Thứ Sáu, 23 tháng 5, 2014

GIẢM PHỤ THUỘC TỪ TRUNG QUỐC

Mỹ Lệ (Theo TBKTSG)

(SGĐT)- Hẳn nhiều người chưa quên chuyện khi có căng thẳng với Philippines về biển đảo, Trung Quốc ngừng nhập hàng ngàn tàu chuối từ Philippines, đó là đòn kinh tế, hỗ trợ cho đòn tranh chấp lãnh thổ.

Nền kinh tế của chúng ta đang bị phụ thuộc vào Trung Quốc như thế nào, tác động và cần điều chỉnh chính sách ra sao, đặt trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước liên quan chủ quyền biển đảo hiện nay?

TBKTSG trao đổi với ông Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), và bà Phạm Chi Lan, nguyên Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).


TBKTSG: Đặt vấn đề nền kinh tế cần giảm phụ thuộc từ Trung Quốc trong lúc này, ông/bà tiếp cận dưới góc độ nào?

- Ông Phạm Sỹ Thành: Cho dù vấn đề “giảm phụ thuộc” được đặt ra trong bối cảnh hai nước đang căng thẳng, nhưng tôi mong nó sẽ được giải quyết và tư duy trên nền tảng mong muốn. Theo đó thì chính ra chúng ta cần “tận dụng tốt hơn nữa kinh tế Trung Quốc”. Một điều chắc chắn là dù quan hệ hai bên có tốt lên hay xấu đi thì chúng ta cũng phải thay đổi, xuất phát từ bài toán lợi ích hay giảm thiểu rủi ro cho chính mình.

Việt Nam chưa nhận được những ích lợi từ thương mại giống như những gì mà Malaysia, Thái Lan, Philippines hay Singapore nhận được từ Trung Quốc, vì vậy, cần cải thiện chất lượng thương mại với Trung Quốc. Trước hết, chúng ta xuất khẩu sang Trung Quốc các hàng thô, sơ chế, có giá trị gia tăng thấp và nhập khẩu các hàng thành phẩm có giá trị gia tăng cao. Điều này liên quan đến trình độ công nghệ và sự phát triển của công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam.

Thứ hai, cùng là mặt hàng nông sản, chúng ta xuất khẩu sang Trung Quốc 30 triệu đô la Mỹ thì nhập khẩu từ quốc gia này 300 triệu đô la Mỹ mặt hàng nông sản cùng loại. Điều này cho thấy hoạt động quản lý thị trường hoặc chính sách thương mại của Việt Nam đang có vấn đề.

Thứ ba, hàng hóa Việt Nam nếu theo con đường tiểu ngạch thì do thương nhân Trung Quốc thu mua tận gốc với giá rẻ, nếu theo con đường chính ngạch thì mới chỉ thâm nhập vào các tỉnh ven biên giới như Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông mà chưa thể thâm nhập sâu vào nội địa Trung Quốc.

“Vấn đề của Việt Nam là (i) trong quá trình gắn kết như vậy với kinh tế Trung Quốc, chúng ta không tận dụng được đầy đủ các lợi ích của sự gắn kết, đồng thời (ii) chưa có các phương án thay thế trong trường hợp xảy ra rủi ro (ví dụ chiến tranh, chiến tranh thương mại, chiến tranh tiền tệ, đảm bảo an ninh năng lượng, vận tải biển quốc tế...)”.


Tôi từng có buổi làm việc với ông Ba Hạo - người sản xuất khoai lang tím từng được Thủ tướng vinh danh. Ông cho biết, vào những tháng cao điểm, các công ty Trung Quốc vào tận ruộng của ông và những nông dân khác thu mua 1.000 tấn khoai lang/ngày. Tuy nhiên, chỉ có khoảng một phần ba số này được tiêu thụ tại Trung Quốc (đương nhiên với giá cao hơn nhiều so với nông dân ta bán trực tiếp cho thương lái Trung Quốc), còn lại có lẽ được xuất khẩu sang các nước khác với bao bì là hàng Trung Quốc. Trái ngược với điều này, mức độ thâm nhập thương mại của hàng Trung Quốc trên thị trường Việt Nam cao hơn nhiều.

- Bà Phạm Chi Lan: Tôi tư duy vấn đề trong hoàn cảnh có tính chất đặc biệt như hiện nay, gắn với những căng thẳng giữa hai nước. Đây là lúc cần có cái nhìn sâu hơn, tổng hợp hơn, gắn các sự việc với nhau. Trước nay nhiều người còn tin Trung Quốc, còn coi những chuyện mua rễ cây, đỉa... bất thường của thương nhân Trung Quốc có tính chất đơn lẻ, không tính đến tác hại tổng hợp để dự phòng khả năng xấu có thể xảy ra. Thế nhưng, hẳn nhiều người chưa quên chuyện khi có căng thẳng với Philippines về biển đảo, Trung Quốc ngừng nhập hàng ngàn tàu chuối từ Philippines, đó là đòn kinh tế, hỗ trợ cho đòn tranh chấp lãnh thổ.


Trước đây, những đụng độ của Trung Quốc với ngư dân của ta trên biển như bắt ngư dân, cưỡng đoạt tàu thuyền, phương tiện hành nghề, một số người coi đó là việc không thường xuyên nhưng nay, kéo giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của ta là vấn đề lớn. Xâu chuỗi chuyện giao thương với xâm chiếm lãnh hải, trong bức tranh quan hệ kinh tế mất cân đối giữa hai nước như hiện nay, sẽ thấy mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng đối với nền kinh tế của ta nếu tình hình tiếp tục căng thẳng. Việt Nam cần nhìn lại mình trong vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế. Ta chưa bàn gì đến hai nội dung tái cơ cấu đã có trong đề án tái cơ cấu tổng thể là tái cơ cấu ngành và tái cơ cấu vùng. Chúng ta cần điều chỉnh chiến lược công nghiệp hóa của mình. Trước đây, ta quá tập trung vào công nghiệp nặng. Sau đổi mới có quan tâm hơn đến công nghiệp nhẹ nhưng quá tập trung hàng tiêu dùng mà “quên” công nghiệp phụ trợ - sản xuất sản phẩm trung gian như vật liệu, linh kiện...

TBKTSG: Để nền kinh tế giảm phụ thuộc từ Trung Quốc hay cải thiện chất lượng thương mại với Trung Quốc thì... khó cỡ nào?

- Ông Phạm Sỹ Thành: Tôi muốn nói đến khó khăn trong việc làm thế nào để tận dụng đầy đủ lợi ích kinh tế từ Trung Quốc. Khó lớn nhất là thực lực kinh tế của Việt Nam cải thiện quá chậm trễ trong suốt thời gian dài. Số liệu cho thấy mức độ cải thiện năng suất lao động ngành công nghiệp của Trung Quốc trong giai đoạn 2001-2009 là xấp xỉ 8%, của các nước ASEAN dao động từ 1-3%. Trong đó, mức độ cải thiện của Indonesia và Việt Nam là thấp nhất - chưa đầy 1%.

Khó khăn thứ hai là công nghiệp phụ trợ - với tác động của chính sách ngành và tỷ giá - đã không vươn lên để đảm trách việc cung cấp đầu vào cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước và doanh nghiệp FDI. Doanh nghiệp FDI hiện nay chiếm 60% tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam (ước khoảng 80,9 tỉ đô la Mỹ), nhưng cũng chiếm gần 55% tỷ trọng nhập khẩu (57,7 tỉ đô la Mỹ).

Khó khăn thứ ba là nếu muốn thì việc tìm kiếm nguồn hàng thay thế nhập khẩu từ Trung Quốc trong thời gian ngắn, với chi phí thấp như hiện nay cũng bất khả thi. Việc cần làm để đem lại lợi ích cho người tiêu dùng và doanh nghiệp trong nước là các hàng rào kỹ thuật và công tác quản lý của các cơ quan chức năng.

Bên cạnh đó, do Việt Nam đã tham gia sâu rộng vào kinh tế quốc tế, nên Việt Nam cần tuân thủ chặt chẽ quy định của các định chế hoặc tổ chức này về tự do hóa thương mại và đầu tư; cần đối xử công bằng với các đối tác thương mại cũng như nhà đầu tư nước ngoài của các quốc gia có liên quan.

- Bà Phạm Chi Lan: Cái khó của chúng ta là đã trễ để điều chỉnh chính sách. Các nước đã hình thành, đã cạnh tranh rồi, không dễ để chúng ta bắt đầu và cạnh tranh với họ. Cái khó nữa là nguồn lực của chúng ta hiện nay hạn chế hơn so với lúc đầu đổi mới. Khó nhưng phải làm. Nhà nước phải thay đổi hệ thống chính sách khuyến khích, hệ thống phân bổ nguồn lực, theo tiêu chí hiệu quả sử dụng nguồn lực. Phải khuyến khích doanh nghiệp tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, tạo năng suất cao hơn.

“Việt Nam cần nhìn lại mình trong vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế. Ta chưa bàn gì đến hai nội dung tái cơ cấu đã có trong đề án tái cơ cấu tổng thể là tái cơ cấu ngành và tái cơ cấu vùng. Chúng ta cũng cần điều chỉnh chiến lược công nghiệp hóa của mình”.

Việt Nam đang đàm phán FTA với EU và đàm phán TPP. Đó là cơ hội cho chúng ta tìm kiếm các nhà cung cấp khác hay mời nhà đầu tư mới vào để làm công nghiệp phụ trợ. Yêu cầu của TPP, như xuất xứ nội khối của nguyên phụ liệu may, là sức ép để ta đưa nền kinh tế vào chu kỳ phát triển hợp lý hơn. Trong quá trình đàm phán, một mặt, ta thuyết phục các đối tác nới thời gian áp dụng cho mình, nhưng mặt khác, cũng phải bắt tay vào chuẩn bị đầu tư cho dệt, nhuộm. Ngay như TPP không đòi hỏi thì cũng cần phải làm vì miếng bánh xuất khẩu dệt may lớn như vậy, không thể chấp nhận mình chỉ hưởng phần nhỏ gia công.

TBKTSG: Ví dụ bất cân xứng rõ nhất trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc là tình trạng nhập siêu từ nước này. Nên nhìn nhận và ứng xử như thế nào với chuyện đó?

- Ông Phạm Sỹ Thành: Nhập siêu từ Trung Quốc không phải là điều “nguy hại” đối với kinh tế Việt Nam, nếu chúng ta có công nghệ tốt hơn hiện nay. Singapore nhập siêu lớn với Trung Quốc nhưng quốc gia này có công nghệ và có khả năng xuất khẩu các hàng có giá trị gia tăng lớn sang các nước khác và sang chính Trung Quốc từ nguồn hàng nhập khẩu này.

Vấn đề thực sự của nhập siêu với Trung Quốc là nhập khẩu từ nước này đang trực tiếp phục vụ cho hoạt động sản xuất thường ngày (bao hàm cả ý nghĩa cung cấp công nghệ) của các doanh nghiệp nằm trong lãnh thổ Việt Nam. Chỉ 20% kim ngạch nhập khẩu là hàng tiêu dùng. Điều này tác động lâu dài đến khả năng nâng cấp công nghệ của doanh nghiệp bản địa. Có khả năng Việt Nam rơi vào hiệu ứng giải công nghiệp hóa sớm khi chỉ xuất khẩu được sang Trung Quốc các hàng hóa dựa vào tài nguyên và nhập khẩu hàng công nghiệp chế tạo thành phẩm. Về lâu dài, sẽ làm suy giảm năng suất của Việt Nam dẫn đến suy giảm tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.

- Bà Phạm Chi Lan: Trong bối cảnh toàn cầu hóa, lại nằm cạnh nền kinh tế lớn như Trung Quốc, chúng ta không thể từ chối hoàn toàn hàng hóa Trung Quốc mà phải tìm cách để chung sống, hai bên cùng có lợi. Để làm được điều này, cần có sự nỗ lực về mặt chính trị, kinh tế và cả cư xử của người dân.

Cần làm rõ quan điểm chính trị, không thể vì lý do chính trị mà ưu tiên cho các nhà thầu Trung Quốc trúng thầu các dự án EPC hay dễ dãi trong vấn đề nhập vật tư thiết bị, lao động. Chúng ta không kỳ thị nhưng cũng không phân biệt ưu đãi. Đòi hỏi tối cao là phải tuân thủ pháp luật Việt Nam.

Về mặt kinh tế, các doanh nghiệp Việt Nam phải tăng khả năng sản xuất, từng ngành phải ngồi lại, hợp sức với nhau. Một mình Vinatex không làm công nghiệp phụ trợ nổi thì liên kết với doanh nghiệp khác, với ngân hàng, phải có chính sách của Nhà nước về việc này.

Vấn đề liên quan đến hàng tiêu dùng nằm ở phương thức nhập tiểu ngạch và bài toán quản lý chất lượng sản phẩm. Bộ Công Thương cũng thấy nhưng phản ứng khá yếu ớt, trong khi đáng lẽ phải đấu tranh với họ quyết liệt hơn để hạn chế nhập tiểu ngạch, chuyển sang chính ngạch. Phần mình, phải tăng cường hiệu quả giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước, đặt lợi ích đất nước lên trên lợi ích cục bộ ngành, địa phương.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét