Thứ Hai, 29 tháng 9, 2014

TRIẾT HỌC ĐÃ CHẾT?

29-9-2014
Dao Quang

Tôi không thích giới thiệu về bản thân mình, như là người như thế này thế kia, cũng không muốn tạo cảm giác cho bạn đọc rằng những điều tự tôi tìm ra cũng “bình dị, dễ hiểu”, như phần lớn các bài viết khác trên Triết Học Đường Phố.
Có thể thấy, các bài viết trên website thể hiện rất rõ những trăn trở và ưu tư của lớp người trẻ thông minh và tự do trong tư tưởng tại Việt Nam. Chúng ta đều đã có những phát triển về nhận thức, so với đại đa số những người khác phải chịu thiệt thòi hơn, trong hoàn cảnh sống và tiếp cận thông tin.
Tuy nhiên, là một bạn đọc đã lâu, tôi cảm thấy, triết học từ thưở ban đầu, các trường phái đã xuất hiện, cũng như phản ánh qua tư duy và bài viết trên website đều mang hương vị nào đó của sự lặp lại, nói theo, hoặc buồn tẻ, mơ hồ, hay đứt quãng và manh mún.
Rõ ràng, chúng ta cảm thấy rất nhiều điều, nhiều bất cập, nhiều câu hỏi… nhưng rõ ràng, những cái đầu tư duy phân tích tốt lại đi kèm với thiếu trải nghiệm và một sự đột phá mang tính nền tảng.
Con người cho tới nay, nhìn thế giới qua 3 lăng kính: khoa học, triết học và tôn giáo. Khoa học tìm hiểu thực tế bằng con mắt lý trí và tư duy khách quan, đi kèm với phương pháp nghiên cứu tỉ mỉ và rạch ròi. Triết học thuần túy đứng trên góc nhìn chủ quan và từ đó, đưa ra các câu hỏi, các giả thuyết và giải quyết bằng lý luận.
Riêng tôn giáo, cho tới nay, xin lỗi là… lợi bất cấp hại. Dĩ nhiên, thâm tâm tôi hiểu, rằng tôn giáo chân thực vẫn tồn tại ngầm và là nghệ thuật cao nhất: nghệ thuật biến đổi hoàn toàn một cá nhân, cả thể chất, tâm lý và nhận thức. Nhưng để viết về điều này, cũng không khác gì thầy bói xem voi.

Quan điểm của tôi rất rõ ràng, rằng bất cứ thứ gì đều phải đem lại tác dụng, đó là cuộc sống hạnh phúc, tự do và những hiểu biết khiến bạn có thể sống và chết một cách mãn nguyện. Bất cứ thứ gì khác hơn, dù một li, đều phải xem nhẹ.
Khi làm một việc gì đó mà không đem lại kết quả mong muốn. Bạn hoặc có thể an ủi mình, có ý thức hoặc không ý thức, rằng mình cần thời gian, cần thay đổi. Hoặc, bạn phải nhận ra, là thay đổi hoàn toàn nhận thức. Hiểu rõ một vấn đề, rồi tìm ra cách giải quyết hợp lý, cũng giống như việc đặt câu hỏi đúng.
Mọi vấn đề của triết học, từ những trăn trở đời thường, tới nhận thức về thế giới xung quanh đều xuất phát từ việc… đặt những câu hỏi sai.
Tôi sẽ không nói tiếp về điều này. Nếu bạn đọc nào cùng chia sẻ ý kiến này với tôi, đây là bài viết cho bạn.
Triết học là một con đường dài và đến thế kỷ 20, một số các triết gia và tư tưởng lớn, những người có chung hoàn cảnh sống với lớp trẻ hiện nay đều đã thừa nhận, mặc dù không được công nhận: rằng triết học đã chết. Hay nói đơn giản, nó đã làm xong phần việc của mình.
Vậy luồng tư tưởng không đại chúng này để lại gì? Khi mà chính những bộ não trái siêu việt như vậy, đều cảm thấy triết học không mang lại lợi ích cơ bản cho cuộc sống của chính họ. Vậy, chúng ta có nên đi theo hay phải dứt khoát tìm ra một lối đi khác?
Trong bài Noubliez Jamais, Joe Cocker đã nói, “Thế hệ nào cũng cần phải bất tuân.”
Là một con người, đứng trước biển cả, tôi nhận ra thế giới là vô tận, và tôi thì hữu hạn và nhỏ bé thế. Cái nỗ lực cố hiểu thế giới này, xét cho cùng, mới bạo lực và ngu dốt làm sao? Tự nhiên này là một điệu nhảy, mà tôi cũng như một nhành cỏ, hoặc cũng ngang như mặt trời, đều là những vũ công cùng tham gia vào điệu nhảy ấy.
Vậy thì, việc đứng bên ngoài, để quan sát và cố gắng thâu tóm điệu nhảy…thật ngớ ngẩn như việc đứng trên bờ để học bơi.
Nhà khoa học thì nghĩ rằng, khoa học có thể đem lại mọi thứ.
Nhà tư tưởng, nghệ sỹ và triết gia thì nghĩ rằng, triết học và nghệ thuật sẽ tạo ra điều khác biệt.
Người tôn giáo, nhà hành giả thì cho rằng, tôn giáo mới là câu trả lời.
Vậy tại sao, không phải là cả 3? Tôi muốn nói, tất cả đều là công cụ phục vụ cho cùng 1 mục đích mà thôi.
Để thay đổi nền tảng xảy ra với mỗi người, chúng ta không cần một kiến thức khoa học hay công nghệ đột phá, cũng không cần một triết học vượt trội, cũng không cần một tôn giáo siêu việt. Và thực ra, là nếu có đi nữa, nó cũng sẽ chỉ đem lại một cái tôi lớn hơn, một định kiến sâu hơn.
Cái chúng ta cần là trải nghiệm dẹp tan những gì đã biết. Cái mà mỗi người cần là một sự tái sinh, xóa bỏ những ranh giới vốn có của bản thân. Hay như Alan Watts viết trong The Taboo of knowing yourself, chúng ta chỉ có thể quay trở lại nhìn thế giới bằng con mắt ngây thơ, một vô sư trí, một chuyến tàu bước vào hiện thực, với trải nghiệm rằng cuộc sống này đầy bí ẩn và là một cuộc phiêu lưu kỳ thú không bao giờ kết thúc.
Tấm vé cho chuyến tàu đó nằm ngay trong bản thân chúng ta. Và chìa khóa để mở hộp, lấy tấm vé ấy là thiền định và thôi miên.
Và khoa học, triết học, tôn giáo…đều là sản phẩm phụ, thôi xin nhấn lại, là hệ quả của trải nghiệm đó. Không phải là như vậy bạn sẽ phải đi chứng minh lại mọi định lý từ đầu, mà rằng, trạng thái tinh khôi ấy sẽ khiến bạn không chỉ nắm rõ lý thuyết, mà còn có thể thực hành và ứng dụng các kiến thức hàn lâm ấy trong đời thường.
Phải nói thêm về bối cảnh mà chúng ta đang sống. Đây là quãng thời gian của khủng hoảng, khi mà mọi thứ xem như ngày càng phát triển, và càng tiến tới, mỗi người đều cảm thấy bế tắc và tụt lùi.
Dám cá rằng các bạn cứ triết lý, các bạn cứ tìm hiểu, thì cuộc sống mà mỗi chúng ta đang sống, đều chẳng phải là điều mà ai cũng khao khát và mãn nguyện thật sự.
Lý do là mỗi người không được sống với 100% tiềm năng, và không biết cái con người mà vũ trụ đã nhào nặn cho chúng ta. Chỉ khi, một người ý thức hoàn toàn được định mệnh của mình, hiểu rõ việc phải làm trong quãng thời gian ngắn ngủi tồn tại này, thì anh ta mới thực sự biết yêu cuộc sống này. Không thể khác.
Cho nên, tôi xin nói rõ, con đường triết học đã đi vào ngõ cụt. Khoa học vốn dĩ là vô tình đang bị sử dụng sai mục đích và tôn giáo thì bắt tay với chính trị gia để cai trị.
Lối thoát duy nhất là thiền định, với trợ giúp là thôi miên. Và dù tôi có giải thích và lập luận hay đến đâu đi chăng nữa, thì trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy bằng một nếm. Và những điều này tôi rút ra từ trải nghiệm cá nhân mình. Đó là lời gợi ý của một kẻ vô danh, một lời mời gọi của người đủ giàu để bán trà đá miễn phí.
Tôi cũng không cần nói thêm, bởi tất cả thông tin và kết nối các bạn cần đều đã sẵn có, trên internet, trong tại chính Việt Nam và những người xung quanh. Chỉ cần 2 từ khóa đó, mỗi người đều có đủ hành trang để khởi hành.
Các bạn trẻ lên Triết Học Đường Phố đều rất thông minh và sắc sảo, tôi tin rằng một cú nháy đèn pha rất ý tứ như vậy là đủ. Mọi loại bánh vẽ tiếp đều là thừa và dẫu sao đều không hợp lý.
Làm người không phải là trở thành một cá nhân của văn hóa và tri thức. Bạn chỉ có thể coi mình đã tiến hóa thành người khi nhận ra mình là Chúa, là Phật, là Logos, là bất cứ từ gì…
I am not a dreamer, I just have such vision, to share…
 Dao Quang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét