Thứ Sáu, 21 tháng 11, 2014

Bộ trưởng Nguyễn Quân: 'Tôi dám ngồi tàu ngầm vì tin nhà khoa học'

19-11-2014
Hương Thu

Bày tỏ sự tin tưởng, đánh giá cao những phát kiến của người dân, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ nhắn nhủ, người sáng chế cần hợp tác với các cơ quan khoa học để sản phẩm được lưu hành, việc thương mại hóa được thuận lợi. 
Trong phần chất vấn của Quốc hội với Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sáng nay có câu hỏi liên quan đến động thái của ngành  khoa học công nghệ với các sáng kiến, cải tiến của người dân. Bộ trưởng Nguyễn Quân được Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đề nghị trả lời.
nguyenquan3-3374-1416380820.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Quân tham gia trả lời chất vấn quốc hội sáng 19/11. Ảnh: Quang Dũng.
"Vừa rồi, Bộ trưởng đã trực tiếp đi giám sát các đề tài khoa học của các doanh nghiệp tư nhân. Đích thân Bộ trưởng có xuống tàu Hòa Bình. Bộ trưởng đánh giá gì và có giải pháp ra sao để phát huy nội lực của doanh nghiệp, nông dân?", đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo đặt câu hỏi.

Dẫn ra ba trường hợp đang được người dân quan tâm là tàu ngầm Trường Sa của ông Nguyễn Quốc Hòa (Thái Bình), tàu ngầm Yết Kiêu của ông Phan Bội Trân (TP HCM) và tàu ngầm Hòa Bình của một số nhà khoa học và doanh nhân thuộc tập đoàn Vinashin, Bộ trưởng Quân khẳng định: "'Chúng tôi luôn trân trọng tất cả sáng kiến, cải tiến của người dân. Nhưng chúng ta bước vào thế kỷ 21 được hơn 10 năm, hội nhập quốc tế sâu rộng, nên mọi sản phẩm để cung ứng cho xã hội phải có giá trị nhất định, phải được xã hội và nhất là thị trường chấp nhận".
Để hỗ trợ sáng kiến của người dân, Bộ Khoa học và các đơn vị liên quan đã tổ chức các hội chợ thiết bị hàng ngăm như Techmart. Tại đây, tác giả của các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật sẽ có cơ hội giới thiệu sản phẩm của họ tới cộng đồng. Nhiều doanh nghiệp đã tiếp cận, đầu tư và thực tế không ít sáng kiến đã được ứng dụng.
Tuy nhiên, theo người đứng đầu ngành khoa học, lĩnh vực tàu ngầm, máy bay ở mức độ cao liên quan đến an ninh quốc phòng, nên để sử dụng cần phải tuân thủ quy định của pháp luật.
"Chúng tôi đã cử cán bộ đến làm việc với người dân và những người có sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Bên cạnh những nông dân hợp tác với nhà khoa học để trao đổi và được hỗ trợ thiết kế chế tạo, lại có một số người lặng lẽ làm mà cơ quan quản lý không được biết. Đến khi họ đưa ra thử nghiệm thì cơ quan quản lý không thể xử lý được, vì đã thiết kế và chế tạo xong", Bộ trưởng Quân nói.
ần đầu tiên Việt Nam làm chủ quy trình thiết kế tầu lặn đạt tiêu chuẩn quốc tế. Ảnh do Trung tâm truyền thông khoa học công nghệ cung cấp.
Tàu lặn Hòa Bình được thử nghiệm thành công ở Cam Ranh (Khánh Hòa). Ảnh: Trung tâm truyền thông khoa học công nghệ.
Riêng với tàu lặn Hòa Bình do nhóm các nhà khoa học cũ của Vinashin cùng với một số nhà khoa học khác bên ngoài tự bỏ vốn, thiết kế chế tạo, Bộ trưởng Quân cho biết, tàu có thể chở được 4 người, lặn tối đa 2 ngày và ở độ sâu 50 mét. Nhóm khoa học này cũng đã mời cơ quan đăng kiểm của Bộ Giao thông, cùng các cơ quan khoa học trong nước và đại diện Bộ Quốc phòng cùng tham gia.
"Tàu Hòa Bình có thể được thương mại hóa để thành sản phẩm giúp cho việc kiểm tra các chân đế giàn khoan, phục vụ du lịch, cứu hộ cứu nạn ở vùng nước không sâu", Bộ trưởng Quân nói.
"Tôi đã trực tiếp ngồi vào con tàu và lặn ở Cam Ranh khi thử nghiệm và kết quả rất thành công ở tất cả các thông số. Tôi dám ngồi vào tàu bởi tôi hoàn toàn tin tưởng vào trình độ, năng lực của những người làm khoa học, với sự bảo lãnh của cơ quan đăng kiểm nước ngoài", Bộ trưởng Quân nhấn mạnh.
Dù Bộ Khoa học và Công nghệ đã cố gắng hỗ trợ hơn 5 tỷ đồng trong tổng số 28 tỷ đồng để chế tạo con tàu, nhưng do hệ thống chính sách chưa phù hợp vì vậy Bộ chỉ quyết toán được chưa đến ba tỷ đồng (khoảng 10% giá trị con tàu).
Tàu Hòa Bình có giá chưa đến 1,5 triệu USD, trong khi nếu mua ở nước ngoài đến 5-7 triệu USD; thậm chí là giá thuê tàu nước ngoài trong ba ngày còn đắt hơn mua tàu lặn của Việt Nam.
Bộ trưởng Quân mong muốn người dân khác hợp tác chặt chẽ với các cơ quan khoa học, quản lý để sản phẩm khi làm ra được đánh giá tốt, được phép lưu hành và được hỗ trợ thương mại hóa. Điều này còn liên quan đến an toàn quốc gia, an toàn của người dân, bởi trong quá trình sử dụng các trang thiết bị có thể chưa phù hợp với quy định, chưa được đăng kiểm, hoặc chưa theo tiêu chuẩn.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng hoan ngênh Bộ trưởng Quân dám ngồi vào con tàu để thử nghiệm; Đồng thời, nhắc nhở Bộ Khoa học cần có ý kiến với Chính phủ để có hỗ trợ trong cơ chế chính sách, để giúp các cá nhân có sáng kiến sáng chế như trên. 
Tham giả trả lời về giải pháp nâng cao lao động, Bộ trưởng Quân dẫn các con số như năng suất lao động Việt Nam thấp hơn 2 lần so với ASEAN; thấp hơn 14 lần so với Singapore. Theo Bộ trưởng, năng suất lao động của Việt Nam phụ thuộc vào việc tái cơ cấu nền kinh tế. Giải pháp được vị Bộ trưởng này đưa ra là Bộ đang xây dựng các chương trình quốc gia về khoa học công nghệ như phát triển các ngành công nghiệp cao, hỗ trợ doanh nghiệp khoa học công nghệ...
Để phát triển công nghiệp phụ trợ, ông Quân cho rằng cần chọn ra được sản phẩm quốc gia chính; tập trung vào sản phẩm mang lại thương hiệu và giá trị cho đất nước. Ví dụ trong nông nghiệp, nếu Việt Nam lựa chọn lúa gạo là sản phẩm quốc gia thì phải xây dựng hệ thống công nghiệp phụ trợ hỗ trợ cho sản phẩm lúa gạo, bao gồm từ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, máy chế biến nông cụ.
Hương Thu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét