29-9-2014
Carrie Gracie
1) "Tôi tự chuốc vào mình"
Bắc Kinh đã không cho các nhà dân chủ Hong Kong một cơ hội nào để lùi bước trong việc đề cử ứng viên của cuộc bầu cử 2017. Một số người cảnh báo rằng sẽ có rắc rối, nhưng ôngTập Cận Bình rõ ràng đã quyết định thà đối mặt với các cuộc biểu tình bây giờ hơn là mạo hiểm để một nhà lãnh đạo địa phương thực sự hợp pháp xuất hiện. Hôm nay là hệ quả tất yếu của thông báo tháng trước từ quốc hội Trung Quốc về các hạn chế phổ thông đầu phiếu, nhưng nó cũng là một thách thức chính trị trực tiếp tới Bắc Kinh - và do đó chắc chắn là một phép thử trước lời hứa của Trung Quốc về một quốc gia, hai hệ thống.
2) "Tôi phải thắng"
Hai năm kể từ khi lên nắm Đảng Cộng sản, ông Tập Cận Bình thâu tóm quyền lực cá nhân ở mức không có đối thủ và rõ ràng ông là người đã đưa ra tất cả các quyết định quan trọng. Chiến dịch chống tham nhũng của ông đã khiến ông có những kẻ thù nội bộ đầy quyền lực, và họ đang chờ thời cơ, đợi khi ông có một bước đi sai lầm. Vì vậy, những gì xảy ra ở Hong Kong không còn chỉ là chuyện Hong Kong nữa. Những người biểu tình muốn Bắc Kinh phải đảo ngược các quy định về bầu cử, nhưng ông Tập Cận Bình sẽ không nhượng bộ và ông cũng không thể làm điều đó.
3) "Học sinh sinh viên lý tưởng lại một lần nữa là gót chân Achilles của chúng ta"
Các học giả trung niên, những người dẫn đầu phong trào Occupy Central là chuyện Bắc Kinh có thể dễ dàng dự đoán và ngăn chặn trước. Mối đe dọa thực sự là sinh viên đại học, những người bắt đầu bãi khóa từ thứ Hai tuần trước và nói rằng họ muốn đứng lên và được lắng nghe, ngay cả khi Bắc Kinh vẫn giả điếc trước những đòi hỏi của họ.
Ông Tập Cận Bình tin vào một sự lãnh đạo cứng tay để giải quyết những yếu kém của Trung Quốc |
Thông qua lập trường không nhượng bộ của mình về cải cách bầu cử, Trung Quốc đã tạo ra một phong trào đối lập với một ý thức rõ ràng về mục đích - một điều không nhỏ từ một nhóm cử tri vốn thường chỉ tập trung vào sách vở và triển vọng nghề nghiệp. Tới cuối tuần, sinh viên vẫn cất lên tiếng nói của mình, bất chấp bình xịt hơi cay, dồn sinh viên vào một khu, và bắt giữ những người lãnh đạo trong sinh viên. Tới lúc đó người lớn tuổi hơn trong phong trào Occupy Central cảm thấy họ cũng phải mang theo mặt nạ, kính mắt, bánh quy và cùng tham gia với sinh viên.
4) 'Đuôi rồng sẽ không chỉ đạo được rồng'
Tính đến chiều chủ nhật không có một tin tức nào về các cuộc biểu tình ở Hong Kong được chạy tại những phần còn lại của đất nước Trung Quốc. Bắc Kinh không muốn công dân của mình biết về chuyện này. Có 7,2 triệu người ở Hong Kong và có 1,3 tỷ tại đại lục Trung Quốc. Tập Cận Bình cần phải thể hiện với cả hai phía rằng ông là người quyết định kịch bản.
Ở đại lục, một cuộc biểu tình chính trị công khai sẽ bị giải tán chỉ trong vài phút. Hong Kong lại khác nhờ công thức một đất nước hai hệ thống, và nó đảm bảo Hong Kong được quyền tự trị và tự do ngôn luận. Tuy nhiên, một cuộc cách mạng màu - cách mạng phi bạo động - là một trong những cơn ác mộng khủng khiếp nhất của Trung Quốc và hình ảnh các công dân Trung Quốc trẻ tuổi có lý tưởng với băng-rôn và khăn vàng buộc trên trán đang đặt chính phủ tại Bắc Kinh vào tình thế tiến thoái lưỡng nan "làm thì sẽ bị nguyền rủa mà nếu không làm cũng sẽ bị nguyền rủa" .
Đặt áp lực vào cảnh sát Hong Kong phải có hành động cứng rắn và do đó có nguy cơ sẽ kích động thêm người dân xuống đường ủng hỗ học sinh? Hay không làm ầm ĩ lên và đứng trước nguy cơ sẽ khuyến khích những nhà dân chủ rằng sau cùng thì tham gia là cũng an toàn, không sao cả?
5) "Hãy tìm cho tôi chiếc chìa khóa để đến với trái tim và khối óc Hong Kong"
Thật khó biết liệu nên ve vuốt, đe dọa hay phủ dụ vào thời điểm này. Tuy nhiên, cử tri tối quan trọng chính là công chúng. Bắc Kinh sẽ cố gắng thuyết phục công dân Hong Kong hãy ở nhà bằng cách vẽ ra hình ảnh người biểu tình là như những người bộp chộp nguy hiểm và cảnh báo rằng nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng. Nhưng nếu Bắc Kinh muốn thắng trong trận chiến giành trái tim và khối óc của người Hong Kong, thì họ sẽ phải thật bình tĩnh và để cho các cuộc biểu tình diễn ra với sự nhẹ tay của cảnh sát. Một điều Trung Quốc cảm thấy rất khó thực hiện.
6) Trung Quốc có bao nhiêu đồn cảnh sát ở Hong Kong?
Tôi tin là khoảng 500 - nhưng ông Tập Cận Bình sẽ biết rõ hơn tôi. Cuộc biểu tình này là trái phép và vì vậy là bất hợp pháp. Cảnh sát Hong Kong có thể tìm cách bắt giữ tất cả mọi người. Nhưng một khi các đồn cảnh sát này đầy chật rồi thì rõ ràng là sẽ không có chỗ để giam giữ những người bị bắt. Vì vậy, cuộc biểu tình này có một điểm tới hạn mà dưới điểm đó thì tình trạng kiệt sức, bình xịt hơi cay và các mối đe dọa bị ngồi tù có thể khiến người biểu tình bỏ về nhà, nhưng nếu trên điểm tới hạn này thì sự an toàn về con số và khả năng có thêm người mới tham gia có thể sẽ tạo ra dây chuyền phản hồi và tăng thêm thái độ bất tuân.
7) "Sao chúng lại dám nhắc tôi về Đặng Tiểu Bình?"
Những người biểu tình xem họ là người nối tiếp di sản của cố lãnh tụ Cộng sản Trung Quốc, người qua đời ngay trước khi Hong Kong được trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997, nhưng là người đàm phán với người Anh về việc chuyển giao từ cách đó 30 năm trước. Một sự lựa chọn kỳ lạ vì Đặng Tiểu Bình chính là người đã ra lệnh cho quân đội dập tắt các cuộc biểu tình dân chủ của sinh viên ở Bắc Kinh vào năm 1989.
Nhưng các nhà dân chủ Hong Kong chỉ ra rằng chính Đặng Tiểu Bình là người đã đưa ra công thức "một quốc gia, hai chế độ" để đảm bảo lối sống của Hong Kong trong thời gian 50 năm. Vào giai đoạn đó, họ nói, ông tin rằng Trung Quốc sẽ tự do hơn và khoảng cách về ý thức hệ có thể đã thu hẹp lại. Nếu ông đã thực sự tin như vậy thì ông đã nhầm. Đất nước Trung Quốc của ông Tập Cận Bình đang đi theo một chiều hướng khác, hướng tới sự kiểm soát độc đảng chặt chẽ hơn bao giờ hết. Và nếu ông Đặng Tiểu Bình đã nhìn xuống từ thế giới bên kia, tôi không dám tự tin mà nói rằng ông sẽ reo mừng cổ vũ những người biểu tình.
8) "Hãy đổ lỗi cho người nước ngoài"
Trong thời gian vài tuần trước khi diễn ra các cuộc biểu tình ở Hong Kong, đại diện của Trung Quốc đã ngày càng khẳng định rằng các nhà dân chủ bị người nước ngoài khuấy động, muốn làm tổn hại đến sự ổn định và thịnh vượng của Hong Kong và sử dụng nơi này như một đầu cầu để lật đổ chính phủ đại lục.
Truyền thông tại đại lục hoàn toàn không đưa tin về những cuộc biểu tình ở Hong Kong |
Cuối tuần qua, báo chí thân Bắc Kinh ở Hong Kong đã đăng những cáo buộc rằng lãnh đạo sinh viên 17 tuổi Joshua Wong có mối liên kết với chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, chính phủ Mỹ và Anh đã tìm cách tránh xa lập luận này, và thật khó để có thể thấy việc lật đổ chính phủ Trung Quốc sẽ mang lại cho họ lợi lộc gì. Vấn đề thực sự của chính phủ Bắc Kinh là ý tưởng nước ngoài chứ không phải là chính phủ nước ngoài.
9) “Tôi đã không đạt được những gì tôi có bằng việc nhượng bộ. Giờ tôi cũng sẽ không nhượng bộ.”
Chủ tịch Trung Quốc được cho là đã nêu nguyên nhân Liên Xô tan vỡ năm 1991 là không ai "đủ can đảm dám đứng dậy bảo vệ nó". Kể từ khi lên nắm quyền cách đây hai năm, điều ngày càng trở nên rõ ràng là ông tự xem mình như lãnh tụ mà con dân phải nghe lời và tin rằng sự lãnh đạo mạnh mẽ là giải pháp cho những yếu kém của Trung Quốc. Hong Kong hãy lắng nghe.
10) “Một dịp kỷ niệm chẳng ra gì?”
Tuần này một bức chân dung mới của Chủ Tịch Mao được treo tại Cổng Thiên An Môn để chuẩn bị cho ngày Quốc Khánh. Ngày mùng Một tháng Mười là kỷ niệm lần thứ 65 cách mạng cộng sản Trung Quốc, thời điểm khi Chủ tịch Mao tuyên bố: "Người dân Trung Quốc đã đứng lên" và đám đông đã thực sự reo mừng.
Sáu mười lăm năm sau, ông Tập Cận Bình đứng đầu một đảng và một quốc gia rất khác. Giàu thì có đấy. Quyền lực cũng có đấy. Nhưng vào lần sinh nhật thứ 65, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa lại không có một thông điệp thống nhất vượt lên trên chủ nghĩa dân tộc bài ngoại. Ông Tập Cận Bình đang rất cần xác định “Giấc mơ Trung Hoa” của ông theo một cách thức tạo được cảm hứng cho người dân Trung Quốc, bất kể là ở Hong Kong hay Trung Quốc đại lục.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét