27-11-2014
Với sự cố của đài kiểm soát không lưu sân bay Tân Sơn Nhất, từ một doanh nghiệp khá thầm lặng trong ngành hàng không, VATM đã xuất hiện khá nhiều trên các phương tiện truyền thông trong vài ngày vừa qua.
Ngành hàng không Việt Nam có 3 doanh nghiệp chủ chốt là Tổng Công ty hàng không Việt Nam – Vietnam Airlines, đảm nhiệm việc vận chuyển hàng không; Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam – ACV, quản lý các sân bay dân dụng và Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam – VATM, quản lý hoạt động không lưu.
Dù có liên quan mật thiết với nhau nhưng đây là 3 doanh nghiệp độc lập, nằm dưới sự quản lý của Bộ Giao thông Vận tải. Do đặc thù ngành nghề nên cả VATM lẫn hoạt động không lưu thường không được nhắc đến nhiều trên truyền thông cho đến khi có sự cố vừa qua. Thuở ban đầu, VATM là một đơn vị trực thuộc Vietnam Airlines nhưng sau đó đã được tách ra từ tháng 4/1993.
Dịch vụ không lưu (Air traffic service) là thuật ngữ chung chỉ dịch vụ thông báo bay, dịch vụ tư vấn không lưu, dịch vụ báo động và dịch vụ điều hành bay. Trong đó, điều hành bay là mảng dịch vụ chủ chốt của ngành không lưu và là nguồn thu chủ yếu.
Dịch vụ điều hành bay được cung cấp bởi các cơ sở điều hành bay đảm nhiệm những phần việc khác nhau trong hệ thống kiểm soát không lưu, bao gồm bộ phận kiểm soát mặt đất (GCU), đài kiểm soát tại sân bay (TWR), cơ sở kiểm soát tiếp cận (APP), trung tâm kiểm soát đường dài (ACC).
Hệ thống này được phân chia theo các khu vực kiểm soát chính bao gồm: kiểm soát mặt đất, kiểm soát tại sân bay, kiểm soát tiếp cận và kiểm soát đường dài, hỗ trợ mật thiết với nhau trong công việc và hợp thành quy trình điều hành khép kín theo suốt một chuyến bay từ khi tàu bay lăn ra đường băng, cất cánh, bay bằng, hạ cánh rồi lăn vào bến đậu.
VATM còn cung cấp một số dịch vụ khác nhưng nguồn thu chủ yếu vẫn đến từ hoạt động không lưu. Theo quy định, không lưu là một loại dịch vụ công ích.
Bên cạnh việc quản lý điều hành các hoạt động bay trong nước và quốc tế bay đi đến và bay qua vùng trời Việt Nam quản lý điều hành, VATM còn phối hợp với các đơn vị quốc phòng liên quan quản lý hiệu quả bầu trời thuộc phạm vi trách nhiệm.
Lợi nhuận “khủng”
Theo báo cáo tài chính của công ty mẹ VATM, tính đến cuối năm 2013, tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này đạt lần lượt là 3.285 tỷ và 2.314 tỷ đồng.
Trong năm 2013, VATM đạt doanh thu hơn 1.700 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 502 tỷ đồng; trong khi đó kết quả tương ứng của năm 2012 lần lượt là 1.308 tỷ và 264 tỷ đồng. Nửa đầu năm 2014, VATM thông báo đạt hơn 900 tỷ đồng doanh thu và 259 tỷ đồng lợi nhuận.
Lợi nhuận của VATM tương đương với LNTT hợp nhất năm 2013 của Vietnam Airlines, đạt 507 tỷ đồng trong khi doanh thu của Vietnam Airlines gấp hơn 40 lần doanh thu của VATM (nếu chỉ tính riêng công ty mẹ thì Vietnam Airlines chỉ đạt 158 tỷ đồng lợ nhuận).
Doanh thu của VATM được phân loại thành 3 nguồn chính gồm:
+ Điều hành bay qua
+ Điều hành bay đi đến
+ Điều hành bay quốc nội
Điểm đáng chú ý là VATM chỉ được ghi nhận 35% nguồn thu từ việc điều hành bay qua (bay qua vùng trời và vùng thông báo bay) vào doanh thu; phần còn lại 65% nộp vào ngân sách.
Quy định trên được áp dụng từ năm 2013, trong khi từ năm 2012 trở về trước là 25%-75%. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới kết quả kinh doanh năm 2013 của VATM tăng đột biến so với năm 2012.
Nguồn thu từ 2 hoạt động còn lại là điều hành bay đi - đến (từ quốc tế đến Việt Nam, từ Việt Nam đi quốc tế) và điều hành bay nội địa được ghi nhận 100% vào doanh thu. Doanh thu từ điều hành bay nội địa chiếm tỷ trọng khá nhỏ so với 2 hoạt động còn lại.
VATM không vay nợ nên chi phí tài chính không đáng kể (chủ yếu là lỗ tỷ giá) trong khi lại có nguồn thu tài chính lớn từ lãi tiền gửi và lãi chênh lệch tỷ giá. Đến cuối năm 2013, VATM có 667 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng.
Kết quả kinh doanh 2012-2013 của VATM |
KAL
Theo Infonet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét