Thứ Năm, 18 tháng 9, 2014

NGHĨA TRANG

Theo Jeffrey Thai Blog

SGĐT:  Jeffrey Thái là một blogger người Việt nay sống trên đất Mỹ. Những bài viết của anh luôn mang nặng tâm tình của một người đất Việt xa xứ, đem đến cho người đọc tâm trạng u hoài. "Nghĩa trang" là một trong những bài tản văn gần đây của anh.

NGHĨA TRANG


I)
 Có một nghĩa trang lớn nằm ở phía sau ngôi nhà, nơi tôi sống lúc còn nhỏ. Nó không cách xa lắm, chỉ chừng khoảng hơn trăm thước. Gọi đó là nghĩa trang là cách gọi văn vẻ, dân địa phương gọi nó là "khu chòm mả". Nghe gọi là "chòm" tưởng là nhỏ, nhưng không phải, những ngôi mả tuy rải rác nhưng trải dài rộng khắp một khu vực rộng lớn, um tùm và hoang vu. Có một dạo xem kịch ma trên tivi nhiều quá, tôi bị ám ảnh sao ấy. Cứ mỗi đêm, trước khi đi ngủ, trong thinh lặng, tôi lại nghe những tiếng hú thật dài và thật lâu cất lên từ khu vực ấy. Những tiếng hú ấy khi bổng, khi trầm nhưng nghe rõ mồn một. Đến bây giờ, nhớ lại, tôi cũng không thể xác quyết được là những tiếng hú đó là có thật, hay chỉ xuất phát từ nỗi ám ảnh sợ hãi nơi một thằng bé năm, sáu tuổi. 

II) 
 " ... Ôi em về đâu, vùi lấp mối duyên đầu,
Em ơi còn đâu, tuổi xuân mình đang chớm,
Nay em về đâu, về thế giới xa nào,
Cho đời hiu hắt như nghĩa trang ...  " 
 Đó là lời trong bài hát "Dấu Chân Kỷ Niệm" mà Ngọc Đan Thanh trình bày trên tivi đen trắng hồi đó, cũng đâu khoảng quanh thời gian tôi nghe những tiếng ma hú từ nghĩa trang. Cũng lạ. Nghe và xem lâu lắm rồi, từ lúc năm, sáu tuổi mà đến bây giờ vẫn nhớ. Mà hình như hồi đó NĐT cũng chỉ hát có bài ấy thôi trên tivi. Cô không hẳn là một ca sĩ, vì bên lãnh vực nào cô cũng tham gia:  thoại kịch, cải lương, phim ảnh; rồi sau này, làm MC nữa. Gần đây, cô ca hát trở lại trên các chương trình của trung tâm Asia qua các nhạc phẩm xưa. Giọng ca của cô không hẳn là xuất sắc, nhưng đủ để gieo ấn tượng. DCKN là bài nhạc có nhiều người hát, nhưng mỗi lần chợt nghe, tôi lại nhớ về tiếng hát của cô với bài hát này. Tôi nhớ về tiếng hát của cô là vì bản thân tiếng hát ấy hay là vì không gian nghĩa trang của một cuộc tình tử biệt trong bài hát? Tôi cũng không rõ. Có thể là vì cả hai. Cũng có thể là vì cái thứ hai. 
 
III)
 Có một dạo, mỗi buổi chiều, tôi thích đi dạo vòng quanh khu vực có những ngôi mộ đất.  Ở thị trấn ấy, có nhiều khu như vậy. Người chết được chôn rải rác và tùy tiện ở những mảnh đất cạnh những cánh đồng. Vào mùa đã gặt hái xong, đồng không mông quạnh, những ngôi mộ ấy nổi bật lên giữa không gian chiều u ám và ảm đạm, trông thật buồn. Dạo ấy, lòng tôi cũng buồn lắm, buồn não nề và ủ dột - cái buồn từ một đời sống mòn mỏi và vô vọng của một thầy giáo trẻ chỉ vừa bước qua lứa tuổi hai mươi. Tôi khao khát một đời sống vui hơn thế, nhưng nhìn quanh, sao đâu cũng buồn: thị trấn này sao buồn quá, xã hội này sao buồn quá và đất nước này sao buồn quá. Tôi đi vòng quanh những ngôi mộ đất lúc chiều tà, trong bóng tối chập choạng, lòng không gợn lên chút niềm sợ hãi nào. Không có bóng ma nào chung quanh đây, chỉ có một nỗi buồn đồng vọng thật sâu. 

IV)
 "... Anh đã nghe gió đông về,
Trên bước chân em bên anh,
Phất phơ chiều lộng gió. 
Nghĩa trang đìu hiu xạc xào lá đổ,
Em có nghe từ trong lòng sâu đó,
Tiếng của ai, ai oán gọi ta về?"
 Miền Nam vốn không có mùa đông. Cái lạnh mơn man của mùa gió chướng chẳng thể nào so bì với cái lạnh thực thụ của mùa đông, chẳng thể gọi là gió đông. Gió đông ở đây, trong những dòng thơ trên, là gió của tâm hồn - một tâm hồn lạnh miên man. Tôi viết những dòng thơ trên vào mùa gió chướng của năm ngoài hai mươi tuổi. Gió đông và nghĩa trang là một kết hợp định mệnh và đẹp đẽ của nỗi buồn và sự lạnh giá. Tôi đọc chúng cho một người con gái nghe vào một chiều kia, khi chúng tôi đang dạo bước trên bến Ninh Kiều giữa dòng người tấp nập. Người ấy hiện đang sống ở Mỹ, nhưng đã chết. Tôi cũng vậy. Tôi cũng có thể đã chết. Chúng tôi có thể đã được chôn cất ở một nghĩa trang nào đó. Ở đâu? Tôi không biết.

V)
 Dạo mới qua Mỹ khoảng chừng một, hai năm, tôi sống ở một nơi mà mỗi đêm đi làm về phải lái xe qua một khu nghĩa trang khá dài và tối mịt, cách nhà đâu chừng vài trăm thước. Lái xe đi về như thế cũng mấy năm, vậy mà chưa hề có ấn tượng sợ hãi gì. Có thể là do ngồi trong xe ô tô, an toàn quá, nên chẳng có gì đáng sợ. Cũng có thể là do hình như ở Mỹ không có ma thì phải. Không nghe ai nhắc. Không nhớ tới bao giờ. Nghĩa trang ở đây gọn gàng và qui cũ, trật tự đâu ra đó, không có nhiều những nắm đất đắp cao mà chỉ có những tấm bia trơ vơ và những chùm hoa cắm trên đất. Khung cảnh quang đãng như thế chẳng có gì đáng sợ lắm, không như "khu chòm mả" ngày nào. 
  
VI)
 Ở Mỹ, có một số tiểu bang có điều luật cấm không được cắm trại ở khu vực nghĩa trang. Nếu ở VN, có lẽ chẳng cần có một điều luật thừa thãi như thế này, vì nghĩa trang ở VN chẳng thể là nơi để cắm trại. Nhưng ai ở Mỹ lại có ý tưởng kỳ lạ là đến khu vực nghĩa trang để cắm trại nhỉ? Dĩ nhiên là có xảy ra thì người ta mới bận tâm để ra lệnh cấm. Mà ai thế nhỉ? Vì sao? Có lẽ lại là một điểm khác biệt về văn hóa. 
 
 VII)
 -  Tại sao cô lại quan tâm đến tôi - một ông già sống đơn độc giữa thành phố Paris này?
-  Hôm gặp ông tại trạm xe bus, nhìn ông, tôi có cảm giác, ông không còn ai trên cõi đời này. Tôi cũng thế. Trên cõi đời này, tôi không còn ai... Tôi nghĩ, chúng ta có thể trở thành người nhà của nhau. Nhưng tại sao ông lại cố kết liễu cuộc đời mình như thế?
-  Tôi... không còn ai. Vợ tôi chết cách đây vài năm rồi. 
-  Tôi vừa gặp con trai ông ở ngoài hành lang bệnh viện kia mà?
-  Thực ra, tôi có một người con trai và một đứa con gái. Nhưng... tôi không còn ai. 
 Vợ người đàn ông già - vốn là một giáo sư đại học giàu có ở Mỹ - được chôn ở một nghĩa trang thật đẹp trên đất Pháp. Khung cảnh nghĩa trang trên phim là vào mùa thu, với những chiếc lá vàng phủ đầy trên mặt đất, tạo nên một không gian thật đẹp và lãng mạn. Ông muốn kết liễu cuộc đời mình bằng cách dùng thuốc ngủ quá liều, nhưng hóa ra, lượng thuốc ngủ chưa đủ. Ông muốn được nằm xuống ở nghĩa trang, cạnh ngôi mộ của vợ mình, nhưng hóa ra số ông chưa đến lúc. Người phụ nữ trẻ chợt đến với đời ông giữa kinh thành Paris hoa lệ đã hóa giải mối hiểu lầm hờn oán giữa ông và con trai, đồng thời cũng mang tình yêu đến cho thằng con trai vừa tan vỡ hôn nhân của ông. Bộ phim trầm buồn đan xen thỉnh thoảng hình ảnh của nghĩa trang, hóa ra, có một cái kết không buồn. 
 Cái kết không buồn, nhưng ở phần lớn của bộ phim, các ý niệm "một mình", "không còn ai", và hình ảnh nghĩa trang đã đủ mạnh để khơi gợi trong lòng người xem một nỗi hồi tưởng và suy ngẫm về cuộc đời mang màu sắc xám. 
 
 VIII)
 Nhiều người Việt già sống xa quê hương trên đất Mỹ đều mong muốn được trở về chết trên mảnh đất nơi mình đã được sinh ra. Nếu họ còn đủ sức để đáp chuyến bay cuối cùng để trở về, thì xem ra, việc tìm một mảnh đất để chôn xác thân họ ở VN không phải là điều quá khó. Nhưng nếu muốn chôn cất ở Mỹ thì sao nhỉ?  Xem ra, với những ai không dư giả nhiều, thì e rằng, đó không hề là điều đơn giản. Ngày càng có nhiều người muốn được hỏa táng và sau đó, gửi tro cốt mình về lại quê hương. Giải pháp này xem ra tiện lợi và tiết kiệm hơn nhiều, đối với những ai không quá khát khao được thực sự nằm xuống ngay giữa lòng đất mẹ. Trong trường hợp ấy, có lẽ khái niệm nghĩa trang không còn cần thiết, và theo dần khuynh hướng hỏa táng ngày càng phổ biến này của nhân loại, có vẻ như khái niệm này sẽ ngày càng trở nên co cụm lại. 
 
 IX)
 Chôn cất hay hỏa táng người chết: đó không hề là một điều dễ dàng cho người sống để quyết định, nếu không có lời trối trăn của kẻ ra đi. Chôn cất là một hình thức cổ truyền, nó chẳng giúp ích gì được cho ai, nhưng giúp cho người sống lưu giữ được ý niệm rằng xác thân người thân vẫn còn vẹn nguyên trong lòng đất lạnh. Trong khi đó, hỏa táng xem ra thuận với lẽ vô thường ở điểm:  cát bụi trở về cát bụi, tan biến trong hư không, chẳng còn lại gì nữa trên cõi đời này.
 Tuy nhiên, trở thành cát bụi chưa hẳn đã hoàn toàn là điểm cuối. Có kẻ vấn vương muốn tro bụi của xác thân mình được rãi trên dòng sông quê hương năm cũ với bao kỷ niệm ngọt ngào thuở ấu thơ. Có kẻ muốn nó được tung bay trên đỉnh núi nơi cất giấu những kỷ niệm nồng nàn của một tình yêu nồng thắm. Có kẻ vì lý do gì đó lại muốn nó được rãi tung giữa lòng biển lạnh...
Xét cho cùng, âu đó cũng chỉ là những ý tưởng vấn vương. Khi xác thân không còn, không còn lại gì. Không còn có nghĩa trang. 
 
30/08/2014
Jeffrey Thái  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét