Thứ Sáu, 25 tháng 4, 2014

THEO DÕI CHUYẾN CÔNG DU 4 NƯỚC CHÂU Á CỦA T.T OBAMA

Tổng thống Mỹ bắt đầu công du Châu Á
Saigon Điểm Tin  tổng hợp từ BBC và RFA                                                      

Trước khi ông Obama lên đường công du 4 nước châu Á, dư luận đã đưa ra nhiều nhận định với nhiều chủ đề:  - Trấn an đồng minh. - Trung Quốc lo ngại. - Coi nhẹ Việt Nam? (Trong 10 thành viên của ASEAN, hiện chỉ có Brunei, Lào và Việt Nam là ba quốc gia ông Obama chưa tới thăm.)

Tại Nhật  (Tin rút ngắn):

Tổng thống Obama đến Tokyo vào tối nay, 23/04/2014, ngay sau khi gần 150 nghị sĩ Nhật Bản hôm qua đã lũ lượt kéo đến viếng ngôi đền Yasukuni và trước đó một ngày, đích thân Thủ tướng Shinzo Abe đã đến dâng đồ cúng ở ngôi đền là nơi thờ 2,5 triệu tử sĩ, trong đó có 14 tội phạm chiến tranh bị các đồng minh kết án sau khi Nhật thất trận trong Thế chiến thứ hai. Hành động này của ông Shinzo Abe đã bị cả Bắc Kinh lẫn Seoul chỉ trích kịch liệt.

Tổng thống Mỹ Barack Obama tái khẳng định sự ủng hộ đối với Nhật trong tranh chấp biển đảo với Trung Quốc sau cuộc hội đàm với Thủ tướng chủ nhà. 


Ông Obama tới Nhật đầu tiên trong chuyến công du các nước châu Á

Ông Obama, đã cảnh báo không chấp nhận để căng thẳng leo thang và nói ông muốn tranh chấp hiện nay được giải quyết một cách hòa bình.Tuy nhiên ông cũng nói quần đảo tranh chấp nằm trong phạm vi hiệp ước an ninh giữa hai nước mà theo đó Mỹ sẽ có hành động nếu Nhật Bản bị tấn công.Hai lãnh đạo cũng đã thảo luận về một hiệp định thương mại và Bắc Hàn.

“'Lập trường lâu nay”

"Điều 5 (trong Hiệp ước an ninh Mỹ-Nhât) được áp dụng cho tất cả các vùng lãnh thổ do Nhật Bản kiểm soát bao gồm quần đảo Senkaku," ông Obama nói."Đây không phải là lập trường mới, mà là lập trường từ trước đến giờ,".Tuy nhiên, ông Obama cũng nói với ông Abe rằng “tiếp tục leo thang căng thẳng thay vì đối thoại sẽ là một sai lầm lớn”.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói "Liên minh Nhật-Mỹ hiện đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết”.  Mặt khác, tổng thống Mỹ cũng tìm cách giảm nhẹ cam kết bảo vệ Nhật Bản trong tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc.

Ông nói rõ rằng cam kết bảo vệ Nhật là ‘một vấn đề lịch sử’ chứ không phải nhằm gây hấn với Trung Quốc.

“Hiệp ước (an ninh) giữa Mỹ và Nhật có trước khi tôi ra đời, cho nên đó không phải là lằn ranh đỏ mà tôi vẽ ra,” ông nói.

Ông cũng kêu gọi Tokyo và Bắc Kinh giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại và giữ “giọng điệu ôn hòa”.

Xoa dịu Trung Quốc

Ông nhấn mạnh rằng Mỹ không đứng về phía nào trong tranh chấp đảo giữa Nhật Bản và Trung Quốc nhưng ông lưu ý rằng về mặt lịch sử thì Nhật quản lý những hòn đảo này.

“Chúng tôi không tin rằng hiện trạng sẽ được thay đổi một cách đơn phương,” ông phát biểu trong cuộc họp báo.
Nhật phải phụ thuộc vào Hoa Kỳ trong vấn đề an ninh do mối quan hệ đồng minh được thiết lập từ sau Đệ nhị Thế chiến. Trong trường hợp Nhật Bản bị tấn công, Hoa Kỳ có trách nhiệm phải giúp đỡ.

Các cố vấn của ông Obama đã nhấn mạnh rằng chuyến công du này cũng như chính sách của Washington đối với châu Á không phải nhằm để kiềm chế sức mạnh của Trung Quốc và rằng tổng thống Mỹ không yêu cầu các nước châu Á phải chọn giữa Washington hay Bắc Kinh.
“Chúng tôi muốn khuyến khích Trung Quốc vươn lên một cách hòa bình,” ông nói.

Về phần mình, Thủ tướng Shinzo Abe nói ông và ông Obama đồng ý hợp tác trong việc tiếp cận Trung Quốc và các vấn đề khác, trong đó có Okinawa, nơi sự hiện diện của quân đội vẫn là nguồn gốc gây căng thẳng.

“Liên minh Nhật-Mỹ hiện đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết,” ông Abe nói tại cuộc họp báo chung.

Thỏa thuận thương mại

Vào cuối ngày 24/4, ông Obama sẽ đến Hoàng cung để dự dạ yến. Ông cũng sẽ đến viếng Đền Minh Trị, nơi thờ vị hoàng đế đã chứng kiến nước Nhật vươn lên trở thành cường quốc thế giới.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 23/4 đã lên tiếng phản đối lập trường của Hoa Kỳ."Cái gọi là liên minh Mỹ-Nhật thực chất là sự dàn xếp song phương từ thời Chiến Tranh Lạnh và điều này không được làm tổn hại đến toàn vẹn lãnh thổ cũng như những quyền lợi chính đáng của Trung Quốc," người phát ngôn Tần Cương nói tại Bắc Kinh.

Ông Abe và ông Obama cũng thảo luận về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, một thỏa thuận thương mại quy mô với sự tham gia của 12 nước. Bắc Hàn cũng là một trong những chủ đề được bàn luận. Ông Obama muốn Tokyo và Seoul cùng hợp tác trong vấn đề này, nhưng quan hệ giữa hai nước vẫn còn căng thẳng do những vấn đề liên quan đến lịch sử.

Sau Tokyo, ông Obama sẽ bay đến Seoul, giữa lúc có tin về sự gia tăng các hoạt động ở địa điểm thử hạt nhân của Bắc Hàn - cho thấy khả năng Bình Nhưỡng sẽ thử hạt nhân lần thứ tư.

"Vai trò của Trung Quốc để đẩy Bắc Hàn sang hướng khác là rất quan trọng," ông Obama nói.

Bao giờ thăm Việt Nam?

Nhận định chung về các mục tiêu của Tổng thống Obama lần này, trả lời RFI qua thư điện tử, Giáo sư Carl Thayer, chuyên.gia về châu Á tại Học viện Quốc phòng Úc phân tích: “Với Malaysia và Philippines lần này, ông Obama đã đến thăm hầu hết các nước ASEAN, vì trước đó, Tổng thống Mỹ đã từng ghé Singapore, Miến Điện, Thái Lan, Cam Bốt và Indonesia.

 Một nước quan trọng trong ASEAN là Việt Nam tuy nhiên vẫn vắng mặt trong danh sách này, dù trong thời gian qua được cho là đã nỗ lực vận động hành lang. Chính quyền Obama từng nêu bật vấn đề cải thiện nhân quyền thành một trong những điều kiện cho việc nâng cao hơn nữa bang giao song phương”. /-


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét