Chủ Nhật, 16 tháng 11, 2014

Nghi án “hoa hồng” và Đại tướng quân xứ người


SGĐT: Câu nói bình thường trong dân gian bỗng nổi tiếng qua TBT NPT: "diệt chuột không để vỡ bình hoa". Cái triết lý hai mặt đối lập của ông Tiến sĩ TBT được ứng dụng khắp nơi. Nhè nhẹ để khỏi vỡ cái "Hoa hồng BIo Rad". Còn chuyện Anh 'Hai Lúa" thành "Đại Tướng Quân" thì sao ạ? Mỗi chuyện đều dở khóc dở cười cùng nói lên cái triết lý dở khùng dở điên.


Cả hai vụ có “yếu tố nước ngoài”, dù xấu tốt, hay dở khác hẳn nhau, nhưng đều cho thấy tư duy quản lý, nền quản trị quốc gia từ vĩ mô tới vi mô của nước Việt đang phải “Bâng khuâng đứng giữa hai dòng nước/Chọn một dòng hay để nước trôi?” Chọn dòng tư duy văn minh, văn hóa mềm dẻo, thực tiễn của nhân loại hay… ngược lại.

I- Nổi bật trong tuần có hai vụ việc, một dở, một hay, đều liên quan đến “yếu tố nước ngoài”, đều gây sốc, nhưng dư âm của nó, như tên gọi một ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý xa xưa thuở nào, thì đều rất… đáng buồn
Xin nói về chuyện dở trước.
Đó là nghi án “hoa hồng” của công ty sản xuất và kinh doanh dụng cụ y khoa Bio-Rad Laboratories (gọi tắt là Bio-Rad) ở bang California (Mỹ).
Hoa hồng vốn thơm và rất đẹp. Còn ở trường hợp này, “hoa hồng” là thứ hoa rất xấu. Mùi của nó chỉ nói lên nhân cách tồi tệ của cả hai bên, bên nhận- bên cho.

Nghi án, hoa hồng, Đại tướng quân, xứ người, Ấn tượng trong tuần, Kỳ Duyên, hối lộ

Hoa hồng của công ty Bio- Rad được “tặng” cho ba quốc gia, trong đó, VN là một. Và giá trị hoa hồng không nhỏ- 2,2 triệu USD cho các quan chức ngành y tế VN, trong khoảng thời gian từ năm 2005 đến 2010. Đổi lại, Bio-Rad ký kết được hợp đồng ở VN với doanh số 23,7 triệu USD, gấp hơn chục lần.
Trát lệnh đăng trên trang web của Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái (Mỹ) đã cho thấy con đường gieo trồng “hoa hồng” cho một số quan chức y tế VN của công ty này tinh vi, già đời thế nào.
Từ năm 2005 đến cuối năm 2009, Bio-Rad duy trì một văn phòng đại diện ở VN. Theo chỉ đạo của giám đốc văn phòng đại diện, các nhân viên bán hàng của công ty đã “chi tiền mặt cho lãnh đạo các bệnh viện và phòng thí nghiệm tại Việt Nam để họ ký hợp đồng mua các sản phẩm của Bio-Rad” (Tuổi trẻ, ngày 07/11). Với quan niệm của vị GĐ văn phòng đại diện “đưahối lộ là lệ thường ở VN”. Cũng theo sổ sách của công ty, tiền hối lộ được gọi là tiền hoa hồng, chi phí quảng cáo và chi phí huấn luyện.
Đúng là “lệ thường”. Đến người Mỹ cũng hiểu sâu sắc đặc tính người VN đến thế.

Nghi án, hoa hồng, Đại tướng quân, xứ người, Ấn tượng trong tuần, Kỳ Duyên, hối lộ
Thiết bị y tế của Bio- Rad. Ảnh: VTC

Và cái nhân danh chi phí quảng cáo, chi phí huấn luyện cũng thật là khôn khéo, vì rất ít ai nghĩ rằng đó chính là tiền hối lộ. Nhưng chắc chắn nó là lạt mềm buộc chặt với những ai ai và đem lại mối lợi không nhỏ cho Bio- Rad?
Có điều ở nước Mỹ, với nền quản trị quốc gia khoa học, luật pháp chặt chẽ của họ, thì cái lạt mềm buộc chặt này bị bung ra không thương tiếc. Mới đây, Bio- Rad phải nộp 55 triệu USD để được miễn truy tố hình sự.
Còn với nước Việt, vụ việc này không phải vụ hối lộ có “yếu tố nước ngoài” đầu tiên.
Nếu tính theo những vụ lớn, nổi tiếng, đến nay, tạm thống kê được mấy vụ “có máu mặt”:  Đó là vụ hối lộ của Công ty PCI- Công ty tư vấn Quốc tế Thái Bình Dương (Nhật Bản), với một số quan chức Ban Quản lý dự án PMU tại t/p HCM, điển hình là ông Huỳnh Ngọc Sĩ, nguyên là GĐ Ban Quản lý PMU Đông- Tây.
Gần đây nhất là vụ Nhật Bản xét xử các quan chức nước này phạm tội hối lộ quan chức 03 quốc gia trong đó có VN, để giành được các dự án đường sắt sử dụng nguồn vốn ODA của CP Nhật Bản. Các bị cáo đã khai nộp khoảng 70 triệu yên (640.000 USD) cho 03 quan chức cấp cao của công ty Đường sắt VN, từ 2009 đến 2014.
Và nay, đến vụ công ty Bio- Rad.
Khỏi phải nói sự phản ứng tích cực của ngành y tế trước vụ việc động trời này. Ngay lập tức, Bộ Y tế có công văn đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền vào cuộc điều tra xem xét. Bản thân Bộ cũng thành lập một tổ công tác đặc biệt do một Thứ trưởng phụ trách điều tra, thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến các trang thiết bị, hóa chất, thuốc, vắc xin, sinh phẩm y tế do công ty này sản xuất, lưu hành và sử dụng tại VN từ 2005-2009.
Kết quả điều tra bước đầu của cơ quan chức năng cho thấy, có 06 công ty và 08 bệnh viện lớn “dính líu” tới việc mua sắm thiết bị, sản phẩm của công ty này. Tuy nhiên, trong 06 công ty đó, chưa một công ty nào chủ động báo cáo về việc mua sắm các thiết bị, hóa chất, thuốc men. Mọi việc điều tra, tìm kiếm thông tin, chứng cứ vẫn đang còn tiếp tục, và chưa thể có kết luận gì rõ ràng.
Dù vậy, có rất nhiều điểm rõ ràng cần được đặt ra ở các vụ việc hối lộ, tham nhũng mang yếu tố nước ngoài, từ trước tới nay, trong đó có vụ Bio- Rad.
Vì sao tất cả các vụ tham nhũng, ăn hối lộ của người Việt có yếu tố nước ngoài đều bị phát hiện ở … ngoài nước Việt? Để đến khi vỡ lở trên thông tin quốc tế, nổi tiếng khắp cõi hồng trần, các cơ quan, các ngành chức năng nước Việt mới “chạy theo”, “ăn theo” điều tra, tìm chứng cứ?
Ở cả 03 vụ tham nhũng, ăn hối lộ trước đây, trừ vụ PCI đã đưa ra ánh sáng chứng cứ ăn hối lộ của một số quan chức Việt, còn lại  dự án liên quan đến đường sắt VN, rút cục lửng lơ, không tìm ra kẻ phạm tội. 
Điều đó vô tình tạo ra một tiền lệ tâm lý rất xấu cho những kẻ tham nhũng rắn mặt rằng, ngay cả khi vụ việc bị bại lộ, cũng chắc gì đã tìm ra được nhân chứng, vật chứng? Thế nên ta cứ nhận (hối lộ) nhưng ta không sợ nhé (xin mượn ý thơ của Hồ Dzếnh). Không phải vô lý khi báo Lao động, ngày 08/11 có bài viết nhan đề: “Những vụ hối lộ được điều tra một nửa”. Vì, một nửa còn núp bóng đêm đen. 
Đó là vì “có những trường hợp, kẻ đưa hối lộ đã nhận tội nhưng… không có kẻ nhận hối lộ”. Tài thế! Chả lẽ những kẻ đưa hối lộ xứ người mắc bệnh hoang tưởng?
Nhưng nguyên nhân căn cốt nhất của cả hai hiện tượng trên nằm ở chính cơ chế quản lý của nước Việt. Đó là “văn hóa tiền mặt” vẫn là dòng chủ lưu chính trong đời sống giao thương, trong các dịch vụ dân sự. Chính “văn hóa tiền mặt” là vật cản khủng cho công cuộc phòng, chống quốc nạn tham nhũng. Bởi cơ quan chức năng không hề nắm được nguồn gốc của đồng tiền chính trực hay bất chính, lấy đâu cơ sở thực tiễn để điều tra? 
Cái mà lâu nay gọi là công khai minh bạch tài sản, thực chất chỉ là kê khai tài sản của đối tượng, dựa trên “của nổi” không che giấu được, và hoàn toàn không bạch hóa được nguồn gốc của những “của nổi” kia, chưa nói đến “của chìm”.
Vì thế, sự công khai chỉ là nửa vời, và bản chất của sự công khai đó vẫn không hề… minh bạch. Một nửa bánh mì là bánh mì, một nửa sự thật không còn là sự thật. Liệu có ai tin được một vị đại úy công an, sinh năm 1981, con ông cựu Chánh TTCP lại là chủ sở hữu thực chất của 08 sổ đỏ?
Chính vì thế, một khi “văn hóa tiền mặt” còn được ưa chuộng, thì việc kê khai tài sản chỉ là một giải pháp mang tính hình thức. Thì các vụ tham nhũng trong nước cho đến những vụ tham nhũng mang yếu tố nước ngoài còn là phép tính hóc búa không có lời giải, bởi thiếu hẳn một dữ kiện cần thiết nhất để lôi ra nửa sự thật còn lại.

                                ***********************
II- Còn đây là chuyện hay.
Báo chí nước Việt mới đây xôn xao vì một thông tin bất ngờ mà nóng sốt: “Hai nông dân Việt được nhà nước Campuchia trao tặng huân chương Đại tướng quân” (Một thế giới ,ngày 10/11). Đó là hai cha con ông Trần Quốc Hải (Tân Châu, Tây Ninh) và con trai ông, Trần Quốc Thanh. Cùng với huân chương Đại tướng quân, Quốc vương Campuchia cũng cấp giấy chứng nhận cha con ông Hải là những nhà kỹ thuật sửa chữa xe bọc thép BRDM 2 và BTR60PB, ghi nhận những đóng góp của hai người cho nền kỹ thuật của đất nước Chùa Tháp. 


Nghi án, hoa hồng, Đại tướng quân, xứ người, Ấn tượng trong tuần, Kỳ Duyên, hối lộ
Ông Trần Quốc Hải nhận huân chương đại tướng quân. Ảnh: Motthegioi
                                                
Nhưng sau nỗi mừng vui cho hai cha con người nông dân, nay là những nhà kỹ thuật được nước người công nhận, là nỗi buồn đầy day dứt.
Vì sao họ lại nổi danh, và được vinh danh ở xứ người, mà không phải ở nước Việt mình? Như nhiều trường hợp người tài khác.
Vì tên tuổi ông Trần Quốc Hải không hề xa lạ với người nông dân Tây Ninh, cũng không xa lạ với giới truyền thông nước Việt. Nhiều năm trước đây ông nổi danh và có duyên với những cải tiến kỹ thuật phục vụ cho nhà nông, giúp người nông dân tiết kiệm chi phí, thời gian, mang lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp. Có thể kể đến những sáng chế, cải tiến kỹ thuật của ông như rơ mooc tự hành, giàn cày cải tiến, máy thổi lá cao su, máy bón phân tự động, máy giặt mủ cao su, máy trồng mì (sắn)…
Nói không ngoa, ông Trần Quốc Hải cũng là một… cái máy cái chế tạo, sinh nở nhiều loại máy nông nghiệp. Điều thú vị, những chiếc máy sáng chế của ông, vừa giảm chi phí, hiệu suất lao động cao, lại rất phù hợp với mặt bằng môi trường lao động ở nông thôn VN.
Khát vọng lớn ở người nông dân ham tìm tòi kỹ thuật này đã đưa ông đến với những cánh bay tự chế. Chiếc máy bay, tuy chưa thành công- nhưng cũng đã khiến ông … thành nhân, khi dân gian trìu mến đặt cho ông cái tên nhà khoa học “Hai Lúa” Trần Quốc Khải. Đủ thấy khát vọng sáng tạo của người nông dân Trần Quốc Khải chưa bao giờ có điểm dừng.
Chỉ có điều, rất có thể những ham mê chế tạo đó mãi mãi ở góc trời miền đông Nam Bộ mà thôi, nếu không có một cơ may bất ngờ. Cơ may đó đưa tên tuổi ông vượt qua lũy tre làng, vượt qua biên giới nước Việt và rạng rỡ ở ngay một quốc gia đang có những bước đi lên đáng chú ý- Campuchia. 
Từ người nông dân đến một Đại tướng quân, là khoảng cách của niềm say mê học hỏi và sáng tạo vô hạn.
Cơ may đó bắt đầu từ sự run rủi thường tình. Qua nước bạn để hỗ trợ kỹ thuật máy trồng mì tại lữ đoàn 70, số phận lại đưa ông đến chỗ tự bỏ tiền túi 25000 USD để sửa xe bọc thép BRDM 2 (do Liên xô cũ sản xuất), cho quân đội CPC. Từ chiếc xe đầu tiên được ông sửa, vận hành giảm bớt nhiên liệu chỉ bằng một phần hai, các chức năng hoạt động lại mạnh hơn trước, ông đã sửa chữa thêm 10 chiếc xe bọc thép khác, và bắt tay vào nghiên cứu chế tạo một xe bọc thép với tính năng mới hoàn toàn (Tuổi trẻ, 10/11).
Sản phẩm chế tạo mới đó khỏi nói, gây chấn động thế nào với nước Việt quê hương. Ông không phải người đầu tiên thành công trên xứ người. Có hàng nghìn người Việt thành đạt trên xứ người, thậm chí lừng lẫy tên tuổi. Nhưng sự thành công của ông nó đặc thù quá, khác người quá. Bởi ông xuất thân chỉ là người nông dân.
Thế nhưng, trả lời phỏng vấn của báo chí, ông Trần Quốc Khải đã nói một câu, cũng rất đặc thù nước Việt: Ở xứ ta, mình chưa làm đã bị đặt câu hỏi: Anh có học không mà đòi làm. Nói thật, làm khoa học ở xứ mình buồn lắm!
Trước đó dư luận xã hội cũng đã xôn xao câu chuyện của ông Phan Bội Trân- (hậu duệ của nhà CM Phan Bội Châu) xuất khẩu 05 chiếc tàu lặn mini phục vụ du lịch sang Malaysia. Sau 05 chiếc đầu tiên này, 25 chiếc tàu lặn mini nữa sẽ được ông ký kết, và sản xuất, lắp ráp trực tiếp tại Malaysia.
Cả hai ông khi trả lời báo Một thế giới, ngày 12/11, đều buồn bã: Xuất ngoại là việc chẳng đặng đừng. Nhưng không có cách nào khác!
Nói cho công bằng, khái niệm làm khoa học của ông Trần Quốc Hải chưa chuẩn xác lắm. Bản chất những công việc của ông là công việc của một nhà kỹ thuật, có những sáng kiến cải tiến, thậm chí có những chế tạo. Nhưng sự thờ ở của những người có trách nhiệm, nỗi buồn của hai ông Phan Bội Trân, Trần Quốc Hải, và nhất là câu trả lời khiến ông Trần Quốc Hải cay đắng mãi- Anh chế (tạo) rất là giỏi, nhưng thôi đừng chế nữa, vô tình, đụng chạm đến những vấn đề bản chất nhất này:

Nghi án, hoa hồng, Đại tướng quân, xứ người, Ấn tượng trong tuần, Kỳ Duyên, hối lộ
Xe bọc thép mới do cha con ông Hải chế tạo. Ảnh: TTO

Xã hội nước Việt tuy rất hiếu học, trọng đạo học, nhưng ở góc độ khác, cũng là xã hội “hư học” (chữ của GS Hoàng Tụy), rất trọng “hư danh”. Từ xa xưa, người Việt đi học để làm quan, chứ chưa bao giờ học để… làm (việc). Bằng cấp, tự lúc nào như một tiêu chí  học vấn để tuyển dụng, đề bạt, thăng cấp. Điều đó không dở, nhưng nó trở thành sự “lập lờ đánh lận trắng đen” các giá trị thật, ảo trong thời buổi mua bằng, bán cấp dễ dàng. 
Cái tư duy trọng bằng cấp, trọng hư danh nghiễm nhiên tạo cho người Việt một tâm lý định kiến rạch ròi: Nghiên cứu, sáng tạo, sáng chế như một đặc ân, đặc tính của những người có học vấn, có bằng cấp, học vị nhất định, chứ không phải của những người nông dân chân đất.
Mặt khác, đời sống sinh hoạt dân chủ, và tâm lý xã hội tôn trọng sự khác biệt là điều mà nước Việt đang phải xóa đi khoảng cách còn rất… dài hiện nay. Trong cái khoảng cách đó, hiện tượng khác biệt của Phan Bội Trân, của Trần Quốc Khải đương nhiên khó có đất để nảy nở và phát triển, nếu không có cơ may tìm cách nương xứ người. Người viết bỗng nhớ đến cậu bé Đỗ Nhật Nam tài năng, dịch giả nhỏ tuổi nhất hiện nay, khi mới xuất hiện, đã phải hứng chịu biết bao “đá ảo” của dư luận. Đến nỗi một nhà báo từng viết bài thốt lên: Thiên tài sẽ không xuất hiện ở VN. Ai cho họ xuất hiện?
Cái câu hỏi ai cho họ xuất hiện còn bắt nguồn cả từ sự rắc rối của những quy định, những thủ tục hành chính nặng nề, nhiêu khê, tư duy quản lý kiểu hành chính, công chức, máy móc của những ngành chức năng có thẩm quyền trước những cái mới nảy sinh trong nghiên cứu, chế tạo. Vô hình chung, nó là cánh cửa “vũ môn” vô cùng nhỏ hẹp, mà chắc chắn những chế tạo của người như ông Trần Quốc Khải rất khó… hóa rồng.
Không biết sau những sự kiện ở nước người, nước Việt có sự thay đổi trong cách nhìn nhận, trong chính sách với những tài năng sáng tạo như ông Phan Bội Trân, ông Trần Quốc Hải, và như của bao nhà khoa học chân đất khác hay không? Trong khi những nghiên cứu khoa học sáng giá, những sáng chế có tầm vĩ mô của hàng nghìn tiến sĩ, nhà khoa học được đào tạo bài bản lại quá… hẻo!
Cả hai vụ có “yếu tố nước ngoài”, dù xấu tốt, hay dở khác hẳn nhau, nhưng dư âm của nó đều cho thấy một điều- tư duy quản lý, nền quản trị quốc gia từ vĩ mô tới vi mô của nước Việt đang phải Bâng khuâng đứng giữa hai dòng nước/ Chọn một dòng hay để nước trôi? 
Vâng. Chọn dòng tư duy văn minh, văn hóa mềm dẻo, thực tiễn của nhân loại hay… ngược lại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét