Thứ Hai, 28 tháng 4, 2014

VÀI KHÍA CẠNH KINH TẾ GẦN ĐÂY TẠI TRUNG QUỐC VÀ VIỆT NAM

(SGĐT)- Kinh tế vốn là vấn đề “sức khỏe” của một Quốc gia. Chính sách kinh tế nắm vai trò quyết định, đồng thời bị quyết định bởi thể chế chính trị.Nhằm mục đích trao đổi và học hỏi, SAIGONDIEMTIN giới thiệu với bạn đọc một loạt bài nói về vài khía  cạnh kinh tế gần đây tại Trung quốc và Việt Nam, qua phỏng vấn GS Nguyễn Xuân Nghĩa trên RFA,Vũ Hoàng thực hiện, gồm các chủ đề sau:

       1- Cải cách chính trị tại Trung Quốc 2013-12-18
       2- Kích thích kinh tế 2014-04-23
       3- An ninh lương thực tại Trung Quốc 2014-04-16
       4-  Những gì cản trở tiềm lực Việt Nam ? 2014-04-09
       5- Trận địa tài chánh – Đánh nhau bằng tiền  2014-04-02

I- Cải cách chính trị tại Trung quốc

Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 11 tháng 4 năm 2012


Trong loạt bài tổng kết cuối năm và tìm hiểu về viễn ảnh năm tới, kỳ này mục Diễn đàn Kinh tế sẽ nói về những vấn đề chính trị của Trung Quốc khi phải chuyển hướng kinh tế trong các năm tới. Xin quý vị theo dõi cách Vũ Hoàng đặt vấn đề với chuyên gia Nguyễn-Xuân Nghĩa.

Chuyển hướng để điều chỉnh

Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa và kỳ này, chúng ta tiếp tục tổng kết về tình hình kinh tế năm 2013 sắp chấm dứt và về viễn ảnh của năm 2014. Trong nhiều kỳ trước đây, ông đã nói đến nhu cầu phải chuyển hướng và điều chỉnh của kinh tế Trung Quốc, như lãnh đạo mới của họ đã cho biết sau Hội nghị Ban chấp hành Trung ương kỳ thứ ba thuộc khoá 18 vào tháng trước. Ông nghĩ sao về nỗ lực này nếu tổng kết về kinh tế Trung Quốc sau một giai đoạn tăng trưởng dài?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi xin được phép đặt vấn đề như thế này hầu ta hiểu rõ hơn về nhu cầu chuyển hướng để điều chỉnh của Trung Quốc. Hàng ngày hay hàng tuần, ta phải theo dõi tin tức về kinh tế và chính trị để tường thuật nên quá chú ý vào chuyện trước mặt mà không đặt những thăng trầm nhất thời như vậy vào một bối cảnh dài. Thứ hai, khi kiểm lại kết quả về dài, ví dụ như kinh tế Trung Quốc có đà tăng trưởng là 9-10% hay như Việt Nam có lúc tăng trưởng 7-8% trong nhiều năm liền, thì lại tưởng tình trạng khả quan ấy sẽ kéo dài mà khó thấy bước ngoặt. Thứ ba, khi nhìn rộng ra ngoài và với lợi thế là kiểm điểm lại quá khứ và so sánh được với các nền kinh tế khác, thì người ta đều có thể thấy rằng nhiều quốc gia đều có giai đoạn tăng trưởng cao rồi đến một khúc quanh là phải chuyển hướng. Vì nhiều lý do chủ quan, truyền thông quốc tế lẫn quốc nội của Trung Quốc lầm tưởng rằng kinh tế xứ này là một sự kỳ diệu, một phép lạ và đà tăng trưởng ấy kéo dài mãi để cuối cùng thì họ sẽ vượt Hoa Kỳ để có nền kinh tế số một thế giới trong mấy năm tới. Sự thật thì như nhiều nước đi trước, Trung Quốc đã đến lúc điều chỉnh, nếu không thì cỗ xe sẽ lật và xứ này sẽ bị khủng hoảng.

Vũ Hoàng: Như ông vừa trình bày thì người ta có thể thấy trước chiều hướng thăng trầm hay lên xuống của một nền kinh tế nếu nhìn trong trường kỳ và nếu so sánh với các nền kinh tế đã từng có giai đoạn tăng trưởng ngoạn mục như vậy. Xin ông đơn cử cho một vài thí dụ.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chúng ta có nhiều ví dụ lắm. Gần đây là trường hợp Nhật với tiềm năng rất lớn đến giữa thập niên 80 của thế kỷ trước mà vì không mạnh mẽ điều chỉnh họ bị hai chục năm suy sụp cho đến nay. Trước đó chính là kinh tế Liên bang Xô viết trong nhiều thập niên sau Thế chiến II đã tăng trưởng mạnh làm thế giới cho là sẽ bắt kịp và vượt qua Hoa Kỳ. Khác với Nhật Bản dù sao là một xứ dân chủ, Liên Xô không điều chỉnh được nên mới tan rã cách nay 25 năm, gần như cùng lúc với sự suy sụp của Nhật Bản. Một trường hợp khác là Nam Hàn, cũng có 20 năm tăng trưởng rồng cọp rồi bị khủng hoảng. Nhưng khi rơi vào bước ngoặt đó, xứ này đã cải cách rất mạnh, còn mạnh hơn Nhật Bản, nên đã sớm vượt qua nguy khốn và một lý do quan trọng là trước đó họ đã có cải cách chính trị theo hướng dân chủ hơn. Nói vắn tắt thì mọi nền kinh tế Âu, Mỹ, Nhật hay Trung Nam Mỹ, đều có được mươi năm hay vài chục năm tăng trưởng cao mà trước sau thì cũng phải chuyển hướng và dễ thành công trong sự điều chỉnh nếu có hệ thống pháp quyền nhà nước và một cơ chế dân chủ. Trung Quốc hay Việt Nam cũng vậy.

Vũ Hoàng: Chúng tôi vẫn xin hỏi thêm một điều vào dịp tổng kết này là liệu ta có thể rút tỉa một vài quy luật về sự chuyển hướng sau một giai đoạn tăng trưởng ngoạn mục hay chăng?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ là có và ta nên thường xuyên nhắc tới điều này để lãnh đạo đừng chủ quan lầm tưởng rằng mình có cây đũa thần hoặc sẽ vĩnh viễn cưỡi lên đầu sóng.

Quy luật thứ nhất, các nền kinh tế đều có thể được một giai đoạn tăng trưởng rất cao nếu ra sức đầu tư mạnh. Nhưng khi ào ạt đầu tư như vậy thì có lúc phải đi vay thêm và nếu lạc quan thì vay quá sức trả nên bị khủng hoảng về nợ nần. Liên Xô, Nhật Bản, Âu Châu hay Hoa Kỳ đều có lúc bị gãy đòn bẩy như vậy. Quy luật thứ hai là vì chỉ nhìn vào đà tăng trưởng ngoạn mục trong nhất thời, người ta dễ dự đoán sai và không lường được khó khăn của việc chuyển hướng. Thứ ba, sau một giai đoạn sung mãn kéo dài, một số thành phần kinh tế và xã hội lại có lợi nhiều hơn và nếu họ có khả năng chính trị thì tất nhiên cản trở việc điều chỉnh. Cho nên mọi nền kinh tế mà phải chuyển hướng đều đối mặt với việc điều chỉnh hay cải cách chính trị. Vì Trung Quốc gặp hoàn cảnh còn ngặt nghèo hơn Nhật thời trước nên bài toán chính trị của họ lại khó khăn hơn.

Vũ Hoàng: Xin ông giải thích cho cái hoàn cảnh ông gọi là khó khăn hơn của Trung Quốc.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trong hệ thống kinh tế Nhật, người ta có thấy ra sự cấu kết về quyền lợi giữa ba thế lực, như ba cái chân kiềng của phép lạ Nhật Bản, là các doanh nghiệp, bộ máy hành chính công quyền và các chính trị gia. Sự cấu kết ấy làm hệ thống chính trị khó xoay trở và việc điều chỉnh mới kéo dài mãi cho đến ngày nay. Trung Quốc cũng có loại bài toán tương tự khiến thế hệ lãnh đạo thứ tư là Hồ Cẩm Đào, Uý Kiện Hành và Ôn Gia Bảo lên cầm quyền từ năm 2003 đã muốn cải cách từ những năm 2005-2007 mà không nổi. Sau đó, khi thế giới bị suy trầm từ năm 2008-2008, họ còn lao vào phía trước mạnh hơn và chất lên một núi nợ bên cạnh rất nhiều bong bóng đầu cơ. Khi giao quyền cho thế hệ lãnh đạo mới, họ trao cả một trái núi sẽ lở.

Dự đoán chiều hướng cải cách

Vũ Hoàng: Bước qua năm tới, ông dự đoán thế nào về chiều hướng cải cách của Bắc Kinh?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Như chúng ta đã trình bày nhiều lần trên diễn đàn này trong tinh thần cảnh báo giới lãnh đạo kinh tế tại Việt Nam, Trung Quốc hết phép lạ và mô hình của họ không là mẫu mực đáng học. Đầu tiên, đà tăng trưởng nhờ đầu tư quá mạnh đã chấm dứt và Bắc Kinh phải trải qua thời kỳ tăng trưởng thấp hơn, phải chú trọng đến phẩm hơn lượng và tìm đầu máy khác, là tiêu thụ nội địa. Nhưng việc chuyển hóa sẽ đụng chạm vào quyền lợi của một thiểu số có chức có quyền nên cải cách kinh tế của Trung Quốc phải bắt đầu từ chính trị.

Điều thứ hai, khi cải cách chính trị, lãnh đạo Bắc Kinh bị kẹt vì ba chuyện. Thứ nhất, họ không có chế độ dân chủ là sự bình đẳng của mọi người trước pháp luật do người dân lập ra. Thứ hai, trên lãnh thổ quá rộng và có quá nhiều khác biệt, họ không có thể chế liên bang để dung hợp quyền lợi và trách nhiệm giữa trung ương và địa phương. Thứ ba, họ không có nền pháp quyền nhà nước, tức là hạ tầng cơ sở luật pháp có khả năng cưỡng hành với mọi cấp bộ hành chính và kinh doanh, mà họ vẫn cứ bị chính trị độc đảng chi phối.

Vì những lý do nói trên, việc chuyển hướng kinh tế của Trung Quốc trong thời gian tới đây sẽ khởi sự từ chính trị, nhưng theo một quy luật ngược. Đó là lãnh đạo sẽ tập trung quyền lực vào trung ương nên sẽ gây ra ấn tượng độc đoán hơn.

Vũ Hoàng: Ông vừa nói ra một nghịch lý mà thính giả của chúng ta có thể không hiểu. Thưa ông, Trung Quốc không có dân chủ nên sẽ khó cải cách, vậy mà ông cho rằng lãnh đạo của họ sẽ còn tập trung quyền lực về trung ương và có vẻ độc đoán hơn trước. Vì sao lại như vậy?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi xin đơn cử một thí dụ có thể minh diễn ba tệ nạn là thiếu dân chủ, không có chế độ liên bang và hệ thống pháp quyền lỏng lẻo. Thí dụ đó là đạo luật ngân sách năm 1994, 20 năm trước. Từ khi đạo luật được ban hành, số thu về thuế khóa của các địa phương sụt mạnh vì nộp tiền thuế về trung ương mà lại không được tài trợ đầy đủ. Vì thiếu tiền mà lại có trách nhiệm tạo ra việc làm và ổn định tình hình, các đảng bộ ở địa phương phải sáng tạo theo ba hướng là 1) đặt thêm lệ phí tức là loại thuế trá hình, 2) là trưng thu tiền sử dụng đất do địa phương có quyền quản lý và 3) lập ra mạng lưới công ty đầu tư ở địa phương để vay tiền hệ thống ngân hàng của nhà nước. Kết quả của tình trạng quái đản này là đà tăng trưởng ảo, người dân bị bóc lột, bị cướp đất, các địa phương đều mắc nợ ngập đầu mà nợ đến cỡ nào thì chẳng ai biết trong khi đảng viên cán bộ ở địa phương làm giàu rất nhanh và muốn duy trì hiện trạng lệch lạc.

Thế hệ lãnh đạo trước đã muốn cải cách theo cái hướng tập trung quyền lực về trung ương để phần nào giảm bớt bất công và đẩy lui nguy cơ động loạn mà không nổi. Thế hệ mới lên sẽ phải tiến hành việc đó và sẽ dùng chuyện diệt trừ tham ô làm lý cớ. Một thí dụ khác là hệ thống doanh nghiệp nhà nước với giới điều hành là đảng viên cao cấp đã thành đại gia hay tỷ phú. Việc chuyển hướng chính trị phải dẫn tới thanh trừng đại gia khi Trung Quốc cũng là một nước có nhiều tỷ phú nhất trong một giai doạn ngắn nhất!

Vũ Hoàng: Vì phải tường thuật thời sự hàng ngày như ông nhắc tới khi mở đầu, chúng tôi xin hỏi một chuyện là gần như cùng lúc với việc lãnh đạo mới của Bắc Kinh đề ra phương hướng điều chỉnh thì lại có tin đồn ngày càng được truyền thông quốc tế xác nhận. Đó là một nhân vật lãnh đạo vừa về hưu năm ngoái là ông Chu Vĩnh Khang bị tam giam để điều tra về nhiều hành vi phạm pháp trước đây. Thưa ông, việc chuyển hướng và vụ giam giữ hoặc tranh trừng vì tội tham nhũng có liên hệ gì đến nhau chăng?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thật ra, lãnh đạo Trung Quốc muốn điều chỉnh về kinh tế mà không nổi vì hệ thống chính trị của họ, vì vậy mà từ hai năm nay đã có hàng loạt biến động chính trị trước và sau Đại hội 18. Trước Đại hội là vụ Bạc Hy Lai vào đầu năm ngoái, sau Đại hội là vụ Chu Vĩnh Khang vào cuối năm nay. Cả hai vụ này thật ra chỉ là một. Nó phản ảnh mức độ cấu kết rất rộng và tác động rất cao của các thế lực kinh tế và chính trị tại Trung Quốc. Trước khi có tin Chu Vĩnh Khang bị điều tra thì đã có việc bắt giữ hàng loạt nhân vật lãnh đạo tập đoàn dầu khí CNPC là Công ty Dầu khí Quốc gia Trung Quốc, kể cả viên cựu Chủ tịch là Tưởng Cát Mẫn. Đấy là một Ủy viên Dự khuyết Trung ương, vừa được đưa qua làm Trưởng ban Cải tạo và Quản lý Doanh nghiệp Nhà nước, và xưa kia là nhân vật dưới quyền của Chu Vĩnh Khang.

Tôi nghĩ là trong hệ thống quyền lực xứ này, những kẻ cầm đầu hệ thống dầu khí đã có thể thâu tóm quyền lực và như Chu Vĩnh Khang, còn nắm luôn hệ thống an ninh trong vai trò Trưởng ban Chính pháp Trung ương, điều khiển hai bộ Công an và An toàn Quốc gia lẫn mạng lưới toà án và là Ủy viên trong Thường vụ Bộ Chính trị. Vì vậy, sau khi thanh lọc ở dưới, việc thanh trừng một nhân vật cấp lãnh đạo như Chu Vĩnh Khang là điều hãn hữu nhưng không bất ngờ.

Nó cũng cho thấy bài toán nan giải của thế hệ lãnh đạo mới khi phải chuyển hướng mà chứng bệnh quái ác của họ đã lên tới đầu.  Trong năm tới, ta sẽ theo dõi tiếp nhiều đợt thanh trừng khác trong nỗ lực cải cách chính trị với màu sắc của Trung Quốc

II- Kích Thích Kinh Tế 

Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam (ảnh minh họa)


Kinh tế Việt Nam đang có một số dấu hiệu đình đọng có thể giảm đà tăng trưởng và gây ra tình trạng suy trầm. Trước sự thể đó, một số kinh tế gia trong nước nói đến việc Chính phủ nên có một gói hỗ trợ kinh tế qua biện pháp kích cầu trong khi nhiều người lại nêu ra những yếu tố khiến người ta nên thận trọng về kích cầu. Diễn đàn Kinh tế nêu câu hỏi với chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về việc kích cầu này. Xin quý thính giả theo dõi phần trao đổi do Vũ Hoàng thực hiện sau đây.

Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, khi Ngân hàng Thế giới vừa đưa ra một báo cáo có nội dung lạc quan về tình hình kinh tế Đông Á Thái Bình Dương trong năm nay và năm tới thì tại Việt Nam, người ta lại thấy một vài chỉ dấu đình đọng, gọi là giảm phát hay thiểu phát về kinh tế Việt Nam. Vì thế, có người đã nói đến việc Chính phủ phải hỗ trợ kinh tế bằng một gói kích cầu, nhưng nhiều nhà nghiên cứu kinh tế lại cho là nên cẩn trọng với việc kích cầu và tránh chuyện lợi bất cập hại. Trên diễn đàn này, ông cũng thường nói tới một hiện tượng là "liều thuốc đổ bệnh" khi nhà nước chẩn đoán sai và tung ra biện pháp kinh tế với hậu quả bất lường và có hại. Vì vậy, xin đề nghị ông nêu ý kiến về chuyện kích cầu này.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi rất thận trọng khi đề cập đến việc này và sẽ đi từng bước để thính giả của chúng ta hiểu ra sự hợp lý trong tiến trình quyết định về chính sách can thiệp kinh tế. Tôi cho rằng ta nên ý thức được hoàn cảnh bất thường của việc quản lý kinh tế ở cấp quốc gia khi kinh tế toàn cầu đang ở vào tình trạng phục hồi vẫn còn bấp bênh trong nhiều năm biến động và trước những nguy cơ khủng hoảng khác, về cả an ninh lẫn kinh tế. Chẳng hạn như từ chuyện Ukraine đến việc Trung Quốc phải chuyển hướng và Hoa Kỳ điều chỉnh lại chính sách kích thích kinh tế bằng biện pháp tiền tệ. Đó là về bối cảnh cho Việt Nam.

Vũ Hoàng: Nói về bối cảnh cho Việt Nam, ông nghĩ là người ta nên thận trọng như thế nào?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trước hết là tình trạng "mơ hồ" hay ambiguity của hệ thống thu thập thống kê thiếu rõ ràng. Một thí dụ ai cũng nói tới là sự mơ hồ của khối nợ xấu, không sinh lời và sẽ mất của các ngân hàng. Thí dụ khác là dấu hiệu đình trệ kinh tế của Quý một mà có người gọi là "giảm phát" hay "thiểu phát". Người ta thật ra chưa thống nhất ý kiến về các dấu hiệu này.
   
   Một công trình xây khách sạn đang hoàn thành. AFP

Thứ hai là tình trạng bấp bênh hay bất định của môi trường kinh tế khiến cho không ai biết chắc là việc gì sẽ xảy ra. Đây là sự thể khách quan của lãnh đạo nhiều nước chứ không riêng gì của Việt Nam. Thứ ba là hiện tượng tôi xin gọi là "trồi sụt bất ngờ" hay "volatile", là khi mà kinh tế toàn cầu đang khúc quanh với giá nguyên nhiên vật liệu, thương phẩm, nông sản và lương thực lẫn tỷ giá đồng bạc có thể thăng giáng khá bất ngờ và gây hậu quả cho kinh doanh và kinh tế. Thứ tư và sau cùng, khi tổng hợp lại thì ta phải thấy rằng sinh hoạt kinh tế có yếu tố phức tạp từ bên trong ra lẫn từ bên ngoài tác động vào, chứ không là một bài toán đơn giản. Trong cái khung bốn góc là mơ hồ, bất định, trồi sụt và phức tạp của tình hình, người lãnh đạo kinh tế hoặc lãnh đạo bất cứ một lĩnh vực nào cũng phải nhìn thấy trước những gì mà người khác chưa thấy ra. Rồi từ đó xác định được thực tại và đề ra mục tiêu sẽ phải thi hành. Thông thường thì ta dễ rơi vào hoàn cảnh bất động nên chẳng dám làm gì và càng ở trên cùng thì càng dễ bị tê liệt. Trong khi ở dưới thì nhìn sự thể một cách đơn giản hơn nên tưởng là cứ làm việc này việc kia là xong. Lãnh đạo giỏi là người phải dám làm trên cơ sở của các dữ kiện thật ra chưa hoàn hảo. Đó là về bối cảnh chung, sau đó là mới nói đến kích cầu hay không.

Vũ Hoàng: Nhưng trước hết thưa ông, thính giả của chúng ta muốn biết "kích cầu" là gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa:  Câu hỏi đơn giản này thật ra rất hay vì giúp mình hiểu được là đang nói về chuyện gì.

Trong một giai đoạn khá lâu, người ta cứ cho là kinh tế vận hành theo quy luật tự nhiên và tự động tìm ra một quân bình tối hảo nào đó. Thật ra, kinh tế là kết quả tổng hợp của nhiều quyết định kinh doanh của cả triệu cả tỷ tác nhân, là doanh nghiệp, nhà sản xuất hay giới tiêu thụ và có những chu kỳ lên hay xuống, tăng hay giảm. Khi một nền kinh tế còn phương tiện sản xuất dư dôi mà chưa đạt hết công xuất hoặc chưa giải phóng hết tiềm lực và vì vậy bị đình trệ hay suy trầm thì nhà nước có thể can thiệp. Biện pháp can thiệp thông dụng cứ được nói tới là kích thích số cầu trên thị trường, hay nói cho dễ hiểu là tạo ra sức hút. Nếu số cầu gia tăng thì doanh nghiệp hay con người sẽ tận dụng những phương tiện có sẵn, mà dư dôi vì chưa dùng tới, để nâng cao sản lượng và tạo thêm việc làm tức là gia tăng lợi tức cho người khác.

Do đó, kích cầu chỉ là kích thích số cầu trên thị trường, để từ đó nâng mức cung và đem lại điều kiện lý tưởng mà ta gọi là "toàn dụng" hoặc tận dụng các phương tiện sản xuất có sẵn.

Vũ Hoàng: Thưa ông, thế tại sao nhiều người lại nói đến nguy cơ lạm phát của biện pháp kích cầu?

Một ảnh minh họa công ty chứng khoán ở Việt Nam trước đây, ảnh minh họa. AFP

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Vì người ta chưa hiểu hai chuyện quan trọng. Thứ nhất là phương tiện sản xuất dư dôi chưa được tận dụng. Nhà máy của tôi có thể sản xuất ra 1000 sản phẩm một ngày nhưng vì thị trường chỉ mua có 800 thì tôi không tận dụng công xuất để làm thêm 200 món hàng sẽ nằm chất đống trong kho. Nếu nhà nước có biện pháp kích cầu là nâng số cầu từ 800 lên 1000 thì nhà máy của tôi sẽ chạy hết công xuất, nhân viên có thêm việc làm và lợi tức.

Thứ hai là chênh lệch cung cầu. Khi phương tiện sản xuất dư dôi ấy không có, như đất đai, thiết bị hay nhân công mà chưa có sẵn hoặc chưa sẵn sàng cho sản xuất mà người ta vẫn kích cầu, tức là vẫn bơm tiền vào kinh tế thì lượng tiền đó không tạo ra sức hút mà người ta trông đợi. Lượng tiền được bơm ra như vậy không khởi động cái nhà máy đã chạy hết công xuất mà chỉ làm nóng máy và gây ra một thất quân bình khác là quá nhiều tiền chạy theo những hàng hóa có giới hạn và đấy là nguyên do lạm phát. Nói chung, biện pháp can thiệp theo lối kích cầu như vậy phải đáp ứng tình hình thực tế để nhất thời khai thông một ách tắc giai đoạn. Khốn nỗi, bơm tiền ra thì dễ, chứ hút vào mới khó và yêu cầu nhất thời thường gây ra tai họa lâu dài.

Vũ Hoàng. Từ sự mô tả đó, ông có thể minh diễn vào hoàn cảnh của Việt Nam như thế nào?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta để ý thấy là đã có các chuyên gia kinh tế trong nước nêu ra hai vấn đề về kích cầu. Thứ nhất kích thế nào, vào đâu? Thứ hai là không nên kích dàn trải hoặc lại chạy theo nhu cầu của một số nhóm lợi ích thì lợi bất cập hại.

Ảnh minh họa Ông Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines đã phê duyệt vụ mua sắm ụ nổi cũ kỹ gỉ sét 83M với giá hơn 24 triệu USD

Trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay, ta chứng kiến hai chuyện. Đầu tiên là khu vực kinh tế nhà nước thì có năng suất kém mà vẫn cứ được nhà nước nâng đỡ và kích thích vì thế lực của các nhóm lợi ích. Họ cần phương tiện của nhà nước qua ngân sách, công chi và các dự án của khu vực công, để đi làm những chuyện không có lợi cho kinh tế quốc dân mà có lời cho họ. Tiêu biểu mà ai cũng thấy là chuyện Vinashin hay Vinalines. Khi ấy, kích cầu chỉ là biện pháp nuôi béo thành phần này và phí tổn của biện pháp đó thì người khác phải gánh qua nạn bội chi ngân sách chẳng hạn. Vì vậy người ta mới hoài nghi chuyện kích cầu. Thật ra, nhà nước càng kích cầu thì dân càng khổ, chỉ có tay chân của nhà nước là sướng.

Chuyện thứ hai là bên dưới hệ thống kinh tế nhà nước, cả triệu xí nghiệp tư nhân thì khốn đốn vì thiếu phương tiện cho sản xuất, thí dụ như vay tiền không được, hoặc phải vay với cái giá rất đắt từ tay chân của nhà nước. Ai cũng biết và nói rằng tư doanh mới tạo ra nhiều việc làm hơn và có hiệu năng đầu tư cao hơn là quốc doanh, tức là tốn ít mà lời nhiều về kinh tế. Nhưng tư doanh lại chết lâm sàng vì bị quốc doanh ớm bóng. Tôi nghĩ rằng vấn đề không phải là "kích cầu" mà "kích cung".

Vũ Hoàng: Chúng tôi hiểu rằng ông bắt đầu đi vào giải pháp. Thưa ông, thế nào là kích cung?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chúng ta biết rằng nhà nước cần và nên can thiệp vào kinh tế để tạo điều kiện phát triển hài hòa qua tăng trưởng có phẩm chất - chứ không nên chú mục vào mức tăng trưởng và sùng bái tốc độ tăng trưởng.

Khi can thiệp thì nhà nước có thể nhắm vào về cầu để nhất thời tạo sức hút cho doanh nghiệp có sẵn phương tiện sản xuất dư dôi mà chưa dùng hết. Nhưng nhìn trong trường kỳ thì nhà nước còn phải nhắm vào vế cung, là khai thông những ách tắc để đẩy mạnh khả năng cung ứng. Tại Việt Nam, người ta cứ máy móc nói đến chữ "kích cầu" thay cho chữ "kích thích kinh tế" ở cả hai vế cung cầu. Ách tắc của Việt Nam là ở số cung khiến tiềm lực kinh tế mới bị nghẽn.

Vũ Hoàng: Phải chăng ông muốn nhắc tới lý luận hay học thuyết kinh tế gọi là "trọng cung" với biện pháp cắt thuế khá nổi tiếng tại Hoa Kỳ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ hoàn cảnh kinh tế, xã hội, văn hóa và chính trị của mỗi nước lại mỗi khác nên mình không thể máy móc áp dụng một cách đồng dạng hay đồng dạng được.

Thông thường, khi kinh tế bị đình trệ hay suy trầm, hoặc tệ hơn vậy là bị suy thoái nghĩa là có mức tăng trưởng thuộc số âm, thì ai cũng có thể nghĩ đến các biện pháp tín dụng là hạ lãi suất và bơm tiền cho vay, hoặc ngân sách là tăng chi hay giảm thuế. Những biện pháp ấy đều có thể công hiệu nhưng luôn luôn di hại với hậu quả bất lường nếu kéo dài quá lâu hoặc bơm không đúng chỗ và thổi lên bong bóng, lại còn tạo ra thói quen vay mượn mà khỏi nghĩ đến lúc trả nợ. Trường hợp của Việt Nam cũng có nhiều lúc như vậy khi ta nhớ đến lượng tín dụng ào ạt bơm ra và gây thất quân bình trong mấy năm trước.

Tuy nhiên, vẫn nằm trong tinh thần phải nhắm vào vế cung hơn vế cầu, Việt Nam cần khai thông nhiều ách tắc để tư doanh góp phần nâng cao khả năng cung ứng, tức là làm ăn được dễ dàng và có lời. Muốn như vậy thì không chỉ có biện pháp nhất thời và vô dụng là giảm thuế theo một kỳ hạn nhất định mà phải giản lược hoá thủ tục hành chính và gia tăng mức độ minh bạch trong sáng của luật lệ kinh doanh để giải trừ được nạn tham nhũng và bắt bí tư nhân.
Song song, Việt Nam cần cải cách để giảm thiểu vai trò và sức tác hại của khu vực kinh tế nhà nước và chấn chỉnh lại hệ thống ngân hàng lẫn thủ tục ngân sách để dẹp bớt các dự án được nhà nước tài trợ với lý cớ là kích cầu. Tôi cho rằng lãnh đạo kinh tế xứ này đều biết là cần làm như vậy và từ nhiều năm nay có nói tới cải tổ cơ chế mà chẳng đi tới đâu vì không vượt khỏi rào cản của các trung tâm quyền lợi nằm ngay trong hệ thống kinh tế chính trị của xứ này. Cách hay nhất để kích thích kinh tế là nhà nước nên thu bàn tay của mình về và đừng nói chuyện kích cầu nữa!.

III - An ninh lương thực tại Trung Quốc

Người dân Trung Quốc mua nước sạch ở một siêu thị tại Lanzhou hôm 11 tháng 4 năm 2014.
AFP

Trong Tháng Năm, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin sẽ thăm viếng Trung Quốc và dư luận chờ đợi lãnh đạo hai nước sẽ thảo luận về điều kiện mua bán khí đốt, một sản phẩm chiến lược của Nga đang có tầm quan trọng hơn sau vụ khủng hoảng Ukraine. Tuy nhiên, Trung Quốc còn cần một sản phẩm có ý nghĩa sinh tử hơn, đó là lương thực. Bắc Kinh giải quyết bài toán này như thế nào? Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu vấn đề qua cuộc trao đổi với kinh tể gia Nguyễn Xuân Nghĩa do Vũ Hoàng thực hiện sau đây.

Miếng ăn là bài toán sinh tử

Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, trên diễn đàn này ông thường nói năng lượng là sản phẩm chiến lược cho việc công nghiệp hóa các quốc gia, nhưng lương thực mới là một sản phẩm sinh tử vì không có thì chết. Trong ý nghĩa đó, trường hợp Trung Quốc rất đáng chú ý vì diện tích canh tác của lãnh thổ chưa tới 10% của địa cầu mà phải nuôi một dân số gấp đôi, là 20% dân số toàn cầu. Nếu Liên bang Nga có thể là nguồn cung cấp năng lượng cho Trung Quốc qua kế hoạch bán khí đốt mà lãnh đạo hai nước sẽ mặc cả khi Tổng thống Vladimir Putin của Nga thăm Bắc Kinh vào tháng tới, lãnh đạo Trung Quốc giải quyết vấn đề lương thực của họ theo hướng nào?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Với kích thước rất lớn và dân số cực đông, Trung Quốc là một xứ đói ăn, khát dầu và thiếu nước. Chẳng những vậy, từ khẩu hiệu "tự lực cánh sinh" thời Mao Trạch Đông cho đến mục tiêu "an ninh lương thực" thời nay, lãnh đạo xứ này chưa giải quyết được việc áo cơm cho thoả đáng nên miếng ăn là bài toán sinh tử cho Trung Quốc qua hai con số ông vừa trình bày, diện tích khả canh chưa bằng 10% mà phải nuôi một dân số bằng 20%.

Nhưng tình hình còn gay go hơn vậy cho nên trong tháng trước, Quốc vụ viện của Bắc Kinh qua báo cáo của viên Tổng lý là Thủ tướng Lý Khắc Cường đọc một giờ rưỡi trước kỳ họp thứ hai của Quốc hội khóa 12 và qua Chỉ thị Phát triển Lương thực và Dinh dưỡng từ 2014 đến 2020 mới nhấn mạnh đến việc đầu tư vào đất đai và nông nghiệp để giải quyết nhu cầu thức ăn ngày càng tăng của người dân. Tôi nghĩ rằng kết quả sẽ là sự thất vọng.

Vũ Hoàng: Xin ông lần lượt giải thích những nguyên nhân vì sao kết quả sẽ là sự thất vọng.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trước hết là về điều kiện khách quan của địa dư hình thể thì chỉ có 15% diện tích của 10 triệu cây số vuông tại Trung Quốc là có thể canh tác. Tính theo đầu người bây giờ chỉ bằng một phần ba của bình quân thế giới, trong khi xứ này lại quốc gia thiếu nước nhất tại lục địa ít nước nhất địa cầu là Châu Á. Ai lên lãnh đạo Trung Quốc cũng gặp những bài toán ấy và đều nhớ rằng nhiều biến động lịch sử đã bùng nổ vì nạn đói.

Chuyện thứ hai, cũng về số cung, thì trên lãnh thổ thật ra nghèo nàn và khô cằn đó, diện tích canh tác còn bị thu hẹp dần bởi hai hiện tượng là nạn sa mạc hóa và đất bạc mầu sau bao đời theo nhau đào xới cấy cầy. Chuyện thứ ba, lãnh đạo đời nay gặp hiện tượng mới là đô thị hóa và gây thêm vấn đề khác là làm cạn nước và ô nhiễm môi trường, khiến đất hẹp còn bị thiếu nước lành ở dưới, thậm chí thiếu cả ánh sáng ở trên vì nhiều nơi bao trùm dưới khói độc. Vì hoàn cảnh đó việc khai thác nông sản mới bị giới hạn và dù ngày nay có sản lượng lúa gạo cao nhất thế giới, Trung Quốc vẫn thiếu lương thực.

Ảnh chụp ô nhiễm không khí tại Bắc Kinh hôm 24/02/2014. AFP PHOTO.

Vũ Hoàng: Đó là về khả năng cung ứng của đất đai và con người, còn về số cầu thì sao?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Nói về lương thực, ta nghĩ đến gạo là nhu cầu chính của người dân tại miền Nam Trung Quốc và mì là sản phẩm được tiêu thụ nhiều ở miền Bắc. Ngoài ra, phải kể ra hoai sắn, ngũ cốc hay loại hạt thô như ngô đậu để ăn no. Muốn ăn ngon và bổ thì phải có trứng, sữa và thịt, là nông sản gốc mục súc chứa nhiều chất đạm và chỉ có nếu dùng ngô bắp làm thực phẩm nuôi gia súc.

Từ khi cải cách kinh tế hơn 35 năm về trước, đời sống người dân có tiến bộ nên theo cơ quan Lương nông Quốc tế FAO chỉ còn chừng 12% dân số xứ này là bị nạn suy dinh dưỡng. Tiến bộ đó khiến người dân không chỉ cầu đủ no mà còn muốn ăn ngon và bổ hơn, tức là số cầu về trứng sữa hay thịt cá đều tăng. Khi ấy số cầu về thực phẩm cho gia súc mới đặt ra bài toán mới là Trung Quốc cần nhiều ngô bắp và đậu nành chứ không chỉ tự thoả mãn với bát cơm hay bát mì.

Từ khi cải cách thì sản lượng loại cây lương thực như ngô đậu hay hạt có dầu của Trung Quốc đã tăng gấp đôi, coi như tăng 2% một năm, và lên tới hơn 600 triệu tấn. Vậy mà vẫn chưa đủ cho nhu cầu nên xứ này phải nhập khẩu. Và yêu cầu về an ninh lương thực do lãnh đạo đặt ra là phải bảo đảm được 95% số tiêu thụ nội địa về gạo, mì và bắp, yêu cầu đó vẫn khó đạt vì khả năng cung cấp có hạn. Năm ngoái, tổ chức OECD, Hợp tác và Phát triển Kinh tế, và cơ quan Lương nông FAO, dự báo là từ nay đến năm 2020, Trung Quốc vẫn phải nhập đậu nành, với số lượng ngày một nhiều hơn.

Trở ngại sự phân bố nơi sản xuất

Vũ Hoàng: Ngoài những giới hạn về khả năng cung ứng như ông vừa trình bày thì đâu là những vấn đề khiến Trung Quốc vẫn là một xứ thiếu ăn và phải nhập khẩu lương thực?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chúng ta vẫn khởi đi từ bài toán của thiên nhiên rồi mới nói tới khả năng giải quyết của con người. Trước hết là sự phân bố về địa dư của nơi sản xuất. Nơi sản xuất gạo và mì là tập trung tại miền Đông-Bắc và vùng Trung Nguyên, hay tỉnh Tứ Xuyên là nơi có gạo. Còn ngô đậu thì cũng ở khu vực Đông-Bắc, nhiều nhất sau này là tỉnh Hắc Long Giang, các nông trại nuôi heo lợn cũng thế, thường tập trung ở các tỉnh trồng ngô. Đó là về sản xuất, về tiêu thụ thì ta lại phải nói đến sự phân bố dân số ở khắp mọi nơi. Vì thế, có lương thực rồi, người ta vẫn cần tới hệ thống vận tải và phân phối, tức là phải có cầu đường, là chuyện không dễ mà đắt.

Mà việc sản xuất ngũ cốc vẫn bị trở ngại vì diện tích canh tác thu hẹp dần trước đà đô thị hóa và theo Bộ Tài nguyên và Đất đai của Bắc Kinh, tới 2% diện tích khả canh của Trung Quốc bị ô nhiễm đến độ không thể trồng trọt gì được. Vì thế, trong báo cáo tháng trước, Thủ tướng Lý Khắc Cường mới đòi khai chiến chống ô nhiễm và đẩy mạnh việc hiện đại hóa nông nghiệp.Ảnh minh họa

Vũ Hoàng: Nếu lãnh thổ bên trong có quá nhiều hạn chế cho sản xuất thì Trung Quốc vẫn có thể nhập khẩu. Hoặc còn tiến xa hơn vậy, tức là thuê đất canh tác ở xứ khác để đảm bảo nguồn cung cấp ngay tận gốc. Hình như là họ có làm như vậy rồi và đâu là những trở ngại?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Nói về giải pháp nhập cảng, tôi xin đề nghị là ta cùng nhìn vấn đề một cách toàn diện vì có thể rút tỉa nhiều bài học cho mình.

Khi mua ngũ cốc, ta phải trang trải các phí tổn cơ bản là nước, phân, cần, giống, tiền chuyên chở và doanh lợi. Vì thế, khi nhập một tấn ngô đậu, Trung Quốc nhập cả... tiền nước tiêu tưới của xứ khác. Khi kiểm soát một phần của Hy Mã Lạp Sơn và Cao nguyên Thang Tạng, từ đầu nguồn của nhiều con sông lớn tại Châu Á, họ hủy hoại mạch nước cho các quốc gia dưới hạ nguồn, kể cả Việt Nam, và nay đòi mua nước trong hạt của xứ khác. Chuyện ấy ta nên nhìn ra!

Chuyện thứ hai, Trung Quốc đã từng từ chối loại thực phẩm có biến đổi gen – gọi là genetic modified foods - do Hoa Kỳ xuất khẩu vì bảo là có hại cho sức khoẻ người tiêu thụ. Trong khi đó, các tập đoàn về lương thực của họ lại ngầm ăn cắp công nghệ biến gen của doanh nghiệp Mỹ như DuPont, Montsanto và Ventria Biosience. Toà án Mỹ tại các tiểu bang IowaKansas đang điều tra vụ ăn cắp này, cho nên chuyện Trung Quốc nhập khẩu lương thực cũng có vấn đề.

Phần mình, Bắc Kinh không quên là khi mua lương thực thì họ gặp bất trắc về giá cả, như trong vụ lương thực lên giá vào năm 2008. Vì thế, họ muốn mua từ gốc với hợp đồng dài hạn về giá cả và giải pháp đầu tư vào canh nông của xứ khác như ông vừa nhắc tới đã được áp dụng.

Vũ Hoàng: Thưa ông, phải chăng giải pháp đó cũng có gây tai tiếng là lũng đoạn xứ khác?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Quốc gia nào cũng có thể nghĩ đến việc đầu tư vào xứ khác để có loại hàng hóa mà mình cần ở nhà. Trước Trung Quốc bốn chục năm, Nhật đã đầu tư vào xứ khác để bảo đảm nguồn cung cấp về năng lượng và khoáng sản. Trước Trung Quốc năm năm, Nam Hàn đã thuê nhiều nông trại ở xứ khác và dẫn đầu Trung Quốc về phương pháp đó. Nhưng hai nước Đông Á thiếu tài nguyên này đã không khuynh đảo xứ khác và gây hiệu ứng cho thị trường thế giới nên hầu như chẳng ai còn nhắc tới. Trường hợp Trung Quốc lại khác.

Ngoài lĩnh vực năng lượng và khoáng sản gốc kim loại với phản ứng tiêu cực của các nước, thì từ năm 1996 Bắc Kinh đã vừa che giấu vừa tiến hành việc đầu tư vào đất canh tác của xứ khác như Cuba, Lào, Mexico và Phi Luật Tân. Rồi họ đẩy mạnh từ năm 2008 vào xứ Kazakhstan, Úc và nhất là các nước Phi Châu. Khi ấy, ta thấy ra hai hiện tượng trái ngược.

Các nước nghèo tại Châu Phi lên án tinh thần "thực dân mới" của Trung Quốc và phê phán doanh nghiệp Trung Quốc không có chuyển giao công nghệ và còn giấu nghề trong các nông trại biệt lập của họ như những vùng tô giới. Ngược lại, một xứ tiên tiến như Úc thì than phiền cái thói ăn cắp công nghệ để trục lợi. Trong khi đó, tại Phillippines, tập đoàn kinh doanh về lương thực của Trung Quốc bị liên lụy vào chuyện tham nhũng để mua chuộc Chính quyền của Tổng thống thời đó là bà Gloria Macapagal-Arroyo. Nói chung, vì những chuyện đó, uy tín của Trung Quốc bị sứt mẻ trong khi nỗ lực đầu tư ra ngoài để bảo đảm an toàn lương thực vẫn không làm thay đổi quan hệ cung cầu trên thế giới.

Vũ Hoàng: Câu hỏi cuối, thưa ông, chúng ta có thể kết luận được những gì về chuyện an toàn lương thực của Trung Quốc?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi thiển nghĩ là dù Trung Quốc đã có kế hoạch quy mô để giải quyết bài toán lương thực, tác dụng của họ vẫn không gây ảnh hưởng đến số cung hay giá nông sản trên thế giới theo chiều hướng có lợi, như họ đã thể hiện trong lĩnh vực năng lượng hay kim loại. Ngược lại, Trung Quốc vẫn bị ảnh hưởng nặng từ thị trường lương nông quốc tế và đấy mới là mối nguy sinh tử khi họ nói đến chuyện an ninh về lương thực.

IV - Những gì cản trở tiềm lực Việt Nam?

Ảnh minh họa chụp một con đường ven sông Sài Gòn, hướng về trung tâm TPHCM hôm 19/11/2013.
AFP

Báo cáo về tình hình kinh tế Đông Á Thái Bình Dương do Ngân hàng Thế giới vừa công bố hôm Thứ Hai mùng bảy tại Singapore có một số lượng định rất đáng chú ý về những trở ngại khiến kinh tế Việt Nam chưa đạt hết tiềm lực của mình. Những trở ngại ấy là gì, Vũ Hoàng nêu câu hỏi với chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa trong tiết mục chuyên đề hàng tuần như sau:

Những bất trắc toàn cầu

Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, Ngân hàng Thế giới vừa công bố một báo cáo định kỳ về tình hình kinh tế của các nước thuộc khu vực Đông Á Thái Bình Dương, trong đó có phần lượng định về những thành tựu và nhiều mặt tiêu cực của kinh tế Việt Nam. Chúng tôi xin đề nghị ông lược duyệt cho tài liệu này và nhấn mạnh đến những khuyến cáo dành cho Việt Nam. Trước tiên thưa ông nội dung tổng quát của báo cáo đó là gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trước hết là sự lạc quan của Ngân hàng Thế giới về triển vọng hồi phục của kinh tế toàn cầu, do bốn yếu tố. Đó là lực đẩy của các nền kinh tế công nghiệp hóa, với bất trắc về chính sách đã giảm, yêu cầu chấn chỉnh ngân sách bớt khắt khe và sự nhờ sự năng động mới của khu vực tư nhân. Trong bối cảnh đó, sản lượng kinh tế thế giới từ năm nay qua năm 2016 sẽ tăng từ 3 đến 3,4%, với đà tăng trưởng cao hơn của khối công nghiệp hoá từ 2,1 lên 2,4%, và của các nước đang phát triển sẽ tăng từ 5% lên 5,6%. Đó là vài con số về đại thể.

Trong khối đang phát triển, thì các nước Đông Á Thái Bình Dương, mà tôi xin được gọi tắt là Thái-Á cho gọn, sẽ có mức tăng trưởng 7,1%, tức là cao nhất trong các nước thuộc loại mới nổi của toàn cầu. Trong nhóm Thái-Á đang lên, thì ta chú ý nhất tới Trung Quốc và 10 nước của Hiệp hội ASEAN.

Ngân hàng Thế giới có vẻ lạc quan về khả năng cải cách sắp tới của Trung Quốc, và dự đoán tốc độ dù có chậm hơn thì cũng ở khoảng 7,5 hay 7,6% trong vài năm tới. Riêng về khối ASEAN có 600 triệu dân thì định chế này phân biệt bốn nền kinh tế lớn là Indonesia, Philippines, Thái Lan và Malaysia với các nền kinh tế nhỏ hơn hay yếu hơn. Việt Nam thuộc loại nhỏ yếu đó và ở trong nhóm quốc gia thuộc tiểu vùng Mekong, cùng Miến Điện, Lào, và Cam Bốt. Để dành thời lượng cho Việt Nam, tôi xin khỏi nhắc đến phần hai của phúc trình cập nhật này với ba đề tài khác, trong đó có một tiểu luận nức nở ngợi ca ý chí và khả năng chuyển hướng của Trung Quốc.

Vũ Hoàng: Thưa ông, riêng về Việt Nam, thì Ngân hàng Thế giới là định chế tài chính quốc tế chuyên yểm trợ các nước đang phát triển đã có những lượng định gì là đáng chú ý?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Cũng lại ngợi khen và cảnh báo. Về đại thể, năm qua kinh tế Việt Nam có cải thiện so với một hai năm trước, mà vẫn thấp hơn tiềm lực vì ba lý do là vấn đề cơ cấu trong lĩnh vực quốc doanh và ngân hàng, là lệch lạc chính sách gây trở ngại cho đầu tư của tư nhân và cho sức cạnh tranh trong nhiều khu vực then chốt. Năm qua kinh tế xứ này có tăng chút đỉnh, qua năm nay e rằng vẫn cứ như vậy, ở khoảng 5,4 tới 5,5%, nếu không xử lý các vấn đề nói trên. Ngoài ra, có lẽ cũng phải nói tới một trở ngại khác cho Việt Nam là những bất trắc toàn cầu.

Công trình xây dựng đường xe điện trên cao (sky train) tại trung tâm thành phố Hà Nội hôm 26 tháng 2 năm 2014. AFP PHOTO / HOANG DINH Nam.

Vũ Hoàng: Như vậy thì Ngân hàng Thế giới cho rằng năm 2013, tình hình kinh tế Việt Nam có khá hơn 2011 và 2012, mà thưa ông khá hơn như thế nào?

Nguyễn-Xuân Nghĩa:Trước hết là kinh tế có ổn định hơn với lạm phát dưới 7% so với trên 9% hay 18% vào năm 2011 và tỷ giá đồng bạc so với đô la vẫn ở mức cũ chứ khỏi sa sút thêm. Kế đó là xuất khẩu có tăng vào thị trường công nghiệp hoá nhờ ngành thâm dụng nhân công như áo quần, giày dép, bàn ghế và mới nhất là nhờ loại sản phẩm có trình độ công nghệ và trị giá đóng góp cao hơn, như điện thoại di động, phụ tùng điện tử, và cả cơ phận xe hơi. Sức xuất cảng đó chủ yếu đến từ khu vực đầu tư nước ngoài, tức là Việt Nam làm gia công và được nước ngoài mở thị trường bán hàng qua đó. Nhờ các yếu tố tích cực này, cán cán thương mại có cải thiện và cán cân vãng lai đã từ thâm hụt nặng năm 2008 nay đạt được thặng dư. Nhưng báo cáo của Ngân hàng Thế giới cũng nhắc là số thặng dư ấy sẽ giảm khi nhập khẩu tăng theo đà phục hồi kinh tế.

Cảnh báo kinh tế Việt Nam

Vũ Hoàng: Bây giờ, bước qua phần cảnh báo về những trở ngại khiến kinh tế Việt Nam không thể hiện được tiềm lực của mình, thưa ông, Ngân hàng Thế giới đã khuyến cáo những gì trong bản báo cáo vừa qua?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Nếu nhìn vào tiềm năng thực tế thì đáng lẽ Việt Nam phải đứng bên các nền kinh tế lớn của khối ASEAN là Indonesia, Malaysia, Philippines, hay Thái Lan. Sự thật bẽ bàng là sức tăng trưởng bền vững của Việt Nam vẫn bị cản trở vì tốc độ cải cách quá chậm. Ngân hàng Thế giới nêu ra năm nhược điểm sau đây. Thứ nhất, số cầu trong thị trường nội địa vẫn yếu vì khu vực tư doanh mất niềm tin, một từ khá lịch sự của họ để nói về tình trạng chật vật của doanh nghiệp tư nhân. Thứ hai là mức nợ quá lớn của hệ thống doanh nghiệp nhà nước. Thứ ba là phần vốn quá mỏng của ngân hàng. Thứ tư là sự co cụm của khu vực ngân sách nhà nước. Về mặt cung thì tình hình còn đáng ngại hơn do khả năng cạnh tranh kém của Việt Nam nếu so với các nền kinh tế có cùng kích thước và trình độ, cụ thể là các nước ASEAN nói trên.

Muốn giải trừ những yếu kém ấy để có đà tăng trưởng mạnh hơn trong trung hạn, Ngân hàng Thế giới cho là Việt Nam cần lại chú ý, tôi nhấn mạnh vào chữ "lại", đến một số cải cách về cơ cấu. Và phải đặt trọng tâm vào ba lĩnh vực, là tái cấu trúc hay chấn chỉnh các 1) ngân hàng, 2) doanh nghiệp nhà nước, và 3) tháo gỡ những rào cản cho nguồn đầu tư của tư nhân ở trong nước.

Vũ Hoàng: Thưa ông, báo chí ở trong nước có nói đến một vấn đề được đại diện của Ngân hàng Thế giới nhắc tới là những khoản nợ xấu của hệ thống ngân hàng như sự tắc nghẽn khiến kinh tế Việt Nam không đạt tiềm năng của mình.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi mừng là báo chí có tường thuật khuyến cáo của giới hữu trách thuộc Ngân hàng Thế giới về những khoản nợ không sinh lời, khó đòi và sẽ mất. Họ cũng nói về số liệu mơ hồ của núi nợ, nhiều ít thế nào thì chưa ai rõ, và còn nêu nghi vấn về khả năng giải quyết của Công ty Quản lý Tài sản VAMC được lập ra năm ngoái. Trong phúc trình, Ngân hàng Thế giới cho là cơ quan này thiếu phương tiện đắp vốn cho ngân hàng và có tiến độ chấn chỉnh quá chậm. Họ cảnh báo về các vấn đề phá sản, vỡ nợ và việc bảo vệ chủ nợ như những chướng ngại cần khai thông để tái cấu trúc khoản nợ của doanh nghiệp.

Trong phạm vi tài chính công quyền đó, ta còn thấy ra khả năng xoay trở rất hẹp của lãnh đạo kinh tế Việt Nam vì giới hạn của ngân sách. Thứ nhất, tiêu chí về bội chi ngân sách năm 2013 đã được nâng từ 4,8% lên tới 5,3% Tổng sản lượng GDP, tức là cao gấp bội so với chỉ tiêu 4,5%. Lý do bội chi ở đây là thất thu về thuế khóa do việc giảm thuế doanh nghiệp để kích thích sản xuất. Việc cải tổ tài chính công, trong đó thuế khóa phải tăng và các khoản công chi phải giảm, là một sự thúc bách khó xử. Nếu kết hợp thêm loại nợ nước ngoài thì ta mới thấy ra vấn đề về dài.

Vũ Hoàng: Thưa ông vấn đề về dài ấy là gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Từ 20 năm nay, Việt Nam được quốc tế cho vay theo tinh thần viện trợ, với điều kiện ưu đãi, cụ thể là lãi suất hạ, thời gian ân hạn là chỉ trả tiền lời chưa phải trả vốn cao hơn, được vay dài hạn hơn. Nhưng khi lợi tức quốc dân đã tăng thì loại tín dụng có tính chất nâng đỡ ấy phải giảm, khiến nhà nước và cơ quan được nhà nước bảo lãnh để vay tiền bên ngoài sẽ càng ít hơn. Khi ấy, nếu cần vay thì phải phát hành trái phiếu trong thị trường tín dụng nội địa. Khác với tín dụng viện trợ, tín dụng nội địa thường đòi tiền lãi cao hơn trong hạn kỳ ngắn hơn. Tức là Việt Nam phải rà lại chính sách công trái, vì việc vay nợ của công quyền từ nay sẽ đắt hơn và khắt khe hơn.

Khi kết hợp hai chuyện là nợ xấu đã vay mà sẽ mất và các khoản vay mượn của nhà nước sẽ đắt hơn sau này, ta thấy ra một sự éo le. Trong giai đoạn quá lâu, được vay tiền quá dễ, nhà nước Việt Nam đã chẳng lo xa mà để doanh nghiệp của mình vay tiền bừa phứa và chất lên một núi nợ sẽ sụp đổ. Khi phải kiện toàn tài chính, cụ thể là lập ra công ty tung tiền chuộc nợ, thì ngân sách nhà nước lại bị giới hạn vì thâm hụt quá cao. Trong tương lai, nhà nước bị bội chi mà đi vay thì sẽ trả tiền lời nhiều hơn và nhu cầu vay mượn đó cũng khiến tư doanh khó vay hơn, phải trả lãi đắt hơn. Tức là nhà nước làm bậy mà đầu tư của tư nhân bị thiệt và kinh tế lại gặp chướng ngại.

Vũ Hoàng: Câu hỏi cuối cho đề tài hấp dẫn này, thưa ông, bản báo cáo vừa rồi của Ngân hàng Thế giới có lời khuyên gì cho Việt Nam ngay trong giai đoạn tới hay chăng?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Ngay năm nay, Việt Nam cần thuyết phục thị trường về quyết tâm sửa sai bằng cách đẩy mạnh việc cải cách doanh nghiệp nhà nước. Việc thiết thực là giải tư, tức là bán lại, những tài sản không thuộc khu vực chủ đạo then chốt của hệ thống kinh tế nhà nước, và cổ phần hoá, tức là tư nhân hóa, một số lớn các cơ sở quốc doanh. Song song, Việt Nam phải thanh toán núi nợ xấu của hệ thống ngân hàng dù rằng đấy là việc tốn kém và phức tạp.

Sau khi ca ngợi Việt Nam đã có chút ổn định vĩ mô, Ngân hàng Thế giới cho rằng những tiến bộ ấy vẫn còn bấp bênh và kinh tế xứ này còn gặp nhiều rủi ro. Rủi ro lớn nhất là giảm đà cải cách khiến kinh tế tăng trưởng chậm hơn, và gây thêm gánh nặng cho ngân sách trong trường kỳ.

Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc trao đổi này.

V - Trận địa tài chánh – Đánh nhau bằng tiền

Tổng Thống Mỹ Barack Obama và Tổng Thống Nga Vladimir Putin tại Hội nghị G20 ở Mexico, ảnh minh họa chụp tháng 6 năm 2012.AFP

Khi dư luận thế giới theo dõi biến chuyển vừa có tính cách an ninh, quân sự và ngoại giao giữa Liên bang Nga và các nước Tây phương về cục diện tại Ukraine, có một trận đấu khác đã diễn ra âm ỉ với những lẽ được thua ít ai nhìn thấy. Đó là trận địa tài chính. Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu quy quy luật lời lỗ và chìm nổi của trận đánh này qua phần phân tích của chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa. Xin quý vị theo dõi Vũ Hoàng đặt vấn đề như sau:

“Phóng tài hóa để thu nhân tâm”

Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, một số người cho rằng vụ khủng hoảng Ukraine có thể đã bùng nổ từ Tháng 12 năm ngoái khi Liên bang Nga cho Chính quyền của Tổng thống Viktor Yanukovych vay 15 tỷ đô la dưới hình thức mua trái phiếu và còn giảm giá dầu khí bán cho Urkaine đến 33%. Giải pháp tài chính đó mới khiến ông Yanukovych hủy bỏ việc ký kết Hiệp ước Thương mại và Hợp tác với Âu Châu làm dân chúng biểu tình phản đối, dẫn tới việc ông ta ra quyết định đàn áp nên mới bị Quốc hội truất phế. Từ đó, Tổng thống Vladimir Putin của Nga mới tung biện pháp uy hiếp Ukraine và thôn tính luôn bán đảo Crimea. Sau đấy, mâu thuẫn bùng nổ giữa Liên bang Nga và các nước Tây phương về số phận và nền độc lập của Ukraine, thể hiện qua những biện pháp trừng phạt tài chính của Tây phương, đứng đầu là Hoa Kỳ.

Thưa ông, nhắc lại bối cảnh, chúng tôi xin đề cập tới một loại võ khí ngầm ngầm là tiền bạc. Độc giả của chúng ta có thể muốn biết là ai được và ai thua trong trận đánh tài chính đó?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Nếu lịch sự thì ta dùng ngạn ngữ Á Đông là ông Putin muốn "phóng tài hóa để thu nhân tâm", hoặc nói cho phũ phàng là dùng tiền bạc lung lạc xứ khác, và tiền chỉ là phương tiện mà thôi. Vì thế, chúng ta cần tính điểm lời lỗ theo một tiêu chuẩn khác.

Tôi lấy ví dụ trong vụ Ukraine là khi biến động bùng nổ thì hôm 13 Tháng Giêng cựu Tổng trưởng Tài chính của Nga là Alexei Kudrin đã cảnh báo rằng nếu Ukraine không cải tổ kinh tế mà được vay như vậy từ một quỹ đầu tư của Nga thì quỹ này sẽ bị rủi ro mất tiền. Ngay hôm sau Bộ Tài Chính Nga thông báo quỹ đầu tư này bị lỗ 763 triệu đô la trong Tháng 12, còn quỹ An sinh thì lỗ mất hơn 660 triệu đô la. Ví dụ nói trên làm nổi lên ba chuyện.

Đầu tiên, giới chức Nga biết rõ sự bất trắc kinh tế và bất toàn tài chính của Ukraine dưới triều Yanukovych. Điển hình là sau khi ông ta đào thoát qua Nga thì chính quyền lâm thời tại Kyiv mới phát giác là trong bốn năm chấp chánh của ông ta, cỡ 70 tỷ đô la bị tẩu tán và công khố có 37 tỷ cho vay ra mà biến mất tiêu. Thứ hai, các định chế tài chính như Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF hay Ngân hàng Thế giới, hoặc các chính quyền hay ngân hàng thương mại Tây phương không thể cho một chế độ như vậy vay tiền mà phải đặt điều kiện sử dụng và hoàn trái rõ ràng. Thứ ba, vậy mà Putin vẫn tài trợ các nước này thì hiển nhiên là ông ta nhắm vào mục tiêu khác biệt với chuyện lời lãi. Kết luận ngắn gọn ở đây là Nga đưa ra các dự án cho vay với chủ đích tranh thủ các nước Đông Âu, và ở trong là các nước Trung Âu. Mục tiêu là chiến lược, tài chính chỉ là phương tiện.

Vũ Hoàng: Như vậy thì Ukraine không là ngoại lệ mà nằm trong trào lưu mua chuộc của Nga hay sao?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Cho đến khi vụ Ukraine bùng nổ, người ta mới thấy Liên bang Nga đã có chiến lược tung tiền tài trợ để lôi kéo các nước trong vùng biên vực. Nhìn từ Bắc xuống Nam, các nước như Belarus, Ukraine, Hungary, Serbia, Bulgaria, thậm chí cả Cyprus, đều được Nga cho vay với điều kiện ưu đãi mà bất kể rủi ro mất vốn.

Một tấm áp phích tại Sevastopol ngày 11 tháng 3 năm 2014 với hàng chữ - Ngày 16/3, chúng ta sẽ chọn một trong hai ... hay ... - miêu tả Crimea trong màu đỏ với một hình chữ vạn và được bao bọc trong dây thép gai (trái) và Crimea với các màu sắc của lá cờ Nga. AFP PHOTO.

Belarus là nước chư hầu giữ vị trí địa dư và chính trị then chốt giữa Liên bang Nga và các nước trong Minh ước NATO, từ vùng Baltic tới Ba Lan và Ukraine. Cuối năm ngoái, chính ông Putin công bố quyết định cho Belarus vay hai tỷ đô la trong kỳ hạn 10 năm. Cũng năm ngoái, Ukraine được hứa cho vay 15 tỷ và ba tỷ đã chi ra để mua trái phiếu cho tới khi Yanukovych bị lật. Một xứ dân chủ và e ngại Nga là Hungary còn được Putin o bế và ngày 14 Tháng Giêng vừa qua được vay tới định mức gần 14 tỷ trong 30 năm để nâng cấp nhà máy hạt nhân và giữ chân đứng của Nga trong khu vực năng lượng.

Thứ tư là xứ Serbia, dù muốn giữ thế hợp tác với cả Âu lẫn Nga, cũng được cho vay tỷ rưỡi kể từ đầu năm ngoái để tài trợ thiếu hụt ngân sách, canh tân hệ thống vận tải và thực hiện dự án lập ống dẫn khí ở mạn Nam, gọi là South Stream. Thứ năm là xứ Bulgaria, được chiếu cố để góp phần tiến hành dự án ống dẫn South Stream nhằm bán khí đốt vào thị trường Âu Châu qua ngả khác. Sau cùng, dù là xứ hải đảo rất nhỏ đang bị khủng hoảng, Cộng hoà Cyprus hay Síp như lối gọi của Việt Nam cũng được Nga tung tiền và giảm lãi suất đề nâng đỡ. Những thí dụ nói trên cho thấy Nga chẳng sợ lỗ mà cố dùng tiền tranh thủ các nước tiếp cận để xây dựng vùng trái độn cho mình.

Nghịch lý hai chiều

Vũ Hoàng: Nhưng thưa ông, một tỷ nơi này vài tỷ nơi kia thì cộng lại cũng là khoản tiến lớn. Mà kinh tế Nga đang bị suy trầm với tốc độ tăng trưởng năm qua chỉ có 13% và kỳ trước ông còn nói đến nguy cơ vỡ nợ của 63 địa phương Nga đã đi vay quá sức hoàn trả. Đã vậy, Ngân hàng Thế giới vừa cảnh báo hôm 26 rằng năm nay kinh tế Nga không có triển vọng sáng sủa và có thể gặp kịch bản họ gọi là "rủi ro cao" là kinh tế không tăng trưởng được tới 1,1% như dự báo mà còn sụt 1,8%. Trong hoàn cảnh đó thì ông Putin lấy tiền đâu ra để phóng tài hóa?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi thấy câu hỏi rất hay vì giúp ta lượng định rủi ro khi đôi bên, là Nga và các nước Tây phương, bước vào đấu lực về kinh tế tài chính với nhau vì vụ Ukraine. Trước hết, xin nhắc chuyện xưa để mình hiểu ra cách cân nhắc rủi ro của đôi bên.

Khi còn là sĩ quan tình báo, ông Putin đã chứng kiến sự sụp đổ của Liên bang Xô viết vào năm 1991 mà ông cho là "đại họa của thế kỷ". Bước vào vị trí cầm quyền từ năm 1999, ông ta khó quên gần 10 năm hỗn loạn của Liên bang Nga với tài sản quốc gia bị một thiểu số tẩu tán hoặc thu vét trong khi quốc gia vỡ nợ vào năm 1998 do hiệu ứng của khủng hoảng Đông Á. Vì vậy, khi lãnh đạo từ đầu năm 2000, ông Putin triệt để thâu tóm cả quyền lực lẫn tài chính vào trong tay chính quyền của mình.

Sau đó thì chính trị có ổn định, kinh tế khởi sắc nhờ năng lượng lên giá và nhờ hợp tác với các doanh nghiệp và ngân hàng Tây phương. Phải chăng Putin cho là có thể phản công để thu hồi ảnh hưởng đã mất từ thời Xô viết, như người ta đã thấy trong vụ khống chế Georgia năm 2008? Nhưng ngay sau đó lại có một vụ khủng hoảng khác do nạn Tổng suy trầm toàn cầu 2008-2009.

Số là năm 2009, hậu quả khủng hoảng tài chính bên Âu và Mỹ khiến sản lượng kinh tế Nga bị sụt 8%, là con số suy sụp nặng nhất trong các nền kinh tế lớn của thế giới. Trong có vài tuần, thị trường chứng khoán Nga mất toi ngàn tỷ đô la, doanh nghiệp, ngân hàng và cả nhà nước Nga đều điêu đứng. Đấy lại là lúc các ngân hàng Tây phương tháo chạy khỏi thị trường Nga và trở về đối phó với những khó khăn ở nhà. Hậu quả là một nghịch lý hai chiều rất đáng chú ý.

Vũ Hoàng: Ông vừa tóm lược một chuỗi biến động trong hai chục năm và nói đến một nghịch lý hai chiều, điều ấy có nghĩa là gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thứ nhất, sau khi Liên Xô tan rã, các nước Đông Âu được giải phóng và hội nhập với Âu Châu, họ phát huy kinh tế thị trường và xây dựng dân chủ. Các chính quyền và ngân hàng Tây phương  mở rộng hợp tác với Nga trong tinh thần lạc quan tương tự, là góp phần cải tạo kinh tế Nga, với quy cách làm ăn trong sáng minh bạch của khu vực tư doanh. Nhờ đó mà còn có thể kéo Nga theo trào lưu dân chủ và kinh tế thị trường. Thế rồi vụ khủng hoảng năm 2009 tại Nga và năm 2010 trong khối Euro là gáo nước lạnh xối thẳng vào lý tưởng đó. Chẳng những vậy, biến động Âu Châu còn khiến ông Putin nghĩ là đã có cơ hội tái diễn việc khuynh đảo Georgia trên một quy mô lớn gấp bội, là Ukraine. Đấy là một nghịch lý bất ngờ cho những ai nuôi ảo tưởng là cải tạo kinh tế sẽ dẫn tới cải cách chính trị cho dân chủ.

Nghịch lý kia là khi các ngân hàng Tây phương bị chấn động, các đại gia tài phiệt Nga bị mất vốn và cũng tháo chạy ra ngoài thì doanh nghiệp Nga trông cậy vào đâu? Câu trả lời là vào nhà nước. Tức là khủng hoảng và tổng suy trầm tại các nước Tây phương dẫn tới hậu quả ngược ở tại Nga, là càng lánh xa kinh tế thị trường và càng củng cố chế độ tập quyền, của nhà nước, tập đoàn kinh tế và ngân hàng của nhà nước. Khi ấy, ta hiểu vì sao mà trung ương nắm chặt ngân sách và để các địa phương mắc nợ ngập đầu. Khi tập trung phương tiện như vậy rồi thì ông Putin cho là có thể tung tiền hoặc đưa các tập đoàn kinh tề nhà nước như Gasprom nhằm lung lạc xứ khác.

Kết luận lý thú ở đây là hai phe đều muốn tác động bằng quyền lực là tiền bạc.

Vũ Hoàng: Khi đó ta trở lại chuyện cơ bản là đôi bên đang đánh trận tài chính như thế nào?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Bước đầu, các nước Tây phương đánh vào túi tiền của tài phiệt Nga để làm suy yếu hệ thống chính trị của Putin. Nếu đôi bên cùng leo thang thì tác dụng mạnh nhất sẽ là làm kinh tế Nga không chỉ suy trầm mà còn suy thoái. Tức là không tăng trưởng chậm hơn mà còn sụt đà tăng trưởng theo số âm. Trong khi đó, kinh tế Nga vốn đã suy yếu sẽ chẳng cầm cự được lâu. Việc tung tiền mua chuộc các nước trong vùng biên vực như chúng ta phân tích ở trên sẽ khó tái diễn. Ngược lại, Nga sẽ hết tiền đầu tư để hiện đại hóa kinh tế, dù là theo định hướng của nhà nước Putin, mà còn bị khủng hoảng ngân sách như đã từng bị năm 2009. Nếu năng lượng lại sụt giá nữa thì tình hình còn bi đát hơn nhiều.

Để kết luận, tôi trộm nghĩ là trong 14 năm cầm quyền vừa qua, chưa khi nào ông Putin có cái thế mạnh như hiện nay, nhưng cái lực lại tiêu hao dần cho tới khi kinh tế khủng hoảng làm hệ thống chính trị bị lung lay. Vì lẽ ấy mà mình rất nên theo dõi trận địa tài chính đầy hấp dẫn này.

Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc phỏng vấn này.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét