Thứ Hai, 5 tháng 5, 2014

DI SẢN LÊ HIẾU ĐẰNG

03/05/2014


Luật gia Lê Hiếu Đằng (6/1/1944 - 22/1/2014),
Nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc TP.HCM

Ngày 1/5 vừa qua đánh dấu vừa tròn 100 ngày mất của Luật gia Lê Hiếu Đằng, chắc đây cũng là thời gian thích hợp để nhìn lại di sản của ông.


Một thời trai trẻ là lãnh tụ sinh viên dấn thân cho lý tưởng cộng sản, đến lúc cuối đời từ bỏ cộng sản để làm một người tự do đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền.

Nhìn lại cuộc đời của Luật gia Lê Hiếu Đằng dường như đã kiểm chứng cho những kinh nghiệm mà Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Nam Tư Milovan Djilas đã chia sẻ: “20 tuổi không theo cộng sản là không có trái tim, 40 tuổi mà không từ bỏ cộng sản là không có cái đầu”.

Hay như bài học của Tổng Bí thư Liên Xô Mikhail Gorbachev đã rút ra khi ở giai đoạn cuối cuộc đời: “tôi đã đấu tranh hơn nửa đời mình cho lý tưởng cộng sản, thế mà ngày hôm nay tôi phải đau xót mà nói rằng, chủ nghĩa cộng sản chỉ biết tuyên truyền và dối trá”.

'Không quá muộn'

Tất nhiên ngày nay nhiều người sẽ tranh cãi về việc 20 tuổi theo cộng sản là có trái tim hay không có cái đầu.

Nhưng nhìn Lê Hiếu Đằng suốt một thời trai trẻ sôi nổi, biết bất bình trước thời cuộc và vận mệnh của đất nước, dũng cảm dấn thân đấu tranh bất chấp những gian nguy, thậm chí đã từng phải đối mặt với bản án tử hình, thì không thể phủ nhận tình yêu dân tộc và lý tưởng sáng ngời của ông.

Ông đã chọn con đường “hòa bình” cho đất nước từ các phong trào phản chiến ở Miền Nam, để rồi sau đó phải gắn bó đời mình với chủ nghĩa cộng sản.

Đến với cộng sản nhưng không mù quáng. Lý trí đã giúp ông nhận ra đúng sai, không biến ông trở thành một người “cộng sản đỏ lè” khi đương chức, để có thể kéo ông trở về với dân tộc và nhân dân vào những năm cuối đời.

Sự bỏ đảng của luật gia Lê Hiếu Đằng không có gì mới so với sự bỏ đảng của Giáo sư Hoàng Minh Chính, Trung tướng Trần Độ, Đại tá Phạm Quế Dương, hay Đại tá Phạm Đình Trọng...

Nhưng ông đã tạo ra được một bước tiến cho phong trào “thoái Đảng” một cách công khai đang lan rộng, mà trước đó chưa ai làm được.

Ông đã làm cho những đảng viên còn chút lương tri tỉnh ngộ, là chỗ dựa cho những đảng viên cấp tiến tiếp tục đấu tranh theo xu hướng riêng của họ, thúc đẩy những người cộng sản thủ cựu ít đỏ hơn.

Còn thế hệ trẻ ngày nay nhìn vào ông như là tấm gương phản tỉnh để không hoài phí một nửa đời mình trong cơn mộng mị của lý tưởng cộng sản.

“Ai phản bội?”

Trên giường bệnh, nói về lý do bỏ đảng của mình trong hai hàng nước mắt: "đảng Cộng sản Việt Nam bây giờ không còn như trước (đấu tranh giải phóng dân tộc) mà đang suy thoái biến chất, thực chất chỉ là đảng của những tập đoàn lợi ích, trở thành lực cản cho sự phát triển đất nước, dân tộc, đi ngược lại lợi ích dân tộc, nhân dân”

Điều đó cho thấy trong suy nghĩ của mình, Lê Hiếu Đằng đã không phản bội đảng, mà đảng đã phản bội lại niềm tin của ông.

Ông đến với đảng bằng tình yêu và lý tưởng, thậm chí khi bỏ đảng cũng nghĩ tới việc làm cho đảng được tốt hơn.
  

Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết với tư cách cá nhân, đến viếng và viết trên sổ tang "Cuộc đời này còn lắm gian truân. Chúc người bạn - Lê Hiếu Đằng siêu thoát"

Nhưng đảng của ông đã đón nhận ông và những đồng chí của ông bằng điều gì? Khi biết bao thế hệ như ông đã hiến dâng một đời cho đảng, để rồi trước khi nhắm mắt xuôi tay phải chua xót nhận ra rằng, đảng đang là lực cản cho sự phát triển của đất nước.

Đảng của ông vẫn giữ tinh thần đắc thắng trong quá khứ, chưa đủ trưởng thành để nhận ra rằng, đảng có thể tồn tại và cầm quyền cho đến ngày hôm nay là nhờ vào thế hệ những con người cấp tiến như Lê Hiếu Đằng đã cứu chữa cho đảng trong suốt quãng thời gian dài hấp hối, giữa lúc thông cáo chung cho sự chấp dứt hệ thống chủ nghĩa cộng sản trên toàn thế giới.

Và rồi họ đi hạ bệ ông một cách không thương tiếc, xem ông như kẻ phản bội khi ông trở về với dân tộc và nhân dân.

Vẫn là “lực lượng thứ ba”

Điều khó hiểu là Lê Hiếu Đằng suốt một thời gian dài đã không đạp đổ nó mà vẫn giữ niềm tin vào lý tưởng thời tuổi trẻ của mình đã lựa chọn, vẫn còn ấp ủ hy vọng Đảng còn được “như trước” trong suy nghĩ của mình.

Phải chăng ông đã thiếu dũng cảm hay ngây thơ?

Nhìn vào những gì ông làm, hai điều đó không có trong con người của ông.

Ông rất dũng cảm khi đi giữa hai chiến tuyến cộng sản và dân chủ, chấp nhận sự lên án của người cộng sản và bất chấp sự hoài nghi từ phe dân chủ.

Có thể nói ông đã chọn con đường đấu tranh theo cách cổ điển “thay đổi cộng sản bằng chính những người cộng sản”.

Bên cạnh đó, ông cũng thúc đẩy cho sự phát triển của phe dân chủ bằng cách luôn cố gắng tạo ra những sự kiện mang lại những bước tiến hiệu quả cho các phong trào dân chủ.

Cho nên dù có bất đồng với Đảng, nhưng ông vẫn không chọn là người đối kháng.

Ông vẫn giữ mình là “lực lượng thứ ba”, đi giữa hai thành phần cộng sản và dân chủ.

Nhưng khác với quá khứ, “lực lượng thứ ba” này không do cộng sản lập ra, mà được hình thành và phát triển tất yếu từ khuynh hướng dân chủ.

Nhìn vào việc đề xướng thành lập đảng Dân chủ Xã hội của ông có thể cho thấy rõ điều này.

Ông chỉ muốn giúp đảng tốt hơn, góp phần dung hòa giữa cộng sản và dân chủ, thúc đẩy Việt Nam theo đuổi mô hình XHCN hài hòa như ở Bắc Âu, như ông đã từng nói.


Ông thường xuyên phát động và đi đầu trong cuộc biểu tình chống Trung Quốc
  
Chẳng hạn như, nếu ai đã từng đi cùng với ông trong các cuộc biểu tình chống Trung Quốc trong thời gian qua, chắc cũng phải thất vọng khi nghe ông nói: “chúng ta nên giải tán thôi, biểu tình tới đây là được rồi”.

Chắc có lẽ kinh nghiệm đấu tranh của ông mách bảo khi nào chuẩn bị có sự đàn áp để đảm bảo an toàn cho giới trẻ. Và cũng có thể ông không muốn những cuộc biểu tình đang dân trào khí thế sẽ có nguy cơ vượt ra ngoài tầm kiểm soát của nhà cầm quyền.

Tinh thần đấu tranh của ông những năm cuối đời luôn là vậy. Luôn muốn sự tốt đẹp cho cả hai phía dân chủ và cộng sản, luôn mang khuynh hướng đảm bảo cho mọi sự thay đổi trong ôn hòa và có kiểm soát.

Biểu tượng hay yêu mến?

Dù đã cao tuổi nhưng tinh thần đấu tranh thời tuổi trẻ của ông vẫn còn đó, vẫn dấn thân khi cần để tạo nên những bước độ phá, luôn mang lại hiệu quả và tầm ảnh hưởng trong các phong trào đấu tranh trong những năm gần đây.

Nhưng Lê Hiếu Đằng ngày nay chỉ được yêu mến vì tinh thần đấu tranh hơn là được coi như “biểu tượng” hay “lãnh tụ” cho các phong trào đấu tranh dân chủ và nhân quyền.

Dù ông có một nhân cách đáng kính, có sự ảnh hưởng nhất định lên các phong trào đấu tranh, nhưng điều này là không đủ để giúp ông trở thành biểu tượng hay lãnh tụ của ngày hôm nay.

Bỡi lẽ các phong trào đấu tranh dân chủ có phần mệt mỏi để hy vọng chờ đợi vào khuynh hướng “tự diễn biến” và sự “thỏa hiệp” từ bên trong nội bộ đảng.

Trong khi đó, “lực lượng thứ ba” của ngày nay, thường có khuynh hướng nhún nhường trước nhà cầm quyền, và thiếu sự quyết liệt khi cần thiết.

Hoạt động của lực lượng này chỉ là ở mức độ “góp ý” và “kiến nghị” và sẵn sàng thỏa hiệp, như được nhiều người đánh giá là “gìn giữ cho một phần quá khứ hào hùng của mình”.

Tất nhiên mỗi cá nhân, mỗi lực lượng có phương pháp đấu tranh riêng. Nhưng biểu hiện đấu tranh trong thời gian qua cho thấy, các nhà tranh đấu ưa chuộng sự quyết liệt và quyết đoán hơn, cũng như tinh thần sẵn sàng “chơi sát ván” nếu cần.


Bạn bè và những người mến mộ kỷ niệm tròn 100 ngày mất của Luật gia Lê Hiếu Đằng 
(ảnh FB Suong Quynh)

Nói đến Lê Hiếu Đằng là nói đến hình ảnh một con người đấu tranh, dù ở trong bất kỳ chế độ nào. Ông là một con người thuộc về dân tộc hơn là thuộc về bất kỳ một hệ tư tưởng nào.

Ông đến với tư tưởng dân chủ và nhân quyền vào những năm cuối đời cũng chỉ vì ông hiểu rằng dân tộc này đang cần đến nó hơn là cần tới hệ tư tưởng cộng sản.

Ông đã ra đi trong sự luyến tiếc của nhiều người, đúng 100 ngày mất của ông, vẫn còn nhiều người nhớ thương đến ông.

Còn chính quyền cộng sản có hối tiếc cho ông hay không lại là một chuyện khác, vì cho dù ông đã qua đời, nhưng di sản của ông để lại đã làm nguy hiểm cho chế độ này.

Nhưng biết đâu trong một đến hai thập kỷ tới, khi đảng của ông trưởng thành hơn, chịu lắng nghe hơn, thì những giọt nước mắt của ông vào lúc cuối đời sẽ làm lay động tâm thức của đảng, và khi đó họ sẽ tiếc nuối xót thương cho ông.


C.C.
(Nguồn: cuicac.com )



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét