Thứ Hai, 17 tháng 11, 2014

Báo SGGP từ chối đối thoại vì “không đủ ghế ngồi hay sợ sự thật?”

Ngày 4/11/2014 Báo SGGP đăng bài: “Sự thật về lòng trung thành...” của tác giả Tân Vinh quy kết:
nhóm thư ngỏ 61 đã mượn danh đảng viên, mượn danh yêu nước; khoác lên mình tấm áo chống Trung Quốc, nhưng thực chất là chống lại đường lối đối ngoại sáng tạo, độc lập tự chủ của Đảng và nhà nước; tiếp tay cho Việt Tân và các tổ chức phản động lưu vong chống lại sự lãnh đạo của Đảng, gây chia rẽ, phá hoại sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, cũng như làm tổn hại niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng...”
Bất bình vì tác gủa bài báo đã thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín , danh dự, nhân phẩm của những người đã ký tên vào THƯ NGỎ GỬI BCHTƯĐ VÀ TOÀN THỂ ĐẢNG VIÊN ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM tháng 7.2014, hai ông Lê Công Giàu và Kha Lương Ngãi thay mặt các đảng viên ở Tp HCM đã ký “THƯ NGỎ” đến gặp ông Tấn Phong, Tổng Biên Tập báo SGGP vào lúc 15 giờ ngày 10/11/2014 để đề nghị tổ chức đối thoại, làm sáng tỏ nội dung vu khống của tác giả Tân Vinh.

                           
Đúng như dự đoán, bảo vệ cho biết Tổng Biên Tập báo SGGP “bận họp” đảng ủy không tiếp cho dù Lê Công Giàu nói chỉ xin gặp 3 phút để đưa thư mà thôi vẫn bị từ chối, đành chuyển bức thư đã chuẩn bị sẵn đưa cho nhân viên văn phòng. Nội dung thư ghi rõ: "Chúng tôi chính thức kiến nghị được đối thoại với ông TBT và tác giả Tân Vinh vào lúc 15 giờ ngày 14/11/2014 tại báo SGGP. Nếu ông TBT quyết định thời gian, địa điểm khác đề nghị ông TBT thông báo cho chúng tôi biết theo SĐT: 0908511945 của Lê Công Giàu; 0903834271 của Kha Lương Ngãi, những người đến chuyển thư của cả nhóm.”

Ngày 12 và 13/11/2014 ông Kha Lương Ngãi, nguyên phó TBT Báo SGGP, gọi điện thoại cho ông Tấn Phong, Tổng Biên Tập nhiều lần để biết trả lời về đề nghị cuộc đối thoại giữa chúng tôi với Báo SGGP vào lúc 15 giờ ngày 14/11/2014, nhưng chuông reo liên hồi không ai bắt mà và rồi tắt máy!

Sáng ngày 14/11/2014, Tổng Biên Tập báo SGGP đã lệnh cho nhân viên văn phòng gọi điện thoại cho ông Kha Lương Ngãi thông báo: chấp nhận cuộc đối thoại v ào 15h ngày 14/11/2014, nhưng chỉ đối thoại với ông Kha Lương Ngãi và Lê Công Giàu mà thôi.

Đúng 15 giờ ngày 14/11/2014 đại diện cho nhóm đảng viên ký “THƯ NGỎ" ở TP HCM, những người đã ủy nhiệm hai ông Giàu và Ngãi đến chuyển thư hẹn, đúng hẹn đã đủ mặt để tham gia đối thoại, gồm:
- Võ Văn Thôn, nguyên giám đốc Sở Tư pháp TP HCM.
- Huỳnh Tấn Mẫm nguyên Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn trước 1975, nguyên đại biểu Quốc hội khóa 6, nguyên Tổng biên tập báo Thanh Niên.
- Nguyễn văn Ly [Tư Kết], nguyên Thư ký đồng chí Mai Chí Thọ, Bộ trưởng Bộ CA.
- Lê Công Giàu, nguyên Phó Bí thư Đoàn TNCSHCM thành phố HCM, Phó Giám đốc Tổng CTy SaigonTourist.
- Kha Lương Ngãi nguyên phó TBT Báo SGGP.

Tiếp năm vị đại diện nhóm "THƯ NGỎ" là một vị phó văn phòng của Báo. Với thái độ nhũn nhặn, anh cho biết Phó Tổng Biên Tập sẽ tiếp vì Tổng Biên Tập bận, nhưng chỉ mời ô Kha Lương Ngãi và ô Lê Công Giàu lên phòng họp để dự đối thoại với lý do duy nhất là: Phòng họp không đủ ghế ngồi cho năm vị khách.

Thật nực cười, Huỳnh Tấn Mẫm trả lời ngay: "thì chúng tôi đứng nói chuyện cũng được, hoặc ngay tại đây nè, chúng tôi đang ngồi trên hai ghế băng này, chỗ kia kìa, đang có bao nhiêu ghế, kéo lại đây thì thừa chỗ. Cứ ngồi tại đây nói chuyện cũng tốt, không cần lên phòng tiếp khách của TBT cũng chẳng sao".

Tuy vây vị phó Văn phòng của Tòa báo Đảng thành phố vẫn lắc đầu sau khi bước ra ngoài sân trao đổi điện thoại với lãnh đạo: "lãnh đạo chỉ đồng ý nói chuyện với hai ông Lê Công Giàu và Kha Lương Ngãi, các vị khác không có trong danh sách mời xin ngồi tại đây, hoặc ra về".
Vậy là rõ, tất cả chúng tôi cùng ra về!

Thế là, mặc dù khách đã tuyên bố chỗ ngồi không quan trọng, ngồi đâu cũng được, ngồi chật cũng đươc... nhưng cuộc đối thoại vẫn bất thành vì cái lý do duy nhất: thiếu ghế ngồi do chủ "lịch sự" đưa ra.

Chuyện lạ, một cơ quan Báo Đảng của một thành phố văn minh, lớn nhất nước, một cơ quan ngôn luận là "tiếng nói của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tp HCM" có trên dưới 10 triệu dân, một tờ Báo Đảng từng vang bóng một thời về sự giàu có và uy tín... thế mà bây giờ lại thảm hại đến mức không có đủ chỗ để đặt thêm ba cái ghế cho năm vị khách ngồi để cùng đối thoại làm rõ đúng sai về bài báo vu khống và xuyên tạc sự thật của Tân Vinh mà ông Tấn Phong, Tổng Biên Tập báo SGGP đã cho đăng tải!

Lịch sự hay khiếm nhã? Báo SGGP, môt cơ quan ngôn luận sang trọng "Tiếng nói của Đảng Bộ, Chính quyền và nhân dân tp HCM " mà lại ứng xử với dân thế sao?

Vậy là vấn đề cần phải công khai và minh bạch trước công luận:

Liệu có phải vì thiếu chỗ đặt thêm ba cái ghế hay vì cái gì mà không thể đối thoại được để làm rõ sự thật, đúng - sai về bài báo của tác giả Tân Vinh mà TBT Báo SGGP đã cho đăng tải? Chúng tôi xin nhường quyền bình luận, phán xét cho công luận!

Theo chúng tôi có mấy câu hỏi cần đặt ra :
-Vì sao lại có bài viết của Tân Vinh?
-Tân Vinh là ai?
-Liệu ông Tổng Biên tập báo SGGP và ông Tân Vinh có biết Điều 9 của Luật Báo chí không?

Điều đó như sau :

1- Báo chí khi thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì phải đăng, phát sóng lời cải chính, xin lỗi của cơ quan báo chí, của tác giả. Trong trường hợp có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì cơ quan báo chí phải đăng, phát sóng kết luận.

2- Tổ chức, cá nhân có quyền phát biểu bằng văn bản về những nội dung đề cập trên báo chí khi có căn cứ cho rằng báo chí đã thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm đến mình. Cơ quan báo chí phải đăng, phát sóng lời phát biểu của tổ chức, cá nhân đối với thông tin đã được đăng, phát sóng trên báo chí của mình.
Lời phát biểu của tổ chức, cá nhân không được xúc phạm cơ quan báo chí, danh dự, nhân phẩm của tác giả.
Kể từ khi nhận được lời phát biểu của tổ chức, cá nhân thì trong thời hạn năm ngày đối với báo ngày, đài phát thanh, đài truyền hình, mười ngày đối với báo tuần, trong số ra gần nhất đối với tạp chí, cơ quan báo chí phải đăng, phát sóng lời phát biểu đó.

3- Lời cải chính, xin lỗi của cơ quan báo chí, của tác giả và lời phát biểu của tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 và khoản 2  Điều này phải được đăng, phát sóng tương xứng với thông tin do báo chí đã đưa ra theo quy định của Chính phủ

4- Trong trường hợp cơ quan báo chí không cải chính, xin lỗi hoặc cải chính, xin lỗi không đúng các quy định của Luật này, không đăng, phát sóng lời phát biểu của tổ chức, cá nhân thì tổ chức, cá nhân đó có quyền khiếu nại với cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí hoặc khởi kiện tại Tòa

+ Điều 9 nói trên của Luật Báo chí được hướng dẫn bởi Điều 4 Nghị định 51/2002/NĐ-CP như sau:

Điều 4. Cải chính trên báo chí

1. Khi có văn bản kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về nội dung thông tin trên báo chí sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì cơ quan báo chí phải đăng, phát nguyên văn văn bản kết luận đó cùng với lời xin lỗi của cơ quan báo chí, của tác giả. Cơ quan báo chí phải đăng, phát văn bản kết luận vào đúng vị trí với cùng một kiểu, cỡ chữ (đối với báo in, báo điện tử), đúng chuyên mục đã phát sóng (đối với báo nói, báo hình) mà báo chí đã đăng, phát thông tin trên.
Thời điểm đăng, phát được tính từ ngày cơ quan báo chí nhận được văn bản kết luận như sau: năm (5) ngày đối với báo ngày, đài phát thanh, đài truyền hình; mười (10) ngày đối với báo tuần và trong số ra gần nhất đối với tạp chí. Đối với tạp chí xuất bản trên ba mươi (30) ngày/kỳ thì ngoài việc phải đăng trên tạp chí đó trong số ra gần nhất, còn phải thông qua một tờ báo hàng ngày hoặc đài phát thanh, đài truyền hình có phạm vi phát hành, phủ sóng tương đương với phạm vi phát hành của tạp chí mình để đăng, phát kết luận đó và phải chịu toàn bộ phí tổn về việc cải chính.

2. Trường hợp cơ quan báo chí, tác giả tự phát hiện nội dung thông tin trên báo chí, tác phẩm của mình có nội dung sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì phải cải chính, xin lỗi trên báo chí của mình đồng thời phải gửi văn bản cải chính, xin lỗi đến tổ chức, cá nhân
Thể thức cải chính, xin lỗi trên báo chí như quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Cơ quan báo chí nhận được lời phát biểu bằng văn bản của tổ chức, cá nhân về những nội dung đề cập trên báo chí của mình khi có căn cứ cho rằng báo chí đã thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm đến họ thì phải đăng, phát lời phát biểu đó đúng vị trí, chuyên mục mà báo chí đã đăng, phát thông tin.
Lời phát biểu không được vượt quá diện tích, thời lượng đã đăng, phát nội dung thông tin nói trên.
Trường hợp không nhất trí với lời phát biểu của tổ chức, cá nhân, cơ quan báo chí có quyền thông tin tiếp làm rõ quan điểm của mình. Sau ba (3) lần đăng, phát ý kiến phát biểu của tổ chức, cá nhân và cơ quan báo chí mà không có sự nhất trí giữa hai bên thì cơ quan quản lý nhà nước về báo chí có quyền yêu cầu ngừng
đăng, phát các thông tin của đương sự. Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại đến cơ quan chủ quản của báo chí đó, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí hoặc khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật định tại khoản 1 Điều này.

Cơ quan báo chí có quyền không đăng, phát lời phát biểu của tổ chức, cá nhân nếu lời phát biểu của tổ chức, cá nhân đó vi phạm pháp luật, xúc phạm đến uy tín, danh dự của cơ quan báo chí, tác giả. Trong trường hợp đó, cơ quan báo chí phải gửi văn bản báo cho tổ chức, cá nhân biết, nói rõ lý do, đồng thời phải gửi báo cáo bằng văn bản tới cơ quan quản lý nhà nước về báo chí .

Chúng tôi nêu lên những vấn đề trên để ông Tổng Biên Tập báo SGGP và ông Tân Vinh, tác gỉả của bài báo vu khống và xuyên tạc sự thật đăng trên Báo Sài Gòn Giải phóng, "tiếng nói của Đảng Bộ, Chính quyền và nhân dân tp HCM" cân nhắc suy nghĩ lại để, nếu có một cuộc đối thoại sẽ được thực hiện sau cách ứng xử đáng xấu hổ vừa rồi, chúng tôi vẫn nhẫn nại và kiên trì thực hiện một cách quang minh chính đại, thì chắc sẽ thuận lợi hơn.

TP Hồ Chí Minh ngày 17-11-2014
Võ Văn Thôn                                                                                      
Huỳnh Tấn Mẫm                                                                                 Nguyễn Văn Ly
Lê Công Giàu
Kha Lương Ngãi

Nguồn: (Các) tác giả gửi cho SGĐT.


Thư yêu cầu đối thoại với TBT Báo Sài Gòn Giải Phóng

V/V: về bài báo “ Sự thật về lòng “trung thành” của nhóm thư ngỏ 61

Kính gởi: Ông TBT Báo Sài Gòn Giải Phóng

Ngày 4/7/2014 Báo Sài Gòn Giải Phóng đã đăng bài “Sự thật về lòng “trung thành của nhóm thư ngỏ 61 của tác giả Tân Vinh. Đây là bài báo bóp méo , xuyên tạc thiện chí góp ý xây dựng Đảng của nhóm 61 Đảng viên ký tên “Thư ngõ 61.

Kính thưa: Ông Tổng Biên Tập
Góp ý xây dựng Đảng trước thềm Đại hội 12 của Đảng là việc vô cùng cấp thiết, hệ trọng đối với Đảng, đất nước và nhân dân; diễn đàn này nhất thiết sẽ còn tiếp tục. Vì vậy, chúng tôi yêu cầu được đối thoại với ông TBT Báo Sài Gòn GP và ông Tân Vinh tác giả bài báo kể trên để cùng làm sáng tỏ sự thật, ngõ hầu góp phần cho việc góp ý xây dựng Đảng từ nay đến ĐH 12 được tốt hơn. Chúng tôi chính thức kiến nghị được đối thoại với ông TBT và tác giả Tân Vinh vào lúc 15 giờ ngày 14/11/2014 tại báo SGGP. Nếu ông TBT quyết định thời gian, địa điểm khác, đề nghị ông TBT thông báo cho chúng tôi biết theo SĐT: 0908511945 (Lê Công Giàu); 0903834271 (Kha Lương Ngãi).

Kính thưa ông TBT

Vì trách nhiệm chung, rất mong ông TBT cùng thể hiện thiện chí với chúng tôi. 

Trân trọng kính chào ông.

TP Hồ Chí Minh, ngày 10/11/2014
TM Nhóm “Thư ngỏ 61 
Lê Công Giàu (Đã ký)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét