Thứ Hai, 24 tháng 11, 2014

Đồng nghiệp nói về ông Võ Như Lanh

24-11-2014

Nhà báo Võ Như Lanh, Tổng biên tập đầu tiên của báo Tuổi Trẻ đồng thời là người sáng lập và Tổng biên tập đầu tiên của nhóm Thời báo Kinh tế Sài Gòn, qua đời lúc 9 giờ 5 phút sáng Chủ nhật 23/11/2014 tại TP HCM ở tuổi 67.

Ông Võ Như Lanh (giữa) trong cuộc trò chuyện với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và nguyên TBT Tuổi Trẻ Lê Văn Nuôi
Ông Lanh từng làm Chủ tịch Tổng hội sinh viên đại học Vạn Hạnh thời kỳ cuộc chiến Việt Nam. Ông bị bắt và bị đi tù vì hoạt động phong trào, nhưng được thả sau Hiệp định Paris 1973.
Ông Võ Như Lanh là Tổng biên tập đầu tiên của báo Tuổi Trẻ (1977-1983). Ông cũng là Ủy viên Ban biên tập và Phó Tổng biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng (1985-1990).

Năm 1990, khi đang làm Phó Tổng biên tập báo Sài Gòn Giải phóng, ông Võ Như Lanh cùng một số nhà báo khác được phân công thành lập tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn, một trong những tờ tuần báo chuyên về kinh tế đầu tiên của Việt Nam.
Ông Lanh cũng là người xây dựng các tờ báo tiếng Anh đầu tiên cho TP HCM - Saigon Times Weekly và Saigon Times Daily.
Ông giữ chức vụ Tổng biên tập nhóm Thời báo Kinh tế Sài Gòn trong 16 năm (1990-2006). Sau đó ông làm Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Thời báo Kinh tế Sài Gòn (Saigon Times Foundation) cho đến khi qua đời.
Nhà báo Nguyễn Vạn Phú, Thời báo Kinh Tế Sài gòn (TBKTSG)
Vĩnh biệt một nhà báo lớn.
Có một điều ít ai biết là anh Lanh tự nguyện thôi làm Tổng biên tập TBKTSG vào năm 2006, hai năm trước khi anh đến tuổi về hưu nhằm chuyển giao cho thế hệ trẻ hơn. Và khi đã nghỉ hưu, không như một số người nhầm tưởng, anh không can thiệp gì vào nội dung tờ báo nữa – một cách dứt khoát (góp ý thì đương nhiên là có).
Nhà báo Huy Đức
Võ Như Lanh mới thực sự là tổng biên tập đầu tiên của Tuổi Trẻ dù trước anh có những nhà lãnh đạo khác và thời kỳ rực rỡ nhất của tờ báo này là thời Vũ Kim Hanh (1983-1991).
Tôi rất biết ơn anh vì năm 2001, khi anh Đoàn Khắc Xuyên giới thiệu tôi về Thời báo Kinh tế Sài Gòn, tôi có ra điều kiện, "Anh phải cho em đi học tiếng Anh, em muốn biết tiếng Anh"; anh nói, "rất hoan nghênh; chính tôi cũng muốn biết tiếng Anh". Năm 2005, khi nhận học bổng đi học một năm ở Mỹ, anh nói, "Huy Đức nên ra khỏi biên chế đi, nếu trong biên chế Thành ủy không cho Huy Đức đi đâu"; ý kiến anh thật là xác đáng.
Lần duy nhất thấy anh bối rối là khi ở nhà anh Nguyễn Thanh Toại, một vị bộ trưởng (của Chế độ CHXHCNVN) hỏi anh: "Lanh có hối hận khi ủng hộ Hà Nội chống Sài Gòn hồi trước 1975?". Anh Võ Như Lanh không trả lời.
Cho dù anh trả lời thế nào, "sếp" của tôi, Võ Như Lanh, vẫn là một trong rất ít nhà báo sau 1975 ở Sài Gòn mà tôi kính trọng. Kính mong anh yên nghỉ.
Nhà báo Bùi Thanh
"Có cái đách gì mà sợ !". Anh ấy gằn giọng khi ngồi ăn cơm hai người trên phố Nguyễn Bỉnh Khiêm (hà nội). Mình lúc ấy là thằng nhóc miền Nam thường trú thủ đô.
"Có cái đách gì mà buồn !". Anh ấy nói khi mình vừa bị rút thẻ nhà báo.
Nhà báo Huỳnh Thanh Diệu
Khi còn làm Tổng biên tập, mỗi lần có một bài báo được lệnh không đăng, hay một bài báo quá trung thực, thẳng thắn bị phía quản lý nhà nước rầy rà vì anh Lanh và những người như anh muốn phản biện với chính sách của nhà nước hay những trì trệ của xã hội.
Bị phía quản lý của nhà nước rầy rà thì anh Lanh nói: "Để mai mốt triển lãm". Cuộc triển lãm đó anh đặt tên là "Triển lãm rủi ro trong nghề báo". Tên gọi cuộc triển lãm là để nói câu chuyện phía sau những trang báo được in, được đăng, là những mong muốn cái cách xã hội, những khát vọng dân sinh của người làm báo bị cấm đoán, một thứ vòng kim cô chính trị, bó buộc tự do báo chí mà một Tổng biên tập như anh Võ Như Lanh mong muốn phá bỏ. Vì những lý do đó anh đứng ở vị trí một ngọn cờ.
Giờ đây anh mất đi, dù anh đi hay ở, anh gần hay xa, anh vẫn mãi mãi là một ngọn cờ. Biết vậy, nói vậy, nghĩ vậy nhưng anh đi lúc này, với chúng tôi, những người bạn, những tên lính lì, những "hậu duệ", những đồng nghiệp của anh, thì vẫn là một thứ rủi ro.
Chúng tôi yêu quý và tôn kính anh. Vì vậy chắc gì anh đi mà thanh thản.
Chúng ta còn nợ nần nhau. Chán anh quá!
Sao đi mà không bảo gì nhau vậy anh?
Nguyễn Minh Nhựt, Nhà Xuất bản Trẻ
Tôi kẻ hậu sanh, dám đâu là nhận biết anh.
Anh rời Thành Đoàn khi tôi còn dưới quê thơ dại. Anh rời Tuổi Trẻ khi tôi chưa biết tới Thành Đoàn. Rồi nhờ duyên phận nên anh em cũng gặp được nhau. Ban đầu từ những cuộc họp mặt các thế hệ Tuổi Trẻ rồi đến những bữa họp bàn chương trình học bổng dạy nghề "Nhất Nghệ Tinh" (anh Hàng Chức Nguyên cũng là người bàn bạc và cùng tham gia sáng lập chương trình này).
Tôi tham gia chương trình này như một loại công việc còn anh đeo đuổi như trách nhiệm của mình với xã hội, với non sông. Không dừng ở chuyện học bổng, khi tôi về NXB, anh chủ động kêu tôi qua bàn để phối hợp với các anh chị ở Uỷ ban tương trợ người Việt Nam ở Đức, xuất bản các đầu sách dạy nghề cho thanh niên Việt Nam.
Bao nhiêu khó khăn, bao nhiêu cản trở, anh cùng với các anh chị ngày đêm tháo gỡ. Đến hôm nay, cuốn cơ khí và cuốn điện đã ra đời. Khó khăn còn đó nhưng con đường đã rõ. Công việc còn đó mà anh đã ra đi.
Vĩnh biệt anh, một cán bộ Thành Đoàn xuất sắc và có chính kiến. Vĩnh biệt anh, một nhà báo lớn, một người quản lý có tầm. Vĩnh biệt anh, một con người có tâm với xã hội mà em may mắn được quen. Anh hãy yên tâm nghỉ ngơi trong cõi vĩnh hằng. Dự án làm sách mà anh em mình đã thống nhất thì em sẽ tiếp tục triển khai. Em đây tuy nhỏ nhưng cũng là em anh nên không có chuyện nói hai lời. Vĩnh biệt Anh - Anh Võ Như Lanh.
Nhà báo Lan Anh, Forbes Việt Nam
Vừa nghe tin anh Võ Như Lanh, tổng biên tập đầu tiên của Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn qua đời. Đã biết anh lâm trọng bệnh mà khi nghe tin anh ra đi vẫn thấy choáng váng, nước mắt tuôn rơi.
Anh Lanh là nhà báo mẫu mực, một tổng biên tập tài giỏi, chính trực hiếm có ở làng báo Việt Nam này. Anh Lanh có ảnh hưởng lớn thế nào đến tư tưởng của thế hệ nhà báo cùng thời đại anh, chắc sẽ có rất nhiều người sẽ nói về điều đó. Saigon Times Group là nơi tôi thực sự bắt đầu được học cách làm báo chuyên nghiệp. Có rất nhiều anh chị ở đây đã trở thành những người thầy của tôi, anh Lanh là một trong những người đó.
Anh Lanh là người cởi mở, tin tưởng vào con người. Đi họp giao ban anh đứng lên nói thẳng lắm. Nói chung là người giỏi mà lại tốt, không bao giờ biết luồn cúi.
Nhà báo Trần Lệ Thùy
Năm đầu tiên mình trở thành phóng viên trẻ ở Thời báo Kinh tế Sài Gòn, anh Võ Như Lanh ra Văn phòng Hà Nội và mời mình đi ăn trưa. Phong cách giản dị, gần gũi của anh khiến mình trở nên cởi mở và vui vẻ thay vì hơi rụt rè như bình thường.
Hai anh em ăn trưa là bánh cuốn phố cổ, nói chuyện nhiều đến mức thành ăn tối luôn. Giữa cuộc nói chuyện, mình chợt nhận ra cuộc sống của mình đã thay đổi đến thế nào khi được làm việc trong một môi trường thân thiện và có tâm thực sự vì báo chí chứ không vì mục đích thương mại hay chính trị, các phóng viên được ủng hộ để làm việc hết mình mà không phải chịu sự đố kỵ cá nhân trong toà soạn hay những sức ép tư lợi khác.
Mình nói: "Anh là sếp đầu tiên mà em nói chuyện nhiều đến thế. Bình thường em sợ sếp lắm". Anh cười to.
Chắc anh không biết rằng việc anh không phải là một vị sếp báo chí quan cách, mà có tâm trong sáng và thực sự vì nghề, có ý nghĩa như thế nào với một phóng viên trẻ, chỉ quan tâm đến chuyên môn như mình. Năm tháng trôi qua, vài lần vào SG gần đây, mình tự nhủ sẽ đến thăm anh. Nhưng nhiều việc quá nên mình đã không đến. Bây giờ không còn kịp nữa.
Tạm biệt anh, anh Võ Như Lanh, người đã mang đến môi trường toà soạn báo chí lành mạnh và thực sự vì báo chí.
Nhà báo Mạnh Quân
Ở Sài Gòn, có nhiều nhà báo đáng kính trọng cả về tư tưởng, nghề nghiệp, phẩm chất, hơn nhiều ở Hà Nội. Có những người như anh Võ Như Lanh, mình mới được gặp 1 lần, không được học gì ở anh, mà anh đã đi. Xin thành thật chia buồn với những người thân, những bạn bè thân thiết của anh, với các anh chị, các bạn ở Saigon Times Group, báo Tuổi Trẻ...
Mỹ Xuân
Anh Lanh đi rồi!!!!!!
Buổi sáng hay tin anh ra đi, mãi đến giờ khi ngồi viết lại vài dòng nhớ đến anh mà tôi vẫn nghẹn ngào. Rất nhiều anh chị em từng làm việc cùng anh ở Thời báo Kinh tế Sài Gòn đã viết nhiều về anh về một Tổng biên tập đáng kính của làng báo Sài Gòn.
Tôi cũng có cái may mắn được làm “lính” của anh 7 năm, nhiều người có nhiều kỷ niệm với anh trong công việc, trong nghề báo… Riêng với tôi, bài học đầu tiên anh dạy cho tôi không phải về nghề báo mà về môi trường, khi tôi thấy anh cuối xuống cầu thang nhặt tàn thuốc lá bỏ vào thùng rác. Lúc đó là năm 1996, khi tôi mới vào làm cộng tác viên ở Thời báo Kinh tế Sài Gòn, hình ảnh một ông Tổng biên tập nhặt rác ở cầu thang cứ in mãi trong tâm trí của tôi đến bây giờ.
Có rất nhiều điều tôi muốn kể về anh, nhưng gần như mọi người đã kể hết rồi. Tôi cũng có nhiều kỷ niệm với anh, nhưng nhớ hoài là khi tôi nói lời chia tay anh, chia tay Thời báo Kinh tế Sài Gòn, anh đã siết chặt tay tôi và nói: “Anh rất quí em, em ra đi anh cũng tiếc lắm, nhưng em phải ra ngoài để trưởng thành em à.” Lúc đó tôi hiểu anh là người biết rõ lý do tôi rời khỏi Thời báo Kinh tế Sài Gòn, anh hiểu và thông cảm cho tôi, tôi cảm ơn anh về điều đó.
Mãi mãi nhớ đến anh, một người sếp, một người thầy, một người anh tôi luôn quí trọng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét