Thứ Hai, 26 tháng 5, 2014

CÁI NHÌN CỦA MỘT NGƯỜI TRẺ VỀ NHỮNG MÀU CỜ

Ha Han Giang
 
(Saigon ĐiểmTin) : SGĐT đã có giới thiệu bài "CHỐNG TRUNG QUỐC XÂM LƯỢC & VẤN ĐỀ BẠO ĐỘNG CỦA CÔNG NHÂN KHU CÔNG NGHIỆP BÌNH DƯƠNG" của bạn Ha Han Giang, một sinh viên Việt Nam, tại Đại học Thái Lan (Assumption University), nay bạn HHG đã có thêm một bài gởi đến SGĐT, thể hiện 1 cái nhìn của một người trẻ - thế hệ 9X, chúng tôi xin giới thiệu tiếp. Tất nhiên, văn phong, cách nhìn, và quan điểm, là của tác giả.
 
 
Mấy hôm vừa qua, trên mạng có lan truyền nhau thông tin về một sinh viên đi biểu tình, tay giương cao khẩu hiệu bằng hình, theo đẳng thức:
cờ đỏ sao vàng +cờ vàng ba sọc đỏ + cờ Mỹ > cờ Trung Quốc.
Sau đó là anh này bị bắt và bị đánh thê thảm.

Ảnh minh họa : Saigon ĐiểmTin sưu tầm từ Internet

Đó là anh sinh viên Y khoa, Đại học Sài gòn. Phần lớn tin trên mạng, không biết thuộc phe phái lập trường nào, tỏ ra rất hả hê với sự kiện nầy, cùng chửi bới xỉ vả với các cụm từ “phản động”, “Việt Tân”.

Hãy khoan xét về động cơ tại sao anh này, vào một thời điểm nhạy cảm lại trưng ra một khẩu  hiệu mang tính phức tạp như thế. Hãy xét về cái từ “phản động” và “Việt Tân”.
 
Ảnh minh họa : Saigon ĐiểmTin sưu tầm từ Internet
 
Bản thân tôi là một thanh niên ở tuổi đôi mươi, tôi chưa bao giờ xác định được “ai” và “vì sao” thì gọi là phản động ? Chỉ khi báo chí và nhà nước nêu tên, đăng báo đăng hình và gọi là phản động  thì mình biết thế, nó chưa được thông qua một tòa án xét xử rõ ràng nào. Đương nhiên, tôi cũng không đồng tình với các hành vi như phá hoại, hoặc những lời lẽ chê bai, chưởi bới chế độ ở Việt Nam và các nhân vật trong bộ máy nhà nước, theo cách không nghiêm túc.
P1060419.JPG 
Ảnh minh họa : Saigon ĐiểmTin sưu tầm từ Internet
 
Lịch sử đi qua, chiến tranh để lại đau thương và có kẻ thắng người thua, nhưng chung quy là Việt Nam XHCN hay Việt Nam Cộng Hòa thì đều là những “thực thể nhà nước” đã từng tồn tại một thời gian trong lịch sử,  không thể nói là không có người yêu nước, hay không có một ý nghĩa nào.

Những người của chế độ cũ tháo chạy sang Mỹ và các nước khác từ tháng 4 năm 1975, sinh sống ở đó và trở thành các tập thể Việt Kiều. Những Việt Kiều này lên con số hơn ba triệu người, và thành phần cũng nhiều chính kiến khác nhau. Có người muốn đóng góp xây dựng nước nhà bằng cách đầu tư, gởi tiền về, và con số này không hề nhỏ. Và có thành phần vẫn hoài niệm, muốn “duy trì” cái chế độ ngày xưa, vốn không còn nữa, rồi thành lập các tổ chức tuyên truyền chống lại trong nước. Nhà nước gọi những người nầy là “phản động” thì cũng hiểu được, vì những người nầy chống lại. Bản thân tôi không thích điều nầy. Tuy nhiên, xét lại cái đẳng thức các lá cờ cộng lại nhau kiểu như trên, không chừng lại mang thông điệp khác mà chúng ta không nhận ra. Có chăng lá cờ kia (cờ vàng) chỉ là biểu tượng cho người Việt tha hương ? Họ là người Việt trong gốc rễ, nhưng theo pháp lí lại là công dân Mĩ, và theo cảm tính thì họ là người Việt chịu ơn nước Mĩ. Họ đã bỏ chạy khỏi Việt Nam năm 1975, lá cờ vàng là biểu trưng cho thân phận hải ngoại của mình, lá cờ đỏ là một thực thể pháp lý hiển nhiên của đất nước,  lá cờ Mỹ là ân nhân của họ, đồng thời là một sức mạnh có thể giúp chống lại sự xâm lược của Trung Quốc hiện nay. Cái đẳng thức “bị đòn roi thê thiết” kia, biết đâu là một thông điệp có thiện chí về một sự đoàn kết dân tộc ? Vả chăng, cũng có một thành phần ở hải ngoại, chỉ thích cờ vàng mà không chấp nhận cờ đỏ, sẽ không tán thành cái đẳng thức cộng cờ nói trên ? Ngày mà trong nước gọi là Độc lập, thì họ gọi là “Quốc hận”. Nay thì trong nước cũng không chấp nhận cái “thiện chí “ đoàn kết kia.! Sự thô bạo giáng trả ngay khi lá cờ vàng xuất hiện trong công thức “cọng cờ” này 

Là thế hệ sinh sau, thuộc 9X, rất muộn màng mà không hề luyến tiếc, về cuộc chiến cờ đỏ cờ vàng đã cách 40 năm, đã phủ một lớp sương mù thời gian dày đặc mà thực sự chúng tôi chưa hiểu đủ, và cũng không muốn hiểu. Bởi hiện tại, thế hệ chúng tôi đang đứng trước sự ngổn ngang có quá nhiều lo âu, về một xã hội èo uột và lạc hậu khi nhìn sang các nước láng giềng với cái nhìn so sánh. Nay thì đứng trước họa xâm lăng.! Tại sao nó có kết quả nầy sau những hy sinh xương máu ?

Tôi nghĩ, chúng ta là người Việt Nam đã và đang sống trong nước phải tỉnh táo và vị tha, cởi mở hơn với thông tin, phân biệt rạch ròi với tinh thần đoàn kết, tránh cách nhìn định kiến và  thái độ hẹp hòi do lịch sử cuộc chiến để lại. Việt kiều, cũng là người yêu nước, chúng tôi nghĩ thế, họ cũng  muốn góp sức, cũng tuần hành hô khẩu hiệu chống Trung Quốc thì chúng ta nên mở rộng vòng tay, trân trọng với tinh thần đoàn kết dân tộc. Còn những ai mà vẫn mãi hoài cổ ôm mối hận Bắc-Nam ngày xưa làm sai luật và tổn hại đến an ninh xã hội Việt Nam thì dựa theo luật mà xử lý. Thiết nghĩ lá cờ kia có gì là quan trọng ? Đó chỉ là dấu hiệu của một hoài niệm về một chính quyền không tồn tại, hà cớ gì phải cay nghiệt mà đánh đập chửi rủa khi anh ta xuống đường, mang khẩu hiệu có ý nghĩa của đoàn kết ? Cái clip ấy truyền đi khắp nơi, ít nhất là rất phản cảm về một cách xử sự không văn hóa.

Tôi nghĩ có một cách ứng xử khác được không ? Lòng yêu nước có thể vượt lên trên màu sắc ? Khi còn ngồi ở ghế trung học, tôi được dạy rằng, yêu nước là yêu nước xã hội chủ nghĩa. Điều nầy với phần đông chúng tôi thì lại quá mơ hồ ! Họa chăng nó có rõ ràng với những bạn Đoàn viên Thanh niên Cộng sản ? Chúng tôi thấy họ cũng bình thường thôi mà !. Nhìn sang Trung Quốc, cũng là một quốc gia “xã hội chủ nghĩa” nhưng lại hiếu chiến và không văn minh, Bắc Triều Tiên  cũng là một quốc gia kỳ cục.

VĂN HÓA SẼ GIÚP VƯỢT LÊN TRÊN SỰ THÙ HẬN.

HHG


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét