Thứ Hai, 27 tháng 10, 2014

CHUYỆN “THẰNG CUỘI” DU NAM

Hạ Đình Nguyên

 

       Theo thông báo, Dương Khiết Trì sắp qua Việt Nam.

       Để tạo nên hòa âm cho chuyến đi của Dương, truyền thanh và báo chí Trung Quốc đồng loạt đăng và phát các bài hướng dẫn dư luận cho Việt Nam, bài của Viện Nghiên cứu Quân sự Trung Quốc đăng trên báo Thanh Niên Trung Quốc, và bài phát từ Tân Hoa Xã.

       Nội dung của các lập luận tuyên truyền trên là rất cũ và quá thô thiển đối với công luận Việt Nam, nhưng một mặt cũng chất quyến rũ. Họ hy vọng là cung cấp nền tảng lý luận để củng cố cho thế lực Việt Nam nào cảm thấy mến Bắc Kinh. Các luận cứ được trích gọn mấy điểm chính như sau:

 

(http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Vien-Khoa-hoc-Quan-su-Trung-Quoc-Viet-Nam-khong-de-thoat-Trung-post151488.gd )

 

1- Khẳng định mối quan hệ mật thiết và toàn diện. Họ nói:

       Mối quan hệ giữa hai nước, hai đảng vì cùng ý thức hệ, từng vừa là đồng chí vừa là anh em, ngoài kênh ngoại giao bình thường giữa 2 quốc gia, còn kênh đối ngoại liên lạc giữa 2 đảng, 2 quân đội và nhiều cơ quan ban ngành 2 nước. Là “xu thế lớn phù hợp lợi ích hai nước”.

        Qua nội dung trên, Trung Quốc tự tin về mối quan hệ rất sâu và toàn diện mà họ cho là đã đạt được, với thế mạnh bao trùm trong nội bộ Việt Nam.

       Điều nầy có nên xem là họ hoàn toàn nói dối? Và có ăn khớp với nội dung trong “Thông báo chung” mà TBT Nguyễn Phú Trọng đã ký kết cùng Hồ Cẩm Đào trong mục tiêu “đại cục” của họ? Trong bài viết nầy họ dùng từ “xu thế lớn”. Việt Nam có đồng tình hay không? Câu trả lời thuộc về TBT Nguyễn Phú Trọng.

 

2- Lấy kinh tế làm trục chính. Họ nói:

       Việt Nam đã “học tập” Trung Quốc mà “mở cửa” từ sau 1990 – (cái mốc Thành Đô?) nền kinh tế của hai nước phát triển và đương nhiên là “phụ thuộc lẫn nhau”, nhưng vì (VN) sai lầm ở Biển Đông mà thành “Đối đầu với Trung Quốc”, từ đó đưa đến ý muốn “Thoát Trung” từ Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam (?). Nhưng – họ nói tiếp - quan hệ kinh tế đặc biệt Việt - Trung không phải do sức người có thể xoay chuyển, mà là kết quả tất yếu của sự phát triển nền kinh tế thị trường 2 nước trong nhiều năm qua.  Vì đặc điểm riêng, kinh tế Việt Nam trở thành trọng điểm cho các hoạt động đối ngoại của Việt Nam, lấy đó làm trục chính trong quan hệ ngoại giao với các nền kinh tế lớn trên thế giới.

        Ý tứ của đọan nầy cực hiểm nhưng không phải là không nhận ra: Gọi tư tưởng “Thoát Trung” với chủ thể là “Chính Phủ và doanh nghiệp”, chứ không nói là của Đảng hay nhân dân Việt Nam, đồng thời đe dọa “không sức người có thể xoay chuyển…”.  Họ chĩa mũi nhọn vào tiếng nói thoát Trung là từ “Chính Phù” (lộ rõ là nói ai). Như thế, về mặt tư tưởng họ đã gây mâu thuẫn, thẳng thắn và mạnh mẽ đưa đao “xẻ dọc Trường Sơn” để thao túng! Họ lại khuyên Việt Nam lấy nền kinh tế “phụ thuộc lẫn nhau” nầy làm trục xoay cho chính sách đối ngoại với các nền kinh tế khác, chứ không phải thay đổi nền kinh tế thành đa phương và chủ động của Việt Nam, nhằm thoát khỏi phụ thuộc toàn diện vào Trung Quốc, mà họ khẳng định “không sức người có thể xoay chuyển…”. Họ muốn kìm giữ nền kinh tế Việt Nam đang suy thoái trong vòng ảnh hưởng mà họ đang chi phối toàn diện. Ai cũng biết nền kinh tế Việt Nam hôm nay là cái hồ chứa rác như thế nào của Trung Quốc. Theo hướng chỉ đạo nầy, ít nhất là ý nghĩ, hay ý chí chủ quan của họ, thì Việt Nam không khác gì một phần lãnh thổ thuộc Trung Quốc.

       Lại hóa ra, Việt Nam đã “bắt chước” Trung Quốc đổi mới, từ sau cuộc họp Thành Đô 1990?

       Họ đã nói ngược. Chính vì Thành Đô mà cuộc đổi mới của Việt Nam phải khép lại để trở thành nền kinh tế khốn cùng như hôm nay.

       Tội đồ lại trơ trẽn vỗ ngực lập công!

 

3- Quan hệ Việt – Mỹ là không đáng tin cậy. (Họ nói)

       Trong quan hệ Việt-Mỹ: Họ nhấn mạnh về sự khác biệt về chế độ chính trị và ý thức hệ  hãy còn đó, lại khác nhau cách nhìn cuộc chiến tranh Việt-Mỹ và quan niệm về nhân quyền. Họ khẳng định: Việt Nam chỉ là vòng ngoài cùng trong hệ thống đồng minh của Mỹ, Ukraine là một bài học, Mỹ không kịp trở tay khi có có chuyện gì xảy ra. (Ý là nhắc lại bài học 1989 mà Trung Quốc đã từng dạy?). Việc Mỹ bán vũ khí cho Việt Nam là vì Mỹ muốn kiếm tiền, và dù cho như vậy, cũng không ngăn được sự phát triển của Trung Quốc.

        Đoạn nầy đã rõ, họ khuếch tán sự khác biệt giữa Việt-Mỹ để gây mâu thuẫn. Từ lâu họ ra sức ngăn cản sự xích lại gần Mỹ của Việt Nam, nhất là sau vụ giàn khoan và Biển Đông. Họ không muốn Việt Nam trở thành một nước độc lập và dân chủ, không cho phép Việt Nam từ bỏ ý thức hệ xảo trá áp đặt, đang đi ngược lại ý chí của nhân dân Việt Nam, và cũng là ý chí của nhân dân TQ (Hồng Kông đang là biểu tượng).

 

4- Chuyến đi của Tướng Phùng Quang Thanh 

( http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-Quoc-phong/Bai-bao-noi-ve-Dai-tuong-Phung-Quang-Thanh-cua-Tan-Hoa-xa-post151478.gd)

       Bài báo cũng tường thuật chuyến đi vừa rồi của tướng Thanh trong dịp chuẩn bị Trì sắp qua nầy. Có 2 nội dung chính: Kể về binh nghiệp rất dài và thành tích đầy đủ của Tướng Thanh trong chiến tranh chống Mỹ, theo hướng ca ngợi, kể cả thành tích việc tướng Thanh đã cho giảm số quân để xây dựng “tinh binh” (tinh và gọn), các thành tích hiện đại hóa quân đội… Ý lộ rõ ràng, là muốn nâng cao/xác lập thêm uy tín cho tướng Thanh đối với nhân dân Việt Nam. Nội dung  thứ hai là kín đáo nhắc nhở cho tướng Thanh thấy rõ sự khác biệt Mỹ-Việt về ý thức hệ, thể chế, rằng Mỹ bán vũ khí chỉ là nhu cầu “tái cân bằng” của Mỹ, rằng Việt Nam chỉ nên chơi với Mỹ ở mức đủ để “giữ thăng bằng”, mong chen tìm chút lợi ích từ Mỹ và các nước khác, chớ bước xa hơn, vì mối quan hệ đó là “không đáng tin cậy”.

        Qua bài viết về Tướng Phùng Quang Thanh có ý nhấn mạnh quan hệ Việt-Mỹ là “không đáng tin cậy”, cho ta thấy bài báo đã “khá đáng tin cậy” Tướng Thanh.      

       Bây giờ trong quán xá, người ta hỏi nhau: Tướng Phùng Quang Thanh, thật ra là ai vậy?

       Qua bài báo, câu trả lời dường như đã có!

 

5- Các kết luận. (Họ nói)

       Việt Nam và Trung Quốc không có tranh chấp ở Biển Đông. Trung Quốc đã “nhẫn nhịn đến kinh người”, và kiên quyết khẳng định "Biển Đông thuộc về Trung Quốc từ cổ đại, không có tranh chấp nào giữa Trung Quốc và Việt Nam mà vì Việt Nam tham dầu đã liên tục đánh chiếm các đảo".  Bắc Kinh "kiên định không lay chuyển trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, quyền lợi hàng hải của mình ở Biển Đông".

       Đoạn nầy có lẽ không cần bàn cãi. Việt Nam có câu: “thà nói với đầu gối còn hơn!”

 

Kết luận của kết luận.

        Có lẽ, không người Việt Nam mong muốn chờ xem Dương Khiết Trì sắp qua, nói gì! Mà chỉ mong muốn chờ xem thái độ, tư tưởng của những người nghe Trì nói.

        Điều đó sẽ thẩm định mức độ nói dối của Thằng Cuội, và biết ai là những kẻ thích nghe lời Thằng Cuội nói dối. Nhưng e rằng, và cũng khốn nạn thay, nếu Thằng Cuội đã nói lên một phần sự thật?

        Để tự “giữ thăng bằng” cho mình, tôi có ý nghĩ lãng mạn rằng, Mỹ khuyên (hoặc cùng bàn bạc - cho oai) Việt Nam nên “nhẹ nhàng” với Trung Quốc, chờ đợi để “dìu dắt” nhân dân Trung Quốc cùng đi theo hướng dân chủ hóa, và mền lại, đừng có nôn nóng!                                                      

        Chỉ e một nỗi, kẻ dắt thì tụt phía sau, người được dẫn phía sau lại lán chán ở phía trước.


HĐN 25-10-2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét