Thứ Bảy, 19 tháng 4, 2014

TỔNG THỐNG OBAMA CÔNG DU CHÂU Á: CẢNH BÁO VÀ TÁI CAM KẾT

Hoàng Trường
Thứ Năm,  17/4/2014, 10:36 (GMT+7)

Tổng thống Obama công du châu Á: Cảnh báo và tái cam kết



















Một trong những mục tiêu hàng đầu của chuyến thăm châu Á sắp tới của ông Obama là củng cố quan hệ Nhật Bản - Hàn Quốc - Hoa Kỳ để cùng đối phó với Trung Quốc. Ảnh: Japan Times
(TBKTSG) - Từ đánh cá đến phòng thủ, từ cạnh tranh đến chiếm đóng ở biển Đông, Trung Quốc trên thực tế đang biến Đông Á thành một “vạc dầu” có nguy cơ bùng nổ. Trong bối cảnh đó, phải chăng chuyến thăm châu Á sắp tới của ông Obama là sự khẳng định chiến lược “xoay trục” của Mỹ?
Theo thông báo từ Nhà Trắng, Tổng thống Barack Obama sẽ thăm bốn nước Đông Á từ ngày 23-4. Nhật Bản là điểm dừng chân đầu tiên, sau đó ông sẽ đến Hàn Quốc vào 25-4, Malaysia vào 26-4 và Philippines vào 28-4. Các nhà lãnh đạo Nhật - Mỹ được cho là sẽ thảo luận về tình hình an ninh khu vực, về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP). Tại Hàn Quốc, ông Obama sẽ gặp Tổng thống Park Geun-hye, thảo luận chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên và việc thực hiện hiệp định tự do thương mại Mỹ-Hàn.

Đừng lặp lại kịch bản Crimea
Trước chuyến công du của ông Obama, tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đầu tháng này, Trợ lý Ngoại trưởng Danny Russel đã nói những gì châu Á muốn nghe. Ông tuyên bố, các biện pháp trừng phạt Nga sau vụ Crimea là lời cảnh cáo Trung Quốc không nên nghĩ đến việc bắt chước hành động của ông Putin. Ông Russel nhấn mạnh, tại châu Á, Mỹ cam kết thi hành những hiệp ước phòng thủ với các đồng minh. Về biển Ðông, Mỹ muốn Trung Quốc giữ nguyên trạng và giải quyết xung đột theo luật pháp. Nhưng Bắc Kinh không quan tâm đến luật pháp quốc tế. Tuyên bố của ông Russel cho thấy Mỹ muốn cảnh cáo Bắc Kinh, trước khi ông Obama thăm châu Á.
Tạp chí The Washington Quarterly số ra mới đây nhất đã cáo buộc Trung Quốc sử dụng các tàu cá và đội tàu bán quân sự cho các mục tiêu địa-chính trị. Trên thực tế Bắc Kinh đã/đang theo đuổi một chiến lược khá nhất quán “từ đánh cá đến phòng ngự, từ cạnh tranh đến chiếm đóng, nhằm củng cố và khẳng định chủ quyền cũng như các yêu sách về tài nguyên của nước này đối với những quần đảo tranh chấp trên biển Đông”. Trung Quốc đang ép buộc các bên liên quan phải đơn phương tuân thủ và chấp nhận sự áp đặt quan điểm của mình. Chưa thấy có dấu hiệu nào về việc Trung Quốc sẽ thay đổi hoặc điều chỉnh chiến lược này. Tình hình có thể gây nguy hiểm cho ổn định và an ninh trong toàn vùng, kể cả ổn định và an ninh của Trung Quốc.
Bối cảnh trên cũng là tiền đề thiết kế nên chiến lược “trở lại châu Á” của Mỹ. Từ khi lên nắm quyền năm 2009 đến nay, Tổng thống Obama đã hai lần công du châu Á. Chuyến thăm lần thứ ba này của ông diễn ra trong bối cảnh căng thẳng Trung - Nhật tăng cao, nhất là sau sự kiện Trung Quốc lập “khu vực nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông” (ADIZ) vào tháng 11-2013. Quan hệ giữa hai đồng minh của Mỹ là Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đang trục trặc do tranh chấp chủ quyền biển đảo. Trong khi đó, quan hệ liên Triều căng thẳng lên khi CHDCND Triều Tiên liên tục thử vũ khí, tên lửa đe dọa an ninh khu vực.
Trong tình hình ấy, theo GS. Carl Thayer từ Học viện Quốc phòng Úc, ông Obama cần khôi phục hình ảnh và nước Mỹ đã không ngần ngại tái khẳng định những cam kết về an ninh với các đồng minh, khẳng định chiến lược “xoay trục” sang châu Á, không chỉ về quân sự mà còn về kinh tế. Thủ tướng Shinzo Abe sẽ bày tỏ mong muốn Mỹ có những cam kết cụ thể hơn về việc trợ giúp Nhật Bản trong trường hợp căng thẳng leo thang xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Tổng thống Obama cũng sẽ thảo luận với ông Abe về những phức tạp trong mối quan hệ giữa Nhật Bản với Hàn Quốc và Trung Quốc. Ông Obama sẽ tái khẳng định tầm quan trọng của các giải pháp ngoại giao và bình thường hóa quan hệ giữa Nhật Bản với các nước láng giềng.
Mỹ và châu Á cố kết hơn
Những căng thẳng hiện nay giữa Philippines và Trung Quốc xung quanh chủ quyền đối với bãi cạn Scarborough trên biển Đông chắc chắn sẽ là chủ đề ưu tiên hàng đầu trong nghị trình của ông Obama tại Manila. Cũng giống như Nhật Bản, Philippines có thể sẽ tìm kiếm những cam kết mới mạnh mẽ hơn từ Mỹ.
Tại Malaysia, ông Obama chắc chắn phải có câu trả lời thích đáng về những tiết lộ của Edward Snowden xung quanh việc Mỹ tiến hành do thám các chính trị gia và sĩ quan quân đội nước này, đồng thời ông Obama cũng sẽ tìm cách thuyết phục Malaysia tham gia TPP.
Gần đây hơn, Trung Quốc được cho là đã lấn lướt Mỹ trong nhiều chuyện. Mỹ nhìn nhận Trung Quốc đã đứng về phía Nga trong khủng hoảng Ukraine mà dư luận đánh giá Mỹ/Tây Âu đã thua một nước cờ. Chuẩn bị cho chuyến công du, Mỹ cử Phó tổng thống Joe Biden thăm Trung Quốc từ 4 đến 5-12-2013 nhằm dàn xếp một số vấn đề. Tiếp đó, Tổng thống Obama lại hội kiến riêng với Chủ tịch Tập Cận Bình bên lề cuộc gặp gỡ cấp cao an toàn hạt nhân ở La Haye. Đầu tháng này, lần đầu tiên một hội nghị giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ với Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN đã diễn ra tại Hawaii, đồng thời Bộ trưởng Chuck Hagel cũng đã thăm ba nước Nhật Bản, Trung Quốc và Mông Cổ từ từ 5 đến 8-4. Đây là chuyến công du châu Á lần thứ tư của Chuck Hagel kể từ khi ông nhậm chức.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét