Thứ Hai, 24 tháng 11, 2014

Anatoly Tille - Chế độ phong kiến ở Liên Xô - Chương 5

11-11-2014
Phạm Nguyên Trường dịch

Chương 5. Đảng Cộng sản


Từ lâu người ta đã biết rằng cái gọi là “Đảng cộng sản” thực chất là một tổ chức nhà nước, được quốc tế công nhận: Tổng bí thư Đảng, dù không nắm giữ chức vụ nhà nước nào, vẫn cứ thay mặt nhà nước kí các hiệp định, ông ta cũng được đón tiếp như nguyên thủ quốc gia[1]

Hiến pháp Cộng hòa xã hội chủ nghĩa liên bang Nga năm 1918 (hiến pháp “Lenin”) và tương tự như thế, hiến pháp năm 1924 không nói đến Đảng và không xác định vị trí của Đảng trong hệ thống nhà nước, mặc dù ngay lập tức, Đảng đã nhảy vào vị trí lãnh đạo chính phủ. Hiến pháp Liên Xô năm 1936 (hiến pháp “Stalin” đúng hơn phải gọi là hiến pháp “Bukharin”) hay “Hiến pháp của chủ nghĩa xã hội” coi Đảng là “hạt nhân lãnh đạo tất cả các tổ chức của nhân dân lao động, cũng như các tổ chức xã hội và nhà nước”, nhưng đặc điểm này được ghi ở điều 126 chương 6, sau khi đã liệt kê một loạt tổ chức xã hội khác. Hiến pháp “Brezhnev” năm 1977[2] đã đưa ngay đặc điểm này vào điều 6, các tổ chức xã hội khác được liệt kê trong điều 7, như vậy là vai trò của Đảng trong hệ thống chính quyền đã được nhấn mạnh thêm. 


Nghịch lí là ở chỗ Đảng cộng sản đã thôi tồn tại ở Liên Xô từ rất lâu rồi. Lenin, người thành lập ra nó đã tiêu diệt nó ngay sau khi Cách mạng Tháng Mười thành công. Đảng cộng sản, “một Đảng kiểu mới” ngay từ khi mới thành lập đã đặt ra cho mình mục đích giành chính quyền và toàn bộ tổ chức “của những người cách mạng chuyên nghiệp” được xây dựng để phục vụ mục đích này. Đảng là liên minh chính trị của những người đồng quan điểm. Nhưng sự thống nhất quan điểm của số đông chỉ có thể xác định khi từng người có điều kiện thể hiện quan điểm của mình. Không bao giờ có sự thống nhất tuyệt đối, nhưng nhờ thảo luận mà có thể xác định được một quan điểm chung. Trước cách mạng, đôi khi Lenin đã phải chiến đấu chống lại đa số trong Đảng, có lúc ông phải một mình chống chọi lại tất cả, ông từng chia tách Đảng, nhưng quan điểm của mình thì kiên quyết bảo vệ đến cùng. Nhưng tại đại hội X (1921) Lenin cho thông qua nghị quyết “Về sự thống nhất của Đảng” và sau đó mọi hoạt động bè phái đều bị coi là bất hợp pháp. Từ đó trở đi, sự thống nhất về tư tưởng được quyết định từ bên trên, toàn Đảng phục tùng trung ương, tuân theo một cây gậy chỉ huy của trung ương. Trước khi chiếm được chính quyền, Plekhanov đã nói rằng những người Bolshevik lèo lái ban chấp hành trung ương, buộc toàn Đảng phải lệ thuộc vào ban chấp hành. Sau khi giành được chính quyền thì điều đó càng trở nên ràng hơn. Mặc dù đến tận năm 1927, trong giai đoạn diễn ra các cuộc đấu tranh giành quyền lực sau khi Lenin qua đời, sự bất đồng về tư tưởng và hoạt động bè phái vẫn thường xảy ra, nhưng những người có tư tưởng như thế luôn luôn bị đàn áp bằng những biện pháp khủng bố khốc liệt nhất. Sau giai đoạn này, các Đảng viên buộc phải tuân thủ một cách vô điều kiện “đường lối chung của Đảng” dù đường lối ấy có vặn vẹo thế nào cũng mặc. Dù có xảy ra những bước ngoặt đột ngột đến mức nào, Đảng viên cũng phải ủng hộ và vận động quần chúng ủng hộ đường lối của Đảng và thực hiện các mệnh lệnh của trung ương như những người lính thực thụ. Chính vì lí do đó mà nhiều nhà lãnh đạo thường tự nhận: “Tôi là người chiến sĩ của Đảng”. 

“Đảng cộng sản” chưa ở đâu và chưa bao giờ là “Đảng của giai cấp công nhân” như nó thường tự tuyên bố. Quyền lãnh đạo Đảng luôn luôn nằm trong tay tầng lớp trí thức phi giai cấp và những kẻ phiêu lưu[3]

Sau khi giành được chính quyền thì số lượng những kẻ phiêu lưu và háo danh chui vào Đảng lại càng nhiều hơn. Trong khi đó “Đảng” vẫn cố gắng giữ nguyên cái hình thức bên ngoài “là đội tiên phong của giai cấp công nhân” bằng cách xuyên tạc các số liệu (cán bộ Đảng và các bộ trưởng cũng được coi là công nhân nếu họ đã từng làm lao động chân tay một thời gian) và cố ý kết nạp các Đảng viên là công nhân. Công nhân nói chung chẳng thích thú gì với chuyện vào Đảng thì được kết nạp một cách dễ dàng, trong khi trí thức thì bị hạn chế[4]

Đa số Đảng viên công nhân chỉ có tính chất trang trí cho các báo cáo, họ không có bất cứ vai trò gì. Dưới thời Gorbachev, khi tư tưởng đã tương đối cởi mở hơn thì chính công nhân lại là những người ra khỏi Đảng trước, vận động họ vào Đảng là việc cực kì khó khăn[5]

Vì không có chuyện thống nhất về tư tưởng cho nên trở thành Đảng viên cũng có nghĩa là phải tuân thủ kỉ luật Đảng như một người lính. Nếu Đảng quyết rằng phải trồng ngô ở Estonia hay ở tỉnh Vologod, nơi, ngay một người không hiểu gì về nông nghiệp cũng biết rằng ngô không thể nào sinh sôi nảy nở được thì Đảng viên vẫn phải bảo đảm kế hoạch gieo trồng, dù biết rằng làm như thế là có tội với dân, với nước. Nếu “Đảng” đem quân vào Hungaria, Tiệp Khắc hay Afghanistan thì tất cả Đảng viên đều phải ủng hộ. Nếu hôm qua chủ nghĩa Hitler còn là “kẻ thù không đội trời chung” mà hôm nay Đảng ra lệnh không coi nó là kẻ thù thì tất cả Đảng viên phải không coi nó là kẻ thù. Ngày mai nó lại có thể trở thành kẻ thù nhưng nếu anh gọi nó là kẻ thù trong ngày hôm nay thì có nghĩa là anh “chống lại quan điểm của Đảng” đấy. 

Đối với một số người thì vào Đảng là bắt buộc. Không cứ phải là công chức, thí dụ, nếu bạn muốn làm việc trong lĩnh vực lô gích học, tâm lí học, triết học và những ngành “khoa học xã hội” khác thì vào Đảng là yêu cầu bắt buộc. 

Không phải Đảng viên cũng có thể leo lên các chức vụ cao (thí dụ như Lysenko, chủ tịch Viện hàn lâm khoa học nông nghiệp), nhưng bị khai trừ khỏi Đảng không chỉ đồng nghĩa với việc xóa tên khỏi tầng lớp “cán bộ” (nomenclature) hay mất công ăn việc làm mà cuộc sống còn bị nhiều sất bất sang bang nữa. Vì vậy, việc bảo vệ sự thống nhất quan điểm của Đảng, bảo vệ kỉ luật Đảng là một vũ khí cực kì lợi hại. 

Đa số quần chúng đảng viên chẳng có ảnh hưởng gì đến “đường lối, chính sách của Đảng”. Về thực chất, Đảng chỉ là bộ máy của Đảng, là tầng lớp “nomenclature”. Đấy cũng là bộ máy nhà nước. Điều đáng lưu ý là bộ máy của Đảng không bao giờ được nhắc tới trong điều lệ Đảng. Lần đầu tiên nó được nhắc tới trong điều lệ được thông qua năm 1986: “Trong ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, ban chấp hành trung ương Đảng các nước cộng hòa, trong ban chấp hành Đảng bộ các khu, các tỉnh, thành phố, huyện sẽ thành lập bộ máy của Đảng để tổ chức và kiểm tra việc thực hiện các nghị quyết của Đảng và giúp đỡ các tổ chức cấp dưới”. Công thức được dẫn ra bên trên không thể hiện được vai trò thực sự của bộ máy Đảng. Xin lưu ý sự kiện sau đây: Ban chấp hành trung ương, theo điều lệ, là một cơ quan lãnh đạo tập thể gồm hàng trăm ủy viên chính thức và ủy viên dự khuyết. Nghĩa là tất cả các nghị quyết phải được thông qua tại các phiên họp toàn thể. Nhưng đa số các nghị quyết của Ban chấp hành trung ương, nghị quyết liên tịch giữa Ban chấp hành trung ương và Hội đồng bộ trưởng và các cơ quan khác (nhất là trong “giai đoạn cải tổ”) được thông qua bên ngoài hội nghị. Ban chấp hành trung ương nào ra nghị quyết? Tất nhiên là bộ máy của Ban chấp hành chuẩn bị dự thảo, còn Tổng bí thư, đấy là nói khi ông này có quyền lực tuyệt đối, sẽ quyết định hoặc tiến hành thảo luận trong Bộ chính trị hay Ban bí thư. Người ta chỉ lấy danh nghĩa Ban chấp hành để công bố nghị quyết mà thôi. 

“Tập trung dân chủ” được coi là nguyên tắc xây dựng Đảng, tất cả các chức vụ, từ dưới lên trên, đều được bầu và chịu trách nhiệm trước tổ chức Đảng bầu ra mình. Trên thực tế, tất cả cán bộ Đảng đều do cấp trên cử và chỉ chịu trách nhiệm trước cấp trên mà thôi. 

Không phải đại hội Đảng bầu ra Ban chấp hành trung ương mà là Ban chấp hành trung ương lựa chọn đại biểu dự đại hội. Bộ máy của Ban chấp hành trung ương (đa số cán bộ của bộ máy không phải là ủy viên trung ương) “lựa chọn” các ủy viên trung ương, các ủy viên Ban bí thư, các ủy viên trung ương các nước cộng hòa, ủy viên Đảng ủy các khu vực và các tỉnh Đảng bộ. Vì phụ thuộc vào bộ máy của Ban chấp hành trung ương, cơ quan quản lí tất cả các cán bộ lãnh đạo, nên “nomenclature” phải tìm mọi cách chiều chuộng các cán bộ từ cấp trưởng phòng hay thậm chí các chuyên viên của trung ương trở đi, cũng từ đó nảy sinh hiện tượng các “viên chức của trung ương có thể hành hạ ủy viên ban chấp hành khu vực, ủy viên thị ủy hay tỉnh ủy. Cần phải nhắc lại rằng bộ máy là để phục vụ các cơ quan dân cử và thực hiện các nghị quyết của các cơ quan này chứ không phải ngược lại”, đấy là lời của M. Gorbachev, một người hiểu rõ hơn ai hết công việc của bộ máy (báo cáo về chuyến đi của M. Gorbachev đến Tashken. Báo Tin tức, ngày 10 tháng 4 năm 1988). Nhưng nếu phải “nhắc lại” thì cũng có nghĩa là người ta đã quên. Họ đã quên là vì thực tế công tác của bộ máy trái ngược hoàn toàn với lí thuyết. Mặc dù đại hội XXVIII của Đảng Cộng sản Liên Xô (liệu nó có phải là đại hội cuối cùng không?) có vẻ dân chủ hơn các đại hội trước, nhưng nó vẫn là đại hội của bộ máy chứ không phải của các Đảng viên. 

Ông A. Iakovlev, ủy viên Bộ chính trị, đã nêu lên đặc trưng của hệ thống hiện nay là: “một nền kinh tế trì trệ, phản dân chủ một cách trắng trợn, quan liêu và tham nhũng. Các cơ quan của Đảng, trên thực tế, đã thay thế tất cả các tổ chức khác, nhưng lại không chịu bất kì trách nhiệm về kinh tế hay pháp lí nào về các chỉ thị và nghị quyết của mình” (Sự thật, ngày 23 tháng 6 năm 1990). 

Đã hình thành một hệ thống cấp bậc nghiêm ngặt với những đặc quyền đặc lợi được xác định một cách cũng rất nghiêm ngặt, mỗi người trong số họ bám lấy đặc quyền đặc lợi này còn chặt hơn những ông nghị viên Nga ngày xưa bám vào chiếc ghế trong nghị viện. Tất cả, không trừ một ai, từ anh chuyên viên khu ủy cho đến anh cán bộ trung ương. 

Tuy vậy, cũng không được coi thường vai trò của các ủy viên trung ương. Tuy không thật chính xác về mặt lịch sử, nhưng ta có thể so sánh Ban chấp hành trung ương với nghị viện của nước Nga xưa. Các ủy viên ban chấp hành (không kể những cô thợ vắt sữa hay những anh thợ tiện chỉ làm nhiệm vụ trang trí) đều nắm giữ những chức vụ quan trọng trong hệ thống quản lí nhà nước: Bí thư Ban chấp hành của các nước cộng hòa liên bang, bí thư tỉnh ủy, bộ trưởng, lãnh đạo KGB, lãnh đạo Bộ quốc phòng… Mỗi Tổng bí thư mới đều tiến hành thay đổi thành phần Ban chấp hành, đều đưa “người của mình” vào để có thể tạo ra một đa số ngoan ngoãn ủng hộ mình. Ban chấp hành chưa bao giờ đóng vai trò quan trọng trong các cuộc “đảo chính cung đình”, các cuộc đảo chính bao giờ cũng được thực hiện trong Bộ chính trị, nhưng kết quả lại cần phải được hội nghị Ban chấp hành ủng hộ. 

Tổng bí thư của tất cả các “nước xã hội chủ nghĩa”, không phụ thuộc vào chức vụ trong bộ máy nhà nước, là người có quyền lực cao nhất. Trên thực tế, quyền lực này còn độc đoán và rộng hơn quyền lực của Sa hoàng. Vì vậy, nên coi chính quyền ở Liên Xô và các nước “xã hội chủ nghĩa” khác là nhà nước quân chủ chuyên chế, độc tài, chứ không phải là nước cộng hòa hay liên bang các nước cộng hòa gì cả. Hình thức chính quyền như thế cũng phù hợp với - theo đúng lí thuyết mác-xít về nhà nước và pháp luật - quan hệ sản xuất phong kiến và các quan hệ đặc thù khác của xã hội phong kiến. 

Nguyên tắc “tôn sùng lãnh tụ” một cách công khai của Đảng phát xít của Hitler được che đậy bằng nguyên tắc “tập trung dân chủ” trong các nước “xã hội chủ nghĩa”, song sự tương đồng của các Đảng ấy rõ ràng đến nỗi chẳng cần mất thì giờ xem xét làm gì[6]

Mặc dù về danh nghĩa, tất các các cơ quan của Đảng, kể cả tổng bí thư đều do Đảng viên bầu, nhưng trong hệ thống bầu cử nhiều tầng nấc như thế, các ứng cử viên do cấp trên lựa chọn bao giờ cũng trúng cử, ngay cả khi tổ chức bỏ phiếu kín. Stalin chỉ có mấy “phiếu chống” mà số “chống” lại nhiều hơn Kirov, mà Kirov và hai phần ba đại biểu đại hội XVII, đại hội được gọi là “Đại hội của những người chiến thắng”, đã mất mạng rồi! Stalin quả là một người đùa ác! 

Trong các nhà nước phong kiến, quyền lực của nhà vua được hỗ trợ bởi tôn giáo: hoàng đế là thiên tử, là con trời. Trong các “nước xã hội chủ nghĩa” lãnh tụ cũng được thần thánh hóa, ông ta được coi là người có trí tuệ siêu việt, thông thái không ai bằng, không có lĩnh vực hoạt động nào mà ông ta không thông hiểu, không có lĩnh vực nào mà những lời giáo huấn của ông ta không được đem ra áp dụng như những chân lí cuối cùng. Việc thần thánh hóa Lenin bắt đầu ngay từ khi ông ta còn sống. Một người mới thoát nạn mù chữ là Khrushchev cũng sẵn lòng đưa ra các giáo huấn cho các nhà văn và các nghệ sĩ, đa số những người này (ít nhất là về mặt công khai) đã ngoan ngoãn chấp nhận những lời giáo huấn đó. Nếu cả Stalin, cả Khrushchev lẫn Brezhnev (chưa nói đến Trernenko), trước khi giữ chức tổng bí thư đều chưa có gì chứng tỏ là những nhà thông thái siêu quần (Trotsky còn coi Stalin là “một sự tầm thường vĩ đại”) thì ngay sau khi lên chức, từng lời họ nói, thực chất là do các chuyên viên như Burlatsky viết, đều được nghiên cứu trong “hệ thống các trường Đảng”, được thảo luận trong các hội nghị và hội thảo khoa học, được hàng triệu các tuyên truyền viên, cổ động viên đem ra truyền bá chẳng khác gì các lời phán truyền của thượng đế. 

Chưa nói đến con người “bất tử” là Lenin, một người được đặt trong Lăng giữa Hồng trường cho toàn dân chiêm ngưỡng, không ai đủ sức tính hết được các chức tước và danh vị của Stalin: Lãnh tụ của toàn thể loài người tiến bộ, Người cha, người thày và người bạn, Nhà bác học vĩ đại nhất của mọi dân tộc và mọi thời đại, Người cầm quân vĩ đại nhất của mọi dân tộc và mọi thời đại vân vân và vân vân… Ngay cả Brezhnev, một người chỉ mới đeo lon đại tá phụ trách chính trị và chưa từng chỉ huy ngay cả một đại đội cũng thành… “người cầm quân vĩ đại” như thường. Tôi không hiểu đối với đất nước thì giữa việc tặng cho Brezhnev huân chương “Chiến công” (trái với tiêu chí của Huân chương này) và tước danh hiệu này sau khi ông ta chết, điều nào nhục nhã hơn. Cả hai đều có đóng góp của Gorbachev. 

Ở phương Tây, khi thấy các nước “xã hội chủ nghĩa” coi các lãnh tụ quá cố chẳng khác gì những người còn sống, lúc thì đưa lên tận mây xanh, lúc thì chửi rủa hết lời, người ta nói rằng các nước này có quá nhiều “tử khí”. Kể cũng có cơ sở. 

Thái độ đó không hoàn toàn là đặc điểm dân tộc của người Nga. “Những người cầm lái vĩ đại” như Mao Trạch Đông, Kim Nhật Thành, Fidel Castro, Hồ Chí Minh, Enver Hoxha, Tito và nhiều người khác đã và đang được được đối xử hệt như thế[7]

Thần thánh hóa lãnh tụ là hiện tượng gắn bó hữu cơ với hệ thống nơi một cá nhân độc chiếm quyền lực suốt đời. Nếu không thế thì trong điều kiện hiện nay không thể nào lí giải nổi cái sự tham quyền cố vị đến chết như thế. Chủ nghĩa vô thần cộng sản và thần thánh hóa là hai xu hướng loại trừ nhau. Quan điểm của “chủ nghĩa duy vật lịch sử”, bản chất của chế độ kinh tế hay quyền lực nhà nước không thể giải thích được hiện tượng này vì “nhân dân là người làm nên lịch sử”, họ cũng là người lựa chọn ra lãnh tụ. Dĩ nhiên lãnh tụ phải là người thể hiện được trí tuệ của nhân dân. Ngay Trernenko thì cũng vậy thôi[8]

Tất nhiên điều đó cũng không loại trừ được các cuộc đảo chính cung đình, và cũng giống như thời các Pharaoh, lãnh tụ bị lật đổ (hay quá cố) sẽ bị đem ra “đấu tố”, sẽ bị ấn xuống tận bùn đen, tượng của ông ta sẽ bị đập phá, tên tuổi sẽ bị xóa khỏi bảng vàng bia đá. 

Nhưng khi còn tại vị thì ông ta là thượng đế, là vua! 

Sự thần thánh hóa còn lan sang cả các thành viên gia đình nữa. Trên tờ tạp chíTriều Tiên từng có bài viết về con trai Kim Nhật Thành với nhan đề: “Một trí tuệ bí ẩn”, trong đó có những câu như: “Nhà lãnh đạo thiên tài Kim Jong Il, người đại diện cho trí tuệ của dân tộc và sự thông thái của nhân loại…” v.v… Ceauşescu được gắn các danh hiệu: “Thiên tài vùng Karpat”, “Ánh thái dương”…, còn vợ ông ta thì được gọi là: “Người mẹ của nước Rumania”, “Nhà bác học vĩ đại”..v.v..

Một số người có thể phản bác bằng cách nói rằng thời quân chủ ngai vàng được thừa kế, nhưng lời phản bác như thế không có mấy giá trị: trong thời kì đầu của chế độ phong kiến việc bầu vua chúa không phải là chuyện hiếm. Ngoài ra, việc thừa kế cũng đã được rục rịch chuẩn bị rồi: Ceauşescu đang chuẩn bị cho con trai tên là Nika tiếp thu ngai vàng, ở Bắc Triều Tiên công việc chuẩn bị như thế cũng đang được tiến hành. 

Tất nhiên là cần phải nói đến các sự kiện năm 1989, khi các chế độ ở Đông Âu bắt đầu sụp đổ, còn Liên Xô thì lung lay. 

Gốc rễ của nó là sự sụp đổ, sự phá sản của hệ thống kinh tế phong kiến trong điều kiện của nền kinh tế phát triển trên toàn thế giới. Chỉ nhờ sự giàu có đặc biệt và sức mạnh quân sự của Liên Xô, các chế độ thối nát đó mới tồn tại được, nhưng bây giờ thì chính nền kinh tế tập trung quan liêu của Liên Xô cũng cáo chung rồi. 

Giai cấp cầm quyền buộc phải cải tổ. Nhưng họ cũng không thể nào khắc phục được những mâu thuẫn không thể dung hòa: Liên Xô, Hungary, Ba Lan muốn dùng tư bản nước ngoài để khôi phục lại nền kinh tề đã tan hoang, như vậy là, họ buộc phải chấp nhận ở một mức độ nào đó tư bản tư nhân, tư nhân hóa và thị trường. Gorbachev định làm như Lenin đã làm năm 1922: tạm thời lùi một bước để bảo toàn giai cấp cầm quyền, nhưng hiện nay thì không thể làm thế được nữa. Có thể vá một miếng vải còn tốt, nhưng khi miếng vải đã nát thì chỉ không còn chỗ nào mà bám nữa. 

Thị trường “xã hội chủ nghĩa” là không khả thi. Giai cấp cầm quyền và chế độ của nó sống dựa vào “sở hữu xã hội chủ nghĩa”, hình thức sở hữu này chỉ dẫn đến đói nghèo, suy kiệt, năm năm “cải tổ” và tình trạng kinh tế ngày càng xấu đi của Liên Xô đã cho ta thấy rõ điều đó; thủ tiêu hình thức sở hữu này cũng có nghĩa là giai cấp cầm quyền và chế độ của nó sẽ tiêu vong. Gorbachev cố gắng thực hiện một chính sách “có căn nhắc và hài hòa” (ông ta rất thích nói như thế), để làm sao chó sói thì no mà cừu thì còn nguyên, nhưng hóa ra chỉ làm cho cả hai phía cùng tức giận mà thôi. 

Các cuộc cải cách của ông ta là nhằm củng cố chế độ chứ không phải là tháo dỡ nó. Ngay cả chính sách đối ngoại hòa bình của ông ta cũng là do sự phá sản về kinh tế mà ra, khủng hoảng kinh tế không cho phép giữ nguyên bộ máy quân sự khổng lồ như cũ. Sự bất mãn và nguy cơ từ phía bộ máy của Đảng được Gorbachev dung hòa bằng cách làm cho nó ít phụ thuộc vào Bộ chính trị và Ban chấp hành trung ương, đồng thời lại cố gắng giữ quyền lãnh đạo cho nó cả trong Đảng lẫn trong các cơ quan chính quyền. 

Cơ cấu các tổ chức Đảng ở địa phương là bản sao cơ cấu ở trung ương: Khi còn được cấp trên ủng hộ thì bí thư khu vực cũng có quyền lực không hạn chế đối với địa hạt của mình. 

Cải cách của Gorbachev có mang lại thay đổi hay không? Đầu tiên, với khẩu hiệu “Tất cả chính quyền về tay Xô viết!”, Gorbachev kiên quyết chuyển các chức năng quản lí nhà nước từ các cơ quan Đảng sang các cơ quan chính quyền, các cơ quan Đảng chỉ làm nhiệm vụ chính trị, chỉ thực hiện chức năng định hướng, không còn chịu trách nhiệm về kinh tế và quản lí kinh tế nữa. Các cán bộ Đảng không còn phải kiêm nhiệm chức vụ trong các cơ quan nhà nước nữa. Nhưng sau đó, dưới áp lực của bộ máy của Đảng, Gorbachev đã thay đổi đường lối và chuyển sang hình thức kết hợp các chức vụ Đảng với chức vụ quản lí nhà nước, thí dụ, bí thư huyện ủy kiêm luôn chức vụ chủ tịch huyện, bí thư tỉnh ủy thì kiêm chủ tịch tỉnh v.v…[9]  Vì vậy khi Đảng cộng sản bị giải tán thì tầng lớp “nomenclature” vẫn giữ nguyên được chức vụ. 

“Tất cả vẫn y nguyên, lời của ông bí thư vẫn là luật, vẫn không được bàn cãi mà phải thực hiện bằng mọi giá, nếu anh không thực hiện thì sẽ có nhiều chuyện lôi thôi. Như người ta nói, những kẻ “lên bằng đầu gối” đã mất giá khá nhiều, nhưng đây là nói trong các cơ quan dân cử và ở những thành phố lớn. Còn ở ngoại vi (chỉ cần cách thủ đô chừng hai trăm cây số thôi), thời gian như đã ngừng trôi. Mọi sự không vâng lời, mọi sự phản đối đều bị đàn áp một cách khốc liệt, bộ máy quyền lực vẫn hoạt động trong chế độ đàn áp, chưa có gì thay đổi cả… Nếu một người trước đây từng là bí thư, thì nay ông ta còn là chủ tịch Hội đồng nữa. Pháo đài quyền lực không hạn chế chỉ thêm mạnh hơn mà thôi! Điều 6 đã bị loại bỏ, thế cũng là đáng mừng rồi, nhưng nếu chú ý một chút thì ta sẽ thấy: hầu như tất cả các bí thư đều tự động trở thành chủ tịch Xô viết khu vực” (Tin tức, ngày 8 tháng 6 năm 1990). 







[1] Có thể thấy bức tranh tượng trưng này trong những buổi quốc tang ở Moskva: Dẫn đầu đoàn đại biểu đón các vị khách nước ngoài là Andropov (sau này là Trernenko, sau đó nữa là Gorbachev), phía sau là Kosưgin, người đứng đầu chính phủ, cuối cùng mới đến ông Kuznetsov, người đứng đầu cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Bức tranh này thể hiện chính xác quan hệ giữa các cơ quan quyền lực nhà nước Liên Xô.

[2] Hóa ra tổng bí thư nào cũng muốn giữ ghế đến cuối đời, mà điều đó phải được ghi trong hiến pháp thì mới thực sự an tâm. Khrushchev đã thành lập ủy ban soạn thảo, nhưng chưa kịp công bố hiến pháp thì đã bị lật. Công việc được Brezhnev hoàn thành. Andropov và Trenenko thì không có thời gian. Gorbachev cũng định làm hiến pháp, công việc vừa bắt đầu thì ông ta bị lật.
[3] Lòng căm thù của lãnh đạo Đảng đối với tầng lớp trí thức chân chính là đặc trưng xuyên suốt trong toàn bộ lịch sử Đảng. Lenin, Trotsky, Stalin, Khrushchev đều săn đuổi tầng lớp trí thức. Chuyện đó đã xảy ra trong giai đoạn cách mạng, trong cuộc nội chiến và trong những năm 1930-1940. Kedrov, nhân viên an ninh được ca ngợi hiện nay đã tiêu diệt toàn bộ giới trí thức tỉnh Vologda, sau khi chiếm các nước vùng Baltic, Tây Ucraine, Bạch Nga và Moldavia, nhiều giáo sư, bác sĩ, luật sư v.v… bị đầy và bị giết hại ở Siberia. Khi bà M. Andreeva (vợ Gorky) phàn nàn về những vụ bắt giữ giới trí thức thì Lenin (ngày 18 tháng 9 năm 1919) đã trả lời: “Không bắt thì thật có tội…” và nhân vụ bắt giữ nhà văn Korolenko, Lenin viết: “Những “tài năng” kiểu đó có ngồi tù vài tuần cũng không sao… Lực lượng trí thức của công nhân và nông dân sẽ phát triển và lớn mạnh trong cuộc đấu tranh lật đổ giai cấp tư sản và bè lũ tay sai, những tên trí thức, đấy tớ tư bản nhưng lại cho rằng mình là trí tuệ của dân tộc, trên thực tế đây không phải là đầu óc mà là cục cứt”. Hiện nay thì “trí thức” được lãnh đạo Đảng coi là một từ đáng khinh.
[4] Chúng tôi được giao “kế hoạch” kết nạp 3 người vào dự bị… “Tiêu chuẩn” kết nạp cán bộ khoa học kĩ thuật là: cứ 4 công nhân thì một cán bộ khoa học kĩ thật” (Sự thật, ngày 15 tháng 1 năm 1988). “Cải tổ” đã được 3 năm.
[5] Trong khu vực mang tên Dzerjinsky ở Moskva 47% số người ra khỏi Đảng vào năm 1989 là công nhân, trong khi tỉ lệ công nhân vào Đảng là 17% (Báo Moskva buổi chiềungày 19 tháng 12 năm 1989)

[6] Xem: A. Unger. Tо Totalitarian Party. Party and People In Nazi Germany and Soviet Russia, L, 1974.
[7] “Bài hát về đại tá Kim Nhật Thành", "Đồng chí Kim Nhật Thành là mặt trời của nhân loại” (có những câu như sau: “Lãnh tụ vĩ đại Kim Nhật Thành, người là mặt trời của đất nước Triều Tiên, ngọn hải đăng của loài người, nhà tư tưởng lớn thời nay, anh hùng huyền thoại muôn đời, nhà chiến lược thiên tài của cách mạng…”. Đấy là nội dung tờ tạp chí Triều Tiên in bằng tiếng Nga (số 4 năm 1984). Trong đó còn có: “Trường ca về chiến công cách mạng vĩ đại của lãnh tụ kính yêu”v.v…
[8] Không thể không ghi nhận quy luật này, nhưng ở nước ta thì không được nói. Cách đây mấy năm, giáo sư Makhnenko thuộc trường đại học hàm thụ luật ở Moskva bắt đầu công khai phát triển ý tưởng rằng “sùng bái cá nhân” là quy luật của tất cả các nước “xã hội chủ nghĩa”. Dĩ nhiên là ông bị phản đối kịch liệt, không luật sư-đồng nghiệp nào ủng hộ ông. Giáo sư Makhnenko tự sát, ông chỉ để lại mảnh giấy với dòng chữ: “Chán nói dối quá rồi!” 

[9] “Trong các tỉnh và các khu, bí thư thứ nhất vẫn là vua, là trời. Ông ta quyết định chính sách kinh tế, mức độ công khai và dân chủ và điều đáng ngại nhất là chính ông ta quyết định tốc độ thay đổi” (Tin tức, ngày 21 tháng 3 năm 1990)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét