21-9-2014
Không ai phủ nhận Nguyễn Tuân là một tài năng nhưng nhắc đến ông người ta chỉ còn nhớ Vang Bóng Một Thời và những truyện viết trước khi ông ta gia nhập ĐCS. Tô Hoài là trường hợp tồi tệ hơn khi người ta chỉ nhớ một con dế mèn cho đến khi ông in một số hồi ký và cuốn Ba Người Khác. Như vậy tất cả những gì Nguyễn Tuân và Tô Hoài viết trong thời kỳ bị tước mất tự do sáng tạo đều gần như vô giá trị. Phạm Duy và Văn Cao là một trường hợp so sánh thú vị. Nói về tài năng, không hẳn ai trội hơn, nhưng gia tài của Phạm Duy để lại cho đời đồ sộ hơn rất nhiều lần Văn Cao, trong đó những ca khúc ông viết sau khi bỏ kháng chiến, vào Nam là những tác phẩm cho đến nay vẫn còn sức sống mạnh mẽ, và cho đến nay, chưa có một nhạc sĩ viết ca khúc nào của Việt Nam vượt qua Phạm Duy, và có thể còn rất lâu, trong một môi trường tự do sáng tạo, mới có thể tìm ra một tài năng như vậy! Trong khi Văn Cao chỉ để lại Thiên Thai, Suối Mơ, Buồn Tàn Thu…viết trước khi gia nhập kháng chiến.
Cũng may mắn như Phạm Duy, các văn nghệ sĩ từng sống tại miền Nam thời kỳ 1954- 1975 có sự tự do sáng tạo do chính quyền công nhận. Chính nhờ đó, ngày nay chúng ta còn tìm đọc Bình Nguyên Lộc, Mai Thảo, Doãn Quốc Sỹ, Võ Phiến và cả Sơn Nam . So sánh với văn học nghệ thuật miền Bắc cùng thời kỳ, khi sáng tác phải theo chỉ đạo và đơn đặt hàng, tài năng của người nghệ sĩ gần như mất tác dụng, trở thành một mỉa mai cho chính những điều họ viết ra.
Ngày nay, thật tiếc cho những ai vẫn còn vì những lý do tồn tại mà tự hạn chế tự do của mình. Và khi công chúng được lựa chọn, thì chính sự lựa chọn của họ là một cái tát nảy lửa vào mặt những ai bán rẻ tự do sáng tạo. Bộ phim Sống Cùng Lịch Sử của Thanh Vân là một ví dụ. Ông có tài, tôi tin vậy. Nhưng ông đã tự uốn mình theo đơn đặt hàng, thiếu tôn trọng hoặc mù quáng tin theo một lịch sử đã được nhào nặn, và tất nhiên trong con mắt công chúng, ông cũng chỉ là một loại bồi bút, văn công, sản phẩm làm ra là giả, không đáng xem, thạm chí cả đồng nghiệp cũng không thèm ghé mắt nhìn vào!
Tự do sáng tạo là phương tiện bắt buộc để nghệ sĩ tìm đến mục đích cuối cùng là tác phẩm. Nhìn rộng ra tại các nước từng nằm trong hệ thống toàn trị, từng hoặc đang bóp nghẹt tự do sáng tạo như Nga, Trung Quốc… chúng ta thấy chỉ có những nghệ sĩ vượt thoát được sự kiềm tỏa của chế độ mới viết được những tác phẩm giá trị. Hoặc họ phải thật sự dũng cảm khi sáng tác từ trong nước như Solzhenisyn hay Pasternak ở Nga hoặc phải lưu vong như Cao Hành Kiện của Trung Quốc.
Việt Nam là một trường hợp lịch sử bi thảm của nghệ sĩ sáng tác. Suốt chiều dài ngàn năm của chế độ quân chủ, người nghệ sĩ luôn sợ phạm húy vì có thể phải trả giá bằng chính mạng sống của mình và gia đình. Sau khi bị lệ thuộc vào người Pháp, văn minh phương Tây vừa chớm rễ đã bị bật gốc khi người cộng sản nắm quyền tại miền bắc và có tầm ảnh hưởng từ 1945, sau đó là toàn quốc từ 1975 cho tới ngày nay. Ai phải chịu trách nhiệm trước sự bóp nghẹt tự do sáng tạo của nghệ sĩ? Lịch sử rồi sẽ trả lời, nhưng kẻ chịu trách nhiệm trước hết là bản thân người sáng tác. Như nhà văn người Mỹ, Robert Anson Heinlein từng nói: “Tôi tự do bởi tôi biết bản thân tôi chịu trách nhiệm trước lương tri mình vì mọi điều tôi làm”.
Nguyễn Đình Bổn
9.14
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét