11-08-2014
Chị Duy Phương (Duy Phuong Tran) đãi bạn bè món mì Quảng sau chuyến đi Hà Nội - miền Bắc về.
Tập hồi ức Tôi nghe tôi hát của chị được giải Văn của Liên hiệp các Hội Văn Học Nghệ Thuật Toàn quốc năm 2013. Chị ra Hà Nội theo lời mời giới thiệu tác phẩm - tác giả.
Đôi chân bị liệt khiến chị không thể tranh thủ đi thăm các hang động Thiên Đường, Phong Nha hay lên Sa Pa, Hà Giang… như chị vẫn mơ ước. Nhưng chị cũng đã gặp được một số bạn tù mà từ sau 1975, cả hai bên không thể tìm ra cơ hội lẫn điều kiện.
Chị kể, có những cựu tù nhân Phú Quốc, sau 1975 trở về quê miền bắc, khi khai lý lịch phải giải trình rất nhiều những chi tiết trong thời gian bị tù mà lúc đó không thể có người xác minh, vì, hoặc họ đã chết, hoặc không biết họ ở đâu mà tìm.
Trong chiến tranh, những con người ấy đã không nghĩ gì đến mạng sống, đã qua hết tuổi xuân của mình trong tù ngục nên với họ, một “ưu tiên, chế độ” gì đó không quá quan trọng tới mức khiến họ phải chạy vạy khổ cực và khổ nhục để có cho kỳ được. Và họ đã bỏ luôn lý-lịch-tù của mình, chấp nhận bắt đầu lại từ con số không, như mọi công dân bình thường khác…
Những người bạn tù ấy đã gặp nhau, rưng rưng thấy cuộc đời đều đã sang bên kia con dốc, với những tật bệnh, di chứng và những nỗi buồn khó có gì so sánh…
Chị Duy Phương cũng đã vượt đường xa đi đến Quảng Ninh, chỉ để thắp một nén nhang lên bàn thờ người bạn tù đã mất khiến con gái người ấy quá xúc động ôm lấy chị khóc, và xin được làm con gái chị, người phụ nữ chưa từng có một mái ấm gia đình riêng…
Ôi, chiến tranh Việt Nam, đã qua gần 40 năm mà sao những vết thương vẫn cứ sâu hoắm, vẫn cứ như đang tiếp tục rỉ máu…?
Bạn bè của chị Duy Phương có thể biết nhau trước 1975, hay sau 1975 với tư cách nhà báo và nhân vật: đạo diễn Nguyễn Hoàng, bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm, facebooker Hồng Lê Thọ- chủ trang Người lót gạch, chị Duy Phương, KCNT, nhà văn Trầm Hương, nhà báo Ngũ Long.
Mì Quảng đúng kiểu: rất nhiều ớt xanh và đậu phụng, rau, và nước nhưn rất sệt, không ngập hết mì.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét