(SGĐT)- Gọi 30/4 là ngày gì cho thỏa đáng, trong xu thế hướng đến Hòa hợp Dân tộc , nhằm cùng mục tiêu bảo vệ độc lập trước họa xâm lăng của Bắc Kinh và phát triển đất nước ? Dịp nầy, SGDT sẽ góp nhặt những tiếng nói khác nhau nhưng có cùng mục đích xây dựng, để lần lượt gởi đến bạn đọc cùng tham khảo.
“Ta cùng lên Đường đi xây lại ViệtNam” (Lời bài hát : “Dựng lại người, dựnglại nhà”- Trịnh công Sơn)
Không phải là năm chẵn, nhưng
ngày 30/4 năm nay vẫn là ngày lễ trọng đứng đầu bảng các lễ lạt trong năm. Do
đó đã có những bài viết, những phát biểu về 30/4 của “bên thắng cuộc” , “bên
thua cuộc”, lề phải, lề trái, không lề. Đáng chú ý là nhân sắp đến ngày 30/4,
quan chức ngoại giao và truyền thông chính thống của Việt Nam lại nói về hoà hợp
hoà giải.
Rất nhiều sách báo, tiểu luận, ý
kiến về ngày 30/4. Thế nhưng gọi ngày 30/4 là ngày gì thì người Việt Nam trong
và ngoài nước chưa hề thống nhất dù cả hai đều có những lễ hội kỷ niệm ngày
30/4. (Cũng như vậy, GS Lê xuân Khoa đã từng hỏi: Ba mươi năm gọi tên gì cho
cuộc chiến? khi bàn về chiến tranh Việt Nam).
Phía này (Huy Đức đặt tên là “bên
thắng cuộc”) có nhiều tên gọi cho ngày 30/4: ngày chiến thắng Mỹ Nguỵ; ngày giải
phóng miền Nam, thống nhất tổ quốc; ngày chiến thắng của sự nghiệp giải phóng
giai cấp, giải phóng dân tộc, thống nhất tổ quốc; ngày chiến thắng của chiến lược
2 ngọn cờ: độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; ngày chiến thắng của cuộc đấu tranh
ai thắng ai giữa hai con đường xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa; ngày chiến
thắng của chủ nghĩa quốc tế vô sản - tức là liên minh Việt-Trung-Xô ở tầm thế
giới, liên minh Việt-Miên-Lào ở tầm khu vực, v.v.
Phía kia (Huy Đức đặt tên là “bên
thua cuộc”) thì gọi ngày 30/4 là ngày quốc hận, ngày đen tối, ngày mất nước
(vong quốc), tháng 4 đen…
Gọi là gì thì ngày 30/4 cũng đã
gây phấn khích, vui mừng cho nhiều người Việt phía này và lo âu, phẫn uất cho
nhiều người Việt phía kia. Thủ tướng Võ văn Kiệt nói triệu người vui, triệu người
buồn. (Có ý kiến cần sửa lại: triệu người vui và nhiều triệu người buồn do những
gì từ 30/4 mang lại sau gần 40 năm?).
Sau đây là mấy ý kiến trái chiều,
cần xem xét về một số cách đặt tên cho ngày 30/4.
1/ Thắng thua, thua thắng
Ngày 30 tháng 4 lâu nay được gọi
là ngày chiến thắng của đường lối độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội (2 ngọn cờ),
là chiến thắng của cuộc đấu tranh ai thắng ai giữa hai con đường xã hội chủ
nghĩa và tư bản chủ nghĩa. Bằng chứng là Mỹ (chủ nghĩa tư bản) thua nên Mỹ phải
tìm cách rút quân với hiệp định Paris 1973, Việt Nam cộng hoà sụp đổ năm 1975.
(Cũng cần nói thêm là đối phương của VNCH khi ấy vẫn có nguồn tiếp liệu chiến
tranh rất đầy đủ).
40 năm sau nhìn lại thấy thế nào?
Có thật chủ nghĩa tư bản thua chủ nghĩa xã hội? Miền Nam tư bản thua miền Bắc
xã hội chủ nghĩa? Có những lập luận cho là Mỹ thua về quân sự nhưng thắng về
kinh tế, miền Nam thua về quân sự nhưng thắng về văn hoá, giáo dục, kinh tế.
Lại có lập luận cho rằng: Mỹ rút
vì Mỹ thắng. Lập luận trái chiều này nói Mỹ đưa quân vào miền Nam không phải để
đối đầu với cuộc kháng chiến do đảng cộng sản lãnh đạo (thực chất là cuộc khởi
nghĩa nông dân khoác áo Mácxit). Cuộc chiến đó là việc nội bộ của người Việt
Nam. Đối thủ chính của Mỹ ở Việt Nam là khối cộng sản đang có sự tranh giành
quyền lãnh đạo giữa hai nước lớn Liên xô - Trung quốc. Khi người Mỹ, bằng cuộc
chiến Việt Nam khoét sâu mâu thuẫn trong khối cộng sản, làm suy kiệt kinh tế,
xã hội của các nước lớn cộng sản, làm bộc lộ tử huyệt của phe XHCN thì Mỹ rút.
Cuộc chiến Việt Nam giao lại cho người Việt tự giải quyết với nhau, ai thắng ai
không ảnh hưởng đến địa vị siêu cường của Mỹ, rộng ra là phe tư bản chủ nghĩa,
thế giới tự do. Thế chiến lược người Mỹ cài đặt từ cuộc chiến Việt Nam sau 40
năm vẫn làm cho các nước cộng sản, vốn là cộng sản vẫn còn lâm trận, gỡ chưa
ra, có nguy cơ tan vỡ tiếp nếu không chịu cải tổ triệt để.
Đế quốc tư bản chủ nghĩa Hoa kỳ
rút khỏi Việt Nam vì đã nắm chắc phần thắng khối cộng sản chủ nghĩa (chỉ với
hơn 50.000 tử sĩ và mấy trăm tỉ đô la)? Dẫn chứng cho lập luận này là: sau
30/4/1975, Campuchia cộng sản đánh Việt Nam cộng sản; 4 năm sau, Trung quốc cộng
sản đánh Việt Nam cộng sản. Chẳng có chủ nghĩa, tinh thần quốc tế vô sản nào ở
đây cả! Năm 1983 Tổng bí thư Leonid Brezhnev của Liên xô hùng hồn tuyên bố:
Liên xô đã có những tiền đề của chủ nghĩa cộng sản (làm tuỳ sức, hưởng tuỳ cầu).
Vài năm sau Tổng bí thư Gorbachev tuyên bố cải tổ và đến 1991 thì Liên xô sụp đổ
(trước đó là sự tan rã của khối xã hội chủ nghĩa). Tư bản Mỹ thua Việt Nam
nhưng sau đó khối cộng sản khổng lồ tan tành, ngọn cờ xã hội chủ nghĩa rách
nát. Mỹ thua hay Mỹ thắng?
Ở góc nhìn này cũng có thể nói miền
Nam tư bản không thua miền Bắc xã hội chủ nghĩa mà là thua cuộc khởi nghĩa nông
dân trong cả nước do đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Cuộc khởi nghĩa nông dân
này là sự tiếp nối các cuộc khởi nghĩa nông dân từ thời nhà Nguyễn diễn ra trước
khi người Pháp chiếm Việt Nam làm thuộc địa. Nét độc đáo của cuộc khởi nghĩa
này là có một đảng chính trị lãnh đạo thay vì do một hào trưởng, một giòng họ
như các cuộc khởi nghĩa nông dân truyền thống.
Tại sao lại có khởi nghĩa nông
dân? Điều kiện nổ ra khởi nghĩa nông dân là quyền lực cai trị ngu hèn, bạc nhược
nhưng hung ác, tham lam vô độ, dung túng tay chân, cường hào ác bá chèn ép, ức
hiếp, nhũng nhiễu, cướp bóc, giết hại dân nghèo (chủ yếu là nông dân). Tài sản
vô giá của nông dân là ruộng đất rơi hết vào tay quan lại, cường hào. Dân nghèo
tán gia bại sản, đói rách, tha phương cầu thực, lưu lạc nơi đất khách quê người,
bán thân nuôi miệng, con cái nheo nhóc. Mồ mả tổ tiên không người nhang khói lại
bị vua quan, côn đồ xúc phạm, huỷ hoại, hài cốt ông cha bị quạ mổ diều tha…
Điều kiện tất thắng của một cuộc
khởi nghĩa nông dân là gì? Trong hơn một nghìn năm độc lập tự chủ, Việt Nam có
ba cuộc khởi nghĩa nông dân giành thắng lợi vang dội: Khởi nghĩa Lam Sơn (Lê Lợi),
khởi nghĩa Tây Sơn (anh em Nguyễn Huệ), khởi nghĩa 1945 (Hồ chí Minh). Điểm giống
nhau góp phần cho ba cuộc khởi nghĩa dành được thắng lợi là “chống ngoại xâm”.
Một cuộc khởi nghĩa nông dân chống cường quyền áp bức có thêm chính nghĩa chống
ngoại xâm thì tất yếu sẽ chiến thắng vì khởi nghĩa nông dân đã biến thành khởi
nghĩa toàn dân chống cướp nước và bán nước.
Đặc thù khác của cuộc chiến tranh
vừa qua là ở hai bên chiến tuyến, những người cầm súng phần lớn thuộc thành phần
nông dân nghèo. Một bên, tầng lớp lãnh đạo tuy có đặc quyền đặc lợi nhưng vẫn
còn nghèo, xã hội chưa có đại gia. Một bên thì lãnh đạo, chỉ huy cấp cao là nhà
giàu, xã hội có nhiều đại gia. Đó là thế tất bại của một bên: hy sinh bản thân,
giết đội quân nhà nghèo như mình để bảo vệ gia tài kếch sù cho các đại gia ư?
Khi đảng, nhà nước thành lập lực
lượng cơ động, có ý kiến nói: Có lẽ rút bài học sinh tử trong chiến tranh, đảng,
nhà nước Việt Nam đã cho thành lập các đội võ trang nhà giàu (bản thân người cầm
súng-cảnh sát- là nhà giàu), trang bị hiện đại, cho phép bắn vào người gây rối
chống người thi hành công vụ. Đội vũ trang này chiến đấu cho chính của cải của
mình nên sẽ rất hăng hái bắn giết. Ý kiến này phải tìm hiểu sâu mới khẳng định
được thật hư thế nào.
2/ Giải phóng, thống nhất
Là cuộc khởi nghĩa nông dân, chiến
thắng 30/4/1975 (2 năm sau khi miền Nam không còn lính Mỹ) không giải phóng ai
khỏi cái gì cả. Đặc điểm của mỗi cuộc khởi nghĩa nông dân là giành lại ruộng đất
(rộng ra là lãnh thổ), chuyển ruộng đất từ tay thế lực cai trị cũ sang tay thế
lực cai trị mới, người dân vẫn cứ trắng tay. Đó là sự tước đoạt của cải từ tay
tầng lớp cai trị cũ sang tay tầng lớp cai trị mới. Nhân dân, nhất là dân nghèo
(giai cấp vô sản) vẫn trắng tay từ chính trị, kinh tế, văn hoá… Có cuộc khởi
nghĩa nông dân nào (Nga, Trung quốc, Việt Nam…) khi thành công lại giao lãnh thổ
(cụ thể là ruộng đất), của cải, tài sản cho người dân làm chủ? Đất đai là của
vua, không phải của dân!
Nhà nước hình thành từ cuộc khởi
nghĩa nông dân dù có khoác áo vô sản, xã hội chủ nghĩa, thì vẫn là nhà nước
nông dân truyền thống. Nhà nước nông dân truyền thống coi việc chiếm đoạt đất
đai, làm chủ lãnh thổ là mục đích. Nó không có mục đích xây dựng một nhà nước
pháp quyền, nhà nước dân chủ. Trong khi một đặc điểm quan trọng của nhà nước thống
nhất là nhà nước pháp quyền: mọi người dân, mọi miền đất nước đều bị điều tiết
theo luật pháp thống nhất. Nhà nước cai trị theo nghị quyết của đảng chính trị,
theo quan điểm lập trường giai cấp mà thực chất là theo lợi ích, ý thích chủ
quan của người lãnh đạo, của nhà cai trị thì đó là nước sứ quân, nhà nước lãnh
chúa, vùng miền. Từng địa phương bẻ queo luật cho phù hợp với lợi ích của nhà
cai trị địa phương, của nhóm lợi ích địa phương nhân danh quan điểm, đường lối,
nghị quyết của đảng quang vinh, của liên minh công nông. Luật pháp không thực
thi thống nhất thì không thể có nhà nước thống nhất.
Là một quốc gia đa dân tộc, đa
văn hoá nhưng nhà nước nông dân sau 30/4 lại thực hiện chính sách dân tộc như
là một quốc gia độc chủng có chung một ông tổ, gây ra sự kỳ thị, hoài nghi ngấm
ngầm, mãnh liệt có nguy cơ xảy ra xung đột sắc tộc.
Do đó khó thể nói 30/4 là ngày giải
phóng, thống nhất đất nước (dù vĩ tuyến 17 không còn là giới tuyến chia hai đất
nước).
3/ Kết thúc và khởi đầu
Đảng nói: ngày 30/4 là ngày kết
thúc của cuộc cách mạng vô sản do lãnh tụ Hồ chí Minh vĩ đại và đảng cộng sản
Việt Nam quang vinh lãnh đạo, cũng là ngày khởi đầu kỷ nguyên cả nước xây dựng
chủ nghĩa xã hội phồn vinh.
Lại có nhận định nói: ngày 30
tháng 4/1975 là ngày kết thúc của cuộc khởi nghĩa nông dân do đảng cộng sản
lãnh đạo cũng là ngày khởi phát của một cuộc khởi nghĩa nông dân khác mà nguyên
nhân có sẵn trong chế độ, trong hệ thống chính trị, xã hội.
Các nhà nước hình thành từ thắng
lợi của các cuộc khởi nghĩa nông dân như Nga, Trung quốc, Cuba thì sao? Nhà nước
mật vụ Nga của ông Putin phát triển dựa vào tài nguyên khoáng sản mà khi còn là
Liên xô được cho là “một Thượng Vôn-ta, nay là Burkina Farso (một quốc gia nông
nghiệp chậm phát triển của châu Phi) có bom nguyên tử”, nhà nước cộng hoà nhân
dân của Tập Cận Bình hay nhà nước Cuba của anh em ông Fidel Castro cũng có khối
thuốc súng chờ nổ trong lòng chế độ.
Khởi nghĩa nông dân là nguy cơ
hay đã thành hiện thực ở Việt Nam và cả ở nước đàn anh Trung quốc? Các cuộc khởi
nghĩa nông dân ở Việt Nam có thêm tính chính nghĩa, tăng thêm sức mạnh chính trị
do các phố Tàu, các nhượng địa Tàu mọc lên khắp nơi, Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh
cho là mất nước từng phần (Thực ra là mất nước đa phần vì bộ máy cai trị bị ngoại
bang lũng đoạn, ý thức hệ, mô hình nhà nước, mô hình tổ chức bộ máy quản lý xã
hội, tín ngưỡng, tôn giáo, hoạt động kinh tế, chế độ sở hữu, hình thái chiếm hữu
của cải xã hội… đã hoàn toàn giống Trung quốc rồi).
Việt Nam đang bị đô hộ bởi thứ chủ
nghĩa thực dân cũ (di dân, khai thác tài nguyên) lẫn thực dân mới (bộ máy cai
trị là người bản địa phục tùng lợi ích của chính quốc)?
Đấy là nhân tố tất thắng của khởi
nghĩa nông dân. Nói 30/4 là ngày kết thúc cuộc khởi nghĩa nông dân này và cũng
là ngày khởi đầu của cuộc khởi nghĩa nông dân khác có đúng không?
Có cách nào không để xảy ra khởi
nghĩa nông dân?
4/ Hoà giải hoà hợp dân tộc?
Ở miền Nam, sau hiệp định Paris
1973, công cuộc hoà hợp hoà giải dân tộc gắn với một tổ chức chính trị có tên
là lực lượng thứ ba. Theo lý, lực lượng thứ ba là thành phần trung gian hoà giải
hai phe đối kháng là Việt Nam cộng hoà và Việt Nam dân chủ cộng hoà cùng Mặt trận
giải phóng miền Nam. Nếu công cuộc hoà giải của lực lượng thứ ba thành công thì
chẳng có ngày 30 tháng 4 nào cả. (Có ý kiến nói: công cuộc hoà giải không thành
vì phe thứ ba cũng cùng phe với một trong hai phe kia. Phê phán đó chưa đúng hẳn.
Có người của phe này, phe kia cài vào lực lượng thứ ba nhưng cũng rất thật là
nhiều người Việt tham gia lực lượng thứ ba vì lòng tin chân thành về một viễn cảnh
hoà bình, không còn chiến tranh tương tàn, anh em đồng bào cả nước cùng chung sức
xây dựng lại ngôi nhà Việt Nam đổ nát, tan hoang, xây dựng lại con người Việt
Nam biết thương yêu, đùm bọc lẫn nhau).
Từ sau 30/4/1975, thỉnh thoảng lại
có người hô hào xoá bỏ hận thù, hoà giải, hoà hợp dân tộc. Thành phần này có cả
người của đảng, nhà nước Việt Nam và một số nhà hoạt động dân chủ trong ngoài
nước. Những nhà hoạt động dân chủ hô hào hoà giải hoà hợp lại bị một số người
Việt kể cả người Việt lưu vong gán cho cái nhãn cộng sản nằm vùng, cò mồi, tay
sai… ngược lại số người Việt này bị gán cho cái nhãn chống cộng cực đoan vì
không tán thành hoà hợp hoà giải.
Những phát biểu, bài viết của
quan chức, báo chí Việt Nam về hoà hợp hoà giải nhân 30/4 năm nay cũng bị ‘ném
đá’. Trong cách nói của đảng và nhà nước VN về thế lực thù địch thì đảng và nhà
nước VN vẫn coi người Việt lưu vong là kẻ địch. Hoà hợp hoà giải được hiểu là
người Việt lưu vong không nên chống phá đảng và nhà nước nữa mà nên hợp tác
cùng đảng nhà nước, cống hiến tài năng trí tuệ, của cải cho công cuộc xây dựng
đất nước. Có cách nói rất ‘hoà hợp hoà giải’ là: đảng nhà nước Việt Nam sẵn
sàng mở rộng vòng tay đón Việt kiều về nước xây dựng tổ quốc.
Dĩ nhiên người Việt lưu vong vẫn
không hưởng ứng chủ trương hoà hợp hoà giải để phát triển đất nước theo định hướng
xã hội chủ nghĩa. Vì vậy họ vẫn cứ là ‘thế lực thù địch phá hoại cách mạng Việt
Nam’.
Khi một số người được cho là nhà
hoạt động dân chủ nói về hoà hợp hoà giải, xoá bỏ hận thù trong ngoài thì cũng
bị đả kích, bị cho là tay sai của đảng làm nhiệm vụ chiêu hồi, phân hoá người
Việt ở nước ngoài. Sự đả kích này cũng có lý nếu nhà dân chủ nào đó chỉ hô hào
xoá bỏ hận thù trong ngoài, coi hoà hợp hoà giải chỉ là việc xoá bỏ hận thù giữa
người chiến thắng và người thua cuộc lưu vong. Việc hoà giải trong ngoài này
cũng cần thiết nhưng không có tính quyết định, không có tác dụng gì lớn trong
việc giữ ổn định để phát triển. Cháy trong nhà lại phun nước ra bên ngoài mà bị
chê trách thì có oan không?
Dụng ý thực của cách nói, cách hiểu
về hoà hợp hoà giải nói ở trên chỉ nhằm cáo buộc, đối phó với phong trào dân chủ
ở trong nước và để gán tội cho người Việt lưu vong: nhận tiền của thế lực thù địch
nước ngoài để chống phá cách mạng, nội bộ Việt Nam không có mâu thuẫn. Hoà hợp
hoà giải là không gửi tiền về nước tài trợ cho các hoạt động chống phá cách mạng
nữa. Không chịu hoà hợp hoà giải là còn hận thù, là thế lực thù địch, là chuyển
lửa về đốt nhà.
Nhưng nếu người Việt lưu vong chịu
xoá bỏ hận thù, hoà hợp hoà giải, tuyên bố không chống phá cách mạng Việt Nam nữa
thì thật ra là lại làm khó cho quyền lực cai trị trong nước. Khi đó thế lực thù
địch tài trợ cho phong trào dân chủ, phong trào chống Bắc xâm trong nước là ai?
Mỹ hay Pháp? Đó là vấn đề chính trị, ngoại giao rất phức tạp, vì khi đó Pháp
hay Mỹ bị coi kẻ thù của cách mạng Việt Nam. Hô hào xoá bỏ hận thù, hoà hợp hoà
giải nhưng phải duy trì một thế lực thù địch để trấn áp phong trào đấu tranh
trong nước đã làm cho nhiều người Việt không tin hô hào đó có thực tâm.
Giả định, chủ trương hoà hợp hoà
giải quốc cộng thành công thì có thủ tiêu được các phong trào đấu tranh dân chủ,
yêu nước ở quốc nội?
Theo thiển ý, nếu không nhìn xa
trông rộng, không thực lòng, cứ tham lam vô độ thì đảng cộng sản Việt Nam sẽ phải
đối mặt với ‘thù địch’ ngày càng tăng và bạo loạn, khởi nghĩa ngày càng nhiều ở
tầm quốc gia, không lẻ tẻ, cục bộ, ô hợp (đám cháy nhỏ) như hiện nay, vì mâu
thuẫn đối kháng giữa nhà nước và nhân dân có sẵn trong chế độ chính trị, trong
hệ thống cai trị ngày càng phát triển gay gắt, do có thêm yếu tố “bán nước buôn
dân”, chứ không phải do người Việt lưu vong không chịu xoá bỏ hận thù, không chịu
hoà hợp hoà giải. (Chỉ riêng ở Hà Tĩnh, hai vụ ‘gây rối’ mới đây, một ở Cửa Lò,
một ở Bắc Sơn đã hội đủ yếu tố “khởi nghĩa nông dân chống ngoại xâm” rồi. Hơi lạ
là đảng, nhà nước chưa cho biết thế lực thù địch nào đưa tiền cho hai vụ ‘gây rối’
này làm cho dân liều chết gây thương tích cho một chủ tịch huyện và 4 công an bị
bắt trói, 11 công an phải nhập viện).
Mâu thuẫn đối kháng mất còn chủ yếu
là giữa quyền lực cai trị và nhân dân trong nước. Mâu thuẫn cai trị- bị trị khi
nào cũng có, nước nào cũng có, nhưng do thế lực thù địch chống phá cách mạng, gửi
tiền tài trợ, xúi dục nên mâu thuẫn bình thường trở thành mâu thuẫn đối kháng?
Nói như vậy nghe cũng có lý, nhưng nhìn vào quyết tâm của đảng, chính quyền Hà
Tĩnh: khởi tố vụ án, bắt giam nhiều người ‘gây rối’, tiếp tục dự án lấy đất của
dân, và có thể liệt kê vào đây nhiều vụ khác nữa như vụ đảng quyết tâm bỏ tù
anh em Đoàn Văn Vươn chẳng hạn thì ai là thủ phạm đào sâu mâu thuẫn đối kháng
nhà nước-nhân dân?
Như vậy, hoà hợp hoà giải chủ yếu,
cấp bách là hoà hợp hoà giải giữa quyền lực cai trị và người dân trong nước: thủ
tiêu mâu thuẫn đối kháng, xoá bỏ các yếu tố “bạo loạn” nằm vùng trong hệ thống
chính trị, xã hội. Lửa đang cháy trong nhà thì phải phun nước vào trong chứ.
Có thể do không đủ năng lực, trí
tuệ, thiếu dũng khí, tầm nhìn ngắn, tham mà hèn, lại phục tùng lợi ích của ngoại
bang, quyền lực cai trị đã bỏ qua một cơ hội rất tốt để hoà hợp hoà giải: sửa đổi
hiến pháp. Vì cam kết phục tùng chủ nghĩa bành trướng Đại Hán mà quyền lực cai
trị vẫn ‘ấn nút’ kiên định chủ nghĩa, vẫn toàn diện tuyệt đối, vẫn quốc doanh
chủ đạo, vẫn sở hữu toàn dân… Tức là quyền lực cai trị vẫn kiên định tước đoạt
mọi quyền và lợi ích cơ bản của người dân.
Bước đầu tiên, quyết định, rất
hoà bình của hoà hợp hoà giải là sửa đổi hiến pháp đã bị bỏ qua. Hô hào hoà hợp
hoà giải trong ngoài nhân 30/4 phải chăng là trò lừa đảo? Không đủ ý chí chính
trị để thủ tiêu các nguyên nhân gốc rễ đẻ ra bạo loạn, khởi nghĩa nông dân? Có
Trung quốc vĩ đại hậu thuẫn thì sá gì các cuộc khởi nghĩa. Trung quốc vĩ đại
cũng đang lâm trận với với các cuộc khởi nghĩa nông dân thì Việt Nam phải làm
gì để tự cứu?
Nếu quyền lực cai trị thấy được
nguy cơ và thời cơ hoà hợp hoà giải thì nhân 30/4 nên cùng với nhân dân đồng ca
với Trịnh công sơn: Ta cùng lên đường Đi xây lại Việt Nam… Đi xây lại tự do.
Không cùng đồng ca với nhân dân thì phải chấp nhận đối đầu với nhân dân trong
cuộc khởi nghĩa toàn dân chống ngoại xâm giống với cuộc khởi nghĩa trước đây do
đảng lãnh đạo.
Nếu còn ý chí chính trị vì một Việt
Nam độc lập, thống nhất, tự chủ, phú cường, văn minh, dân chủ thì nên cấp tốc
tu chính hiến pháp lần nữa (theo đề xướng của Kiến nghị 72) nhằm thủ tiêu mâu
thuẫn đối kháng, mất còn giữa nhà nước và nhân dân, thoát ly sự khống chế của
bành trướng đại Hán để ngày 30 tháng 4 không bị đặt thêm cho cái tên là ngày mở
đầu cho quá trình Bắc thuộc lần thứ hai, và vĩnh viễn không còn ngày 30/4 nào nữa.
Do nóng lòng vì hiện tình đất nước,
bài viết có những từ ngữ không được lịch sự, xin cáo lỗi. /-
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét