25-8-2014
Hậu quả nặng nề từ công nghệ rác Trung Quốc
Hàng loạt công trình trong ngành điện lực, cơ khí, hóa chất… sử dụng công nghệ, máy móc cũng như trao cho nhà thầu Trung Quốc đã gặp trục trặc, hư hỏng, hiệu quả hoạt động thấp, đang làm dấy lên mối lo lắng rất lớn về hậu quả sử dụng công nghệ lạc hậu trong nhiều ngành kinh tế quan trọng của VN.
Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng, công trình do nhà thầu TQ thi công, chậm 18 tháng - Ảnh: M.Q |
Đẩy công nghệ lạc hậu sang VN
Vụ Tập đoàn hóa chất VN phải cầu cứu Bộ Tài chính, Công thương hỗ trợ Nhà máy đạm Ninh Bình - một nhà máy có quy mô vốn đầu tư lên tới 700 triệu USD, hoàn thành năm 2012 nhưng từ đó đến nay chưa năm nào có lãi - nguyên nhân được chính tập đoàn này thừa nhận “do nhà máy sử dụng dây chuyền, máy móc nhập chủ yếu từ TQ, có chất lượng trung bình nên thường xuyên xảy ra sự cố”. Việc mua vật tư, thiết bị dự phòng cũng phải phụ thuộc vào nhà thầu TQ, dây chuyền sản xuất hay xảy ra sự cố, tiêu hao định mức nên chưa đạt mức thiết kế. Đến nay, công ty đã có số lỗ lũy kế hơn 1.071 tỉ đồng.
|
Ông Phạm Vũ Hà, Tổng thư ký Hiệp hội Sắn VN, cho biết các nhà máy chế biến sắn hiện nay ở VN chủ yếu đầu tư bằng công nghệ của TQ, khá lạc hậu do là những công nghệ từ 10 - 15 năm trước nên sản phẩm tinh bột sắn sản xuất ở ta chỉ đạt mức trung bình, thua kém sản phẩm của Thái Lan về độ trắng, tạp chất, độ mịn..., dẫn đến yếu kém hẳn về sức cạnh tranh.
Ảnh hưởng rõ rệt nhất ở các ngành điện lực, cơ khí. Theo ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí VN, tính đến nay VN đã cho các nhà thầu TQ làm tổng thầu theo công thức chìa khóa trao tay (EPC) 5/6 dự án hóa chất; 2/2 dự án chế biến khoáng sản (bauxite), 49/62 dự án xi măng, 16/27 nhà máy nhiệt điện và hàng loạt dự án giao thông khác... Riêng trong lĩnh vực điện, theo khảo sát, đánh giá của Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí VN (có sự xác nhận của Bộ Công thương), đa số các dự án nhiệt điện bị chậm tiến độ từ 3 tháng đến 3 năm; chất lượng thiết bị không đồng đều, không đúng so với cam kết ban đầu. Một chuyên gia trong ngành điện nhìn nhận: "Hầu hết trang thiết bị, máy móc và trình độ công nghệ lạc hậu của TQ đầu tư sang VN do nhà thầu nước này trúng thầu EPC. Họ đang từng bước chuyển giao công nghệ lạc hậu, ô nhiễm ra khỏi nội địa sang VN, khiến chúng ta phụ thuộc vào họ để duy trì hoạt động các nhà máy nhiệt điện...".
Lợi ích nhóm bất chính là nguyên nhân
Tiến sĩ Trần Đình Long, Phó chủ tịch Hội Điện lực VN, cho rằng sử dụng công nghệ, dây chuyền, thiết bị lạc hậu của TQ thì không khác gì “mất 1 đồng đường rồi lại phải thêm 3 đồng cháo”. Nhiều nhà máy điện ở VN dùng công nghệ TQ, do nhà thầu TQ lắp đặt, thường rơi vào tình trạng phải sửa lên sửa xuống. Sơ hở, theo ông Long, là luật Đấu thầu của ta quá nặng về yếu tố giá mà không xét đến chế tài phạt chậm tiến độ để các nhà thầu phải đảm bảo chất lượng công nghệ, để không xảy ra những hư hỏng, sự cố lớn.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, lại cho rằng lợi ích nhóm là nguyên nhân đưa công nghệ rác của TQ vào VN. Bởi trước đó, đa số những công nghệ được TQ xuất sang đều lạc hậu nhưng là một sự mới mẻ đối với một VN chưa có công nghiệp, thiếu vốn và khát khao công nghiệp hóa nhanh chóng. Nhưng tới những năm 2000 trở về đây, khi đã hội nhập sâu vào kinh tế quốc tế, có hiểu biết và kinh nghiệm hơn, chúng ta vẫn tiếp tục nhập về nhiều công nghệ lạc hậu trong các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, dệt may... “Lý do đưa ra là TQ cho vay bằng Quỹ khuyến khích xuất khẩu của họ nên VN phải chấp nhận công nghệ, nhà thầu theo công thức EPC; rằng họ chào thầu giá rẻ, phù hợp với luật Đấu thầu của ta... Thực chất, đây là sự "được lừa" kéo dài quá lâu, gây hậu quả nghiêm trọng. Tất cả các nhà máy nhiệt điện TQ nhận thầu đều kéo dài quá thời hạn quy định, các nhà máy đều vận hành thiếu ổn định, thường xuyên gặp sự cố, ảnh hưởng đến tính ổn định của mạng lưới điện quốc gia. Nhà máy phân đạm Ninh Bình, điện Cao Ngạn... là những ví dụ. Rõ ràng, các quy trình giám định độc lập, nghiệm thu đã không được tôn trọng. Lợi ích nhóm bất chính đã thống trị một thời gian rất dài", ông Doanh nói.
Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế học, bổ sung thêm, một nguyên nhân quan trọng là ý thức sử dụng công nghệ để cạnh tranh của DN VN kém. Nhiều DN chỉ lựa chọn những thứ rẻ tiền, có lợi trước mắt và cách tiếp cận này đã trở thành văn hóa đối với nhiều DN. Nhưng cạnh tranh kiểu chụp giựt, kiếm chác không thể tồn tại lâu dài nên định hướng về công nghệ của các DN phải thay đổi. “Chính phủ nên đưa ra chính sách bảo vệ môi trường, giám sát chặt chẽ hơn thì tự nhiên các DN làm ăn chụp giựt sẽ chết. Phải cho họ hiểu, không có phép màu nào ở đây cả”, tiến sĩ Thiên nói.
Làm chậm sự phát triển của VN
Nhận xét về hậu quả của việc TQ đang chuyển công nghệ lạc hậu sang VN, tiến sĩ Trần Đình Thiên cho rằng việc này không chỉ khiến hư hỏng cả bộ máy, con người mà nguy hiểm nhất nó làm cho quá trình đi lên hiện đại của VN "đắt" hơn rất nhiều về thời gian. “Đơn cử, dự án đường sắt Hà Nội - Hà Đông chậm 3 năm. Nếu coi đó là một trục chiến lược của công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì chúng ta đã bị chậm đi vài năm trong khi đó họ vượt lên. Đây là một thủ đoạn cạnh tranh về thị trường, làm đối phương thua thiệt về thời gian, làm mất cơ hội phát triển mà ngày nay "ông" chậm một cái là có thể bị loại ra khỏi cuộc chơi. Các nhà máy điện chậm, đường Hà Nội - Hải Phòng chậm... 90% do TQ. Chúng ta tuyên bố công nghiệp hóa, chúng ta muốn thu hút đầu tư mà không có điện thì hình ảnh môi trường VN đã xấu đi. Sự chậm trễ về công nghệ để lại hậu quả ghê gớm về phát triển", ông Thiên nói.
Mạnh Quân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét