Cảm nhận của một người bạn:
Khi đọc lướt qua chuyện này, tôi nghĩ thầm “cũng ô-kê thôi, đối với tuổi thất thập, một thoáng rung động, một thoáng nhớ nhung, là quý lắm rồi”. Nhưng khi đọc đến đoạn cuối thì tôi thấy thích thật sự, và đọc kỹ lại từ đầu, tôi lại nghĩ tiếp: “Trong cuộc đời sắc sắc không không này, biết khi nào ta đến, biết khi nào ta đi, và ta sống để làm gì? Rồi bỗng một bóng hồng xuất hiện, ta thấy ta không còn là ta, mà là một ta khác, đầy lãng mạn: một hương vị tuyệt thú đã xảy ra trong một khoảnh khắc”... Cuối cùng, tôi khẳng định với chút phân vân: “Phải chăng, đó mới là ý nghĩa đích thực trong cái cõi ta bà này!”.
Khi đọc lướt qua chuyện này, tôi nghĩ thầm “cũng ô-kê thôi, đối với tuổi thất thập, một thoáng rung động, một thoáng nhớ nhung, là quý lắm rồi”. Nhưng khi đọc đến đoạn cuối thì tôi thấy thích thật sự, và đọc kỹ lại từ đầu, tôi lại nghĩ tiếp: “Trong cuộc đời sắc sắc không không này, biết khi nào ta đến, biết khi nào ta đi, và ta sống để làm gì? Rồi bỗng một bóng hồng xuất hiện, ta thấy ta không còn là ta, mà là một ta khác, đầy lãng mạn: một hương vị tuyệt thú đã xảy ra trong một khoảnh khắc”... Cuối cùng, tôi khẳng định với chút phân vân: “Phải chăng, đó mới là ý nghĩa đích thực trong cái cõi ta bà này!”.
---------
HÌNH NHƯ LÀ…
Hình minh họa
1- Hôm ấy, tôi đi dự buổi nói chuyện thuộc chương
trình “Cà phê thứ Bảy” của anh Dương Thụ, tại Cà phê Trung Nguyên, người
thuyết trình là nhà văn Nguyên Ngọc, đề tài về Tây Nguyên.
Thính phòng không đông, tôi ngồi ghế đầu hàng thứ nhì,
phía cạnh hội trường. Diễn giả bắt đầu nói chuyện, thì có một người nữ vừa
vào, đi ngang qua tôi và ngồi vào chiếc ghế sát bên cạnh, khi mà hàng ghế còn
trống mênh mông. Chuyện ấy làm tôi có sự lưu tâm.
Trong lúc loay hoay sửa soạn những dụng cụ mang theo,
không nhìn vào tôi, cũng không nói tiếng nào, cô ấy lặng lẽ chìa nhẹ tay
ra bắt tay tôi. Cái cử chỉ thân thiện bất ngờ, lại đơn giản và tự nhiên ấy
đã gây cho tôi một ấn tượng vui trong lòng, vâng, hình như đó là một nét
lịch lãm. Cô ấy rút tập giấy từ trong cặp ra và bắt đầu ghi nhanh lời của
diễn giả, vẻ rất là chuyên nghiệp. Tôi dè dặt hỏi, cô là phóng viên? Không
trả lời, nhưng bằng một cử chỉ rất phớt, thật khó tả, cho tôi hiểu rằng điều
tôi hỏi là đúng, mà cũng có cái gì đó đến độ là... thừa, hay có vẻ như là sự
hoài nghi về câu hỏi liệu có thật? Lát sau, khi người phục vụ cà phê đến, tôi
mời và hỏi cô dùng gì, cô lưỡng lự chừng một giây và nói cà phê đá. Chúng tôi
yên lặng theo dõi buổi thuyết trình, cô thì ghi chép liên tục. Câu chuyện sâu
sắc và tinh tế về Tây Nguyên mà diễn giả cả đời gắn bó đã làm nhức nhối người
nghe, cái hùng vĩ thiêng liêng vốn có và vai trò mà Tây Nguyên đang gánh vác
cho sinh mệnh của dân tộc, cả nỗi thống khổ mà nó đang chịu đựng. Kết luận bằng
câu hỏi lặp lại nhiều lần của diễn giả, là Tây Nguyên đã đi quá xa, quá
xa..., và liệu rằng có cách gì để nó trở lại, để nó có thể hồi phục, hồi
phục cái hùng vĩ, cái sinh lực vô tận, cái thế đứng vững chắc của nóc nhà
Đông Dương như vốn có? Diễn giả nói: "Một trăm năm không làm gì, không
động chạm đến, chưa chắc nó có thể hồi sinh, mà không hóa đá!”.
Cuộc nói chuyện kết thúc, tôi hỏi cô nhà báo: Làm sao
tôi có thể đọc được bài viết ghi lại buổi nói chuyện nầy của cô? Cô quay
sang một cách nhiệt tình vô tư lự:
- Đây anh, email của em. Email anh đâu, em ghi!
Hỡi ơi, nhìn tấm thiếp, nhìn mặt người, tôi nhớ ra cô
là người bạn đã quen, nói chuyện bao lần, cả tấm thiệp, cái email tôi cũng từng
có và nhiều lần sử dụng. Hèn chi, cái cách mà cô biểu hiện rất là chưng hửng,
khó tả khi tôi hỏi cô có phải là nhà báo không, như một người xa lạ. Một câu
hỏi cực kỳ ngớ ngẩn. Sao cô ấy không bày tỏ một lời trách, hay là gì đó về sự
“mất trí” bất ngờ của tôi?
Sau buổi nói chuyện, ngoài cái điều được hiểu về Tây
Nguyên, tôi có hai kết luận cho mình:
- Tôi đã có một thói quen được “giáo dục” từ thời
Khổng Tử, đến mức đáng ân hận trong trường hợp nầy: không được nhìn kỹ hoặc
nhìn lâu một người phụ nữ chưa quen biết, hay mới gặp.
- Tôi còn hiểu thêm ra một điều, đứng ở mỗi góc nhìn,
và từ mỗi thời điểm, con người lại khám phá ra mình cũng khác nhau, và do đó
không gian cũng thay đổi, hay là ngược lại.
Và kể từ hôm đó, ngày nào tôi cũng nghĩ đến NH với tấm
lòng trìu mến.
Và tôi cũng cảm ơn cô Nguyễn Thị Từ Huy, đã dạy tôi
một điều khi cùng đi thăm anh Lê Hiếu Đằng ở bệnh viện 115. Cô ấy nói:
“Đàn ông Việt Nam
các anh hay tự che giấu tình cảm, đàn ông phương Tây thì bộc lộ. Nên bộc
lộ, che giấu không hữu ích gì!”
Vì thế tôi sẽ bộc lộ điều nầy với NH (2g, ngày
3-4-2014).
2- Sau lần gặp ấy ở Café Trung Nguyên, tôi điện cho
NH, rủ cùng đi lai rai với nhóm. NH trả lời từ Hà Nội. Thế là tôi phải đợi
ngày NH về. Tôi gởi bài ‘Hồ Gươm’ của tác giả Geoff A. Dyer. 30 phút sau,
NH trả lời (ngày 2/4/2014):
“Bài viết có cái nhìn tổng quan nhưng lại rất cô đọng
và sâu sắc.
Cám ơn anh rất nhiều. Mong anh tiếp tục chia sẻ.
Yêu thương,
NH”
Tôi lại nghĩ về lời chào. Nó đọng lại trong tôi một
hình ảnh rất “nhân văn”. Trưa thứ Sáu , NH bay về Sài Gòn. Tôi lặp lại lời rủ rê.
Trả lời là bận công việc. NH hẹn gặp vào sáng hôm sau tại Café Trung
Nguyên - buổi nói chuyện của bs Đỗ Hồng Ngọc. Sáng hôm ấy tôi thức dậy
muộn nên lại không đến được. Giờ nầy, trong khi tôi đang ngồi trước máy ở
nhà, thì NH hẳn là đang ngồi trên dãy ghế nào đó ở Café Trung Nguyên, không
biết hôm nay NH mặc áo màu gì, hôm ấy thì màu trắng.
Tôi chờ một lần gặp khác và mong sẽ gặp thường xuyên.
Một điều gì đó có thể đang đến trong tôi, làm cho thời gian của tôi trôi qua có
hương vị và sinh động hơn.
Tôi vẫn thường xuyên ngồi tĩnh lặng vào mỗi sáng thức
dậy, trong cái vườn rừng hoang vắng của mình, lắng nghe mọi thứ âm thanh xao
động bên ngoài, và quan sát những chuyển động trong không gian nội tâm.
Inner Space là một thế giới để trải nghiệm. Ai đó nói, đời là một cuộc trải
nghiệm, chứ không phải là một thành tựu, hãy dành cho mình thật nhiều thời
gian... Mỗi con người là một mảng năng lượng tuyệt vời kỳ bí của tạo hóa. Tôi
thầm gởi đến NH một lời chào đầy yêu thương. (5-4-2014)
3- Tôi vẫn không biết mình là ai, dù đã trải qua nhiều
năm tháng tự tra hỏi. Có lẽ lời giải thích hữu lý nhất, thì tôi là một thứ
năng lượng. Năng lượng ấy đang chuyển hóa theo nhiều chiều bí hiểm mà tôi không
làm chủ được, nó lôi tôi đi. Đi đâu đó. Nhưng không nên là “đi loanh quanh cho
đời mỏi mệt”. Các bậc chân tu nói rằng lối thoát cho “năng lượng con người” là
yêu thương. Mọi tôn giáo đều nói thế. Yêu thương là một thứ năng lượng tự nó
phát ra, vô điều kiện, là một thứ cảm xúc mênh mông hòa với thiên nhiên, không
mâu thuẫn, và đặc biệt, nó không làm cho mình mỏi mệt? Tôi sẽ tiếp tục trải
nghiệm với chủ đề yêu thương, và... nó là gì nhỉ?
4- Chủ nhật 6-4, tôi điện hỏi NH có dự đêm nhạc Trịnh
Công Sơn ở Phú Mỹ Hưng không, NH trả lời từ đám cưới của một người thân gì đó, và
bảo, ở đây ồn quá hãy nhắn tin đi. Tôi nhắn tin là chỉ thèm nghe tiếng nói của
NH thôi, chẳng có chuyện gì, chúc vui vẻ. Qua tối thứ 2, NH gọi: "Hôm qua
về, con em bịnh, nên rất lu bu..." và gì gì đó. Tôi cảm thấy lòng lâng
lâng khi nghe tiếng nói, thế thôi, chẳng nhớ nội dung nói gì. Tôi ra “tịnh tâm
cốc” - tôi có xây cái "chòi tịnh tâm" nhìn ra bờ sông, mà tôi vẫn thường
ngồi một mình, và thỉnh thoảng tiếp bạn bè ở đấy - ngồi ngắm dòng sông đang
chảy lập lòa dưới ánh sáng mờ mờ của đèn đô thị. Ở đây chưa bao giờ có bóng
“tối thui” thật sự như ở quê tôi, còn khi có trăng thì dòng sông ánh lên màu
bạc. Xa tít trên kia là ánh sáng vàng của chiếc cầu Bình Phước.
Ngồi ở đây, tôi thường nghiền ngẫm hai chữ vô thường
trong sách Phật. Cái vô thường ấy đã và đang chảy trong tôi qua từng giây khắc của 2/3 thế kỷ. Tôi
yêu cái vô thường ấy và trôi theo chúng, tôi tiếp nhận và hiểu được cái gọi là
bình đẳng với “chúng sanh”. Vâng, tôi bình yên trong tĩnh lặng. Sau giờ phút
nầy, tôi vào ngồi viết cái gì đấy trên máy. Tôi lại đi dạo vườn khuya một mình
vài vòng rồi lên gác ngủ, chấm dứt một ngày. Sáng hôm sau tôi thức dậy với ánh
bình minh xuyên qua hàng cây sao, chiếu thẳng vào mùng.
Nhà tôi trống trải, vách rất thưa, ban đêm nhiều tiếng
kêu của côn trùng, sáng thì bầy chim sẻ kêu um sùm phía góc trước nhà.
Chúng tụ ở đấy thường ngày cùng chia chác thức ăn với đám gà vịt...
5- Chiều nay thứ 6, 11-4 sẽ gặp NH. Hôm qua NH điện,
rằng em sẽ đến cùng 2 điều yêu cầu: “Thứ nhất, em có thể rời sớm vì còn một
chút việc bận. Thứ hai, em sẽ không nói gì, đừng bắt em nói điều gì, vì công
việc giao dịch, tiếp xúc hằng ngày em đã phải nói quá nhiều, chỉ muốn yên lặng
thư giãn... Vì đã hứa gặp mấy tuần rồi, mà vẫn chưa, nên em phải cố gắng...”.
Tôi thật sự cảm ơn cùng một chút máy động trong lòng, NH đúng là “người tử tế”
thật đáng yêu, con sói dữ trong tôi về chuyện bức xúc xã hội bỗng dưng trở nên
hiền lành, ngoan như một hiền triết, lòng tôi trải ra mênh mông một thứ cảm xúc.
Có lẽ tôi đã yêu NH vì những chuyện nho nhỏ, bình
thường, và vô hình, lãng đãng, mênh mang, trừu tượng như... “yêu tổ quốc,
yêu đồng bào”. Tôi nói với Vương - một thành viên trong nhóm - chiều nay
phải mua cho tôi một chai vang, để chào NH. Sự trân trọng trong tôi thì đã
sẵn có... “Hồn tôi là một vườn hoa lá, rất đậm hương và rộn tiếng chim”.
Tôi không thể không nói một điều gì đó, nên đã email
cho NH:
“NH ơi, bỗng dưng em là niềm vui, là cơn gió mát của
tiết trời oi bức 38oC. Em có thấy gì không? Chúc bình yên nhé! Cuối tuần đọc bản tin
trên 100 trang là bải hoải! Cả nước là một cơn hội chứng mịt mù...” Tôi
đang viết một bài về hội chứng.
NH trả lời email: 11:52 (2 giờ trước)
“...mịt mù, mịt mù, mù mịt... Anh làm em nhớ Bùi
Giáng. Mỗi ngày đọc trăm trang tin tức, bải hoải là anh vẫn còn khỏe đấy,
em chỉ có vài tờ báo thôi mà đã lú lẫn đến nỗi chẳng thiết gì hơn vì những
cơn thủ dâm của cả nước này làm em nôn mửa. Thôi, một thứ sáu chay
tịnh không thịt là tốt, chúc anh có những ngày cuối tuần vui.”
6- Tôi gởi cho NH:
“Trước khi đi họp mặt chiều nay, thứ Tư, không chắc là
NH có mặt, anh tìm lại tài liệu về ông Ng.Đ.Nh. Phần viết về ông Ng.Đ.Nh
là khá bổ ích, cố gắng đọc để biết thêm về lịch sử mà thuở ấy chúng ta đều
còn nhỏ (hoặc chưa được sinh ra đời). Phần sau là luận văn của ông, hy
vọng có hữu ích cho việc của NH. Anh sẽ tìm kiếm tài liệu liên quan của
GS Kim Định, là thầy trực tiếp của anh, ở... thế kỷ trước. Khi có sẽ gởi.
Chúc bình yên và vui vẻ.
Có gì trục trặc thì mail lại cho biết.”
Thứ Sáu, 18g, tôi đến nhà hàng Thuận Tuấn, sớm một chút để sẵn
sàng đơi mọi người. Tôi có ý nhìn ra ngoài để đón sự có mặt của NH. Thế
mà, vào lúc lơ đãng không chú ý, NH bỗng xuất hiện cận cảnh. NH hôm nay
mặc bộ đầm màu đen, lộng lẫy. Một cuộc chuyện trò vui vẻ, nhẹ nhàng, tương
thích với nhóm... Có lẽ NH cũng cảm thấy dễ chịu. Một lúc, hương vị (trong
tôi) vừa đủ đậm thì NH xin đi. Tôi hy vọng có những lần kế tiếp.
Đàn ông ngồi tán gẫu với nhau là một nhu cầu, là một
cách giải trí rất cần thiết mà tôi cho là tuyệt vời nhất. Nói về mọi thứ chuyện
nhưng cũng không là chuyện gì. Nhưng nếu có một người phụ nữ cùng tham gia như
thế thì lại vui hơn, không gian như có thêm màu sắc, miễn người nữ ấy không
phải là nhà chuyên môn về “ngôn ngữ học”, hoặc không từng trong ban “khoa giáo
thành ủy” thì là đủ ok. Chỉ cần họ thoải mái, tự nhiên và nói chuyện đời thường.
Và đây là mail nhận vào hôm sau :
“Anh,
Cám ơn anh đã kiếm tìm cho em. Được làm bạn với anh và
những người anh ngồi cùng hôm thứ Sáu thật là duyên lành.
Em có đọc qua file anh gởi, ngoài một số thông tin rất
hữu ích, bản tóm tắt luận văn của ông Ng.Đ.Nh khá hay nhưng gây tò mò quá.
Vì vậy nếu anh còn có nguồn nào thì tìm cho em bản luận văn ấy nha. Em sẽ hậu
tạ anh... một chầu cà phê?
Chúc anh ngày Chủ nhật an lành”.
Tôi tự hỏi mình, có lẽ mình đã “yêu" NH suốt cả
tháng nay rồi chăng, kể từ cái hôm ở Trung Nguyên? Có phải nghĩ đến tức là
nhớ, và nhớ tức là yêu?
Nhưng: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức = Ngũ uẩn giai
không?
Mà nếu thế thì đã sao chứ!
Tôi trả lời mail cho NH (12g21, thứ Hai, 14-4-2014)
“Sao mà tò mò thế nhỉ, đọc cái tóm tắt không thỏa mãn,
nhưng có lẽ nguyên bản nó dài lắm chắc. Anh sẽ nhờ một người khác tìm giùm
ở bên Pháp may ra. Đợi xem thế nào đã.
Nhưng cafe thì không thể không có. Anh cứ
"nghĩ" tới em hoài. Có phải trưa mai đến chỗ anh Lập không,
chẳng nhớ gì cả, khổ thân! Chúc em giấc ngủ bình yên”.
7- Hôm nay, 12-8- 2014.
Thế là đã 4 tháng trôi qua. Và không hề
gặp nhau. Và tôi chẳng nhớ gì đến NH. Tôi không tin điều gì ở mình, hình
như không có gì là có thật, và chỉ có sự “hình như” mà thôi. Mọi thứ như
một cơn gió, mát và lành. Nó chợt đến, chợt đi, rồi lại chợt đến, khi tôi tình
cờ đọc một bài viết của NH trên facebook. Thế là tôi gọi. NH trả lời, giọng nói
thật là êm đềm - tôi cảm thấy thế - rằng đang ở xa, khi về sẽ gọi lại. Tôi nhớ
một nhà văn nào đó đã nói, gió thì chẳng biết lúc nào đến và đi từ đâu, và đi
đâu, vào lúc nào. Cái tự nhiên của gió quả là hay hay. Thong thả mà trải nghiệm
mình qua thời gian.
H.Đ.N
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét