Thứ Hai, 7 tháng 4, 2014

TÍN HIỆU ĐÁNG MỪNG

Tương Lai


 Những gì phải đến rồi cũng đã đến : Tới đây, tại Trường Sa Lớn sẽ tổ chức lễ cầu siêu các anh hùng liệt sĩ quân đội nhân dân Việt Nam, các binh sĩ Việt Nam cộng hòa đã tử trận để bảo vệ Hoàng Sa và các thuyền nhân tử nạn. Lễ cầu siêu sẽ được tổ chức nhân dịp đoàn kiều bào ra thăm Trường Sa trong tháng 4-2014. Đây là tin được Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài chính thức đưa ra tại cuộc họp báo chiều 3-4 tại Hà Nội. Báo Tuổi Trẻ đưa tin trang trọng : Chủ trì lễ cầu siêu này tổ chức chính là Ủy ban về người VN ở nước ngoài, phối hợp với Trung ương Giáo hội Phật giáo VN, Ban Tôn giáo Chính phủ. Có sáu tôn giáo bao gồm : Phật giáo, Phật giáo Hòa Hảo, Cao Đài, Tin Lành, Thiên Chúa giáo và Hồi giáo tham gia. Các tôn giáo đều được hành lễ theo nghi thức của tôn giáo mình.
Theo ông Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài thì đại lễ cầu siêu nghi thức Phật giáo lần này sẽ dành cho “các anh hùng liệt sĩ, những người con ưu tú của các triều đại trước đây đã bảo vệ biển Đông, bạn bè quốc tế qua lại trên biển Đông, đồng bào của chúng ta đã thiệt mạng”. Ông cho biết một đoàn đại biểu kiều bào, trong đó có những doanh nhân đang thực hiện dự án tại Việt Nam và cả những người mới về Việt Nam lần đầu, sẽ tham dự lễ Giỗ Tổ Hùng Vương trong tháng 4. Chương trình Cầu truyền hình Điện Biên - Hà Nội - Trường Sa với chủ đề “Ký ức hào hùng - Chủ quyền vững chắc” sẽ được tổ chức vào ngày 3/5 tới.
Báo Tuổi Trẻ ra ngày 5.4.2014 giật cái tít to đậm ngay đầu trang nhất :"Lấy chân thành xóa hố sâu thù hận". Báo Tiền Phong ra ngày 4.4.2014 có dòng chữ đầy phấn khích : "Ngày hòa giải dân tộc không còn lâu". Càng được khích lệ hơn, đáng ngạc nhiên hơn khi lâu lắm mới được nghe từ một quan chức gánh trọng trách trong quan hệ với bà con Việt Nam ta đang sinh sống ở nước ngoài, người đã từng có những phát ngôn dại dột mà một nhân viên ngoại giao tập sự cũng không được phạm phải để gây nên một đợt sóng phẫn nộ trong công luận, nay lại nói được một câu thấm thía nghĩa tình và đầy sức thuyết phục :"Hố sâu hận thù sẽ ngăn cách mãi nếu không có những giải pháp đột phá, nếu không có những con người tiên phong dám ngồi lại với nhau, không có những cầu nối chân thành"!
Thì ra, ý chí của nhân dân, sức quật cường của truyền thống dân tộc là động lực lớn lao tạo nên lực đẩy đưa đến những chuyển đổi tạo ra những đột biến khó có thể tiên đoán được hết. Còn nhớ, chỉ cách đây có 3 năm thôi, năm 2011, nói như ông Chủ nhiệm Ủy ban NN về người VN ở nước ngoài "có những con người dám ngồi lại với nhau" tại Câu lạc bộ Phao lồ Nguyễn Văn Bình tại tp HCM nhân ngày 27 tháng 7 để tưởng niệm đồng bào chiến sĩ hi sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, phía Tây nam và ở Hoàng Sa, Trường Sa trong sự chăm chú theo dõi và canh phòng nghiêm ngặt của lực lượng an ninh, thì hôm nay, những người ấy " theo cách nói trên, liệu có phải "những con người tiên phong" không nhỉ?
Nhưng tiên phong cho cái gì? Phải chăng là tiên phong vượt qua nỗi sợ hãi trước bạo quyền để tự nguyện trở thành "những cầu nối chân thành" nhằm bắc qua cái "hố sâu hận thù sẽ ngăn cách mãi" sự hồi sinh và phát triển của đất nước sau ngót nửa thế kỷ chiến tranh.
Thật ra thì cái khát vọng lấp "hố sâu hận thù" đã ấp ủ trong tâm thức người Việt từ những bài học lịch sử của những cuộc nội chiến tương tàn, nồi da xáo thịt mà tiêu biểu nhất có lẽ là hình tượng con sông Gianh ở Quảng Bình. Thế hệ những người thưộc lòng bài thơ "Hận Sông Gianh" chắc vẫn chưa nguôi hẳn quằn quại nỗi đau : "Đây giòng sông, giòng máu Việt còn loang. Đây Cổ độ, xương tàn xưa chất đống. Sông còn đây hận phân chia nòi giống. Máu còn đây cơn ác mộng tương tàn...".
Con sông Gianh chứng kiến 7 cuộc chiên tranh Trịnh-Nguyễn từ 1627 đến 1672 là chứng tích đau thương mà mãi đến nửa đầu thế kỷ XX thế hệ người Việt buổi ấy vẫn hát bài Hờn Sông Gianh của Lưu Hữu Phước để nghĩ về số phận dân tộc : "Ôi sông Gianh ! Hồn mi than khóc ? Lòng mi đau đớn ? Dòng mi căm hờn. Vì đâu bao năm nam bắc tranh hùng bạo tàn.... Ôi sông Gianh? lòng mi tủi chăng? Hồn mi hổ chăng ? dạ có buồn chăng" nhằm nung nấu khát vọng "non nước hết chia phôi ".
Và nếu nói đến tư tưởng "tiên phong" đích thực trong ý chí hòa giải và hòa hợp dân tộc phải chăng cần nhớ về ý tưởng của Võ Văn Kiệt : "Hòa hiếu, "khoan dung" là những truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam...muốn để mọi người Việt Nam cùng chung tay hàn gắn, chung tay tạo dựng, thì chúng ta phải thực tâm khoan dung và hòa hợp... Lịch sử đã đặt nhiều gia đình người dân miền Nam rơi vào hoàn cảnh có người thân vừa ở phía bên này, vừa ở phía bên kia, ngay cả họ hàng tôi cũng như vậy. Vì thế, một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là một vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu". Sau 30.4, khi đồng chí Lê Duẩn vào Sài Gòn, vừa xuống thang máy bay, đồng chí nắm tay đưa cao lên, giọng đầy cảm xúc nói :" Đây là thắng lợi của cả dân tộc, không phải của riêng ai". Sau ba mươi năm, tôi thấy không phải dễ dàng làm cho mọi người Việt Nam cảm nhận được điều đó...."
Quả đúng như thế. Chính ông, người đi tiên phong trong sứ mệnh hòa giải và hòa hợp dân tộc đã phải gánh chịu những áp lực ghê gớm.Thì chẳng phải là bài báo viết vào tháng 3.2005 chứa đựng những ý tưởng "tiên phong" ấy đã bị gỡ bỏ khi đã lên khuôn! Lực cản của giáo điều và bảo thủ, cái thành lũy cứ tưởng đã quá rệu rã nhưng được tập quán thần thành hóa vẫn còn có lực tàn phá hết sức nặng nề sức vươn lên của cuộc sống. Thế nhưng cuộc sống đã tự mở đường đi tới cho chính nó. Và những tin mừng chúng ta vừa có mấy hôm nay là minh chứng cho điều ấy.
Điều thú vị hơn nữa, ngày 5.4.2014, bà con ta ở Pháp, do không phải chịu trong vòng cương tỏa, đã đi trước một bước khi tổ chức Đại lễ Cầu siêu Tưởng niệm tri ân ba ngày lễ lớn : 19.1.1974, 17.2.1979, 14.3.1988 tại Phật đường Khuông Việt [Orsay]. Tại đây, giáo sư Cao Huy Thuần xúc động phát biểu : "Vô cùng hân hoan, chúng tôi được nghe loan báo một buổi lễ cầu siêu sẽ được tổ chức tại Trường Sa, trong tinh thần mà chúng ta đã sửa soạn, đã công bố trên mạng, và đang thực hiện ngày hôm nay. Bên nhà tiếp nối chúng ta, mong sẽ còn những bước tiếp nối nữa để xiển dương tinh thần mà chúng ta đã khơi dậy".
Đi xa hơn thế, nhà trí thức yêu nước ấy, đạị diện cho ước vọng của những người Việt Nam ở xa quê hương luôn nặng lòng vì đất nước đã đưa ra sáng kiến : "trước anh linh của các chiến sĩ đã bỏ mình vì nước, chúng tôi mong mỏi điều này, mà chắc chắn toàn dân ai cũng mong: hãy thành lập một Bộ mới mang tên là Bộ Dân chủ hóa và Hòa hợp dân tộc. Đây chính là một trang sử mới sẽ mở ra. Được như thế thì người chết sẽ hả dạ. Được như thế thì uất ức sẽ tan. Được như thế thì quốc nhục sẽ đưa đến quật cường". Đúng là một suy nghĩ táo bạo của những người đang sống ở Paris!
Để kết thúc bài báo viết vội xin dừng lại với dư âm của đêm nhạc Trịnh Công Sơn vừa diễn ra tối hôm qua : "Ta đã thấy gì trong đêm nay. Bàn tay muôn vạn bàn tay". Gần ba chục ngàn người cùng hân hoan đón nhận những giai điệu và ca từ trong những "Ca khúc Da vàng" vừa được "cấp phép" biểu diễn! Phải hơn ba thập kỷ chờ đợi, đến hôm nay những người nghệ sĩ mới được trải lòng mình trong những ca khúc họ yêu thích và thuộc nằm lòng để "được phép" biểu diễn trước công chúng về những "Giọt nước mắt thương đất, đất cằn cỗi bao năm. Giọt nước mắt thương dân. Dân mình phận long đong".
Phải bằng ngần ấy thời gian, phải đợi đến 13 năm sau "tiễn đưa anh trong một ngày buồn, đất ôm anh đưa về cội nguồn" công chúng Sài Gòn gồm gần ba chục ngàn người mới "được phép" hồ hởi nắm tay nhau để cùng xúc động về "Một buổi chiều trên quê hương tôi. Ước bao  nhiêu điều đã trôi qua" để cùng nhau " Mừng hôm nay xóa hết căm hờn. Mượn phù sa đắp trên điêu tàn. Lòng nhân ái lên nụ hồng" mà người nhạc sĩ thiên tài của họ từng thiết tha. Phải chăng vì người ta sợ chuyện "ta xây lại tự do", "ta xây lại tình thương" mà Trịnh đã ấp ủ trong những ngày " Mẹ nhìn quê hương nghe con mình buồn giọt lệ ăn năn" nên chỉ cấp phép nhỏ giọt! Chao ôi, phải cấp phép cho "tự do", phải cấp phép cho "tình thương" mà không hiểu được rằng những "giọt lệ ăn năn" kia chính là "giọt lệ trong tim, chảy lai láng vào hồn" vừa được "cấp phép" có thể tràn thành cơn lũ cuốn phăng những tị hiềm và thù hận.

Chừng nào mà cái não trạng "cấp phép" cho tư duy, cấp phép cho cảm xúc của con người, cấp phép cho sáng tạo nghệ thuật vẫn còn ngạo nghễ thao túng cuộc sống con người thì cái rào cản về nhân ái và khoan dung vẫn còn ngự trị trong đời sống đất nước, sứ mệnh hòa giải và hòa hợp dân tộc vẫn còn ì ạch cam go cho dù đã có những tín hiệu đáng mừng.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét