Thứ Hai, 5 tháng 5, 2014

ĐỘC LẬP – DÂN TỘC – DÂN CHỦ TRONG KỶ NGUYÊN “HẬU-UKRAINE”


(Theo VHNA, 4-5-2014)

VHNA từng nhận được nhiều quan tâm của bạn đọc về tình hình Crimea, vì những lo ngại rằng Trung Quốc có thể “theo gương” ông Putin. Nỗi lo càng tăng, vì các nước trong vùng này đến nay vẫn chưa có một chiến lược chung để đối phó.
Dưới đây là cuộc trao đổi của VHNA với GS-TS Trần Ngọc Vương, Đại học Quốc gia Hà Nội và TS Đinh Hoàng Thắng, Trung tâm Minh triết Việt với phóng viên VHNA về những hiệu ứng của biến cố Ukraine đối với tranh chấp lãnh hải/lãnh thổ giữa Trung Quốc với các nước khu vực.

“Điều trớ trêu do lịch sử bang giao giữa hai nước để lại, là Trung Quốc không mấy “quan tâm” đến câu chuyện Việt Nam. Trong con mắt của Trung Quốc cũng như của một số nước, điều đáng tiếc là Việt Nam bị coi như một vệ tinh quay quanh “quỹ đạo” Trung Quốc. Trong khi nhiều nước châu Á cũng có quan hệ liên thuộc nhiều mặt với Trung Quốc nhưng họ không “bị coi” như thế. Có thể ở đây là do vấn đề lý tưởng chính trị hay “cộng thông ý thức hệ”, ta bị rơi vào một trạng huống bất lợi hơn so với nhiều nước khác trong vùng. Tình thế càng nguy hiểm, nếu như có một lực lượng nào đấy trong nội bộ lại nuôi ảo vọng vào “chiếc ô” ý thức hệ của Trung Quốc để bảo vệ một thứ quyền lực hay lợi ích nhóm nào đấy. Nguy hiểm, vì nếu điều đó xẩy ra, Việt Nam sẽ trở về với thân phận một “phiên quốc” như trong lịch sử trước đây, và thậm chí đấy sẽ là một “phiên quốc” khá hiếm hoi trong thời đại ngày nay. Và khi sức đề kháng đã yếu thì dĩ nhiên mọi “lây nhiễm” đều có thể xẩy ra, cho dù là ở quy mô quốc gia hay khu vực”.GS Trần Ngọc Vượng.

PV: Thế giới đang lo ngại trước biến cố Crimea, hơn thế nữa trước diễn tiến ngày càng phức tạp ở Ucraine hiện nay. Các ông có suy nghĩ gì về tình hình Ukraine và tác động của nó đến các tranh chấp trên Biển Đông hiện nay?

GS Trần Ngọc Vương: Trước hết phải thấy rằng, dân tộc Nga là một dân tộc tương đối thuần nhất với ba nhánh Đại Nga, Tiểu Nga (Ukraine) và Bạch Nga. Những người Slavơ nói chung, từ lịch sử xa xưa vẫn cho rằng, người lãnh đạo hợp pháp duy nhất của ba nhánh đó là Nga hoàng. Tâm thế này từng có một khúc quanh quan trọng dưới thời Xô-viết, nhưng về cơ bản cho đến nay vẫn không thay đổi nhiều, dù không còn một Nga hoàng như ngày xưa. Nói điều này để chúng ta phần nào hiểu được căn nguyên hành xử (the source of conducts) của lãnh đạo nước Nga trong vụ Ukraine. Là người Nga, điều dễ hiểu là họ ủng hộ ông Putin trong vụ lấy lại Crimea.

Nhưng không nên đơn giản hóa vụ Ukraine chỉ là cuộc đối đầu Nga-Mỹ. Nhìn như vậy là bỏ quên tác nhân chính trong cuộc khủng hoảng này, đó là 45 triệu người dân Ukraine. Chính người dân Ukraine đã khởi đầu các biến cố. Họ đã thành công nhưng cũng gánh chịu hậu quả. Crimea bị sáp nhập và các tỉnh phía Ðông, giáp ranh với Nga hiện xung đột đang diễn ra dữ dội. Ý đồ của ông Putin là biến Ukraine thành liên bang, để cho ba tỉnh miền Ðông có quy chế tự trị. Ðối với người dân Ukraine, đó là ý đồ chia cắt đất nước, làm cho chính phủ trung ương suy yếu và gia tăng ảnh hưởng của Nga. Tình hình có thể còn tiếp tục biến động khi Mỹ và phương Tây cứng rắn hơn đối với Nga hay là việc trưng cầu dân ý được công khai và minh bạch hóa.

HỆ LỤY CỦA BIẾN CỐ UKRAINE

Vấn đề tranh chấp Biển Đông hẳn nhiên có nhiều điểm giống và khác nhau so với tranh chấp ở Ukraina. Điểm giống căn bản là cả hai đều là những tranh chấp về địa-chính trị. Ở Ukraine, một bên là Mỹ, các nước EU, đương nhiên phải kể đến người dân Ukraine, còn bên kia là Nga. Tranh chấp Biển Đông, đặc biệt là cuộc đấu lý xung quanh “đường lưỡi bò” thì một bên là Mỹ, thêm một số nước ASEAN, đương nhiên có Việt Nam, còn bên kia là Trung Quốc. Mỹ trên danh chính ngôn thuận không bày tỏ thái độ về các tranh chấp chủ quyền, nhưng Washington đã nhiều lần tuyên bố, Mỹ quan tâm đến tự do hàng hải trên Biển Đông, coi đây là lợi ích quốc gia (trong khi Trung Quốc thì coi vấn đề Biển Đông là lợi ích cốt lõi) và theo Mỹ, các tranh chấp hiện nay phải được giải quyết trên cơ sở của luật pháp quốc tế, theo những cơ chế đa phương. Nhưng Trung Quốc phớt lờ luật quốc tế và chỉ đòi giải quyết tranh chấp theo từng kênh song phương riêng rẽ. Những năm gần đây, do thái độ hung hăng của Trung Quốc không chỉ trên Biển Đông mà còn lan rộng sang cả Biển Hoa Đông nên tình hình ở đây được giới chuyên gia ví như một nồi hơi, như một vạc dầu đang sôi của châu Á (Asia’s Cauldron).
Tôi muốn nhắc lại, sự giống nhau giữa hai khu vực Á và Âu là sự cạnh tranh khốc liệt về địa-chính trị giữa các cường quốc. Các nước liên quan, dù quyền lợi hết sức sát sườn, nhưng cũng chỉ là những con tốt, con xe trên bàn cờ các nước lớn. Do vị trị địa-chính trị của mình, Việt Nam đã luôn “can dự” vào các cuộc đọ sức giữa những gã khổng lồ. Giờ đây, một lần nữa, cả dân tộc lại phải chuẩn bị “gồng mình” để chống đỡ, để đối phó, do đó, phải hết sức tỉnh táo và cảnh giác, chứ không thể chỉ ngồi bình luận như khi xem bóng đá, thậm chí còn hướng dẫn nhau phải viết báo tuyên truyền theo kiểu giống như của nước này hay của nước nọ…
TS Đinh Hoàng Thắng: Tôi chia sẻ với GS Trần Ngọc Vương với ý thức rằng, mọi so sánh đều khập khiễng. Có sự giống nhau đấy, nhưng cũng có nhiều thứ khác nhau, nhất là về các thành phần tham gia xung đột và những động cơ bên trong. Tuy nhiên, ở đây, tôi không muốn đi sâu vào phân tích so sánh các khía cạnh giống và khác nhau của vấn đề. Tôi chỉ muốn nhìn thẳng vào 5 hệ lụy của biến cố Ukraine đối với Biển Đông mà chắc nhiều người cũng thấy. Hệ lụy thứ nhất, cuộc tranh giành bên trời Âu chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến chiến lược “xoay trục” của Mỹ. Bằng những tính toán số học đơn thuần cũng có thể hình dung ra điều này. Hệ lụy thứ hai, gắn với hệ lụy thứ nhất, Trung Quốc có thể sẽ “rộng chân” hơn trong việc triển khai chính sách “lấy mạnh bắt nạt yếu”. Từ nay, chúng ta sẽ tiếp tục nghe và bị chứng kiến các loại chiến thuật của Trung Quốc trên Biển Đông, từ “bóc cải bắp” đến “xắt xúc-xích”, từ “chiếc gậy nhỏ” đến “tằm ăn dâu”…
Hệ lụy thứ ba, sẽ rất khó để chúng ta nắm bắt được nội hàm “mô hình mới” của quan hệ Trung-Mỹ mà ông Tập Cận Bình từng đưa ra trong cuộc gặp riêng với ông Obama tại Sunnylands cách đây mấy năm. Mùa thu tới, ông Obama lại sẽ đi Trung Quốc sau chuyến thăm châu Á cuối tháng này. Liệu hai nhà lãnh đạo có vạch ra “làn ranh đỏ” cho nhau ở châu Á mà mỗi bên không nên vượt qua? Có điều chắn chắn, hai cường quốc này sẽ cố gắng thiết kế một mô hình quy định khả năng lẫn giới hạn của hợp tác và cạnh tranh trong kỷ nguyên mới. Mỹ sẽ hành động như thế nào nếu Trung Quốc đánh úp hay tiếp tục “gặm nhấm” từng phần biển đảo của Việt Nam. Nhiều khả năng là Mỹ sẽ không làm gì! Ngay cả giới hoạch định chính sách ở Nhà Trắng cũng đang tranh luận về hành động của Mỹ đối với các đồng minh của họ (tức là đối với những nước Mỹ có hiệp định về hợp tác an ninh, khi các nước đó bị Trung Quốc tiến công). Hệ lụy thứ tư là ASEAN tiếp tục có thể bị “tan đàn xẻ nghé”. Không cần dài dòng để thấy sức ì của ASEAN như một tổ chức vùng khi phải đối phó với Trung Quốc. Hệ lụy cuối cùng là những phức tạp mới trong quan hệ giữa “bộ đôi” Nga-Trung và “bộ ba” Mỹ-Nhật-Trung. Những điều chỉnh trong các “bộ đôi”, “bộ ba” này chắc chắn sẽ có ảnh hưởng thuận/nghịch không nhỏ đối với Việt Nam.
PV: Liệu không có tác động tích cực nào, theo các ông?
TS Đinh Hoàng Thắng: Đương nhiên là các nước sẽ cảnh giác cao hơn, sẽ có những cam kết rõ ràng hơn trong trách nhiệm đối với nhau. Những dàn xếp về an ninh giữa Mỹ-ASEAN, Mỹ-Nhật, Nhật-ASEAN… gần đây nhất đều có nhiều biến chuyển mới. Tất nhiên, nếu cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á ngày càng tăng cường thì lại có thể lại đẻ ra những hệ lụy mới. Một nghịch lý của chạy đua vũ trang là các nước liên quan càng cảm thấy an ninh của mình luôn bị đe dọa, do đó, cuộc chạy đua có thể bị cuốn vào một vòng xoáy mới, nguy hiểm hơn. Trong bối cảnh ấy, thế giới đang rất quan tâm đến chuyến thăm 7 nước châu Á trong năm nay của ông Obama (chia làm hai đợt) diễn ra vào thời điểm chính sách đối ngoại của Mỹ bị phân tán do các diễn tiến ở Ukraina và một vài nơi khác. Các nước trong vùng đang chú ý xem Hoa Kỳ phản ứng thế nào trước biến cố Ukraina để lấy đó làm chỉ dấu về khả năng Washington sẽ đối phó ra sao trước các hành vi lấn lướt của Trung Quốc trong tương lai.

“PHIÊN QUỐC” KHÁ HIẾM HOI…

PV: Nhưng liệu kịch bản Ukraine có bị Trung Quốc lặp lại trên Biển Đông?

GS Trần Ngọc Vương: Lặp lại được hay không, phải nhìn vào tương quan giữa Nga và giữa Trung Quốc với thế giới bên ngoài. Chưa tính những khía cạnh khác, như về tiềm lực quân sự hay truyền thống chinh chiến…, chỉ tính riêng về nguồn lực tài nguyên, có thể nói nước Nga được thiên nhiên ưu đãi và nhiều quốc gia trên thế giới hiện phải phụ thuộc vào dầu khí của Nga. Trong khi đó, muốn gây sự lớn với các nước, Trung Quốc không có cái thế ấy. Đấy là chưa nói, sau hơn 30 năm phát triển, Trung Quốc giờ đây, trên ý nghĩa nhất định, đang trở thành một lục địa hoang dã, tài nguyên cạn kiệt. Ô nhiễm môi trường đã vượt qua giới hạn báo động đỏ. Tóm lại, Trung Quốc đang đối mặt với một số kịch bản bi thảm về phát triển. Hầu hết các nhà nghiên cứu có viễn kiến đều đang nghĩ về một cuộc “hạ cánh” rất cồng kềnh của đế chế Trung Hoa. Đương nhiên là các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc cũng nhận ra các nguy cơ này và đang điều chỉnh chính sách. Nhưng vấn đề ở đây là những điều chỉnh mang tính chiến thuật không thể giải quyết được các khủng hoảng mang tính cơ cấu và tính chiến lược để có thể đối phó với những hệ lụy tích tụ từ 30 năm phát triển bất bình thường.
TS Đinh Hoàng Thắng: Muốn dự báo, chúng ta phải tập hợp thêm các biến số ngoại lai. Nếu rồi đây, Trung Quốc tuyên bố thành lập ADIZ (khu vực nhận dạng phòng không) trên Biển Đông thì rõ ràng Trung Quốc có tính đến việc lợi dụng tình hình “hậu-Ukraine”. Cái gì đặc trưng cho “hậu-Ukraine”? Hãy nhớ rằng, mới đây, Nga vừa đúc một đồng xu mới để đánh dấu sự kiện “tái sáp nhập” Crimea vào Liên bang Nga. Chân dung của ông Putin ở một mặt, còn mặt bên kia là bản đồ của Crimea. Rõ ràng ông Putin muốn đóng dấu ấn cá nhân vào lịch sử. Ông Obama trong khi đó, dường như kém tự tin hơn, khi chính bản thân ông cũng thốt lên rằng, trừng phạt Nga chưa chắc đã mang lại hiệu quả. Sự bấp bênh trong ý chí chính trị của Mỹ thể hiện: thứ nhất, trên cấp độ chiến lược, không loại trừ sự chập chững giữa “chủ nghĩa biệt lập” với “trách nhiệm toàn cầu”; thứ hai, trên cấp độ đồng minh Mỹ-Âu, Mỹ-Á đều có thể bị phân hóa ở chừng mức nhất định; và thứ ba, trên cấp độ đối sách, chủ trương của ông Obama trước hết do những nhu cầu nội bộ trong nước Mỹ (các cuộc bầu cử) quyết định. Trong ván cờ “hậu Ukraine”, ông Putin có thể luôn đi bước trước, Mỹ/EU chủ yếu đối phó, đến một tương quan nhất định nào đó, phương Tây và Mỹ sẽ cầu hòa.

Trong bối cảnh nói trên, Trung Quốc có thể nhận ra mình đang có một cơ hội. Tuy nhiên, luôn luôn có khoảng cách giữa tham vọng và khả năng hành động của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Nếu đi sâu phân tích, thực trạng của Trung Quốc còn nhiều khía cạnh phức tạp hơn bức tranh mà GS Vương phác thảo ở trên. Nhưng phức tạp và khó khăn đến mấy cũng không ngăn cản Trung Quốc đeo bám chiến thuật đã tồn tại hàng ngàn năm nay, ví dụ như “tằm ăn dâu” hay “chiếc gậy nhỏ”. Thậm chí, nhiều khi để “xả xú-páp” những căng thẳng trong nước, Trung Quốc sẽ đẩy các phiêu lưu ra bên ngoài. Tích tiểu thành đại, lấn lướt từng đảo nhỏ, tiến đến lấn chiếm vùng biển rộng lớn hơn. Ví như Trung Quốc đã xây dựng hẳn cả một thành phố Tam Sa trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của ta. Hẳn nhiên, việc Trung Quốc lấn chiếm, hành động bất chấp đạo lý và pháp lý như thế dẫn đến những hệ lụy nhất định. Không loại trừ khả năng Trung Quốc đánh chiếm hoặc tập kích biển đảo của Việt Nam một cách bất ngờ tại những tình huống mà Trung Quốc cho là thuận đối với họ. Để đối phó với kịch bản này, bên cạnh sức mạnh phòng thủ, công việc vận động quốc tế trên mọi phương diện, ngay cả tranh thủ dư luận người dân Trung Quốc là vô cùng quan trọng.

GS Trần Ngọc Vương: Tôi muốn bổ sung thêm một ý về quan hệ Việt-Trung hiện nay. Đây là một góc nhìn thiết yếu để đánh giá nguy cơ “lây nhiễm” của biến cố Ukraine. Điều trớ trêu do lịch sử bang giao giữa hai nước để lại là Trung Quốc không mấy “quan tâm” đến câu chuyện Việt Nam. Trong con mắt của Trung Quốc cũng như của một số nước, điều đáng tiếc là Việt Nam bị coi như một vệ tinh quay quanh “quỹ đạo” Trung Quốc. Trong khi nhiều nước châu Á cũng có quan hệ liên thuộc nhiều mặt với Trung Quốc nhưng họ không “bị coi” như thế. Có thể ở đây là do vấn đề lý tưởng chính trị hay “cộng thông ý thức hệ”, ta bị rơi vào một trạng huống bất lợi hơn so với nhiều nước khác trong vùng. Tình thế càng nguy hiểm, nếu như có một lực lượng nào đấy trong nội bộ lại nuôi ảo vọng vào “chiếc ô” ý thức hệ của Trung Quốc để bảo vệ một thứ quyền lực hay lợi ích nhóm nào đấy. Nguy hiểm, vì nếu điều đó xẩy ra, Việt Nam sẽ trở về với thân phận một “phiên quốc” như trong lịch sử trước đây, và thậm chí đấy sẽ là một “phiên quốc” khá hiếm hoi trong thời đại ngày nay. Và khi sức đề kháng đã yếu thì dĩ nhiên mọi “lây nhiễm” đều có thể xẩy ra, cho dù là ở quy mô quốc gia hay khu vực.

PV: Có thể có một sự so sánh nào đấy về những cam kết của Hoa Kỳ đối với biển Hoa Đông và đối với Biển Đông trong tình hình hiện nay?

TS Đinh Hoàng Thắng: Tôi nhìn nhận hai vùng biển này có những ưu tiên khác nhau trong chính sách của Hoa Kỳ, mặc dầu về chiến lược đều quan trọng ngang nhau. Thậm chí, đối với Mỹ, Biển Đông có thể còn “nhỉnh” hơn. Mất tự do đi lại trên Biển Đông, Mỹ sẽ mất điểm mạnh về hàng hải, vốn là thế độc tôn của hải lực Hoa Kỳ khắp các đại dương. Có điều là, qua chuyến thăm bốn nước châu Á vừa rồi của Tổng thống Mỹ, ta có thể thấy rõ sự giống và khác nhau giữa hai loại cam kết. Ở cả hai vùng biển, Mỹ đều cảnh cáo Trung Quốc không được bắt nạt các nước yếu hơn, phải giải quyết tranh chấp chủ quyền thông qua con đường ngoại giao và Luật Biển LHQ (UNCLOS). Ý nghĩa mới ở đây là những cảnh cáo này đích thân do chính Tổng thống đưa ra, tuy những điều này các quan chức cấp cao trong chính quyền Obama cũng từng nói và châu Á (ngoại trừ Trung Quốc) đang rất muốn nghe. Tuy nhiên, nội hàm cam kết thì có khác nhau. Trên biển Hoa Đông, Mỹ có hiệp ước an ninh với Nhật Bản và lần này, ông Obama nói thẳng là sẽ đặt việc bảo vệ đảo Senkaku trong khuôn khổ hiệp ước. Trên Biển Đông, Mỹ không cam kết như thế, mặc dầu Mỹ cũng có hiệp ước an ninh với Manila. Có thể đây là điều làm Philippines và một số nước khác thất vọng. Lý do tại sao thì cần tìm hiểu kỹ hơn, những có một lý do có thể tính đến là do tình trạng chia rẽ của ASEAN hiện nay. Mình không đoàn kết để tự bảo vệ lấy nhau thì người ngoài người ta do dự là chuyện thường tình.

TÁC ĐỘNG ĐỐI VỚI ĐÔNG Á

PV: Nhưng vừa qua, Hoa Kỳ và Nhật Bản vẫn thống nhất và mạnh mẽ cảnh báo Trung Quốc không được lặp lại kịch bản Crimea ở châu Á? Những hệ lụy có thể có của tình hình Ukraine đối với các tranh chấp ở Đông Á nói chung?

TS Đinh Hoàng Thắng: Người lên tiếng đầu tiên về hệ lụy của Ukraine đối với châu Á không ai khác chính là Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ông Abe đã tuyên bố trong cuộc gặp với Bộ trường Quốc phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel tháng trước rằng, sau khi chứng kiến những gì xẩy ra ở Ukraine thì việc sử dụng vũ lực để thay đổi nguyên trạng là không thể chấp nhận (ông ám chỉ Trung Quốc không thể tấn công để chiếm đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp). Nhưng sự thay đổi ngoạn mục hơn phải nói là từ chính phía Hoa Kỳ. Nếu chúng ta nhớ rằng, trước đây Mỹ chưa tỏ thái độ rõ rệt đối với các quần đảo tranh chấp, nhưng vừa rồi thì có khác đấy. Mỹ nhấn mạnh các cam kết trong hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật, bảo đảm rằng hiệp ước ấy có hiệu lực để bảo vệ các đảo đang tranh chấp, đặc biệt là tuyên bố của Bộ trưởng Hagel cực lực phản đối bất cứ hành động cưỡng ép đơn phương nào nhằm phá hoại quyền kiểm soát của Nhật Bản đối với quần đảo nói trên. Và đặc biệt là gần đây nhất, đích thân Tổng thống Mỹ đứng ra cảnh cáo Trung Quốc đừng “làm ẩu” trên cả hai vùng biển châu Á ấy.

GS Trần Ngọc Vương: Chính Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ cũng từng khẳng định rất quyết đoán rằng, các biện pháp trừng phạt Nga sau vụ Crimea là lời cảnh cáo cho chính Trung Quốc đừng nghĩ đến việc bắt chước hành động của ông Putin. Sở dĩ Mỹ có thái độ có vẻ kiên quyết hơn, theo tôi là do sự khác biệt trong chủ trương giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đối với các tranh chấp trên các biển châu Á hiện nay. Mỹ thì muốn Trung Quốc phải dàn xếp tranh chấp qua con đường ngoại giao, tôn trọng nguyên trạng, khi các bên ngồi xuống để bàn về giải pháp thì phải trên căn bản của Luật Biển 1982 của LHQ (UNCLOS), Mỹ nhiều lần khuyến nghị Trung Quốc nên cùng với ASEAN đi đến một COC như Trung Quốc đã hứa (suông) hơn 10 năm nay. Trong khi đó, như chúng ta đã biết, Trung Quốc khăng khăng bám giữ “đường chín đoạn”, không hề quan tâm đến luật pháp quốc tế và đang âm mưu đẩy lùi COC càng xa càng tốt.

TS Đinh Hoàng Thắng: Bàn về hệ lụy của Ukraine đối với Đông Á, chúng ta nên tìm cách giới thiệu rộng rãi hơn các công trình nghiên cứu mới đây của cả Trung Quốc lẫn Mỹ. Chúng ta đã nghe nói về cuốn “Giấc mộng Trung hoa” của một sỹ quan trong quân đội Trung Quốc và sau đó là chủ trương “phục hưng Trung Hoa” của chính ông Tập Cận Bình được xây dựng trên các lập luận căn bản của cuốn sách “khét tiếng” ấy. Để có nhãn quan rộng hơn, chúng ta có thể tìm hiểu thêm hai công trình mới nhất của Robert D. Kaplan, cuốn “Vạc dầu châu Á: Biển Đông và sự kết thúc một Thái Bình Dương ổn định” (Asia's Cauldron: The South China Sea and the End of a Stable Pacific) và của Geoff Dyer, cuốn “Trận đấu thế kỷ: Thời đại mới cạnh tranh với Trung Quốc – và Mỹ có thể thắng bằng cách nào” (The Contest of the Century: The New Era of Competition with China – and How America Can Win). Cả hàng trăm trang sách từ các chuyên gia “gạo cội” viết về các mối liên hệ tay ba (đương nhiên là bất cân xứng) Mỹ-Trung-Việt, về “màn kịch Ukraine” như là trạng huống bấp bênh đối với châu Á. Có nhiều bình luận phân tích chính sách “nước đôi” của Trung Quốc đối với Ukraine và “sự ỡm ờ chiến lược” của Hoa Kỳ nếu Trung Quốc lặp lại kịch bản Crimea dưới danh nghĩa “bảo vệ” người Hoa ở Việt Nam hay ở các nước Đông Nam Á khác.

Điều nói trên càng có ý nghĩa thời sự nóng bỏng khi gần đây các lão thành cách mạng trong nước ta đã dóng lên các hồi chuông báo động về tình trạng Trung Quốc thuê, mua và đầu tư nhiều vùng đất trên nước ta, nay đã trở thành lãnh địa của họ. Người Việt Nam, kể cả công an lẫn chính quyền địa phương đều không được vào. Những nơi Trung Quốc thuê, mua, đầu tư họ đều đưa người của họ sang làm. Trung Quốc trúng thầu 90% các công trình trọng điểm ở ta. Bằng nhiều thủ đoạn, bất chấp luật pháp của ta, họ đưa ồ ạt lao động phổ thông vào. Vậy là họ vừa thực hiện được mục đích di dân, vừa bố trí được “đội quân thứ năm” với hàng vạn người trên khắp nước ta, mà toàn những vị trí xung yếu về chiến lược và an ninh.

KIẾN TẠO LẠI THẾ CHÂN VẠC

PV: Trên khung cảnh tranh chấp địa-chính trị ở cả hai xứ Âu lẫn Á như hai ông vừa trình bày, cũng như nhìn từ lịch sử, các ông có thể rút ra những kinh nghiệm ứng xử với các nước lớn như thế nào?
GS Trần Ngọc Vương: Muốn quan hệ đàng hoàng với bên ngoài, bất luận với nước lớn hay nước nhỏ, trước hết, giữa lãnh đạo với người dân phải thống nhất, đất nước phải hùng mạnh, chính quyền phải tự tin và có bản lĩnh. Như thế mới có thể huy động sức mạnh toàn dân, vực đất nước và dân tộc qua cơn tai kiếp khủng hoảng nhiều mặt hiện nay. Tại sao trong cuộc khủng hoảng cuối thập niên 1990 của thế kỷ trước, chính phủ Thái Lan và Hàn Quốc kêu gọi nhân dân giúp sức, thì người dân sẵn sàng gom vàng, tiền tiết kiệm của mình để cứu đất nước họ? Trong khi đó ở ta hiện nay thì người dân thờ ơ? Đây là vấn đề lớn. Tôi chỉ xin đề cập  đến một khía cạnh lịch sử, một “di lệnh” của tổ tiên từng để lại cho con cháu: Muốn tồn tại thì phải thoát khỏi vòng kiềm tỏa của người phương Bắc. Lịch sử mở nước của chúng ta trong thời cận đại có thể hiểu là gì khác hơn việc thực hiện di lệnh này? Nhưng điều không may cho chúng ta là nền văn hóa Trung Hoa có sức ảnh hưởng quá lớn. Nên dù có ý thức “thoát Trung luận”, lịch sử Việt Nam luôn là sự giằng xé giữa hai luồng: thoát khỏi Trung Quốc và quy phục Trung Quốc, như nhận định của rất nhiều đồng nghiệp. Nhưng ngày nay, thời thế đã đổi thay. Lệ thuộc vào Trung Quốc quyết không phải là định mệnh của dân tộc Việt Nam cũng như của nhiều dân tộc khác ở châu Á. Quanh ta, Nhật, Hàn, Singapore cũng đã tìm cách thoát khỏi “hiệu ứng bóng đè” thành công và trở thành những rồng/hổ mới. Họ không chỉ giữ được độc lập, mà còn trở thành những nước phát triển, trong quan hệ với các nước được thế giới kính nể, tôn trọng.

TS Đinh Hoàng Thắng: Có ai đó từng định nghĩa một cách dí dỏm, Đổi mới là quay trở lại với hệ giá trị cũ! Tôi chỉ đồng ý một nửa với điều này. Những “ma-sát” có hại của quá khứ, nhất là quan niệm cũ về “địch-ta”, về “hai phe bốn mâu thuẫn” trong quan hệ quốc tế trước đây thì không bao giờ nên quay lại với nó. Nhưng những hạt ngọc lấp lánh không hề bị lớp bụi của thời gian và những định kiến lịch sử làm phai nhạt thì chúng ta không chỉ phải quay lại, mà thậm chí nên bổ sung, nên nâng cấp để kiến tạo thành chiến lược bảo vệ và xây dựng tổ quốc trong thời kỳ mới. Ở đây tôi muốn nói đến thuộc tính “DÂN TỘC” và “DÂN CHỦ” trong định hướng đối ngoại/đối nội thuở đất nước còn ở thế chênh vênh vào những năm 50 của thế kỷ trước. Một cách thần tình, đường lối dân tộc và dân chủ thời bấy giờ không phân biệt ranh giới giữa ngoại giao với quốc nội. Cả hai đều tạo thành một chỉnh thể của một chiến lược tích hợp nhất quán.
Ngày nay, muốn giải quyết vấn đề biển đảo, muốn xây dựng hệ thống quan hệ đối tác với các nước trong cộng đồng quốc tế, kể cả nước lớn, không có gì bằng nêu cao nguyên tắc dân tộc tự quyết và kiến tạo lại thế chân vạc độc lập – dân tộc – dân chủ trong mọi quốc sách. Châu Á giờ đây là lục địa của nhiều quốc gia đầy tự tin đang duy trì sự tự chủ họ giành được từ thời kỳ hậu-thuộc địa và đang tận dụng hầu hết các cơ hội toàn cầu hóa mang lại, trong đó có sự trỗi dậy của Trung Quốc. Nhưng họ muốn trải nghiệm thời đại mới này theo ý chí của riêng họ, chứ không phải phụ thuộc ai cả. Vấn đề Ukraine, một lần nữa cho thấy, không phải cứ thoát khỏi thân phận “thuộc quốc” là có thể có dân chủ và thịnh vượng ngay. Dân chủ là con đường có thể ít phí tổn nhưng không có nghĩa là hết chông gai để đạt đến phát triển. Nhưng trước khi phát triển, mỗi người Việt nên ghi đậm một câu hỏi trong óc: “Nếu Nga có thể sáp nhập Crimea rộng lớn với 2 triệu dân chỉ trong mấy ngày không cần một phát súng, thì liệu Trung Quốc có thể làm như vậy đối với mấy cụm đảo, đá không người cư ngụ?” Nhưng khó hơn nữa là câu trả lời, mà không thể đòi hỏi từ người dân, mặc dầu “chở thuyền là dân mà lật thuyền cũng là dân”.

PV: Cảm ơn hai ông đã có cuộc trao đổi mà tôi nghĩ là thẳng thắn và có trách nhiệm đối với đất nước. Bằng tri thức, kinh nghiệm và tâm huyết, các ông đã đóng góp các ý kiến xác đáng, hữu ích trong bối cảnh quốc tế đã và đang có nhiều biến đổi phức tạp. Tôi hy vọng chúng ta sẽ còn có dịp trao đổi nhiều hơn để có thể tham gia làm sáng tỏ nhiều vấn đề mà nhiều người cùng quan tâm.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét