11-10-2014
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói ông tự tin rằng Hong Kong sẽ duy trì sự ổn định, trong lúc các cuộc biểu tình đòi dân chủ tiến sang tuần lễ thứ ba.
Ông Lý có phát biểu trên trong chuyến công du sang Đức, nơi ông đã ký nhiều hiệp định thương mại với Thủ tướng Angela Merkel.
Hàng nghìn người biểu tình đã xuống đường yêu cầu phổ thông đầu phiếu và gây tắc nghẽn nhiều khu vực tại Hong Kong.
Trung Quốc đã chấp nhận cho phép người dân tại đây được bầu cử trực tiếp lãnh đạo vào năm 2017, với điều kiện ứng viên phải được chính quyền trung ương phê chuẩn.
Các cuộc biểu tình đòi dân chủ, với số lượng người tham gia lên đến hàng chục nghìn vào những lúc cao điểm, đã có phần suy giảm về quy mô trong tuần qua, sau khi chính quyền và các thủ lĩnh sinh viên đồng ý đối thoại.
Tuy nhiên, chính quyền Hong Kong đã hủy đàm phán hôm 9/10 với lý do các sinh viên không chịu chấm dứt biểu tình.
Các thủ lĩnh của phong trào sinh viên đã kêu gọi người biểu tình xuống đường trở lại và cảnh báo sẽ leo thang chiến dịch của mình nếu chính quyền không đồng ý đối thoại.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã ra sức chỉ trích những người biểu tình, gọi đây là "phong trào bất hợp pháp", do các "thế lực thù địch" kích động.
'Sự thịnh vượng về dài hạn'
Phát biểu tại một cuộc họp báo cùng với bà Merkel hôm 10/10, ông Lý không đề cập trực tiếp đến các cuộc biểu tình.
Tuy nhiên, ông nói: "Việc duy trì sự thịnh vượng và ổn định về dài hạn đối với Hong Kong không chỉ phục vụ cho lợi ích của Trung Quốc mà còn cho lợi ích của chính người dân Hong Kong".
"Tôi tin chắc rằng người dân Hong Kong và chính quyền Hong Kong đủ khả năng đảm bảo sự thịnh vượng và ổn định của xã hội ... đồng thời bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân."
Ông nói sẽ "không có gì thay đổi" đối với quyền tự trị hiện nay của Hong Kong và những sự kiện tại Hong Kong là "vấn đề nội bộ của Trung Quốc".
Bà Merkel nói "các cuộc biểu tình cho đến nay vẫn hoàn toàn ôn hòa, và tôi hy vọng chúng sẽ có thể duy trì như vậy".
Lời hứa dân chủ
Yêu sách của người biểu tình chủ yếu xoay quanh cách thức bầu cử đặc khu trưởng Hong Kong.
Người dân tại đây muốn được quyền trực tiếp bầu lãnh đạo của mình.
Dưới hệ thống hiện hành, đặc khu trưởng Hong Kong được lựa chọn bởi một ủy ban gồm 1.200 thành viên, chủ yếu là các nhóm thân Bắc Kinh.
Trung Quốc đã hứa cho phép người dân Hong Kong bầu lãnh đạo trực tiếp, nhưng cũng nói tất cả các ứng viên phải được một ủy ban tương tự phê chuẩn - đồng nghĩa với việc Bắc Kinh được quyền sàng lọc ứng viên.
Các nhà hoạt động tại Hong Kong nói đây không phải là một mô hình dân chủ.
Một trong các nhà tổ chức chính của phong trào biểu tình Chiếm Trung tâm (Occupy Central), ông Benny Tai, nói với BBC rằng chính quyền cần phải trình bày một "lộ trình" hướng đến bầu cử dân chủ tại Hong Kong.
"Hiến pháp và Luật Cơ bản (Basic Law) của chúng tôi nêu rõ người dân [Hong Kong] được bảo đảm quyền phổ thông đầu phiếu ... Đây là điều không hiện hữu ở những nơi khác tại Trung Quốc," ông nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét