nếu Mặt trận dám tự nhận mình là tiếng nói của dân, phản ánh ý chí và nguyện vọng của dân thì phải thẳng thẳn đặt ra vấn đề ra với những người đang gánh vác trọng trách trước nhân dân, yêu cầu phải giải trình một cách công khai và minh bạch trước dân. Nếu Mặt trận không nhận thức rõ đây là nội dung bức xúc nhất cần giám sát và phản biện thì Măt trận không làm tròn sứ mẹnh của mình trước dân, người ta có thể gọi đó là sự phản bội dân.
Thế rồi, quả là phải “cám ơn cái giàn khoan”, nó như mảnh giấy quỳ nhúng vào dung dịch thử. Nó giữ nguyên màu tím hay ngả sang màu xanh hoặc chuyển sang màu đỏ để biết nó là “trung tính”, “mang tính kiềm“ hay “mang tính axit“ nhằm lộ diện ai là ai, “thanh thiên bạch nhật rõ ràng cho coi”. Quả thật “trong ánh chớp của những cơn giông sáng lòe của một giai đoạn chuyển động, người ta thấy các sự việc và con người như trần truồng…” mà Einstein từng viết.
Chính cái giàn khoan “made in China” ấy đã làm nổi rõ lên sự sòng phẳng, minh bạch của lời tuyên bố dứt khoát: “Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc” thể hiện được ý chí và khát vọng của mọi tầng lớp nhân dân, đi thẳng vào lòng người, chạm đến điểm sâu kín nhất, thiêng liêng nhất trong tâm thế dân tộc.
Cho nên, sách lược mềm dẻo biểu hiện sự biết mình, biết người, linh hoạt trong ứng xử trên mặt trận ngoại giao là phương thức cần thiết để giữ hòa khí, tránh bớt những căng thẳng đẩy tới những đụng độ không cần thiết. Thế nhưng, phải có bản lĩnh và khí phách của Trần Bình Trọng, Trần Hưng Đạo thì mới có thể vận dụng được sách lược ấy. Còn nếu trong đầu đã ấp ủ tâm thức đầu hàng để giữ cái ghế quyền lực như Trần Ích Tắc, Trần Kiện thì nhu nhược và đê hèn là điều dễ hiểu cho dù được ngụy trang khéo đến đâu. Vả chăng, khi dụng sách lược ấy, phải hiểu rất rõ Trung Quốc là kẻ mà lời nói không bao giờ đi đôi với việc làm, chưa lúc nào bỏ thói quen tráo trở, “xi nhan” bên phải nhưng bẻ tay lái về bên phải là chuyện cơm bữa của họ mà thế giới biết quá rõ.
Độc chiếm Biển Đông là “quốc sách” nhằm thực hiện “giấc mơ Trung Hoa” của họ. Tiến hành nâng cấp, xây dựng các đảo chìm, đảo nổi đâu phải bây giờ họ mới làm. Đó là những hành động nằm trong chiến lược “xâm lược mềm” của họ từ lâu. Hiện họ đang xây dựng sân bay, quân cảng, khu hậu cần lớn trên đảo Gạc Ma. Đây là một hành động cực kỳ nham hiểm mà ta cần phải có phản đối quyết liệt hơn nữa trước công luận của thế giới.
Cho nên, cho dù là chúng ta đã rất cố gắng trong việc duy trì đàm phán với Trung Quốc để giải quyết các bất đồng, đưa ra các cương lĩnh cơ bản, thậm chí ngay cả khi họ gây ra những hành động rất trắng trợn như việc hạ đặt giàn khoan HD981 ta vẫn làm điều đó nhưng kết quả thế nào thật đã rõ như ban ngày, người lú lẫn nhất cũng đã phải thấy.
Không thể tiếp tục thỏa thuận với Trung Quốc những điều vô nghĩa khi họ luôn tráo trở. Bởi làm như thế không khác gì tạo điều kiện cho Trung Quốc lợi dụng để đánh lừa công luận, bóp méo sự thật. Hơn nữa, sẽ làm cho bạn bè của ta trong khối ASEAN nghi ngờ về quyết tâm của ta, những cường quốc có chung mối quan tâm vì lợi ích của chính họ trên con đường huyết mạch trên biển e ngại về chính sách “đi dây” nguy hiểm của một bộ phận những người cầm quyền Việt Nam.
Thời gian không chờ đợi. Bởi vậy, chúng ta bắt buộc phải kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Đây là việc phải làm ngay. Chần chừ, là sập bẫy của Trung Quốc và có tội với đất nước. Nhà cầm quyền Trung Quốc sẽ còn tung ra nhiều chiêu lừa mị đánh trúng vào điểm yếu của ai đó còn hy vọng hão quyền vào cái mặt nạ “cùng chung ý thức hệ xã hội chủ nghĩa” được phủ thêm một lớp son bốn tốt và mười sáu chữ bịp bợm. Chính vì thế, điểm đột phá của công tác Mặt trận sắp tới không thể là gì khác việc tập trung giám sát và phản biện vào đường lối, chủ trương và giải pháp cứu nước, chống Trung Quốc xâm lược. Được nghe trình bày dự thảo về “Lời kêu gọi” của Đại hội Mặt trận tôi quá bất ngờ và không thể không kìm được sự phẫn nộ. Đất nước lâm nguy, kẻ xâm lược đang trăm mưu nghìn kế uy hiếp ta, thế mà “Lời kêu gọi” của Đại hội chẳng có một câu lên án, cứ như thể mọi việc đều đang thoải mái “vui vẻ trẻ trung” trong Hội trường máy lạnh thật hoành tráng, sang trọng này!
Tôi xin kết thúc bài phát biểu đã quá dài với niềm tin vững chắc rằng: “Người ta chỉ có thể lừa bịp được vài người trong mọi lúc, lừa được mọi người trong vài lúc, nhưng không thể lừa được mọi người trong mọi lúc”! Đấy là lời của Abraham Lincoln.
T. L.
PHỤ LỤC (không đọc vì sợ chiếm quá nhiều thì giờ).
*Tôi có cảm tình với anh cũng từ một chuyện liên quan đến cái cái chữ “trên” này. Trong một dịp gặp anh khi anh là bí thư tỉnh ủy Quảng Nam, nhân chuyện gì đấy tôi quên mất rồi, anh nói “công văn, chỉ thị, báo cáo mà Văn phòng soạn đưa bí thư xem và ký, bao giờ tôi cũng sửa chữ “dưới sự lãnh đạo của Đảng” thành chữ “với sự lãnh đạo của Đảng”. Tôi nghĩ bụng “tay này chơi được đây, một lóe sáng của trí tuệ đất Quảng chứ chẳng đùa”. Dạo ấy, tôi có đem chuyện này nói với ông Sáu Dân, thấy ông trầm ngâm, trong ánh mắt thoáng có nét suy tư, day dứt.
**Trích phát biểu về Mặt trận của luật sư Nguyễn Mạnh Tường ngày 30.10.1956
“Hãy để cho các đoàn thể nhân dân được quyền mạnh dạn nói lên ý kiến của quần chúng mà họ tập hợp. Từ trước tới nay, ta có thể ví Đảng Lao động như một cây rất to, lá ruờm ra che hết ánh sáng của mặt trời, khiến ngay một ngọn cỏ cũng không mọc dưới chân nó được. Vì vậy, Quốc hội cũng như Mặt trận không thể đóng được vai trò của mình. Ở đây, tôi chỉ xin phép nói về Mặt trận của ta thôi. Các vị đã thấy rằng từ khi thành lập Mặt trận Liên Việt cho đến Mặt trận Tổ quốc, chúng ta chỉ có nhiệm vụ động viên quần chúng thi hành chính sách mà thôi. Đó là một nhiệm vụ. Nhưng dù sao chỉ có một chiều. Ta là giây liên lạc giữa các cấp lãnh đạo và quần chúng. Nếu ngược lại, ta có quyền liên lạc giữa quần chúng và cấp lãnh đạo, nghĩa là phản ảnh lên Đảng và Chính phủ ý kiến thắc mắc, nguyện vọng của quần chúng, công tác của ta thế nào cũng tốt đẹp hơn, hoàn hảo hơn. Ta gắn liền lãnh đạo và quần chúng, do đó lãnh đạo sát hợp với thực tế hơn. Tôi xin phép đặt mỗi vị uỷ viên trước trách nhiệm của mình. Chúng ta ủng hộ Chính phủ, nhưng chúng ta cũng là đại biểu của nhân dân. Công tác của chúng ta có hai mặt, chúng ta không thể chỉ lệch về một bên được. Quần chúng không cho phép chúng ta làm như vậy, muốn theo rõi công việc ta làm vì chúng ta làm đại biểu của quần chúng, được quần chúng tín nhiệm. Quần chúng giao quyền cho chúng ta, chúng ta phải xứng đáng với sự uỷ quyền ấy. ta sử dụng quyền ấy thế nào, quần chúng đòi kiểm soát ta.
Để đạt mục đích này, tôi xin phép đề nghị: một là mỗi uỷ viên phải có nhiệm vụ phản ánh lên Mặt trận ý kiến của quần chúng. Mặt trận phải có nhiệm vụ đề đạt lên cấp lãnh đạo những phản ảnh của các uỷ viên và báo cho các vị ấy thái độ của cấp lãnh đạo giải quyết vấn đề ra sao, sử dụng các phản ảnh ấy như thế nào. khi Mặt trận họp hội nghị, phải cho phép quần chúng đến bàng thính: để quần chúng kiểm soát công việc của Mặt trận làm và thái độ của các uỷ viên.”
: “quản trị một nước, đặc biệt một nước đang xây dựng chính quyền cách mạng, nghĩa là một cái gì vô cùng mới mẻ và khó khăn — không giống như là đề ra đường lối và khẩu hiệu tranh đấu cách mạng và vận động quần chúng làm cách mạng. Hai khu vực hoạt động ấy tuy quan hệ mật thiết với nhau, nhưng mỗi ngành hoạt động có kỹ thuật và quy luật của nó. Lúc nhà chính trị bao biện, bất chấp hoàn cảnh khách quan kinh nghiệm xương máu của lịch sử, thì chẳng sớm thì muộn ta thấy diễn ra những tai hại hiện thời làm chúng ta đau xót. Trên con đường bao biện và tự mãn ấy, các nhà chính trị đã bị thúc đẩy bởi những thành kiến đối với pháp lý và tin rằng pháp lý là cái gậy chỉ dùng để chọc bánh xe, không hiểu rằng, trái lại, chính pháp lý giúp xe khỏi lật, khỏi gây tai nạn. Nguy hại hơn là chính trị tự đặt mình lên trên pháp luật. Ngay trong trường hợp chính trị sau khi đặt mình lên trên pháp luật, còn giữ vững thái độ chân chính, cũng đã gây ra bao khó khăn rồi. Pháp luật chủ yếu đề ra những cái gì có thể làm được, cái gì không được phép làm, do đó nhân dân vững tâm biết rõ đường mà đi. Nhưng tâm hồn quần chúng chỉ được ổn định khi nào quần chúng biết rõ rằng cái gì bó buộc mình cũng đồng thời bó buộc nhà cầm quyền. Trái lại, khi pháp luật chỉ gò bó quần chúng mà không gò bó nhà cầm quyền thì nhà cầm quyền mỗi lúc có thể vẽ ra các đường mới mà quần chúng chưa từng biết. Vì vậy quần chúng hoang mang: cái gì hôm qua làm được, ngày mai với sự độc đoán của nhà cầm quyền có thể bị coi là phi pháp. Hoang mang ấy lên tới cực độ khi tác dụng của sự thay đổi thái độ này của nhà cầm quyền không những ảnh hưởng đến tương lai, mà là ảnh hưởng cả về quá khứ nữa. Đó là trường hợp nhà cầm quyền, lúc tự đặt mình lên trên pháp luật, giữ thái độ chân chính đúng mực, huống hồ là khi nhà cầm quyền sử dụng quyền thế của mình một cách lộng quyền, như ông Trường Chinh đã nhận định.
Ông còn vạch rõ: “ Đại đa số các anh em trí thức nói chung, không mơ ước các cương vị, công tác lộng lẫy đâu, họ vui lòng nhường chỗ cho các nhà chính trị, các đảng viên. Họ chỉ thiết tha đòi hỏi được mang khả năng chuyên môn và kinh nghiệm của họ ra phục vụ nhân dân mà thôi. Họ chỉ thiết tha mong muốn được bảo toàn danh dự trí thức của họ và cái tự do tư tưởng mà họ quan niệm là cần thiết cho nhân phẩm của người trí thức mà thôi. Họ đã từng nghe thấy Đảng tuyên bố: Người trí thức là vốn quí của dân tộc. Nhưng họ cảm thấy vốn ấy quí quá đến nỗi phải cất nó đi thật kỹ, giữ gìn nó trong một bán ảnh, một hoàng hôn trường cửu. Nếu có ai cho rằng tôi nói không đúng, tôi cứ đề nghị người ấy quay mặt nhìn chung quanh, ở các cương vị công tác trong chính thể của ta. Có một chỗ nào mà người trí thức ngoài Đảng nắm được thực quyền không? Tác dụng “hiếu hỉ” hay “cười gật” thì có, mà lại có nhiều. Nhưng ngay ở các cương vị ấy, ngoài vai trò hiếu hỉ, cười gật, người trí thức có một trách nhiệm gì không, có quyền nói gì làm gì không, quần chúng đã biết và miễn tôi giả nhời”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét