(Theo Blog của Tiến
sĩ Nguyễn Hưng Quốc, 24.04.2014)
Nhiều người công khai lên tiếng kêu gọi Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến từ chức với hai lý do chính: Một, sự bất lực của bà trước những sự thất bại nghiêm trọng của Bộ; hai là, những cách trả lời ngô nghê, thậm chí vô cảm của bà trước sinh mệnh của dân chúng.
Ảnh minh họa : SGĐT điểm ảnh từ : Bệnh viện quá tải... dân khổ
Ảnh minh họa : SGĐT điểm ảnh từ : Nhật ký 1 ông chồng đi "xem" vợ đẻ
Ảnh minh họa : SGĐT điểm ảnh từ : Bệnh viện quá tải... dân khổ
Ảnh minh họa : SGĐT điểm ảnh từ : Nhật ký 1 ông chồng đi "xem" vợ đẻ
Từ hai năm nay, dư luận dân chúng tại Việt Nam, đặc biệt trên các mạng truyền thông xã hội, chú ý một cách đặc biệt vào Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Nhiều người công khai lên tiếng kêu gọi bà từ chức với hai lý do chính: Một, sự bất lực của bà trước những sự thất bại nghiêm trọng của Bộ (ví dụ, việc ngăn chận tham nhũng trong các bệnh viện, các phản ứng vụng về và bất lực trước nạn tiêm nhầm thuốc khiến trẻ em bị chết và gần đây nhất, cách đối phó với dịch sởi làm chết hơn 100 trẻ em và hàng ngàn trẻ em khác đang nằm la liệt trong các bệnh viện, v.v…); hai là, những cách trả lời ngô nghê, thậm chí vô cảm của bà trước sinh mệnh của dân chúng trong phạm vi trách nhiệm của bà.
Ai gào la thì mặc, bà vẫn “kiên quyết” không từ chức. Mà, thật ra, không riêng
gì bà Kim Tiến. Hầu hết các Bộ trưởng tại Việt Nam, thậm chí, cả chính phủ Việt
Nam, kể cả những người đứng ở vị trí cao nhất, từ Tổng bí thư đến Chủ tịch nước
và Thủ tướng, từ trước đến nay, dù vẫn phạm vô số sai lầm, nhưng cũng chưa có
ai từ chức cả. Thủ tướng Phạm Văn Đồng, lúc đã về hưu, thường than thở là trên
thế giới chưa ai làm Thủ tướng lâu như ông và cũng chưa có Thủ tướng nào ít quyền
lực như ông; ít đến độ, suốt cả mấy chục năm, ông chưa hề, thực chất là không
thể, bãi nhiệm bất cứ một viên chức nào dưới quyền: Đó là công việc của đảng! Vậy
mà ông vẫn “cắn răng” cam chịu và tiếp tục ngồi trên ghế Thủ tướng suốt cả 32
năm (1955-1987). Gần đây, Thủ tướng đương nhiệm Nguyễn Tấn Dũng cũng nhiều lần
than thở y như Phạm Văn Đồng, nhưng ông cũng không từ chức. Có lần, bị tra hỏi,
ông đáp: Ông được đảng phân công, do đó, ông phải tiếp tục.
Ở đây, chúng ta thấy có hai vấn đề: Một, dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, từ trước
đến nay, chỉ có hiện tượng bãi chức hay thuyên chuyển từ chức vụ này sang chức
vụ khác chứ chưa hề có hiện tượng từ chức. Hiện tượng nhất định không từ chức
này phổ biến đến độ người ta gọi đó là một thứ văn hóa: văn hóa không từ chức,
hoặc, diễn tả một cách khác: Việt Nam chưa có cái gọi là văn hóa từ chức. Và
hai, trong cơ chế công quyền ở Việt Nam, trách nhiệm của cá nhân hầu như chưa
có: Toàn bộ việc quyết định bổ nhiệm hay sa thải đều nằm hết trong tay của đảng.
Ngay cả với những người bất tài và bất lực, nếu đảng chưa quyết định thuyên
chuyển hay cách chức, người ta vẫn tiếp tục giữ chiếc ghế của mình dù không làm
gì cả hoặc nếu làm, làm một cách qua loa, dối dá, vô hiệu quả, bất chấp sự
khinh bỉ của dân chúng.
Xin nói về vấn đề thứ hai trước.
Thật ra, ở Tây phương, bất cứ chiếc ghế nào trong chính phủ cũng xuất phát từ
việc bổ nhiệm. Người đứng đầu chính phủ (hoặc Tổng thống hoặc Thủ tướng) là do
dân chúng bổ nhiệm qua các cuộc bầu cử. Các chức vụ phía dưới đều cho Tổng thống
hoặc Thủ tướng trực tiếp bổ nhiệm (có nơi, ví dụ ở Mỹ, với một số chức vụ quan
trọng, cần sự chấp thuận của Quốc Hội). Ở cả hai cấp, người ta đều chịu trách
nhiệm trước dân chúng và trước đảng của họ. Với tinh thần trách nhiệm ấy, người
ta thường từ chức với một trong hai hoặc với cả hai lý do: Một, khi không còn
được đảng tín nhiệm; và hai, khi đối diện với nguy cơ mất tín nhiệm của quần
chúng. Nếu một quan chức nào đó, vì bất lực hoặc vì một sai phạm nghiêm trọng
nào đó có thể gây ảnh hưởng tai hại đối với chính phủ hoặc đảng, họ có thể tự
nguyện từ chức hoặc bị cách chức. Hai hình thức từ chức và cách chức có khi chỉ
là một: đánh hơi được là sẽ bị cách chức, người ta tự ý xin từ chức trước, hoặc
để bảo vệ danh dự của người ấy, thủ lãnh của họ có thể yêu cầu họ từ chức, nếu
không, sẽ bị cách chức.
Trong mọi trường hợp, một chính phủ dân chủ bao giờ cũng bị sức ép của dân
chúng để phải, một, thực hiện tất cả những gì mình từng hứa hẹn bằng cách tìm
kiếm và sử dụng những người tài năng nhất trong mỗi chức vụ; và hai, công minh
và nghiêm túc trong việc thưởng phạt để tránh bị dân chúng trừng phạt trong cuộc
bầu cử kế tiếp. Trong suốt cả thời gian cầm quyền, bất cứ chính phủ dân chủ nào
cũng đều bị theo dõi và kiểm soát nghiêm ngặt của giới truyền thông và đặc biệt,
phe đối lập. Trước sức ép và những sự theo dõi ấy, không có sai lầm nào có thể
bị bỏ qua; và vì không thể bỏ qua được, người ta chỉ có một trong hai lựa chọn:
từ chức hoặc bị cách chức.
Ở Việt Nam, mọi quan chức chỉ chịu trách nhiệm trước đảng chứ không hề chịu trách
nhiệm trước dân chúng; và đảng Cộng sản, vì không do dân bầu, nên không hề và
cũng không cần chịu trách nhiệm trước dân chúng. Thành ra, từ góc độ cá nhân
cũng như từ góc độ tập thể, không ai chịu trách nhiệm với ai cả. Không ai từ chức
là vì thế. Người ta chỉ thuyên chuyển công tác. Và việc thuyên chuyển ấy chỉ là
việc tái bố trí lực lượng trong nội bộ đảng nên không hiếm trường hợp: một người
phạm sai lầm ở chức vụ này được thuyên chuyển sang một chức vụ khác, có khi còn
cao hơn hẳn chức vụ cũ. Cho nên việc không từ chức và hiếm bị cách chức ở Việt
Nam phản ánh một điều: nhà cầm quyền không cần giữ niềm tin của dân chúng, hay
nói cách khác, bất cần dân chúng.
Chính đây là nguyên nhân dẫn đến vấn đề thứ nhất tôi nêu ở trên: Việt Nam chưa
có, hoặc không có, văn hóa từ chức. Nói đến văn hóa là nói đến một cái gì sâu
xa hơn những hiện tượng vào/ra, lên/xuống những chiếc ghế trong chính phủ. Nó
là một nét trong cách suy nghĩ và, từ đó, hành xử của con người. Nó gắn liền với
ý niệm về trách nhiệm và danh dự cũng như, rộng hơn, ý niệm về các chuẩn mực đạo
đức trong xã hội.
Thứ nhất, việc thiếu văn hóa từ chức đồng nghĩa với việc thiếu tinh thần trách
nhiệm. Đảng cộng sản và chủ nghĩa xã hội nói chung rất tự hào đã sáng chế ra
nguyên tắc “làm chủ tập thể” nhưng họ lại không thấy, hoặc thấy nhưng làm ngơ,
một mặt trái của nguyên tắc này: cuối cùng không ai chịu trách nhiệm về bất cứ
một sai lầm nào cả. Thành công, người ta nhận công lao thuộc về mình; nhưng thất
bại, người ta lại đổ hết cho tập thể; có điều, tập thể là một đám đông vô hình
và vô cùng mơ hồ và trừu tượng. Đến lượt cái tập thể ấy đổ tội cho… lịch sử hoặc,
nói theo chữ của Phạm Thị Hoài, khi bàn về vấn đề trí thức Việt Nam, cho “thằng
khách quan” nào đó.
Thứ hai, quan trọng hơn, do thiếu ý thức trách nhiệm, người ta cũng mất hẳn ý
thức về danh dự. Mất ý thức về danh dự, người ta cũng mất cả ý thức về sự xấu hổ.
Ở Tây phương, khi một chính khách phạm sai lầm, dù rất nhỏ, ví dụ trường hợp Thủ
hiến New South Wales Úc, ông Barry O’Farrell, mới đây, đã từ chức vì không khai
báo món quà ông nhận được, một chai rượu đỏ hiệu Penfolds Grange trị giá 3000
đô theo luật định. Lỗi, thật ra, không lớn. Người ta có thể tự biện hộ một cách
dễ dàng bằng một lý do khá chính đáng: quên. Mà dễ quên thật. Một lãnh tụ cỡ như
vậy thường phải dự cả hàng chục cuộc họp mặt và nhận được cả chục món quà đủ loại
mỗi tuần. Nhưng ông O’Farrell không sử dụng cách tự bào chữa ấy. Ông quyết định
từ chức. Một là để bảo vệ uy tín của chính phủ và của đảng ông. Hai là vì… xấu
hổ. Ở Việt Nam, ngược lại, dường như không có một lãnh tụ hay quan chức cao cấp
nào có bất cứ một biểu hiện tự xấu hổ nào cả. Bị phê phán hay chửi bới đến mấy,
họ cứ trơ ra, chờ thời gian làm mờ nhạt dần, và cuối cùng, mọi người đều quên
lãng.
Nhưng khi làm vậy, họ lại xói mòn, nếu không muốn nói là làm sụp đổ, mọi chuẩn
mực đạo đức trong xã hội. Một xã hội bình thường bao giờ cũng có một số chuẩn mực
nhất định để căn cứ vào đó người ta đánh giá và phân loại thiện/ác, tốt/xấu,
hay/dở, những điều có thể chấp nhận được và những gì không thể chấp nhận. Ngày
xưa, suốt cả ngàn năm, người ta viết những câu chuyện có hậu với kết thúc ở hiền
gặp lành và ở dữ gặp dữ là vì vậy. Ngay cả ở Tây phương hiện nay, mỗi khi viết
về những người thành công, ví dụ các tỉ phú - ở Việt Nam thường gọi là “đại
gia” - người ta thường chỉ tập trung vào trí tuệ, tài năng và sức lao động
không biết mệt mỏi của họ. Ở Việt Nam thì khác. Nhan nhản trong xã hội là hình ảnh
những quan chức bất tài và bất lực, vô trách nhiệm và không có chút tự trọng nào,
vẫn cứ ung dung ngồi trên những chiếc ghế cao ngất ngưởng, đi đâu cũng có thảm
đỏ, người đưa kẻ đón, không những giàu có mà còn đầy quyền lực. Đối diện với những
kẻ như vậy, tất cả những người thông minh, tài năng và cần cù nhưng thật thà,
biết xấu hổ, lúc nào cũng muốn giữ gìn nhân cách và nhân phẩm, trở thành những
kẻ thất bại, và không chừng, bị dư luận cho là dại dột.
Bởi vậy, trong một ý kiến ngắn đăng trên
facebook mới đây, tôi viết:
“Nhiều người thừa nhận: Ở Việt Nam chưa có văn hóa từ chức. Dường như chưa ai
phủ nhận hay cãi lại. Nhưng đó chỉ là hiện tượng. Cần lưu ý, đằng sau sự thừa
nhận ấy là hai sự thú nhận khác, quan trọng hơn: Một, Việt Nam thiếu một cơ chế
thưởng phạt công minh để ngay cả những người bất tài, không xứng đáng hoặc vấp
phải những sai lầm nghiêm trọng vẫn tiếp tục ngồi trên những chiếc ghế cao ngất
ngưởng hầu tiếp tục phá hoại đất nước. Và hai, Việt Nam thiếu (hoặc đánh mất) một
yếu tố cực kỳ cao quý không những đối với cá nhân mà còn đối với cả cộng đồng:
lòng tự trọng. Cái thiếu đầu là sự bất toàn về phương diện tổ chức và pháp lý.
Cái thiếu sau là sự bất toàn về phương diện văn hóa và đạo đức. Hệ quả của cả
hai cái thiếu ấy là sự sụp đổ của các bảng giá trị, hoặc đúng hơn, các chuẩn mực
của giá trị. Khi các chuẩn mực bị sụp đổ, người ta - mọi người, bất kể là ai,
dù có chức quyền hay không có chức quyền - không còn phân biệt được cái tốt và
cái xấu, cái thiện và cái ác, cái hay và cái dở: Cái hư ở trên, dù muốn hay
không, cũng thấm dần xuống dưới. Xã hội, do đó, bị băng hoại tận đáy.”
Nhìn vấn đề như vậy, chúng ta dễ dàng trả lời câu hỏi nhiều người đặt ra: Tại
sao xã hội, văn hóa, và đạo đức tại Việt Nam cứ mỗi ngày một băng hoại như vậy?
Câu trả lời: Bao giờ những người lãnh đạo
các cấp chưa biết đến văn hóa từ chức, sự băng hoại ấy vẫn sẽ tiếp tục, hơn nữa,
càng ngày càng trầm trọng hơn. /-
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét