Thứ Hai, 10 tháng 11, 2014

Báo Sài Gòn Giải Phóng - Nhóm 61 và dư luận

SGĐT: Ở đây chúng tôi đăng lại bài viết của báo Sài Gòn Giải Phóng, bài của BBC, bài của ông Phạm Chí Dũng ở VNTB, và bài của ông Hạ Đình Nguyên gửi trực tiếp cho Sài Gòn Điểm Tin.

Sự thật về lòng “trung thành” của nhóm thư ngỏ 61

04-11-2014
Tân Vinh

Hiện nay, trên mạng internet có nhiều ý kiến tranh luận về bức thư ngỏ của 61 đảng viên “trung thành” gửi Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương và toàn thể đảng viên trong Đảng Cộng sản Việt Nam. Dưới lăng kích của các tác giả khác nhau về cùng một vấn đề, có nhiều tác giả đăng bài phản đối kịch liệt, cũng lắm người tán thưởng vỗ tay, người nói thế này, người nói thế khác, cũng có người dùng các thủ thuật để che giấu mục đích của mình.


Với bức thư được đăng tải ngay trước thềm Đại hội Đảng lần thứ XII của Đảng, “61 Đảng viên trung thành” đã lựa chọn thời điểm hết sức “hợp lý”, phần nào thể hiện sự "quan tâm lo lắng" của họ đến thời cuộc, đến vận mệnh của Đảng, tương lai thể chế chính trị của nước nhà.

Bản thân tôi cũng chú ý đến câu chuyện về bức thư này và đã đọc nhiều bài viết của nhiều tác giả, với nhiều hướng khác nhau. Nhất là, sau khi đọc bài của Minh Tâm về trường hợp ông Đoàn Văn Phương một trong 61 người được cho là ký tên vào thư ngỏ. Theo bài viết, ông Phương vừa không là Đảng viên, lại vừa không biết gì về bức thư này. Sau đó, tôi đã cất công tìm hiểu thêm về những nhân vật của nhóm người tự xưng là “61 Đảng viên trung thành với Đảng” này, mà theo thông tin đăng tải là đang sống tại thành phố Hồ Chí Minh và thật bất ngờ khi trường hợp của ông Phương không phải là trường hợp duy nhất, mà trong nhóm người này còn có nhiều nhân vật khác cũng gần như vậy. Sau khi tìm hiểu, thì có 22 người đang sống tại thành phố Hồ Chí Minh, trong số đó, một số nhân vật thời gian gần đây nổi tiếng trên mạng với những ý kiến đi ngược đường lối chủ trương của Đảng, tham gia vào nhiều thư ngỏ khác nhau nhưng cùng một mục tiêu đó là đòi Đảng từ bỏ vị trí cầm quyền, kích động biểu tình gây mất ổn định an ninh trật tự như Kha Lương Ngãi, Hà Quang Vinh, Tương Lai, Lê Công Giàu, Hạ Đình Nguyên... Đặc biệt hơn, trong đó có người đã bỏ sinh hoạt Đảng từ lâu, không còn là Đảng viên nữa như Lữ Phương; có người thì đã đi định cư tại nước ngoài, không tham gia bất kỳ sinh hoạt nào của Đảng là Cao Lập, thế mà họ vẫn tự xưng là Đảng viên, là Đảng viên “trung thành”.

Như vậy có thể thấy rõ rằng, tự nhận là nhóm Đảng viên “trung thành” nhưng lại có nhiều người không còn là Đảng viên nữa, hay không tham gia sinh hoạt Đảng nữa, vậy nhóm người này gửi thư ngỏ với mục đích gì? Có đúng thật là vì Đảng, vì sự phát triển của đất nước không, hay là do một thế lực nào đó, một tổ chức nào đó lôi kéo, tập hợp lại, rồi mượn danh Đảng viên, mượn danh “yêu nước” mà tạo nên một sự hỗn loạn về thông tin, gieo rắc những mầm mống độc hại cho xã hội tạo nên sự bất ổn về tư tưởng, an ninh, gây nhiễu loạn, gây bất ổn trong quần chúng nhân dân, chia rẽ mối đoàn kết của dân tộcNgoài 22 người đang sống tại thành phố Hồ Chí Minh, số còn lại của nhóm này phần đông đang ở Hà Nội, vậy trong số đó có trường hợp nào giống như các nhân vật vừa nêu hay không? Đề nghị các cơ quan chức năng của Hà Nội sớm công khai để mọi người hiểu rõ bộ mặt thật của nhóm tự xưng là 61 đảng viên “trung thành” này.

Trong giai đoạn mà toàn Đảng, toàn dân đang chuẩn bị cho một đợt sinh hoạt chính trị trọng đại là Đại hội lần thứ XII của Đảng, bên cạnh những phấn đấu, quyết tâm của đại bộ phận đảng viên và quần chúng nhân dân phải chăng là một dàn hợp xướng lỗi nhịp của những cái gọi là nhóm 61, nhóm 72, nhóm café nhân quyền, nhóm họp mặt dân chủ, nhóm nhà báo, nhà văn độc lập…, cho dù khoác lên mình tấm áo mới là chống Trung Quốc, nhưng thực chất là chống lại đường lối đối ngoại sáng tạo, độc lập tự chủ của Đảng và Nhà nước. Các nhóm này thông qua nhiều con đường khác nhau, nhiều phương thức khác nhau, nhưng mục đích cuối cũng vẫn là tiếp tay cho Việt Tân và các tổ chức phản động lưu vong chống lại sự lãnh đạo của Đảng, chống lại sự phát triển của đất nước, gây chia rẽ, phá hoại sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, cũng như làm tổn hại niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng.

Mỗi một người dân đều có cách yêu nước của chính mình, nhưng yêu nước phải gắn với xây dựng và bảo vệ đất nước, đừng biến tình cảm thiêng liêng đó thành cơ hội cho việc tuyên truyền chống phá Đảng và Nhà nước, bóp méo sự thật, tạo sự mơ hồ, gây ra những lệch lạc về mặt tư tưởng, tạo ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội.

Trong muôn vàn khó khăn của thời cuộc, chặng đường đi đến đích cuối cùng còn dài, thử thách còn nhiều và chắc sẽ còn nhiều kẻ như những nhóm người này, mượn danh vì dân tộc, vì đất nước hay khoác lên mình tấm áo dân chủ rồi tự cho mình cái quyền muốn làm gì thì làm, muốn nói gì thì nói bất chấp cả kỷ cương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Cho dù họ có cố gắng nói như thế nào đi chăng nữa, thực tiễn vẫn là thước đo đúng đắn nhất của chân lý, và rằng bánh xe lịch sử sẽ nghiền nát tất cả những gì cản đường phát triển của đất nước của dân tộc.
Tân Vinh


Báo Việt Nam đả phá 'Nhóm 61'


05-11-2014

Báo Sài Gòn Giải Phóng vừa có bài công kích nhóm các Đảng viên lão thành từng gửi thư ngỏ kêu gọi từ bỏ CNXH, còn gọi là 'Nhóm 61'.
Động thái này được xem là khá bất ngờ, nhất là khi bức thư ngỏ được gửi lên Ban Chấp hành Đảng Trung ương Đảng CSVN và toàn bộ các Đảng viên từ cuối tháng Bảy.
Bức thư đề ngày 28/7/2014 có 61 chữ ký của nhiều nhân vật hoạt động lâu năm và có tiếng ở Việt Nam như Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, cựu Thứ trưởng Chu Hảo, các kinh tế gia Lê Đăng Doanh và Phạm Chi Lan..., tạm gọi là 'Nhóm 61'.
Thư nhận định rằng từ nhiều năm nay, Đảng CSVN đã "dẫn dắt dân tộc đi theo đường lối sai lầm về xây dựng chủ nghĩa xã hội theo mô hình xô-viết, được coi là dựa trên chủ nghĩa Mác-Lênin".
Thư cũng nhắc tới Hội nghị Thành Đô năm 1990, mà nhiều người cho là mốc dấu cho một giai đoạn Việt Nam bị lệ thuộc về chính trị-kinh tế vào Trung Quốc.
Từ đó tới nay, "Việt Nam đã có nhiều nhân nhượng trong quan hệ với Trung Quốc, phải trả giá đắt và càng nhân nhượng, Trung Quốc càng lấn tới".
Theo các thành viên 'Nhóm 61', thực trạng yếu kém của Việt Nam phơi bày sự bất cập "cả về trách nhiệm và năng lực của lãnh đạo Đảng và nhà nước trong thời gian qua".
Trong bài viết tựa đề " Sự thật về lòng “trung thành” của nhóm thư ngỏ 61" đăng trong mục Xây dựng Đảng của báo Sài Gòn Giải Phóng hôm 4/11, tác giả Tân Vinh nói đã "cất công tìm hiểu thêm" về những người viết thư.
Ông này cho biết: "Sau khi tìm hiểu, thì có 22 người đang sống tại thành phố Hồ Chí Minh, trong số đó, một số nhân vật thời gian gần đây nổi tiếng trên mạng với những ý kiến đi ngược đường lối chủ trương của Đảng, tham gia vào nhiều thư ngỏ khác nhau nhưng cùng một mục tiêu đó là đòi Đảng từ bỏ vị trí cầm quyền, kích động biểu tình gây mất ổn định an ninh trật tự như Kha Lương Ngãi, Hà Quang Vinh, Tương Lai, Lê Công Giàu, Hạ Đình Nguyên... "
Tác giả Tân Vinh cũng viết: "Đặc biệt hơn, trong đó có người đã bỏ sinh hoạt Đảng từ lâu, không còn là Đảng viên nữa như Lữ Phương; có người thì đã đi định cư tại nước ngoài, không tham gia bất kỳ sinh hoạt nào của Đảng là Cao Lập, thế mà họ vẫn tự xưng là Đảng viên, là Đảng viên “trung thành”".
Theo tác giả bài viết, có thể những người viết thư ngỏ muốn "tạo nên một sự hỗn loạn về thông tin, gieo rắc những mầm mống độc hại cho xã hội tạo nên sự bất ổn về tư tưởng, an ninh, gây nhiễu loạn, gây bất ổn trong quần chúng nhân dân, chia rẽ mối đoàn kết của dân tộc".

Bộ mặt thật

Đi xa hơn nữa, tác giả Tân Vinh còn yêu cầu: "Đề nghị các cơ quan chức năng của Hà Nội sớm công khai để mọi người hiểu rõ bộ mặt thật của nhóm tự xưng là 61 đảng viên “trung thành” này".
Ông cũng cáo buộc các thành viên 'Nhóm 61' là "khoác lên mình tấm áo mới là chống Trung Quốc, nhưng thực chất là chống lại đường lối đối ngoại sáng tạo, độc lập tự chủ của Đảng và Nhà nước".
"Các nhóm này thông qua nhiều con đường khác nhau, nhiều phương thức khác nhau nhưng mục đích cuối cũng vẫn là tiếp tay cho Việt Tân và các tổ chức phản động lưu vong chống lại sự lãnh đạo của Đảng, chống lại sự phát triển của đất nước, gây chia rẽ, phá hoại sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, cũng như làm tổn hại niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng."
Một thành viên 'Nhóm 61' khi được hỏi về bài viết trên Sài Gòn Giải Phóng cho rằng phương pháp luận của tác giả kém cỏi vì "chỉ tập trung vào lý lịch" chứ không đưa ra được lập luận nào.
Giai đoạn này, Đảng CSVN đang chuẩn bị tiến tới đại hội Đảng các cấp trước khi tổ chức Đại hội Đảng lần thứ XII vào năm 2016.
Bởi vậy, các tác giả bức thư ngỏ cho rằng đây là thời điểm thuận lợi để tiến hành thay đổi thể chế chính trị một cách thực sự.
Tuy nhiên cho tới nay chưa có phản hồi từ Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN cho bức thư này.

Chụp mũ giới đấu tranh dân chủ, báo Sài Gòn Giải Phóng phạm sai lầm nghiêm trọng


06-11-2014
Phạm Chí Dũng

Sài Gòn Giải Phóng - một trong số hiếm hoi những tờ báo đảng vẫn vận hành não trạng theo quán tính rệu mòn của tư duy độc trị và áp đặt khi đã đăng tải nhiều bài viết công kích và chụp mũ hoạt động và các nhân nhân đấu tranh cho dân chủ, vừa phạm một sai lầm nghiêm trọng khi cho đăng bài “Sự thật về lòng “trung thành” của nhóm thư ngỏ 61”, trong đó quy chụp hầu hết các tổ chức xã hội dân sự độc lập như Nhóm 72, Nhóm 61, Nhóm nhà báo độc lập, Nhóm nhà văn độc lập là “thông qua nhiều con đường khác nhau, nhiều phương thức khác nhau, nhưng mục đích cuối cũng vẫn là tiếp tay cho Việt Tân và các tổ chức phản động lưu vong chống lại sự lãnh đạo của Đảng, chống lại sự phát triển của đất nước, gây chia rẽ, phá hoại sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, cũng như làm tổn hại niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng”.


Tờ báo của đảng bộ TP.HCM còn dẫn chứng cụ thể một số trí thức như Kha Lương Ngãi, Hà Quang Vinh, Tương Lai, Lê Công Giàu, Hạ Đình Nguyên... về hành vi “kích động biểu tình gây mất ổn định an ninh trật tự”. 


Sai lầm quá lớn của báo Sài Gòn Giải Phóng là sẽ không thể chứng minh được các nhóm dân sự độc lập trên có mối quan hệ “tiếp tay” cho Việt Tân và “các tổ chức phản động lưu vong” để “chống lại sự phát triển của đất nước”.


Với sai lầm mang tính vu khống quá lộ liễu và áp đặt trên, cùng việc vu khống một số trí thức “kích động biểu tình gây mất ổn định an ninh trật tự”, báo Sài Gòn Giải Phóng hoàn toàn xứng đáng phải nhận vị trí bị can tại tòa án, nếu các tổ chức dân sự đồng lòng đứng ra thực hiện hành động kiện tờ báo này và tác giả bài viết “Sự thật về lòng “trung thành” của nhóm thư ngỏ 61” ra tòa ở bất cứ cấp nào, dân sự và cả hình sự, về hành vi vu khống.

TÌM ĐÂU RA LỜI TỬ TẾ?
Hạ Đình Nguyên
(Tác giả gửi trực tiếp đến Sài Gòn Điểm Tin ngày 10-11-2014)

Sẽ không có gì đáng tiếc hay đáng quan tâm, nếu chỉ là bài báo của một Dư luận viên nào đó, với cung cách ném đá rất quen thuộc, không hữu ích gì lắm cho đảng, có khi  còn làm mất thêm “uy tín” của đảng. Nhưng dù sao cũng đáng tiếc, dù là trên báo SGGP mà nó cũng đã xuất hiện. Bài báo ấy đã được ngồi trang trọng trên tờ báo ấy, phải thông qua ông Tổng Biên Tập một cách nghiêm túc và đương nhiên có sự chỉ đạo của cấp trên. Nội dung bài báo không còn là tiếng nói riêng của một cá nhân dù nó hay ho hoặc tồi tệ chăng nữa. Nó mang tầm vóc của Đảng Bộ thành phố Hồ Chí Minh!

Thư ngỏ của 61 người đã từng là đảng viên, gởi trực tiếp cho 200 ủy viên trung ương để bày tỏ tư tưởng và lập trường của mình trước tình hình đất nước, trong tinh thần trao đổi, đối thoại. Thư ngỏ không được sự trả lời trong suốt thời gian qua. Có lẽ nó không đáng được quan tâm?

Nay Đảng bộ TP HCM, thông qua cơ quan “Tiếng nói của Đảng bộ”, và thông qua bài viết của người có tên là Tân Vinh, được xem là tiếng nói phản hồi muộn màng.

Không thể hiện được lấy một lời tử tế, nó đã bộc lộ ra một thứ “chân lý”, mà theo tác giả, “bánh xe lịch sử sẽ nghiền nát..”. Tôi nhớ lại một thời tôi cũng rất hung hăng ở cái năm lên 18, khi tuổi vừa biết yêu!

Cái “bánh xe lịch sử” ấy giờ rất khó tưởng tượng ra là thế nào.

Tôi tự hỏi, sao họ lại cử anh/chị Tân Vinh làm tiếng nói?

Thư ngỏ của 61 đảng viên đó, theo Tân Vinh nó gây tác dụng:
 “tạo nên một sự hỗn loạn về thông tin, gieo rắc những mầm mống độc hại cho xã hội, tạo nên sự bất ổn về tư tưởng, an ninh, gây nhiễu loạn, gây bất ổn trong quần chúng nhân dân, chia rẽ mối đoàn kết của dân tộc”. Không ngờ thế!

Mời bạn đọc đọc bài của Tân Vinh, nhân tiện đọc lại Thư ngỏ, chắc không đến nỗi! Vì, theo Tân Vinh: toàn Đảng, toàn dân đang chuẩn bị cho một đợt sinh hoạt chính trị trọng đại…, đại bộ phận đảng viên và quần chúng nhân dân phấn đấu, quyết tâm..v.v

Có thể Tân Vinh bị mắc phải “bệnh nói quá”, vì quá yêu Việt Tân chăng!

“Bệnh nói quá” xuất phát từ sách truyện Tam Quốc Chí, Khổng Minh bị thất trận vì xiêu lòng nghe theo và mất cảnh giác bởi “bệnh nói quá” của tướng Mã Tốc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét