Hạ Đình Nguyên
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa đưa ra phương châm 6 chữ: “Vừa hợp tác, vừa đấu tranh” nghe hay hay, để nói về đối sách của ta với Tàu. Ông còn nói thêm: “Đối với Trung Quốc, dù mưa bão… mãi mãi là láng giềng”.
Tôi bỗng nghĩ đến nàng Vương Thúy Kiều trong truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du.
Xin nói ngay rằng, tôi không có ý mỉa mai khi liên hệ “lục tự phương châm” này của Thủ tướng Dũng với hình ảnh nàng Thúy Kiều, mà là một liên hệ nghiêm túc, vì rằng truyện Kiều được thừa nhận là một tác phẩm văn học kiệt xuất vượt thời gian của nền văn học Việt Nam. Nhân vật Thúy Kiều lại đã làm rơi nước mắt của bao thế hệ, từ người bình dân cho đến giới văn nhân, thi sĩ, học giả… Hình ảnh của Thúy Kiều như là biểu trưng của một thứ định mệnh của dân tộc. Nàng Kiều cũng đã từng “vừa hợp tác vừa đấu tranh” gần hết quãng đời thanh xuân nhan sắc của mình.
Thúy Kiều khởi sự ra đi bằng một động cơ tốt “chuộc cha, cứu nhà” với biện pháp “bán mình” cho Mã Giám Sinh. Một sự chọn lựa tự nguyện hy sinh để lao vào cuộc phiêu lưu mơ hồ với ý tưởng thực thà và ngây thơ, rồi nhận lấy một hệ quả đau thương, đầy nước mắt, đến cả tự sát.
Trong suốt quá trình phiêu lưu, bao giờ Kiều cũng có tinh thần hợp tác chân thành với kẻ xấu với mình, và luôn canh cánh bên lòng một cuộc đấu tranh âm thầm, cố thoát ra khỏi cảnh cá chậu chim lồng để tìm tự do. Lần cuối cùng rơi vào âm mưu nham nhở của Hồ Tôn Hiến, Kiều tuyệt vọng muốn kết thúc cuộc đời bằng cách lao mình xuống dòng sông chảy xiết. Ngoài sự vô vọng về mơ ước tự do, Kiều còn mang theo nỗi ân hận không thể tự tha thứ, vì đã gây nên nhiều tội lỗi, nhất là cái chết của Từ Hải, người đã hết lòng yêu thương mình, đồng thời cũng là niềm hy vọng cuối cùng cho cuộc vượt thoát. Cái chết mà Thúy Kiều tìm đến lần này, là sự kết thúc trọn vẹn một phương thức nhập nhằng, thiếu tự tin của một tư tưởng không độc lập tự chủ. Cái chết của Kiều khi lao xuống sông Tiền là cái chết giả định, tượng trưng cho một sự chuyển đổi tâm thức triệt để. Nếu không có cái quyết liệt ấy, Kiều sẽ tiếp tục cuộc trôi lăn vô vọng trong tình cảnh nô lệ. Thực ra, Kiều đã tắm gội một cách tận cùng rốt ráo để lấy lại sự tinh khiết, và được trở về cố hương với “thiện căn” ban đầu, như “đứa con đi hoang đã trở về”. Thời đại của Kiều là thời đại bi đát, vì không “bán” mình thì không biết làm gì hơn! Nhưng bán mình của Kiều không có nghĩa là “bán mình” để nuôi thân như nghĩa thông thường ngày nay, mà trao đổi trân trọng giá trị của cuộc sống.
Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra đời từ một nghĩa cả, với niềm mơ ước độc lập tự do. Tầm vông vạc nhọn và đôi dép râu, giống như Kiều, là cống hiến giá trị sống với một niềm tin “ảo/không thật có ” về cái tốt của người.
Xét một cách công bằng, vừa hợp tác vừa đấu tranh, cũng là lời nói đúng. Đó là nhìn nhận một sự thật, không thể không “hợp tác” với Tàu, vì đó là một nước lớn, ở sát nách, có mối quan hệ lịch sử từ ngàn xưa, lại cùng thân phận lệ thuộc. Nhưng cũng đã “dám” công khai thừa nhận, nó có cái xấu nên phải “đấu tranh”. Thật ra đây là chuyện không mới, vì đã có cả 4000 năm lịch sử trần ai với chúng, nhưng lại khá mới với lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam, từ khi ra đời đến đây là 70 năm.
Cũng nên công bằng để nhắc lại, có một thời gian ngắn ngủi khi Trung Quốc đem 60 vạn quân đánh bất ngờ vào sáu tỉnh biên giới, giết sạch, phá sạch và tuyên bố “dạy một bài học” (1979) thì Lê Duẩn, Tổng Bí thư Đảng – thấy niềm tin của ông bị phản bội trắng trợn – mới công khai gọi chúng là kẻ thù truyền kiếp và ghi thẳng vào Hiến Pháp. Một nỗi thất vọng không đáng có vì một niềm tin không nên có. Nhưng không bao lâu thì câu ấy bị gỡ ra, và xóa cả chứng tích cả bia mộ, lệnh cho toàn dân không được nhắc tới, xuất phát từ Hội nghị bí mật ở Thành Đô, và thay vào đó là lời thú tội nghiêm túc, nguyện trung thành với phương châm 16 chữ vàng và 4 tốt, dịu ngọt ngoan hiền, toàn Đảng học thuộc với một tấm lòng cung kính. Cái “nổi trận lôi đình” của ông Lê Duẩn xem là chuyện nhất thời phải quên đi, phải lau chùi sạch sẽ một cách khiếp nhược, so với lịch sử gắn bó dài hơi của Đảng.
Sự nín nhịn và chịu đựng qua vụ mất Hoàng Sa, Gạc Ma… Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn mang thân phận Thúy Kiều, chịu lép một bề, với lời sám hối trong đòn roi: tấm lòng trinh bạch từ nay xin chừa. Lời thề thốt không vượt qua số phận. Chiếc giàn khoan 891ngang nhiên xuất hiện chiếm đóng vùng lãnh hải, thì nhân dân và một bộ phận trong đảng không thể cam chịu được nữa. Sự thật đã bung vỡ. Lý tưởng “xã hội chủ nghĩa cùng nhau” (trong Thông cáo chung) mà Đảng hoài mong đã hoàn toàn sụp đổ trong sự thảng thốt. Chiếc giàn khoan 891, như trò thô bỉ bẽ bàng lần cuối của Hồ Tôn Hiến, đã làm giọt nước tràn ly, khiến cho Kiều tỉnh ngộ để đi đến một quyết định triệt để đổi đời. Gieo mình vào sóng nước trùng khơi, với Kiều là sự tỉnh ngộ rốt ráo. Nhưng với Đảng Cộng sản Việt Nam, chưa thể buông lơi cái “hợp tác” đã lỡ, nên xuất hiện thêm một chữ “đấu tranh”. Người ta còn nhiều hồ nghi về mức độ của từ ngữ ấy, phần nào như một lời gượng ép. Nó là lời thật hay lời giả để đối phó? Đặc biệt đã kèm theo một thề thốt đáng lẽ không nên: “dù mưa bão… mãi mãi là láng giềng”. Khó ai đi hiểu chữ “láng giềng” với ý nghĩa thuần túy về địa lý.
Kiều đã trải qua một đoạn đường dài trồi sụt của niềm tin trong nỗi đắng cay, từ Mã Giám Sinh, Sở Khanh, các loại Tú Bà, Thúc Sinh, đến Từ Hải, và đã cho thấy Kiều chưa từng không hợp tác, chưa từng không đấu tranh, để rồi kết thúc niềm tin, lần cuối cùng và cũng triệt để, bởi sự kiện Hồ Tôn Hiến. Cũng như Thúy Kiều, trong cuộc trần ai mà Đảng trải qua về mặt sinh lý và lý trí, cũng không thiếu nổi trồi sụt những cơn đau âm thầm và những cơn hưng phấn mây mưa. Cơ thể Đảng hẳn nhiên là không đồng bộ. Thủ tướng Dũng đã nói lên tiếng “đấu tranh” có phải là tiếng nói của 16 ủy viên Bộ Chính trị hay 1/16 Bộ Chính trị, hay chỉ là tiếng rên nhất thời lúc cố cựa mình trong một cơn mê? Mà cho dù đủ 16, thì cũng chưa đủ là niềm tin của nhân dân.
“Thiện căn” của Đảng phải nằm ở ý muốn và ý chí của toàn dân. Hợp tác trên cơ sở nào, và đấu tranh trên cơ sở nào, nếu không phải trên nền tảng của một thể chế dân chủ mà tiếng nói và sức mạnh của nhân dân được thể hiện minh bạch và đầy đủ? Hợp tác trong âm thầm và đấu tranh cũng trong âm thầm, thông qua những tay áp phe và dắt mối, là cách thế riêng của Kiều, chứ không thể là cách riêng của Đảng, nếu Đảng là đại biểu của nhân dân? Là điều mà cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An nói bóng gió theo cách nể nang e thẹn là “lỗi hệ thống”, nói trắng ra là cái hỏng hóc nằm ở toàn bộ thể chế chính trị? Nguyên cớ từ một thằng bán tơ (với Kiều), rồi dẫn đến Chủ nghĩa Mác-Lênin (với Đảng Cộng sản Việt Nam), chính là sự ngã giá phỉnh phờ đầu tiên mà Mã Giám Sinh đã lừa được Kiều trong cơn hoạn nạn, và cũng bắt đầu từ đó, cuộc phiêu bạt lãng phí máu xương của Đảng và Nhân dân tiếp diễn. Thời gian đằng đẵng những 70 năm, nhân cho nhiều thế hệ, mà mỗi thế hệ bình quân nhân cho 15 năm Thúy Kiều! Nước mắt nhiều như nước sông Hằng trong kinh Phật, vẫn tiếp tục chảy.
Nàng Kiều đã hồi phục “thiện căn” sau một lần tắm gội kỹ càng ở sông Tiền, nhưng với Đảng Cộng sản Việt Nam thì cuộc tắm rửa chưa đồng bộ, mỗi bộ phận trong cơ thể đang vận hành trong tình thế phân liệt, chập chờn giữa tỉnh giữa mê. Vừa hợp tác vừa đấu tranh, vừa đau thương vừa sảng khoái. Gươm đàn nửa gánh non sông mấy chèo!
Những tay anh hùng giai cấp, nhân danh nghèo khó và ra đi từ nghèo khó, nay trở về trong thênh thang lâu đài dinh thự, hãnh tiến và hiên ngang giữa xóm nghèo, họ ngâm vang chứ chẳng cần phải “ca len lén bài ca nửa thú vật nửa thiên thần” như lời của Mác chỉ trích tôn giáo!
Những đứa con đi hoang hãy trở về, nhưng không phải về với tư cách ấy.
Trở về trong “hoành tráng” !
Thi hào Nguyễn Du nói:
“Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”.
“Thiện căn” của một dân tộc nằm ở chỗ Độc Lập, không lệ thuộc, dù nước có nhỏ như một hòn đảo Singapore, hay chưa tiến bộ như Campuchia, như Lào, như Myanmar… Cái tâm chưa chuyển đổi, cái tài cũng như vứt xuống sông. Ngôn ngữ nhảy múa. Có những lời không đáng nghe, lại có những lời đáng nghe mà không đáng tin. Đấu tranh phải chăng là loại ngôn ngữ phấn son của hợp tác? Nó che giấu cái phần hợp tác bất chính ngoài ý muốn của một đời Kiều? Vì sao có Bauxite Tân Rai, có Vũng Áng, có “Hải Vân quan”, có Ải Nam quan, có thác Bản Giốc, có thỏa thuận bí mật Thành Đô, v.v.? Sự thỏa hiệp mơ hồ của niềm tin hợp tác phảng phất nơi Thúy Kiều hãy còn đó với Sở Khanh, Mã Giám Sinh, Thúc Sinh. Chưa dám dấn thân với Từ Hải thì chưa có điều kiện để đến bước giác ngộ ở sông Tiền.
Phương châm của Thủ tướng Dũng đưa ra “vừa hợp tác, vừa đấu tranh” thoạt nghe có chút phân vân về sự lưỡng tính, mà thêm “mãi mãi là láng giềng” như vỡ ra một tình thế lưỡng nan, từa tựa như sự quay đầu; hoặc, xét cho cùng dù ngôn ngữ có vẻ tân kỳ, bay bướm hơn đôi chút, nhưng không khác mấy với phương châm “đánh chuột không để vỡ bình” của ông Tổng Bí thư Trọng, dù ý tưởng của ông Dũng ở phạm vi rộng lớn hơn là trong cõi chén bát bình lọ.
Hóa ra lại như nhau???
Hợp tác trong “bình đẳng”!
Sông Tiền Đường phải là biểu trưng sự kết thúc một nhân sinh quan yếm thế, một ý thức hệ lạc hậu. Nỗi trầm luân của Vương Thúy Kiều chưa đến đoạn cuối./.
25-11-2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét