Thứ Sáu, 24 tháng 10, 2014

CHỐNG THAM NHŨNG VÀ TÍNH "THẬT THÀ" CỦA ÔNG TỔNG

Theo Tin Tức Hàng Ngày
23-10-2014
Liên Sơn

Câu chuyện chống tham nhũng hiện nay trong thể chế nhà nước là một câu hỏi mang tính đánh đổi. Chống tham nhũng trở nên không có hiệu quả, bởi chính thể chế đó đã tạo nên điểm đứng cho tham nhũng. Cuộc chiến chống tham nhũng tại Việt Nam không khác gì một Don Quixote đánh nhau với cối xây gió cả.



Nữ dược sỹ “tuyên truyền chống Nhà nước”


Dược sỹ Trần Thị Kiều Oanh, nhân viên Phòng giám định y khoa thuộc Sở Y tế Bình Phước, từng tố cáo hành vi tham nhũng 143 triệu đồng của ông Đoàn Đức Loát - Trưởng phòng giám định y khoa vào năm 2012.

Ngày 15/10/2014, quyết định sa thải dược sỹ Trần Thị Kiều Oanh được ban ra. Với cáo buộc hết sức nặng nề “… lợi dụng việc tố cáo để tuyên truyền chống Nhà nước, xâm phạm lợi ích của Nhà nước…”

Chưa kể, trong kết luận về vụ việc, Sở y tế Bình Phước còn đem cả “chuẩn mực đạo đức lối sống theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” để biện hộ cho hành động “đúng thẩm quyền” của mình.
Đó là kết cục không lạ, khi bản thân người từng bị tố cáo tham nhũng trước đó, và là người có hành vi xâm hại thân thể chị Oanh là ông Đoàn Đức Loát, lại được giao quyền xử lý vụ việc.

Dù ông Nguyễn Đồng Thông, Giám đốc sở Y tế Bình Phước “chỉ thừa hành chỉ đạo của cấp trên”, và dẫu nó mâu thuẫn với sự tham mưa của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bình Phước trước đó…

Nhưng qua đấy, cho thấy một câu chuyện hết sức thú vị về cuộc chiến chống tham nhũng của Đảng và nhà nước ta. Một thực trạng khá buồn cười, mà chính ông Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước từng thừa nhận: Dân trộm cắp 2-3 triệu đồng thì đi tù, còn cán bộ tham nhũng tiền tỷ mà chỉ xử lý hành chính hoặc án treo thì có công bằng?

Bởi cuộc chiến chống tham nhũng từ bấy lâu nay bị khống chế hoàn toàn. Khống chế bởi chính sự cấu kết ngày một tinh vi, phức tạp, của các “đối tượng tham nhũng có chức vụ, trình độ hiểu biết pháp luật, liên kết với nhau thành nhóm lợi ích” như trong báo cáo Chính phủ khi đánh giá tình hình tham nhũng vừa qua.

Đó cũng là lý do vì sao ông Chủ nhiệm Ủy ban Tư Pháp Quốc hội Nguyễn Văn Hiện, trong kỳ họp thứ 8 khai mạc ngày 20/10/2014 đã nhận xét rằng: Tình hình tham nhũng vẫn nghiêm trọng, xảy ra ở nhiều ngành, lĩnh vực, địa phương và còn tiếp tục diễn biến phức tạp; đặc biệt nghiêm trọng là tham nhũng trong lĩnh vực tài chính công, ngân hàng, tín dụng đã gây thất thoát rất lớn tài sản nhà nước.



Tính “thật thà” của ông Tổng

Tham nhũng sẽ là “một bộ phận không nhỏ” nếu tính trong tổng số dân 90 triệu người, nhưng nó sẽ trở thành một tập đoàn tham nhũng nếu tính riêng trong bộ phận công viên chức nhà nước.

Người dân nhìn vào từ Agribank – Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, nhìn vào Vinashin – tập đoàn nhà nước chủ lực chỉ thấy tham nhũng được bao che một cách hợp pháp bằng sự… kiểm điểm, khiến trách mang tính hình thức. Trong khi đó, họ nhìn vào những nữ được sỹ Trần Thị Kiều Oanh và biết rằng kết cục sẽ “thực chất” không kém gì “anh hùng Đồi Ngô – thầy Nguyễn Danh Ngọc”, người từng tố cáo vụ tiêu cực ở Đồi Ngô vào năm 2012. Kết quả, người thầy giáo này đã không còn chốn dung thân và buộc phải sang Nhật lao động để mưu sinh…

Bởi, nó phản ánh đúng những gì mà ông Phó ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Phan Đăng Long trước đây từng huỵch tẹt: Những người đứng ra tố cáo đã dám làm những việc tày trời rồi thì không có lý do gì để họ phải sợ trù dập cả. Trường hợp các nhân viên tố cáo bị trù dập thì phải biết bảo vệ mình.

Số phận giữa hai bên chống tham nhũng và tham nhũng khác nhau một trời một vực nói chung. Cũng như câu chuyện giữa ông Đoàn Đức Loát và chị Trần Thị Kiều Oanh nói riêng, đã thể hiện tính điển hình về bản chất chống tham nhũng hiện nay.

Không phải tự dưng mà khi ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nắm chức Trưởng Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng vào năm 2006 với câu nói nổi tiếng, “Tôi kiên quyết và quyết liệt chống tham nhũng. Nếu tôi không chống được tham nhũng, tôi xin từ chức ngay”. Và từ đó trở đi, nạn tham nhũng được đẩy mạnh, tràn lan, ăn dầy và ngày một tinh vi.

Đến khi ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lên, thành lập một cơ quan mới (02/2013) mang tên Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, và nắm lấy chức vụ Trưởng ban. Nạn tham nhũng cũng không vì thế mà giảm theo mà ngược lại, diễn biến ngày một phức tạp. Ông Tổng cũng để lại một câu nói nổi tiếng, “Ném chuột đừng đánh vỡ bình”.

Nó cho thấy điều gì? Đó là dù tham nhũng bị coi là kẻ thù cho sự tồn tại của chế độ, và cuộc chiến chống tham nhũng được phát động một cách rầm rộ bởi ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng lẫn sự họa theo của ông Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, hay bất kỳ cá nhân, tổ chức nào trong tương lai, thì đó cũng là sự vỗ về dân không hơn không kém!

Bởi vai trò của Đảng trong cuộc chiến chống tham nhũng chính là bao che cho những kẻ tham nhũng tiếp tục những hành vi tham nhũng tinh vi, thủ đoạn hơn.

Độc đảng chính là nguồn gốc của tệ tham nhũng.

Nên mới xuất hiện cái mệnh đề, “chống ai – ai chống” trong cuộc chiến này. Băng hoại thể chế vì thế vẫn cứ diễn ra ngày một trầm trọng.

Vì vậy, câu nói nổi tiếng gần đây về chống tham nhũng của ông Tổng bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng nên được hiểu là: Phải làm đến mức không ai còn dám tố cáo tham nhũng nữa.

Không giống như câu chuyện về An Dương Vương, khi Mị Châu bị Thần Kim Quy tố cáo, “giặc ở sau lưng ngươi đó”, An Dương Vương đã thẳng tay trừng phạt người con gái duy nhất của mình.
Thế nhưng, nếu ông Nguyễn Phú Trọng “thẳng tay” trừng phạt như thế, thì nghĩa là ông tự tay kết liễu đảng mà ông đang đứng đầu.

“Ném chuột đừng đánh vỡ bình” cũng chỉ là sự phản ánh tính thật thà của ông Tổng mà thôi.

 Liên Sơn

(Việt Nam Thời Báo)

1 nhận xét:

  1. Cụ Tổng Nói phải giữ cái Bình . Cái Bình cụ Tổng đang ôm là loại Bình quí ,
    Nó Quí vì nó Hiếm . Bình này do Mác Lê Mao chế tao Thủ công , Họa tiết rất Tinh vi , nó có từ gần 100 năm nay ( 1917 )
    Trước đây , To , Nhỏ nó có vài Chục chiếc , Nhưng vì là Bình chứa Chuột và Sâu nên các nước Đông Âu , Đập bỏ ném nó vào sọt rác . Giờ chỉ còn lại 3 -4 cái Méo mó , Chấp Vá
    Nguyễn Văn Linh sợ VN đập vỡ Bình , mà kéo mấy Tên sang Thành đô , kí Hiệp ước Đầu hàng
    Đến Nguyễn Phú Trọng , Khi Bọn Tàu Nghênh ngang Bành Chướng , Toàn Dân có Xu thế Thoát khỏi ách của CS TQ . Thì Trọng Lú lại ra sức giữ Bình vì Trong cái Bình này Chưá toàn Bầy Chuột , Bầy Sâu , Nhưng Hạp với Mùi Xú uế của Ba Tàu , Nên 2 Nhóm này nó Hạp nhau Tức cùng Hệ ý Thức Sâu Bọ
    Chính vì vậy mà Trọng Lú phải La Làng lên là Đừng Đánh chuột , Diệt sâu nữa . Vì cái Bình là nơi sản sinh ra Bầy Sâu , Bầy Chuột và Sâu, Chuột Chính là Bọn Trọng Lú ( Chứ còn Ai vào đây nu n u ữa !!!!!)

    Trả lờiXóa