Thứ Bảy, 20 tháng 9, 2014

TẢN MẠN 2: DẤN THÂN VÀ THÁO GỠ (s’engager và désengager)

Hạ Đình Nguyên 
18/9/2014

Một thời để yêu, một thời để chết” của Erich Maria Remarque xuất hiện sau Thế chiến thứ 2, được xem là tác phẩm hay nhất nói về cơn đại tao loạn nầy, cũng không khỏi gợi cho người đọc một cảm nhận có phần bi quan. Lãng mạn rồi khép lại một cách lạnh lùng.

Một thời để yêu, dù là một thứ lý tưởng nào, để rồi sau đó phải dính vào nó, kẹt vì nó và… chết vì nó, để rồi phải lao vào chiến tranh hay bị lụi tàn.
Trào lưu triết học sau Thế chiến thứ 2 đã nêu ra một số mệnh đề mới mẻ và linh hoạt, lan rộng vào thế hệ thanh niên trí thức của những thập kỷ 60, khá phổ biến với những từ ngữ ấn tượng và tích cực: dấn thân và tháo gỡ.

Thanh niên thời kỳ ấy rất giống và phù hợp với bối cảnh thanh niên Việt Nam hôm nay - Cái khác chỉ là thời gian lệch nửa thế kỷ.
 
Sau thế chiến thứ 2, thanh niên đã trải qua chết chóc, xã hội điêu tàn và nhận thấy chiến tranh là vô nghĩa nên thờ ơ với xã hội. Các thế hệ thanh niên Việt Nam cũng thế, đã lao vào chiến đấu mà động cơ chính là giải phóng dân tộc, ý thức hệ cộng sản chỉ là sự mơ tưởng, vay mượn có tác dụng như một chất kích thích, mà kết quả hơn nửa thế kỷ hy sinh chỉ đem lại một sự thất vọng toàn diện về cả hai mục đích: giải phóng dân tộc (độc lập), lý tưởng (tự do ảo) của chủ nghĩa xã hội.

Trước bối cảnh nầy phương Tây đưa ra triết lý dấn thân,  khuyến khích tinh thần nhập cuộc của thanh niên để xây dựng lại một xã hội tốt hơn, bằng thể chế dân chủ, đề cao tự do, cơ hội công bằng, tôn trọng pháp luật, qua con đường mở mang văn hóa, khoa học kỹ thuật, khuyến khích sáng tạo, tư tưởng bình đẳng, hướng đến nhân bản. Họ thực thi và truyền bá tuyên ngôn nhân quyền, muốn một thế giới tiến bộ, hòa bình, và ngăn ngừa các chủ nghĩa hận thù và chiến tranh.

Trong khi Việt Nam thì hành động ngược lại.
Thay vì thoát khỏi ảo tưởng ý thức hệ, họ lại dùng nó ràng buộc tư duy để ngu dân. Thay vì thể chế dân chủ, họ lại áp đặt một thể chế toàn trị. Thay cho tự do, họ thực hiện độc tài, đi trên pháp luật, đầu độc văn hóa, kìm chế giáo dục, thi hành chính sách bất công để thụ hưởng đặc quyền đặc lợi, tham ô, sách nhiễu đẩy dân chúng vào nghèo khó, và làm cho toàn bộ xã hội suy đồi, gồm cả quan lẫn dân. Bảy mươi năm vẫn khẩu hiệu cưỡng bức: “nhân dân đã chọn lý tưởng là “chủ nghĩa xã hội ”, “tổ quốc và chủ nghĩa xã hội là một”, mặc định đảng Cộng sản là đồng nghĩa với Dân tộc, nói khác, Dân tộc thuộc về đảng Cộng sản, nằm trong và là sở hữu của đảng Cộng sản. Dựa vào đảng Cộng sản Trung Quốc, hai bên cùng dùng ý thức hệ “vờ vĩnh” lẫn nhau, một bên lợi dụng để xâm đoạt, một bên chỉ để bảo vệ quyền lợi của hệ thống cầm quyền. Cuối cùng chính họ bị vong thân và sa vào mối quan hệ “anh em” bất chính, làm chủ quyền quốc gia chìm dần vào quỹ đạo Trung Quốc.

“Tháo gỡ” là thay cho “một thời để chết”.

Sự khép lại buồn thảm của Thế chiến thứ 2, đã làm cho Remarque nhận xét về một thời kỳ bạo lực của tư duy hệ thống theo chủ thuyết: ý thức hệ cộng sản, chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa bành trướng, chủ nghĩa tôn giáo cực đoan… để hình thành ý tưởng về cuốn sách: Một thời để yêu, một thời để chết.

Kinh nghiệm của nhân loại đã mở ra một nhân sinh quan mới. Hà tất phải đặt ra các học thuyết, để rồi phải có thời nầy và thời kia, từ đó sinh ra bao nhiêu là sự nhân danh và lợi dụng. Cái sống và cái chết không thể rạch ròi phân định về không gian và thời gian, nó lẫn vào nhau song trùng hỗn độn, nó nương tựa vào nhau mà làm nên sự kỳ bí tò mò hấp dẫn của sự sống. Nếu đã không có một cuộc hệ thống hóa triết học của Hegel - được gọi tên là duy tâm - dựng nên điều phải tôn thờ là một thế giới tinh thần chung (hay là tinh thần phổ quát), thì đã không có hệ thống triết học của Engels và Marx đảo ngược, để đưa vật chất lên vai trò chủ soái, cũng sẽ không dẫn đến cuộc tháp tùng rất cơ hội của bạo lực bởi Lenin, và nối gót là Mao, và ngày nay, ở Việt Nam cũng sẽ không có cái tổ chức hiếm hoi trên thế giới, có tên gọi kỳ quặc là “Hội đồng lý luận Trung ương”. Nói như thế không có nghĩa là gạt bỏ tư duy triết học của con người, vì dù muốn, cũng không một ai, hay đảng phái nào, có khả năng làm được điều ấy. Vì lịch sử đã cho thấy mọi học thuyết có tham vọng tóm thu chân lý vào mình, dùng nó để khống chế nhân loại, đều phá sản thảm hại. Và ngày nay loài người đã cảnh giác cao độ về sự tái hiện hay xuất hiện bất cứ một học thuyết nào, mới hay cũ, mà có tham vọng như thế.

Cách đây khá lâu, vào thời mà internet ở Việt Nam còn rất phôi pha, tôi hỏi một vị thầy cũ của tôi từ nước ngoài về, rằng hiện nay có trào lưu triết học nào mới và đáng kể trên thế giới. Ông trả lời rằng không. Triết học ngày nay đang có xu thế hướng vào những cái cụ thể, tinh tế, thiết thực của đời sống con người, về mặt tinh thần qua sự hiểu biết, các đối xử và sự nâng cao chất lượng. Sau nầy, tôi thấy đúng như vậy, hạnh phúc thật sự của con người là gì? Đó là xây dựng những phẩm chất nào trong mỗi con người có thể làm hạn chế xung đột, tạo niềm vui, sự thoải mái, giữ được sự bình an trong tâm trí, tôn trọng sự khác biệt và tuân thủ luật pháp của quốc gia, quốc tế, và luật lệ của cộng đồng… Nó ngợi ca sự sáng tạo, không làm điều ác, không nói dối, khuyến khích sự tự do, phá bỏ những trật tự kìm kẹp nhân quyền, xâm phạm nhân phẩm, đi ngược lại hạnh phúc… do độc tài đặt ra, bằng tinh thần hòa bình, không bạo động, dù trên thực tế, thế giới vẫn đảo điên, nhưng đó vẫn là tinh thần của triết học, là cứu cánh mà nó hướng tới.
 
Thanh niên ngày nay, tuy mức độ khác nhau, nhận thức chung là chịu ảnh hưởng của xu hướng thời đại, dù cho họ sinh sống trong những vùng trũng của nền giáo dục độc hại, hay là nền giáo dục ngu dân. Một nét đặc biệt bộc lộ mạnh mẽ: họ từ chối các thứ giáo lý chính trị, cho dù cố nhét vào thế nào đi nữa. Bởi sau khi bị bắt buộc “dấn thân” vào nền giáo dục không phù hợp, họ từng bước tự thào gỡ. Dù sự giáo dục theo hướng đầu độc không thành công, nhưng vẫn có hại lớn. Nó làm lãng phí, tiêu hủy năng lượng của giới trẻ phải vùi đầu hàng chục năm trên ghế nhà trường và giảm năng lực của hệ thống phục vụ. Tất nhiên sự phủ định nầy là đặt trên cơ sở so sánh với một nền giáo dục tốt hơn, hoàn toàn có thể thay thế. Ở cái mức tối thiểu, cảm động và đau lòng, về chuyện những người mẹ hy sinh cả mạng sống để mơ việc “học hành” cho con, dù nó bất tương xứng với cái hy sinh cao cả của những người phụ nữ khốn cùng.

Tiến trình 40 năm qua là quá đủ để có một nhận thức toàn diện về sự tháo gỡ từ một cuộc dấn thân sai lầm cho cả dân tộc.

Đã lỡ một thời lỡ yêu, nay thay cho một thời để chết, bằng một thời “tháo gỡ” tích cực và cấp bách - désengager. Thiết nghĩ, đó có thể là phương châm cho mỗi người và cho mọi người Việt.

H.Đ.N

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét