Thứ Hai, 5 tháng 5, 2014

TẤN CÔNG TÂN CƯƠNG "CHUYÊN NGHIỆP HƠN" - ĐOÀN KẾT SẼ HÀN GẮN ĐƯỢC TÂN CƯƠNG ?

SGĐT tổng hợp và theo BBC

Toàn cảnh vụ nổ ở nhà ga phía nam của Urumqi, thủ phủ Tân Cương hôm 30.4 (Ảnh: SMH, SCMP, Claudearpi.) - Vụ việc ở Tân Cương được ông Tập Cận Bình gọi là "công khủng bố"

Tấn công Tân Cương “chuyên nghiệp hơn"

Hôm 30/04, một vụ nổ lớn xảy ra ở nhà ga tại Urumqi, thủ phủ vùng Tân Cương, khiến ít nhất ba người chết và 79 người bị thương, ngay sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kết thúc chuyến thăm vùng này.



Vụ việc ở Tân Cương được ông Tập Cận Bình gọi là 'tấn công khủng bố - Ảnh AP

Đây là chuyến thăm Tân Cương lần đầu tiên của ông Tập kể từ khi ông lên nắm quyền hồi năm 2012.
Chủ tịch Trung Quốc đã tuyên bố sẽ "hành động kiên quyết" đối với các vụ "tấn công khủng bố".
“Cuộc chiến chống lại bạo lực và khủng bố không thể xao lãng dù một phút một giây nào và phải có các hành động quyết liệt để kiên quyết trấn áp cơ hội của bọn khủng bố,” ông Tập được Tân Hoa Xã dẫn lời nói sau khi xảy ra vụ tấn công.

Ông Tập cũng nói là cần "phải hiểu sâu sắc “chủ nghĩa ly khai Tân Cương”.

Vincent Ni của BBC Tiếng Trung phỏng vấn một chuyên gia nghiên cứu về chống khủng bố và quan hệ của Trung Quốc với các nước phương Tây về ý nghĩa của vụ tấn công.

Ông Raffaello Pantucci

Ông Raffaello Pantucci, nghiên cứu viên cao cấp của Royal United Services Institute (RUSI), cho rằng đây vốn là lo ngại thường trực của ông Tập Cận Bình, và tình hình ở Tân Cương ngày càng xấu đi.

BBC: Vụ tấn công ở Tân Cương có ‎nghĩa như thế nào?

Vụ tấn công này chính xác là những gì mà ông Tập Cận Bình vốn vẫn lo lắng. Ông đã bày tỏ mối quan ngại này một vài lần.

Ông nói rằng ông coi Tân Cương và đặc biệt là Kashgar là “tiền phương của chủ nghĩa khủng bố”, nơi ông đề cập đến khá nhiều kể từ khi nắm quyền.

Hội đồng An ninh Quốc gia và những thứ khác cho thấy khủng bố từ nội địa là mối lo lớn.

 "Vụ việc ở Urumqi rất đáng lo. Chúng ta thấy có các vụ tấn công và nhiều vấn đề ở Urumqi trước kia, nhưng ta chưa từng chứng kiến vụ việc nào ở tầm cỡ như thế này trong một thời gian dài." Raffaello Pantucci, chuyên viên nghiên cứu cao cấp viện RUSI

Chúng ta cần xem xem loại bom này trông như thế nào. Nhưng ý tưởng nhắm tới các trung tâm giao thông là chủ đề khá thường gặp trong khủng bố quốc tế. Thế nên không có gì quá ngạc nhiên khi việc này xảy ra.

Theo một cách nào đó, vụ việc ở Urumqi rất đáng lo. Chúng ta thấy có các vụ tấn công và nhiều vấn đề ở Urumqi trước kia, nhưng ta chưa từng chứng kiến vụ việc nào ở tầm cỡ như thế này trong một thời gian dài.

BBC: Liệu có phải bộ máy an ninh hoạt động không tốt, đặc biệt là khi ngài Chủ tịch ở đó?

Chúng ta sẽ nhanh chóng tìm ra đâu là điểm yếu của sự việc. Lần trước, khi sự việc xảy ra ở Bắc Kinh hồi tháng 10/2013, rất nhanh sau đó có sự thay đổi trong cấu trúc quân sự ở cấp tỉnh. Nếu quay trở lại cuộc nổi dậy Urumqi hồi năm 2009, không lâu sau đó các quan chức cấp cao ở Phòng Công an Urumqi đã bị cách chức.

Nếu đây là thất bại về tình báo, thì họ cũng có hồ sơ theo dõi tốt về việc cho sa thải đúng người.

BBC: Ông có cho đây là bước lùi trong chiến dịch chống khủng bố của ông Tập Cận Bình?

Ông ấy đã nhắc đến điều này tới hơn chục lần chỉ trong vài tháng qua.

Tình hình ở Tân Cương đang ngày càng xấu đi. Kể từ năm 2010 có các kế hoạch lớn được đưa vào lịch trình để khôi phục nền kinh tế địa phương, mọi việc chỉ tệ đi.

Năm ngoái, hơn 130 người bị thiệt mạng ở Tân Cương, theo các báo cáo. Chúng ta thấy nhiều vụ việc giờ lan rộng dần ra từ trong địa phương. Dù các vụ này có liên quan đến nhau hay không, thì chúng vẫn là việc người Uyghur bất bình, vốn xuất phát từ cùng một nơi. Vụ tấn công ở Tân Cương cũng xuất phát từ đó.

Theo một cách nào đó, vấn đề trở nên chuyên nghiệp hơn ngay từ bên trong địa phương này. Đây không phải là một nhóm người tấn công sở cảnh sát ở các làng nhỏ ở nông thôn; đây là thành phố chính của cả một tỉnh, và bên trong ga tàu.


“Đoàn kết” sẽ hàn gắn được Tân Cương? 
(Martin Patience- Phóng viên BBC ở Bắc Kinh)


Chủ tịch Tập Cận Bình trong chuyến thăm lực lượng Vũ trang Nhân dân Trung Quốc tại Tân Cương trong chuyến thị sát vừa qua. Ảnh: Tân Hoa xã.

Vụ tấn công ở một nhà ga tại Urumqi xảy ra khi lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đang khép lại chuyến thăm đầu tiên của ông tới Tân Cương trên cương vị Chủ tịch nước.

Có vẻ đây không phải là trùng hợp ngẫu nhiên. Vụ tấn công có thể được coi như một thông điệp thách thức ông Tập.

Bắc Kinh đang vất vả kiềm chế bạo lực ngày càng gia tăng từ vùng viễn tây, nơi là bản quán của người sắc tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ.

Trung Quốc đổ lỗi cho "những người ly khai Duy Ngô Nhĩ" gây ra vụ tấn công chết người tại một nhà ga ở Côn Minh vào tháng Ba – cách xa vùng Tân Cương hàng ngàn cây số.

Ông Tập đi thăm Tân Cương, trong lúc vẫn nghĩ về vụ Côn Minh.

Kể từ sau cuộc tấn công gần nhất, truyền hình nhà nước Trung Quốc không ngừng tạo dựng hình ảnh ông Tập như một nhà lãnh đạo gần gũi đã tới gặp gỡ cư dân địa phương trong một chuyến thăm bốn ngày.

Trong một số cảnh quay ông được thể hiện đội một chiếc mũ truyền thống của người Duy Ngô Nhĩ.

"Nhiều mồ hôi trong thời bình, sẽ giúp ít đổ máu trong chiến tranh. Cần phải có những biện pháp hữu hiệu để đối phó với các phần tử khủng bố bạo lực",ông Tập Cận Bình nói.        

Người Duy Ngô Nhĩ, mà đa số theo Hồi giáo, chiếm chưa đầy một nửa dân số của khu vực.

Từ lâu nay, họ luôn phàn nàn về đàn áp văn hóa và tôn giáo dưới sự cai trị của Trung Quốc, một lời buộc tội mà Bắc Kinh phủ nhận.

Các nhóm lưu vong người Duy Ngô Nhĩ và các tổ chức nhân quyền nói rằng các chính sách kinh tế, xã hội của Trung Quốc thúc đẩy tình trạng bất ổn.

Nhưng Bắc Kinh nói rằng bạo lực đang được các nhóm ở hải ngoại tài trợ và cách duy nhất để dập tắt tình trạng bất ổn là thông qua phát triển và hội nhập lớn hơn.



Ông Tập Cận Bình thăm một trường song ngữ ở Tân Cương

Đó là lý do tại sao ông Tập được cho thấy xuất hiện tại một trường song ngữ nhấn mạnh với các trẻ em người Duy Ngô Nhĩ về tầm quan trọng của việc học tiếng Hoa phổ thông, ngôn ngữ chính thức quốc gia, cũng như học tiếng mẹ đẻ của họ.

Ông tuyên bố sẽ cải thiện triển vọng nghề nghiệp của họ và cũng thúc đẩy "sự gắn kết sắc tộc".

Vụ nổ xảy ra vào cuối chuyến thăm Tân Cương của ông Tập Cận Bình.

Nhà lãnh đạo của Trung Quốc cũng cam kết sẽ sử dụng một bàn tay sắt để đè bẹp những gì ông mô tả là chủ nghĩa khủng bố.

"Nhiều mồ hôi trong thời bình, sẽ giúp ít đổ máu trong chiến tranh," ông Tập nói với các sỹ quan công an tại Kashgar, một thành phố ở mạn tây nam Tân Cương.

“Cần phải có những biện pháp hữu hiệu để đối phó với các phần tử khủng bố bạo lực."

Sau vụ tấn công mới nhất, việc đưa tin tức đã bị kiểm duyệt nặng nề.

Các hình ảnh từ hiện trường đã bị xóa trên trang Weibo – một trang tương tự với Twitter của Trung Quốc – càng làm nổi bật sự nhạy cảm của vấn đề.

Thay vào đó, truyền hình nhà nước Trung Quốc tiếp tục truyền đi các hình ảnh thúc đẩy sự hòa hợp dân tộc.

Nhưng tất cả những hình ảnh không thể che dấu thực tế rằng các chính sách của Trung Quốc, ít nhất là hiện nay, đã không có tác dụng ở Tân Cương.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét