Thứ Hai, 21 tháng 4, 2014

NHỮNG "YẾU HUYỆT" CỦA VIỆT NAM : NỢ CÔNG, TPP, TÙ NHÂN LƯƠNG TÂM

Nguyễn Hữu Quý

1. Nợ công đã vượt GDP

Hôm 14.4.2014, báo tuoitre.vn, trong bài viết: “Nợ công sắp tới ‘làn ranh đỏ’”(2), bài báo cho biết:
“Theo phân tích của TS Phạm Thế Anh – trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, nợ công VN đã lên đến khoảng 90 tỉ USD, nếu tính cả nợ của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thì khoảng 180 tỉ USD”.

Như vậy, nếu hiểu “nợ công” là “tổng giá trị các khoản tiền mà chính phủ thuộc mọi cấp từ trung ương đến địa phương đi vay nhằm tài trợ cho các khoản thâm hụt ngân sách”, thì nợ công của Việt Nam đã vượt quá Tổng sản phẩm quốc nội-GDP (GDP của Việt Nam năm 2013 là 176 tỷ USD)(3).

Nếu như liên hệ với tình hình đang hỗn loạn, có nguy cơ tan rã quốc gia và nội chiến ở Ukraine hiện nay, với tổng nợ nước ngoài là 140 tỷ USD, chiếm khoảng 80% GDP của Ukraine, thì Việt Nam cũng rất có thể sẽ rơi vào sự hỗn loạn tương tự.


Cũng bài báo trên cho biết: “chưa tính trả gốc, riêng tiền trả lãi trung bình đã cần khoảng 6 tỉ USD/năm”.

Trong một bài viết khác, đăng trên báo dantri.com.vn, vào hôm 11.4.2014(4); theo đó, trong năm 2014, Việt Nam dự kiến trả nợ khoảng 208.883 tỷ đồng (khoảng 10 tỷ USD); ngoài ra, còn phải “thực hiện vay mới để đảo một phần nghĩa vụ nợ đến hạn”;
Vậy là, mỗi năm Việt Nam phải bỏ ra khoảng 120 ngàn tỷ đồng chỉ để trả lãi vay; và nếu tính cả lãi và gốc, thì trong những năm tới, mỗi năm Việt Nam phải bỏ ra khoảng 10 tỷ USD để trả gốc và lãi vay. Còn hiện tại, Việt Nam đang phải đi vay để đảo nợ ngân hàng do một số khoản vay đã đến hạn, ngoài ra Việt Nam còn phải đi vay để chi tiêu như báo chí đã đưa tin.

Năm 2013, tổng thu ngân sách của Việt Nam là 810.000 tỷ đồng (khoảng 40 tỷ USD), trong đó, cũng trong năm 2013, chi thường xuyên là khoảng 675.000 tỷ đồng (khoảng 33 tỷ USD)(5).

Như vậy, có thể nói, về cơ bản, thu ngân sách của Việt Nam chủ yếu chỉ đủ chi cho chi thường xuyên (tạm hiểu là hành chính công và các khoản chi có liên quan đến hoạt động của bộ máy nhà nước).

Việt Nam hiện nay, không có bất kỳ một sản phẩm nào để được thế giới biết đến, ngoại trừ là nước xuất khẩu gạo. Nhưng mỗi năm, nguồn thu từ xuất khẩu gạo cũng chỉ từ 3-4 tỷ USD (tùy theo từng năm, và những năm gần đây đang có xu hướng giảm do chất lượng gạo VN ngày một xấu; đặc biệt, do cơ chế độc quyền của Hiệp hội lương thực Việt Nam VFA, đã làm cho ngành sản xuất lúa của Việt Nam đang trên đà lụn bại…).

Có thể khẳng định: Toàn bộ các công trình đầu tư trong vài chục năm trở lại đây mà chúng ta thấy hiện diện trên Đất nước, đều là những khoản tiền đi vay. Và con cháu có trách nhiệm trả nợ. Trong khi tài nguyên thiên nhiên thì chỉ ít năm nữa, thế hệ hôm nay xem như đã khai thác bán đi gần hết.

Một quốc gia, không có thế mạnh tầm quốc tế, dù chỉ một mặt hàng, trong khi nợ công vượt quá Tổng sản phẩm quốc nội-GDP, thì nền kinh tế đó chắc chắn sẽ sụp đổ. Có thể nói, “yếu huyệt” kinh tế của Việt Nam sẽ biến thành “tử huyệt” để kéo theo mọi sự bất ổn khác.

2. TPP – cứu cánh hay yếu huyệt?
(Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương – tiếng Anh: Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement - viết tắt TPP).

Việc được kết nạp là thành viên của TPP, đang là điều rất quan trọng và là kỳ vọng của Chính phủ Việt Nam hiện nay.

Thực ra, với một nền sản xuất yếu kém, hầu hết nguyên liệu là nhập khẩu, lại bị Trung Quốc thâu tóm hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế… thì trong ngắn hạn, TPP với Việt Nam không có nhiều ý nghĩa. Tuy nhiên, với sự khôn lỏi vốn có của người Việt và của lãnh đạo Việt Nam từ trước đến nay, thì lợi dụng TPP cho những toan tính cục bộ trước mắt mới là đáng kể.

Việc Trung Quốc đầu tư gần 500 triệu USD cho ngành Dệt May trên địa bàn một tỉnh nhỏ như Nam Định, chắc chắn sẽ lợi cho Trung Quốc là chính, đồng thời cũng là lợi ích cho những kẻ đang “thân Tàu” trong mưu đồ của họ. Cũng đã có những cái nhìn khác về việc tham gia TPP, chẳng hạn: “TPP không phải là màu hồng”(6); vì thực ra, để hưởng lợi thực sự từ TPP, thì Việt Nam phải thay đổi một loạt về chính sách, theo hướng thị trường tự do…; trong khi độc đảng lãnh đạo, lợi ích của các phe nhóm lại quyết định đến các chính sách của Việt Nam.

Chính phủ cũng như lãnh đạo Việt Nam kỳ vọng vào việc gia nhập TPP vì các lý do:

- Nếu sớm là thành viên TPP, thì cũng là một cách để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, trong điều kiện đang bị chững lại do nhiều nguyên nhân; Nếu biết được rằng, nguồn thu ngân sách của Việt Nam trong những năm qua phần lớn là ở khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), thì mới thấy được, việc được gia nhập TPP có ý nghĩa thế nào trong giai đoạn hiện nay. (Với các doanh nghiệp trong nước, hoặc thua lỗ, hoặc cầm cự để không bị phá sản đã là may mắn. Thực tế trong vài ba năm qua, khoảng 200 ngàn doanh nghiệp trong nước phá sản nói lên điều đó).

- Vì TPP là tác phẩm của Mỹ, Mỹ đang muốn thông qua TPP để thực hiện nhiều mục tiêu mang tầm quốc tế của Mỹ, cho nên lãnh đạo Việt Nam dựa vào đây để có thể “ra giá” về một số lĩnh vực trong quan hệ với Mỹ.

- Việt Nam cần dựa vào TPP để từng bước thoát ra khỏi quỹ đạo của Trung Quốc, mà đến thời điểm này, ngay cả phe “thân Tàu” cũng xét thấy, đi theo họ (Bắc Kinh) sẽ gặp nhiều rủi ro, và có thể là sai lầm, thậm chí là tai họa đối với họ.

- Về dài hạn, TPP sẽ có tác động tích cực đối với Việt Nam. Ít nhất là sau 5 năm nữa, với sự đổi mới thành tâm và tích cực (thay đổi cơ chế, tái cơ cấu các ngành hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ TPP…), thì TPP mới thực sự mang lại hiệu quả đối với doanh nghiệp Việt Nam.

Như vậy, việc gia nhập TPP mang tính hai mặt, vừa tích cực và lại vừa tiêu cực (yếu tố Trung Quốc) đối với Việt Nam.

3. Tù nhân (những người đòi tự do, dân chủ…; hay còn gọi là “tù nhân lương tâm”)

Đất nước đã thống nhất gần 40 năm, Đảng cộng sản Việt Nam, với vị thế độc quyền lãnh đạo, có trong tay mọi cơ hội, vận hội để trở thành một Đảng tiên tiến…, nhưng tiếc thay, Đảng cộng sản Việt Nam vẫn không thể vươn lên đủ tầm để lãnh đạo Đất nước theo hướng văn minh.

Không biết ở các nước “đế quốc” hoặc “phát xít” trươc đây, như: Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Ý, Nhật, mà hiện nay đang là những nước văn minh hàng đầu thế giới, trong hệ thống pháp luật của họ, có các điều tương tự như “Tội tuyên truyền chống Nhà nước” (điều 88 – Bộ luật hình sự VN), hoặc “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” (điều 258 – Bộ luật hình sự VN)? Rõ ràng, họ không có những điều ấy. Một đất nước, một thể chế văn minh, họ không sợ công dân của họ làm những điều ấy. Ngược lại, chính tiếng nói trái chiều dù là của cá nhân, hay tổ chức, thì sẽ giúp Nhà nước hoàn thiện văn bản pháp luật cũng như điều chỉnh cách quản lý xã hội phù hợp với thực tiễn cuộc sống.

Rõ ràng, trong hệ thống quản lý nhà nước ở hầu hết các nước trên thế giới, họ không phải nuôi một lực lượng công an chỉ để theo dõi “các thế lực thù địch” là chính Nhân Dân ruột thịt của mình.

Cũng chính vì còn có khái niệm gọi là “tù nhân lương tâm”, cho nên Nhà nước Việt Nam đang thể hiện một gương mặt xấu xí trong cộng đồng thế giới, và đang bị coi thường trong các nước phát triển (ngay cả một cường quốc kinh tế là Trung Quốc, nhưng trong chuyến thăm nước Đức vừa rồi, Thủ tướng nước Đức, bà Angela Merkel, coi thường ông ta qua việc bà tặng ông này tấm bản đồ…). Nhân Dân thế giới nhìn vào Đảng cộng sản và Nhà nước Việt Nam, cũng kỳ dị, giống như Nhân Dân Việt Nam nhìn vào Triều Tiên hôm nay. Lịch sử sẽ đào thải những thế chế chính trị như thế.

Đứng trước nguy cơ tan rã, kéo theo nhiều vấn đề ở một đất nước đông dân nhất thế giới như Trung Quốc, chúng ta thấy, Tập Cận Bình đang có những cải cách mạnh mẽ, qua đó, bộc lộ ra trong xã hội Trung Quốc và Đảng cộng sản Trung Quốc nhiều những vấn nạn vượt ngoài sức tưởng tượng của nhiều người Việt Nam. Nhưng ngược lại, những người lãnh đạo Việt Nam hiện nay, mặc dù luôn lấy Bắc Kinh là bài học, cho họ là những người thầy của mình…, nhưng lại không dám làm, bởi đơn giản, họ không đủ bản lĩnh và trí tuệ để làm như thế.

Một vài dự đoán

Trên diễn đàn Internet đã có nhiều dự đoán về tình hình của Đất nước cũng như dự đoán sự thay đổi trong đường lối lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam trong thời gian tới. Việc dự đoán về những thay đổi trong đường lối của Đảng cộng sản Việt Nam là vô cùng khó, bởi vì chưa có thời điểm nào trong suốt 84 năm kể từ ngày thành lập, nay Đảng cộng sản Việt Nam lại đang đứng trước thử thách toàn diện như hiện nay, mâu thuẫn nội bộ, những nhóm lợi ích… Đặc biệt, sự phụ thuộc sâu rộng vào Bắc Kinh đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát của lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam.

Sau đây là một vài dự đoán về sự thay đổi trong lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam trong thời gian tới:

1. Bộ Chính trị, mặc dù còn những mâu thuẫn nội bộ, nhưng cũng đã ý thức được sự sụp đổ của Đảng trong thời gian tới. Và vì vậy, cùng thống nhất một điểm chung, đó là phải tìm giải pháp để thoát ra.

2. Rất có thể tới đây sẽ có đợt “đặc xá” trên quy mô lớn, nhân dịp 30/4 và 01/5, tiếp đến là các đợt 19/8 và 02/9. Có thể bài học Myanmar thả tù nhân Chính trị sẽ được lãnh đạo Việt Nam hiện nay áp dụng, tức là thả phần lớn tù nhân trong năm 2014.

3. Không như ở bên Trung Quốc, họ muốn là họ làm (không phụ thuộc nước ngoài), trong khi Việt Nam lại phụ thuộc nhiều vào Bắc Kinh, đây là vấn đề rất khó của Việt Nam. Chính vì vậy, phải dựa vào Đại hội Đảng lần thứ XII, dự kiến tổ chức vào 2016 mới kết hợp để thay đổi được, ngoại trừ các biến cố khác ngoài sự tính toán của Đảng.
Câu đối đáp của cụ Ngô Thì Nhậm (1746-1803) với Đặng Trần Thường, trong vụ trả thù của Nguyễn Ánh với các quan Tây Sơn, cách đây hơn 200 năm, có vẻ đúng với lịch sử hôm nay chăng?

“Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế”.


14-16.4.2014


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét