Trần Đĩnh
Cùng thời gian bao vây Điện Biên Phủ, Trung ương mở lớp tổng kết cải cách ruộng đất ở sáu xã thí điểm tại huyện Đại Từ sát nách An toàn khu, do Hoàng Quốc Việt chỉ đạo. Sau tổng kết sẽ triển khai chính thức đợt 1 cải cách ruộng đất. Tôi đã dự.
Từ Điện Biên Phủ, Thép Mới viết cho tôi: “Mày ở đầu trận tuyến chống phong kiến, tao ở đầu trận tuyến chống đế quốc, cố lên hả!”. Hảo hớn, phơi phới.
Địa điểm lớp tổng kết hình như ở xã Bình Thuận vừa cải cách xong. Những lán nứa ôm dọc các sườn núi chằng chịt lối mòn. Khu lán nhà ăn đồ sộ ở chính trung tâm. Tất cả các lán, cả hội trường đều không vách, trừ tòa nhà của học ủy với một đống lửa luôn bập bùng ở giữa. Hôm đến lấy giấy tờ để trở về báo đi học nước ngoài, chờ mãi không có ai, tôi lăn ra giường ngủ mất. Tỉnh giấc mà phải nằm im: câu chuyện khám phá đàn bà của từng vị ủy viên đang hồi mặn mòi nhất. Nghe ké ngoài rìa mà chân tay cũng rậm rựt lên.
Học viên là cán bộ, cốt cán tứ xứ đến lớp cũng ra sức nam nữ khám phá nhau. Gần như cuồng loạn. Cao trào phóng tay phát động bần cố đã tạo dịp cho con dục quậy. Bí thư đoàn ủy Hoàng Quốc Việt phải bỏ hẳn một buổi gọi tất cả lên hội trường rủa: “Ở đây có những con đĩ…, con đĩ… Ai đời đến độ ở lán nữ với nhau mà hễ tối có ai đi đâu về là cả lán lại nhòm đũng quần xem có gì? Đảng viên như thế à? Cốt cán như thế à?”
Nguyên Hồng, Kim Lân và tôi thường ngồi ngoài sân, giáp hông hội trường. Kim Lân lè lưỡi:
- Dạ, đấy là em còn bận đấu tranh với căm thù đấy ạ!
- Nông dân, nhất là nữ rất phong tình, nay được giải phóng thì khó tránh cái chuyện lang chạ. Nhưng sao không chửi cả những thằng đĩ? - Nguyên Hồng nói.
Chia đội và rồi cứ đội hình biên chế như thế xuất phát đi công phá giai cấp địa chủ. Nhưng trước hết phải chỉnh huấn, trình bày kiểm tra lý lịch trong đội đã. Tôi cùng đội với Thanh, vợ Tố Hữu, Ninh và Tâm, hai cán bộ phụ nữ vóc dáng to lớn huyện Lâm Thao.
Lại nhớ đến lớp chỉnh huấn trí thức xây dựng lập trường cải cách ruộng đất năm ngoái, Thanh phàn nàn với mấy chúng tôi rằng trong nhà ăn lớp học từ nay anh và chị phải ăn riêng. Vì? - Tôi lạ quá.
- Anh ấy ăn chế độ tiểu táo, bếp bé, tôi đại táo.
Rồi chị giải thích, tiểu táo là cơm có ba món đặc và một canh… Tôi nhớ nhiều phần là Vũ Đình Khoa, nguyên tri huyện sau đó khẽ thì thào bảo tôi:
- Chế độ tế nhị này rắc rối đây. Ăn thế rồi, ngủ sao? Về khoản này tiểu đại chắc ngược lại, vợ giường tiểu, chồng giường đại, có hẹn cho vợ ngủ ở giường đại được bao lâu không? Mà ai bảo vệ diện tích giường to nhỏ tiêu chuẩn, ai giục ai về giường ấy? Ừ, mà còn khoản thống khoái của mỗi bên trong cuộc nữa, có chia tiểu đại không?
Lúc ấy chúng tôi mới chỉ pha trò cười thứ chế độ lố bịch này chứ chưa biết qua phát động cải cách ruộng đất ở Việt Nam (Hoàng Tùng hồi ký rằng Mao đã “gọi” Hồ Chủ tịch sang bảo phải làm cải cách ruộng đất), Trung Quốc đã rắp đưa Đảng cộng sản Việt Nam vào quỹ đạo của Trung Cộng như bóng với hình. Chẳng hạn chế độ phân biệt đối xử chi li đến gần như tàn nhẫn về hưởng thụ vật chất nói trên. Hay quan trọng hơn nữa, những thay đổi nhân sự dựa trên giai cấp xuất thân. Chẳng thế mà ở Điện Biên Phủ, Giáp dặn khẽ Lê Trọng Nghĩa, Hoàng Đạo Thúy… cần nói năng cẩn thận về lý lịch, các cố vấn đang xem xét, kể cả tôi (Võ Nguyên Giáp). Đánh mọi kẻ thù, Giáp chỉ thua kẻ thù giai cấp đang được cố vấn Trung Quốc trình làng mà nguy nhất là nó có thể nằm ngay ở trong người Giáp.
Tháng 2-1954 nổ súng ở Điện Biên thì tháng 11-1953, Hoàng Văn Thái xuống làm phó tổng tham mưu trưởng, Văn Tiến Dũng lên thay. Dũng thợ may gần công nhân hơn Thái. Hay sau này Đỗ Mười thợ sơn, thợ hoạn lợn thì ưu tú hơn đứa được học cao…
Rồi sau này đi đến phương châm nhân sự kinh hoàng của Song Hào, Phạm Ngọc Mậu: đề bạt bần cố nông một năm một cấp là chậm, đề bạt tiểu tư sản mười năm một cấp là nhanh.
Tất nhiên lúc ấy càng không biết đảng thay đổi nhân sự theo sự chỉ trỏ khôn khéo của cố vấn Trung Cộng cũng có nghĩa là đảng phủ nhận những thành tích đảng đã thu được trong quá khứ. Đúng thế, không thì thay người làm gì cho rách chuyện…? Chỗ thâm hiểm ở đó. Quá khứ của anh chưa có tôi “phụ trách” nên không ra sao, nay có tôi, anh phải thay đổi theo ý tôi. Thực chất đó là gì? Là diễn biến hung bạo, không hòa bình, của nước ngoài nắm vững Mác-Lê hơn Việt Cộng.
* * *
Đội trưởng của tôi người Diễn Châu hễ nói là tôi ù ù cạc cạc. Không quen tiếng. Khi đội trưởng tố khổ, mọi người đều khóc, mình tôi ngơ ngác. Cổn, đội phó, bé gầy, mặt rỗ, láu lỉnh, mắt liếc loang loáng. Đã làm bồi săm, “bị chúng bóc lột, khinh, nhục lắm, đi mua thuốc phiện này, gọi gái này, bắt cho nhòm lỗ khoá này, khổ cực lắm…”
Nguyên bồi săm chuyên cho nhòm khách chơi gái qua lỗ khóa lấy tiền, thực chất là lưu manh thì nay thành đại cốt cán của đảng (vì bồi là hạng tôi tớ bị bóc lột, thành phần cơ sở của đảng). Cổn đã bắt tôi ngừng báo cáo lý lịch. Nghe tôi nói bố viên chức, không nhà đất, anh giơ ngay tay lên:
- Đến bần cố nông còn có mảnh đất cắm dùi mà viên chức trong bộ máy đế quốc dựng ra để đàn áp nhân dân như bố đồng chí mà lại không? Thôi, đồng chí cố đào sâu đi, hãy gắng một lần thành khẩn với đảng, với giai cấp nông dân.
Thanh minh không lại.
Cứ một lời: “Ở đây là vấn đề thái độ, lập trường. Đồng chí không tin là đồng chí khai ra tài sản gia đình nhờ bóc lột mà có thì nông dân sẽ khoan hồng cho đồng chí sao? Thế là chưa tin cách mạng, chưa tin nông dân”.
Ức muốn khóc. Đã toan khai văng tê đi.
Thì tối kẻng triệu tập tất cả lên hội trường. Hoàng Quốc Việt mặt đỏ rực - vừa uống rượu vang Pháp chiến lợi phẩm liên hoan ăn mừng cùng cố vấn cao cấp cải cách ruộng đất xong - báo tin Điện Biên Phủ đại thắng.
Và sáng sau, Lê Điền đến gọi tôi về. Tôi được cử “đi học ở nước bạn…”.
Tôi mừng vui, buồn chán lẫn lộn. Phi cải cách ruộng đất bất thành chiến sĩ cách mạng chân chính. Riêng tôi lại thêm đang ấp ủ tích lũy vốn sống chuyến đấu tranh này để viết một cái gì cũng phải như “Mặt trời trên sông Tang Kiền” của Đinh Linh hay “Đất vỡ hoang” của Solokhov.
Và còn cả một điều thầm kín này nữa. Cái điều không dám nghĩ hẳn đến nó nhưng nó cứ làm cho ngẩn ngơ. “Bâng khuâng như mất lạng vàng trên tay…,” đúng như câu quan họ Tạ Mỹ Duật vừa dạy năm ngoái.
Đó là nỗi nhớ một cô gái. Một luyến tiếc nhiều phần hão huyền: ở nhà không đi học có khi…? Mặc dù cô gái ở nơi kín cổng cao tường bậc nhất, cầm chắc tôi khó lọt qua nổi.
Trong lớp chỉnh huấn này, tôi đã gặp, đã quen, đã bén hơi bén tiếng một cô gái. Đúng hơn là đã gặp lại. Dù cho lần gặp ban đầu chỉ là một thoáng chốc trên đường.
Năm ngoái, trên đỉnh Đèo Re tôi gặp một cô gái khá đẹp từ Tân Trào sang mà sau đó về cơ quan tôi đã phải sang ngay Văn phòng trung ương hỏi dò Vũ Đường, sau này là chủ tịch Hà Đông, để được biết tên cô là X., con nuôi của Bác, bố mẹ trên Cao Bằng, cơ sở của cách mạng. Thế rồi tôi đã có mấy bài báo nhỏ ký tên cô cặp với họ Hoàng tôi đặt ra - hoàng phái, đẹp và sang thế cơ mà. Cái nhìn của tôi trên lưng đèo năm ngoái nặng như một cái neo chăng mà cô gái nhớ khiến chúng tôi đến lớp này liền dễ thân nhau, dù hai người hai chi bộ.
Đến bữa ăn, mặc dù cả nghìn con người chen chúc khắp xung quanh, thế nào hai đứa cũng dềnh dàng để cho cùng dạt vào một bàn, hoặc bên cạnh, hoặc đối diện. Để lại cùng xuống suối rửa bát đũa và để lại nấn ná hai đứa ở bên suối cho tới khi đám lau bên kia suối đã sầm tối và sau lưng đèn trong các lán cao thấp dọc sườn núi đã bắt đầu sáng lên, tất cả chợt nom như đêm hội Chùa Hương, điều khiến tôi thấy có thêm cả chiều kích thiêng liêng trong quan hệ hai đứa.
Cho tới một hôm, sau khi khai mạc lớp chừng hơn một tháng, Cụ Hồ đến. Nói chuyện với học viên chật ních nhà ăn. Tôi đứng đối diện Cụ, cách một bàn ăn bằng nứa rất dài. Lẽ thường thế nào cũng phải chạy đến đứng bên Cụ thế nhưng hôm nay tôi… kính nhi viễn chi. Bởi lẽ tôi muốn ngắm nhìn cô con nuôi của Bác đang đứng cạnh Bác. Lần đầu trong đời tôi nhìn Bác ít mà bận nhìn người bên Bác nhiều.
Và thú thật, có thể tôi đã lầm, tôi thấy cô gái cũng chỉ cười nhìn tôi. Nụ cười bỗng thân thiết hơn, táo bạo hơn. Con mắt bỗng rực rỡ, tưng bừng như đang tán thưởng sắc đẹp của chính bản thân. Và trên tất cả, cái nhìn đang ướm hỏi tôi: “Em giới thiệu anh với Bác nhé… nhé… “
Tôi quả đang vút lên chín tầng mây.
Hết hồi thăm học viên, Bác quay sang cô gái:
- Cô bé này về chứ biết gì mà đi?
Tôi như ngã sụp. Thoáng oán Ông Cụ.
Mới hôm qua ở suối lên, dốc trơn, tôi giơ tay ra đỡ X. Bàn tay con gái tôi lần đầu nắm lâu trong đời. Và cảm giác rạo rực theo tôi mãi. Cho tới khi X. ở bên cạnh cụ cười như bảo em mách nhé, tôi đã ngỡ mách chuyện hai đứa nắm tay nhau mà vừa mong X. mách vừa sợ. Và mới chiều nào bên suối, tôi bảo cô gái: “Sau khi gặp X. ở đỉnh Đèo Re từ năm ngoái, mình có ký tên là Hoàng X. lên báo…” thì X. đỏ bừng mặt. Có lẽ chưa ai ở chỗ Bác nói với cô gái như thế. Tay X. chợt lóng ngóng không đút nổi chiếc thìa vào trong chiếc túi dài, hẹp chừng ba ngón tay màu tím than có đường thêu tím hoa mua trên miệng túi. Chiếc thìa rơi xuống cỏ.
Tôi cúi nhặt, nghĩ: giống một chìa khoá bạc? Mở gì? và ngước lên, mắt hỏi: Cho nhá? Cô gái cúi đầu và sau đó cái thìa tôi cất ba lô, không dùng…
Về báo, tôi bảo tổng biên tập Vũ Tuân là không muốn đi học. Anh nói anh Trường Chinh đã nói cử anh đi. Tôi tạt qua bên Trường Chinh, hy vọng có thể trình bày nguyện vọng nhưng tới cây vả rừng đầu nhà sàn bà Cái, người địa phương thì Trường Chinh và người bảo vệ dắt ngựa tới đó. Anh tươi cười nói ngay:
- Tôi đồng ý anh đi học. Cần đào tạo chính quy. Vừa im súng liền ra ngoài học ngay, phấn khởi chứ?
Cây vả này tôi hay leo lên hái quả ăn. Đôi lần Trường Chinh đi dưới, tôi gọi xuống: “Ngọt lắm, anh Năm, anh có ăn tôi hái?” Trường Chinh lại ngửa cố lên cười:
- Khéo gẫy cành mà ngã đấy nhá…, cẩn thận…
***
- Lạ, tự nhiên thấy phải nhót ngay về, tao vội sang đi nhờ xe Mô-lô-tô-va bên cha Đinh Đức Thiện hậu cần. - Thép Mới bảo tôi.
Lạ thật, ngày mai tôi lên đường.
Chúng tôi thức trắng một đêm mưa trắng xoá rừng để chuyện trò. Thép Mới động viên tôi:
- Học lâu lắm là một năm chứ quái gì, đi đi rồi về tìm con bé này hay lắm.
“Con bé hay lắm” này là Hồng Linh, mười sáu tuổi, diễn viên văn công Tổng cục Chính trị, phục vụ ở Điện Biên Phủ. Ra tận đầu giao thông hào hát tiễn lính lên đường xuất kích.
- Tao thấy mày với cái Át Cơ ấy được đấy. À, lính Điện Biên xếp loại các cô văn công thành Át Cơ, Át Tép, Át Pích. v. v. Sang năm về tìm nó nghe mày.
Sáng sau tạt nhà in chào anh em xong qua suối ra quốc lộ 3. Lũ về nhưng mải chuyện cứ thế lội. Bỗng chân hẫng trống không và nước réo ầm ầm ngang ngực. Trên vai tôi, một tay Thép Mới quàng chặt. Cầm bằng chết, tôi đã bảo Thép Mới: “Đừng quàng vai, đừng…” thì ở trên bờ trước mặt một chú chăn trâu nheo nhéo: “Rẽ sang phải,… rẽ phải…”
Hai đứa chống chọi lại dòng lũ cuốn siết nhích dần lên được bãi cát cao. Trâu xổng từ bìa rừng chạy ra đến đây, chú bé đuổi theo thì vừa kịp sắm vai hiệp sĩ. Đúng là trời sai ra cứu.
Đến địa điểm chỉnh huấn chuẩn bị tư tưởng và rà soát lý lịch cho chuyến du học thì xảy một việc chỉ có thể đổ cho duyên số.
Kéo nhau tới lớp, toán văn công quân đội mang ùa đến hào quang địa đạo. Và trên hết tất cả là cái nét mới, cái nét bây giờ gọi là top model: các cô gái này được trang bị hai loại chất liệu đặc biệt - thanh sắc - trong bộ quân phục mầu cỏ úa, áo thắt eo cùng chiếc mũ cối nom rất tân kỳ. Một cô nổi bật. Hai mắt to, xa nhau, ngây thơ mà hiện đại. Kín đáo hỏi dò thì ngã ngửa: chính Át Cơ Hồng Linh!
Thư ngay cho Thép Mới báo tin kỳ ngộ. Thép Mới trả lời: “Em nghe nói đám đi học nước ngoài kỷ luật cấm luyến ái ghê lắm, anh léng téng mà nó xua về thì chuế quá đấy…”
Đầu bảng cấm đúng là cấm luyến ái trong thời gian đi học. Chỉnh huấn đặc sệt tinh thần chỉnh đốn tổ chức trong cải cách ruộng đất. Lập trường giai cấp đang là nền móng cho công tác nhân sự. Một cuộc “thay máu” lặng lẽ diễn ra.
Cho nên không lạ việc Lê Văn Rạng, bí thư học ủy lên cảnh cáo trước toàn hội trường: cán bộ, đảng viên nên nhớ mình là những cái cột sơn son bên ngoài chứ bên trong thì mục rữa hết cả rồi. Lại nghiền lập trường giai cấp và thái độ học tập ở nước ngoài. Lại kê khai lý lịch. Rồi tất cả chờ kết quả đi học hay không.
Thình lình học ủy nhờ tôi động viên Chính Yên phóng viên báo Cứu Quốc vui lòng về. Bố anh xưa là quan huyện, anh cả của anh đang làm ở tòa án “địch” tại Hà Nội. Tôi rất thương anh bạn nhưng biết làm sao. Chính Yên ra suối làm con gà đánh chén với tôi rồi tôi tiễn anh ra tận quốc lộ số 2. Về đến lán thì lại thấy V.T.D ở Thông tấn xã đã ba lô lên vai:
- Về, không đủ tiêu chuẩn.
Có cái mồm nào đó báo là anh nhận hai lạng vàng mẹ anh ở Hà Nội gửi ra. Có vàng là giai cấp bóc lột rồi!
Các chú học sinh phổ thông nen nét chờ như rắn mồng năm. Riêng tôi ngày mai lên đường vẫn chưa thấy tên trong danh sách. Thì đùng một cái, học ủy yêu cầu khai lại lý lịch.
Biết lôi thôi ở cái khoản bố làm việc cho Pháp ở trong Hà Nội. Tôi vẫn đi là nhờ uy lực báo đảng. Và cá nhân tôi cũng có uy lực nào đó nên báo đảng mới bênh!
… Đi bộ ban ngày lên biên giới. Hòa bình rồi. Một đêm trăng mờ qua ải Nam quan. Lên xe cam nhông quân đội ngồi phệt xuống sàn như phu Tây bắt đi khuân vác trong các trận càn. Trước khi đi, làm cuộc tổng lọc: vất bỏ hết tất cả những gì là của Việt Nam, trước hết thư tín, sổ tay, nhật ký, ảnh và đồ dùng, quần áo…, không được để lộ có lưu học sinh sang bạn.
Tôi hủy gần hết. Bùi ngùi đặt cái thìa của X. lên đỉnh dẫy cây lạc tiên ngập bụi trắng xóa bên đường, cái cây mà sau đó, buổi chiều đi trong thị trấn Na Sầm thưa thớt, hình như Hồng Linh chỉ vào đó nói quả cây này tên là pá phèn kuổ.
Hồng Linh là người Trung Hoa, Thép Mới chưa nói… Hay chưa biết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét