Thứ Hai, 26 tháng 5, 2014

Báo Mỹ: VIỆT NAM KHÔNG DỄ BỊ TRUNG QUỐC BẮT NẠT

Anh Sơn - 25/05/2014

(Saigon ĐiểmTin) : "Những tài liệu của Lầu Năm Góc đã được giải mật tiết lộ rằng sở dĩ Mỹ tiến hành cuộc chiến tại Việt Nam là nhằm ngăn không cho Trung Quốc tràn xuống Đông Nam Á. Nhưng Washington không nhận thức được rằng dù Trung Quốc viện trợ vũ khí cho miền Bắc Việt Nam thì mối liên kết này sẽ không tồn tại khi Pháp và Mỹ rút khỏi Việt Nam. Và quân đội Bắc Việt Nam chính là thành trì tốt nhất ngăn Trung Quốc tràn xuống Đông Nam Á."
"Một số người cho rằng hiện nay trước sự đe doạ ngày càng gia tăng của Trung Quốc, Việt Nam đang kết thân với Mỹ là kẻ thù họ từng chiến đấu gian khổ để đánh đuổi hơn 40 năm trước. Tuy nhiên với người Việt Nam, các mối đe doạ của Trung Quốc thì dày đặc trong khi người Mỹ chỉ là một khó chịu đã qua. Trung Quốc không thể trông mong rằng họ sẽ dễ dàng có tất cả trên Biển Đông." (Some see irony in the fact that today, as the Chinese threat grows, Vietnamese are cozying up to American power which they fought so long and so hard to expel just four decades ago. But, for the Vietnamese, the Chinese menace is woven into the fabric of their existence while America was but a passing unpleasantness. The Chinese cannot expect to have it all go easily for them in the South China Sea.)

(Tin Nóng) Việt Nam đang chứng tỏ không dễ bị Trung Quốc bắt nạt so với các nước có tranh chấp biển đảo với Trung Quốc, theo nhận định của nhà báo H.D.S. Greenway, cựu biên tập viên mục bình luận trên tờ Boston Globe (Mỹ) ngày 25.5.
Tàu Cảnh sát biển Việt Nam đang làm nhiệm vụ chấp pháp trên vùng biển Việt Nam - 
Ảnh: Mai Thanh Hải
Theo tác giả, Việt Nam đang đối đầu với Trung Quốc trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam, nơi Trung Quốc đưa giàn khoan đến hạ đặt trái phép cùng nhiều tàu thuyền liên tục đâm húc và phun vòi rồng vào các tàu của Việt Nam. Đây không phải là lần đối đầu đầu tiên giữa hai nước.

Tác giả cho biết, 40 năm trước, khi còn ở Việt Nam, ông đã nhìn thấy các tàu chiến của Việt Nam Cộng hoà bị thương trở về cảng Đà Nẵng. Các tàu chiến này không phải bị bộ đội miền Bắc tấn công, mà vừa trải qua cuộc hải chiến với Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc đã làm rùm beng trong cuộc chiến vào thời điểm đó, nói rằng lực lượng của họ đã bảo vệ được lãnh thổ. Nhưng Việt Nam Cộng hoà lại chiến thắng về mặt tuyên truyền khi kêu gọi tất cả người dân Việt Nam, không phân biệt quan điểm chính trị, cùng lên án Trung Quốc xâm lược lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam.
Những năm sau đó, khi bộ đội miền Bắc tiến vào Sài Gòn giải phóng miền Nam, một lực lượng khác được cử ra thay thế các đơn vị của VNCH đang đồn trú trên các đảo ở quần đảo Trường Sa.
Điều này cho thấy rằng dù đang có chiến tranh, nhưng Hà Nội đã quyết định một khi kết thúc cuộc chiến sẽ tiếp tục quản lý các hòn đảo mà Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền.

Tuần hành tại Sài Gòn đầu năm 1974 phản đối Trung Quốc chiếm Hoàng Sa - Ảnh: Tư liệu
Năm 1979, Trung Quốc mở cuộc tấn công Việt Nam trên biên giới phía bắc, nhằm trừng phạt Việt Nam đưa quân vào Campuchia để lật đổ chế độ Khmer đỏ. Kết quả là quân đội Trung Quốc nhận lấy những đòn giáng trả đẫm máu từ lực lượng Việt Nam thiện chiến hơn.
Nhiều anh hùng dân tộc Việt Nam, như Hai Bà Trưng từ thế kỷ thứ 1 sau công nguyên đến Lê Lợi ở thế kỷ 15, đã đi vào lịch sử với các cuộc kháng chiến đấu tranh chống sự xâm lược của các triều đại Trung Hoa. Trung Quốc đã đô hộ Việt Nam gần 1.000 năm từ thế kỷ 1 trước công nguyên đến thế kỷ 10 sau công nguyên. Đến thời nhà Minh còn tấn công chiếm đóng Việt Nam một thời gian. Sau chiến tranh thế giới thứ II, quân Tưởng Giới Thạch còn từ Trung Quốc kéo vào Việt Nam với danh nghĩa giải giáp quân đội Nhật.
Những tài liệu của Lầu Năm Góc đã được giải mật tiết lộ rằng sở dĩ Mỹ tiến hành cuộc chiến tại Việt Nam là nhằm ngăn không cho Trung Quốc tràn xuống Đông Nam Á. Nhưng Washington không nhận thức được rằng dù Trung Quốc viện trợ vũ khí cho miền Bắc Việt Nam thì mối liên kết này sẽ không tồn tại khi Pháp và Mỹ rút khỏi Việt Nam. Và quân đội Bắc Việt Nam chính là thành trì tốt nhất ngăn Trung Quốc tràn xuống Đông Nam Á.

Sửa chữa tàu kiểm ngư KN-766 của Việt Nam ngày 22.5 tại Đà Nẵng. Tàu này bị tàu Trung Quốc đâm móp cabin trên vùng biển Việt Nam, nơi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan cùng hàng loạt tàu bảo vệ hung hăng tấn công tàu chấp pháp Việt Nam - Ảnh: Nguyễn Tú
Ngày nay Việt Nam khó sánh được với Trung Quốc khi nước này trở thành một siêu cường quân sự. Nhưng điều này không ngăn cản Việt Nam xây dựng lực lượng quân sự và hải quân của mình, đặc biệt là trang bị tàu ngầm mua từ Nga. Việt Nam cũng xây dựng và củng cố lực lượng tên lửa và không quân, cũng như mua tàu hộ vệ hiện đại từ Hà Lan.
Không ai tin rằng Việt Nam có thể chống lại được Trung Quốc trong một cuộc chiến tranh toàn diện, nhưng Việt Nam sẽ khiến các nỗ lực của Trung Quốc trong việc độc chiếm Biển Đông sẽ phải trả giá đắt và nguy hiểm.
Một số người cho rằng hiện nay trước sự đe doạ ngày càng gia tăng của Trung Quốc, Việt Nam đang kết thân với Mỹ là kẻ thù họ từng chiến đấu gian khổ để đánh đuổi hơn 40 năm trước. Tuy nhiên với người Việt Nam, các mối đe doạ của Trung Quốc thì dày đặc trong khi người Mỹ chỉ là một khó chịu đã qua.
Và tác giả bài báo kết luận: Trung Quốc không thể trông mong rằng họ sẽ dễ dàng có tất cả trên Biển Đông.

Tàu KN-767 của Kiểm ngư Việt Nam mất gần hết phần sơn mũi phải do bị tàu Trung Quốc đâm va, vẫn kiên cường thực thi nhiệm vụ - Ảnh: Mai Thanh Hải
Một sĩ quan Cảnh sát biển Việt Nam chụp ảnh tàu Hải cảnh Trung Quốc đang chặn trước mũi tàu Cảnh sát biển Việt Nam, trên vùng biển Việt Nam nơi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép - Ảnh: AFP
Anh Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét