(Thị trường) - Việt Nam rất thích nhập máy móc rẻ của Trung Quốc, thậm chí khi nhập lại có "quà" nên chẳng tội gì mà không nhập.
ThS Bùi Ngọc Sơn, Trưởng phòng Kinh tế Quốc tế, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị Thế giới trao đổi với Đất Việt về con số nhập siêu quá lớn từ Trung Quốc.
PV: - Bộ Công thương vừa cho biết, tính đến 10 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã xuất siêu 1,9 tỷ USD. Tuy nhiên, theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng qua, Việt Nam đã nhập siêu từ Trung Quốc 20,17 tỷ USD. Nếu đà nhập siêu này vẫn duy trì ở mức này, hết năm nay, còn số nhập siêu từ Trung Quốc có thể chạm hoặc vượt mốc 27 tỷ USD, tăng gần 3,3 tỷ USD so với mức nhập siêu cả năm 2013.
Thưa ông, trong khi vấn đề xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đã được chỉ rõ là do đối tác làm khó, việc nhập khẩu vẫn tăng mạnh như vậy biểu hiện mối quan hệ của nền kinh tế Việt Nam - Trung Quốc như thế nào? Lựa chọn hiện nay của Việt Nam có phù hợp không và vì sao?
ThS Bùi Ngọc Sơn: - Trung Quốc đang có chiến dịch thải loại các công nghệ cũ, lạc hậu trong khi Việt Nam rất thích nhập máy móc rẻ của Trung Quốc, thậm chí khi nhập lại có "quà" nên chẳng tội gì mà không nhập.
Cứ nhìn con số nhập khẩu móc máy, thiết bị tăng lên rất nhanh thì rõ. Trong 9 tháng đầu năm, trị giá nhập khẩu máy móc, thiết bị là 16,2 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái và Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất cung cấp mặt hàng này cho Việt Nam trong 9 tháng đầu năm với trị giá nhập khẩu 5,69 tỷ USD, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đúng là Trung Quốc có bài gây khó dễ cho Việt Nam trong xuất khẩu nhưng trên thực tế, Việt Nam có gì xuất sang Trung Quốc ngoài mấy quả nhãn, quả vải, khoáng sản thô? Kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại nên nhập khẩu khoáng sản không nhiều như trước đây. Cứ cho là Việt Nam xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc tăng nhưng tăng được mấy đồng? Chẳng bao nhiêu cả!
Bởi thế, nói Trung Quốc gây khó dễ cũng chẳng phải ghê gớm hay thường xuyên gì. Đấy là chưa kể một số hoa quả của Trung Quốc tự trồng được và bán ngược về Việt Nam nên thử hỏi Việt Nam xuất được cái gì, trong khi đó Trung Quốc lại thải những hàng hóa rẻ, công nghệ rẻ và Việt Nam hứng. Tại Việt Nam, các quy tắc về tiếp nhận công nghệ rẻ, lạc hậu không rõ ràng hoặc không đủ sức để ngăn chặn.
Đó là nói về xuất nhập khẩu hai chiều với Trung Quốc. Còn khi Việt Nam tham gia Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà không có được ngành công nghiệp của mình, như dệt may chẳng hạn, thì rõ ràng Việt Nam xuất khẩu hộ cho Trung Quốc.
Cứ nói lợi thế xuất khẩu từ Việt Nam nhưng thực tế có thể là Trung Quốc bên trong, thậm chí Việt Nam còn bán hộ hàng cho Trung Quốc dưới danh nghĩa của người Việt. Khóa Minh Khai nhập hàng Trung Quốc về rồi dập chữ Minh Khai, sang Bát Tràng cũng toàn hàng Trung Quốc! Đấy là Việt Nam đang bán hàng hộ cho Trung Quốc và bán cho chính người nhà của mình! Làm ăn kiểu đó thì trách sao quốc gia không thịnh vượng, trách sao không lệ thuộc vào Trung Quốc.
Máy móc và linh kiện nhập khẩu từ Trung Quốc là đầu vào quan trọng cho ngành lắp ráp của Việt Nam. |
PV: - Nhiều chuyên gia đã chỉ rõ, cùng với việc chuyển đầu tư dệt may, da giày từ Trung Quốc sang Việt Nam, đang có một làn sóng nhập công nghệ rác thứ hai từ Trung Quốc. Điều đó liệu có lý giải cho con số nhập siêu nói trên hay không? Ông bình luận như thế nào về thực tế này?
ThS Bùi Ngọc Sơn: - Như tôi đã nói ở trên, trong tình thế kinh tế Việt Nam bán được hàng ít mà nhập khẩu tăng lên thì đương nhiên phải nhập siêu.
PV: - Xét về lợi ích, Việt Nam đang là đối tác "vàng" của Trung Quốc khi đang có dự định nhập về những sản phẩm Trung Quốc muốn thải đi trong quá trình tiến lên nền sản xuất phát triển hơn của họ. Tuy nhiên, trong mối quan hệ với nền kinh tế này,Việt Nam dường như lại luôn chịu lép vế. Để xảy ra tình trạng đó, lỗi là do phía doanh nghiệp Việt Nam hay từ phía nào, thưa ông? Xin ông phân tích cụ thể về vấn đề này.
ThS Bùi Ngọc Sơn: - Không thể đổ lỗi cho doanh nghiệp bởi doanh nghiệp phải vận hành trên cơ sở của lợi ích trên thị trường. Không thể đổ rằng doanh nghiệp hám lợi nên nhập công nghệ lạc hậu về. Họ mua máy hiện đại, chất lượng tốt về nhưng thị trường thế này biết bán cho ai?
Đấy là lỗi trong đường hướng chung của vĩ mô, các chính sách để tạo ra chi phí cho việc nhập khẩu ở Việt Nam rất yếu kém, chưa ai quan tâm, nếu có quan tâm cũng chẳng làm được. Đến cái ụ nổi nước ngoài vất đi mà Việt Nam còn rước về được hay vụ Bio-Rad vừa rồi... Là vì doanh nghiệp nhà nước đông như thế, đi nhập hàng, mua hàng về đều có hoa hồng thì tại sao không làm? Bởi thế, máy chỉ cần nhập về, lắp đặt cho nó chạy ra sản phẩm là đã thành công, còn hỏng hóc thế nào, sản phẩm không bán được, chất lượng kém thì không cần biết.
Nếu là doanh nghiệp tư nhân họ phải tính toán rõ ràng máy móc vận hành thế nào, giá cả ra sao, có phù hợp với luật pháp Việt Nam hay không, làm sao bán được hàng thu tiền về bù vào chi phí đã bỏ ra mua máy... Đấy là vấn đề khác biệt vô cùng lớn giữa sở hữu tư nhân và sở hữu nhà nước. Chính vì thế tại sao người ta cứ nói sở hữu công cộng, sở hữu nhà nước bao giờ cũng không hiệu quả.
PV: - Trong khi đó, đứng từ góc độ của Việt Nam, chỉ đi sau tiếp nhận công nghệ Trung Quốc, hiện Việt Nam đang bó tay với những đơn hàng của các doanh nghiệp FDI lớn trên địa bàn, kết quả chỉ tham gia trong chuỗi sản xuất với vai trò gia công (vụ việc Samsung, doanh nghiệp ôtô Nhật, Hàn Quốc... đầu tư ở Thái Lan, Malaysia thay vì Việt Nam).
Điều này chứng tỏ năng lực sản xuất của Việt Nam đang ở mức nào thưa ông? Liệu Việt Nam có thể hội nhập được khi cứ mãi phụ thuộc vào Trung Quốc như vậy?
ThS Bùi Ngọc Sơn: - Năng lực của Việt Nam đang ở mức thấp nhất - mức lắp ráp - chẳng sản xuất được cái gì. Doanh nghiệp ngoại vào muốn mở rộng đầu tư thì phải có lực lượng hỗ trợ bên trong, đằng này chính sách của Việt Nam chỉ khuyến khích lắp ráp rồi xuất khẩu, hoặc nhập về để bán thì làm sao có thể phát triển được.
Việt Nam sẽ vẫn hội nhập được nhưng theo kiểu phụ thuộc và trở thành đất để cho nước ngoài làm ăn chứ chẳng kiếm được gì cho mình.
PV: - Cũng ý kiến trên cho rằng, Việt Nam dù đặt quyết tâm vẫn khó thoát khỏi việc nhập công nghệ lạc hậu bởi lẽ: về giá bán, Trung Quốc sẵn sàng bán giá siêu rẻ; về yêu cầu kỹ thuật để vận hành, công nghệ Trung Quốc rất dễ tính, phù hợp với trình độ nhân lực thấp như Việt Nam. Nếu đồng tình với quan điểm trên, liệu có thể hiểu, việc "thoát Trung" phải dựa vào nội lực của bản thân nền kinh tế mà điều này đang thiếu ở Việt Nam?
ThS Bùi Ngọc Sơn: - Việt Nam có gì để mà dựa lưng khi chút tiền kiếm được lại nằm nhiều nhất trong mấy doanh nghiệp thuộc khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và chủ yếu dựa trên hàng hóa gia công lắp ráp từ nguyên liệu nhập khẩu. Doanh nghiệp trong nước ráo mồ hôi là hết tiền, đào của trong nhà đem đi bán, trong tay không có công nghệ lẫn thị trường tiêu thụ. Bởi thế đừng cho rằng có thể dựa vào nội lực nền kinh tế mà "thoát Trung".
PV: - Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét